MAHATMA GANDHI (1869 - 1948)
Đầu năm 1958, khi tới thăm Cộng hòa Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới đặt vòng hoa ở cây đại, nơi tưởng niệm Mahatma Gandhi (Mahatma Ganđi) và bày tỏ lòng kính phục sâu sắc của nhân dân Việt Nam tới một ''con người đã nêu cao đạo đức yêu nước, khắc khổ, nhẫn nại, suốt đời hy sinh cho Tổ quốc cho Nhân dân, cho Hòa bình”.
Môhanđát Caramgianđo Ganđi hay Mahatma (nghĩa là ''tâm hồn vĩ đại) mà nhân dân Ấn Độ kính trọng gọi ông, là lãnh tụ vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ, một chiến sĩ tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc trong thế kỷ XX. Sự nghiệp của ông, tên tuổi của ông gắn liền với một thời đại mới của lịch sử Ấn Độ - thời đại hình thành Quốc gia Ấn Độ hiện đại. Hình ảnh của ông là một bộ phận của ý thức và đời sống chính trị - văn hóa của Ấn Độ hôm nay. Cho đến nay, tư tưởng của M.Gandhi hay chủ nghĩa Gandhi vẫn còn là cơ sở quan trọng cho nhiều đường lối chính trị của Cộng hòa Ấn Độ.
M. Gandhi sinh ngày 2 tháng Mười năm 1869 trong một gia đình quan chức quyền quý thuộc Công quốc Poócbanđác. Cha ông từng là Bộ trưởng của nhiều Công quốc thuộc Bán đảo Gothbiavac. Ông du học ở Anh và đã tốt nghiệp luật khoa. Từ năm 1891 đến 1893, ông về nước và làm nghề luật ở Bombay. Sau đó, từ năm 1893 đến 1914, ông làm tư vấn pháp luật cho một hãng buôn Ấn Độ ở Nam Phi. Trong những năm tháng ở Nam Phi, M. Gandhi đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tệ phân biệt chủng tộc và sự chèn ép người Ấn. Cũng vào những năm tháng ở Nam Phi này, đã hình thành ra tư tưởng ''đề kháng bất bạo động" nổi tiếng của M.Gandhi.
Tháng Giêng năm 1915, M. Gandhi trở về Ấn Độ và bắt đầu có những tiếp xúc với Đảng Quốc Đại. Vài năm sau, vào năm 1919, ông gia nhập Đảng Quốc Đại và trở thành một trong những người lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng. Từ thời điểm đó cho đến cuối đời M. Gandhi là linh hồn và lãnh tụ tối cao của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Ấn Độ. Với sự lãnh đạo của M.Gandhi, Đảng Quốc Đại trở thành một đảng chính trị lớn được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân Ấn Độ.
Từ sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, ở Ấn Độ, đã liên tục bùng lên những cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống lại thực dân Anh. Để phản kháng đạo luật khủng bố Rônlét mà thực dân Anh áp dụng ở Ấn Độ ngay sau Đại chiến thế giới thứ I, đông đảo dân chúng Ấn Độ đã đoàn kết xung quanh M. Gandhi, “một vị Thánh trong số các chính khách và là một chính khách trong các vị Thánh”. Đảng Quốc Đại và M.Gandhi đã phát động phong trào đề kháng bất bạo động, kêu gọi nhân dân cự tuyệt mọi sự hợp tác với chính quyền thực dân Anh. Trong những năm khủng hoảng kinh tế (1929 - 1933), phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ lại dâng cao, và M. Gandhi đã đại diện cho Đảng Quốc Đại đấu tranh chính trị với thực dân Anh trong cuộc ''Hội nghị bàn tròn'' tại London. Mặc dầu cuộc “Hội nghị bàn tròn” không đi đến kết quả gì, nhưng những cuộc đấu tranh dưới hình thức bất hợp tác và những cuộc biểu tình thị uy, đặc biệt là ''cuộc đi bộ đòi muối'' năm 1930 do M.Gandhi phát động, đã lôi cuốn được đông đảo dân chúng Ấn Độ tham gia. Trong thời gian chiến tranh thế giới lần Thứ hai, M. Gandhi cùng G.Nêru đã phát động một phong trào đấu tranh rộng lớn ở Ấn Độ chống thực dân Anh với khẩu hiệu “Bọn thực dân hãy rút khỏi Ấn Độ! Chúng ta hãy hành động hay là chết''. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, M. Gandhi và G. Nehru lại tiến hành đấu tranh chính trị với thực dân Anh trong những cuộc thương thuyết Anh - Ấn kéo dài (1945 - 1946). Trước ý chí kiên quyết của nhân dân Ấn, ngày 15 tháng Tám 1947, thực dân Anh buộc phải trao trả độc lập cho Ấn Độ.
Hoảng sợ trước uy tín lớn lao của M. Gandhi trong nhân dân Ấn Độ, thực dân Anh đã nhiều lần bắt giam ông. M. Gandhi đã bị bắt giam vào những năm 1922-1924, 1930-1931, 1942-1944: Trong nhà tù của thực dân, M. Gandhi nhiều lần tuyên bố tuyệt thực để phản đối sự thống trị hà khắc của thực dân Anh ở Ấn Độ.
Ngày 30 tháng Giêng 1948, lãnh tụ nổi tiếng của nhân dân Ấn Độ M. Gandht đã bị bọn phản động cuồng tín ám sát. M. Gandhi mất đi là một tổn thất vô cùng lớn lao cho toàn thể nhân dân Ấn Độ. Nhưng hình ảnh của ông, tư tưởng của ông sống mãi trong lòng người dân Ấn Độ như một “tâm hồn vĩ đại”.