Tài liệu: Franklin D.Roosevelt (1882 - 1945) tổng thống đặc biệt nhất trong lịch sử Hoa Kỳ - 4 nhiệm kỳ tổng thống

Tài liệu
Franklin D.Roosevelt (1882 - 1945) tổng thống đặc biệt nhất trong lịch sử Hoa Kỳ - 4 nhiệm kỳ tổng thống

Nội dung

FRANKLIN D.ROOSEVELT (1882 - 1945)

TỔNG THỐNG ĐẶC BIỆT NHẤT TRONG LỊCH SỬ HOA KỲ

- BỐN NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG

 

Ông được đặt tên theo tên của một người ông họ. Franklin Hughes Delano. Cha ông muốn đặt tên cho con là Isaac (Isắc) nhưng mẹ ông phản đối. Mẹ ông muốn đặt tên ông là Warren Delano (Oaren Đilơnô), nhưng anh của bà đã mất người con mang cái tên ấy, nên với lòng thương tiếc con, ông đã khuyên bà chọn tên khác. Vì không quyết định được tên, nên sau bảy tuần cậu bé mới được đặt tên.

a. Thời thơ ấu, con người, tính cách và sở thích

Franklin D. Roosevelt sinh ngày 30-1-1882 ở Hyde Park. Lúc mới sinh ra cậu bé nặng 4,5 kg. Người mẹ đã hút chết sau lần sinh nở cậu. Và bản thân cậu, Bác sĩ phải làm hô hấp nhân tạo, mới cất được tiếng khóc chào đời. Khi trưởng thành Roosevelt cao đến 2,08 mét và khi lên làm Tổng thống thì nặng 81kg. Ông rất đẹp trai, gầy và có dáng thể thao như một thanh niên. Mắt ông màu xanh và khi đã có tuổi thì có quầng mắt ở dưới. Ông có mái tóc sẫm màu lượn sóng và một chiếc cằm rất cương nghị. Ông bị cận thị và năm 18 tuổi thì phải đeo kính. Ông bị viêm tủy xám năm 1921. Sau một ngày chèo thuyền và câu cá với các cộng sự ở Đảo Campobello, Rooseveit đã giúp vài người dân địa phương dập một đám cháy rừng rồi lại lặn trong nước lạnh ở Vịnh Fundy (Phănđai). Ông đi bộ hàng dặm để về nhà, khi về đến nhà, vẫn mặc nguyên quần áo ướt và lại còn xem xét thư từ của mình. Đêm đó, ông đã bị cảm lạnh. Hai ngày sau thì ông không thể cử động được chân. Bác sĩ W.W.Keen (Kin người đã tham gia vào cuộc phẫu thuật ung thư cho Tổng thống Grover Cleveland năm 1893) ở Philadelphia đã chẩn đoán ông bị một loại bại liệt tạm thời nào đó. Bác sĩ Robert S. Lovett (Rôbớt S.Lôvét) ở Boston đã nhận ra những dấu hiệu của bệnh viêm tủy xám. Nhờ tập luyện một cách nghiêm khắc, cuối cùng Roosevelt cũng bám vào thanh đỡ đứng dậy được và còn đi lại bằng nạng hoặc bằng gậy ở trong nước sâu, ông có thể đứng mà không cần nạng. Nếu không kể đến bệnh viêm tủy xám và viêm xoang kinh niên, Roosevelt là người khỏe mạnh. Mặc dù chân ông bị teo nhưng nửa trên của cơ thể ông rất vạm vỡ.

Roosevelt là một người sôi nổi, hấp dẫn, đầy sức thuyết phục. Ông thích giao du và có sự hứng thú với mọi người cũng như trước các vấn đề của họ. Đối với một số người, ông có vẻ là người khinh khỉnh, bất cần như một thanh niên trẻ. Thói quen ngửa đầu ra đằng sau và nhìn xuống người khác qua chiếc kính kẹp mũi của ông lại càng làm nổi thêm cái ấn tượng ban đầu ấy. Theo lời vợ ông, việc ông bị liệt làm cho ông thêm nhạy cảm trước những thái độ, tình cảm của người khác. Song, ông lại không hề nhạy cảm về những trở ngại, những điều bất lợi cho ông. Mỗi lần công chúng băn khoăn lo lắng khi ông được đưa ra ngồi vào xe ô tô hoặc khi ông vất vả xoay xở với chiếc nạng, ông thường làm cho không khí bớt căng thẳng bằng cách pha trò hoặc có khi cứ nói chuyện như không có gì đặc biệt xảy ra cả. Làm Tổng thống trong 12 năm, đó là những năm khó khăn nhất trong lịch sử nước Mỹ, Roosevelt đã làm việc tốt. Và quả là phi thường dưới nhiều sức ép. Người viết tiểu sử ông là James Mac Gregor Burns (Giêmxơmắc Gờregơ Bơn) bình luận: ''Sự điềm tĩnh trước những sức ép căng thẳng của ông thật đáng khâm phục. Lý do của sự điềm tĩnh ấy chính là vì ông hoàn toàn tin tưởng và luôn cảm thấy thanh thản về giá trị và tầm quan trọng của những việc ông làm”. Một điều mà mọi người, kể cả những người ngưỡng mộ ông, thường hay phàn nàn là tính không thành thật của ông. Bộ trưởng nội vụ Harold Ickes (Harôn Íchki) nói rằng ông không bao giờ nói chuyện hoàn toàn thẳng thắn ngay cả với những người ủng hộ ông một cách trung thành nhất.

Franklin D. Roosevelt là người rất thích bơi lội, chèo thuyền, câu cá và chơi bài. Đặc biệt, ông rất thích chơi tem; vào năm 1930, ông có một bộ sưu tập lớn (tới 40 tập) với 25.000 con tem.

b - Học vấn

Roosevelt học những môn cơ bản từ nhiều gia sư khác nhau. Người có ảnh hưởng lớn nhất đối với cậu là Mile Jean Sandoz, một người Thụy Sĩ. Cậu chỉ đến học ở một trường công duy nhất ở Bad Nauheim (Bét Nôhêim), Đức. Năm 1891, Franklin đã học ở đó sáu tuần khi cậu ra nước ngoài cùng cha mẹ. Cậu nói thạo tiếng Pháp và Đức. Cậu rất thích các giờ học khiêu vũ nhưng lại ghét cay ghét đắng các giờ học vẽ và học đàn Piano. Ở trường Groton, từ năm 1896-1900, cậu học ở mức trên trung bình, còn xa mới là một sinh viên xuất sắc. Thường cậu chỉ đạt mức 75-80 điểm. Trong số những người thầy của Roosevelt thì thầy hiệu trưởng Endicott Peabody (Enđicot Pibođi) là người mà cậu chịu ơn nhiều và đó cũng là người đã ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của cậu.

Từ năm 1900-1904 học ở trường Harvard, Roosevelt là một học sinh trung bình, chuyên về lịch sử chính trị và Nhà nước. Nói chung, các giờ học làm anh chẳng hứng thú nhưng anh vẫn đến trường đều đặn. Anh cũng đã nhập hội với các sinh viên khác trong một lần bỏ một buổi giảng của một Giáo sư cận thị bằng cách trèo qua cửa sổ ra phía sau của lớp học. Về sau, Roosevelt đã so sánh việc học tập của ông ở Harvard như một bóng đèn điện không có dây. Về hoạt động ngoại khóa, Roosevelt là đội trưởng đội ba trong Câu lạc bộ chèo thuyền Newell, là thư ký Câu lạc bộ Glee, là nhân viên thư viện của câu lạc bộ Alpha Delta Phi (Anpha Đenta Phi), Fly Club và Câu lạc bộ Hasty Pudding (Hátxti Pútđinh), Chủ tịch thường trực của ủy ban các lớp, và là thành viên của ủy ban thư viện của Hiệp hội Haward (Haward Union). Một điều thất vọng lớn của Roosevett lúc đó là không được vào đội bóng đá (vì quá nhẹ cân) và không được vào Câu lạc bộ Porcellian, một câu lạc bộ nổi tiếng. Rồi một hoạt động ngoại khóa khác mà Roosevelt rất ưa thích là làm Tổng biên tập tờ Crimson (Cờrimson) của trường Harvard. Đáng lẽ ra Roosevelt tốt nghiệp năm 1903, nhưng ông đã tiếp tục học thêm một năm chỉ để làm việc tiếp với tờ Crimson, công việc mà về sau ông kể lại là rất có ích cho những hoạt động xã hội của ông sau này. Năm ấy, ông đã học khóa tốt nghiệp về lịch sử và kinh tế nhưng không đạt bằng cử nhân. Năm 1900, Roosevelt gia nhập Câu lạc bộ Cộng hòa Harvard (Republican Club) và đã tham gia vào một cuộc rước đuốc ở Boston để ủng hộ cho McKinley.

Từ năm 1904-1907, Roosevelt học ở trường luật Columbia và vẫn là một học sinh trung bình. Ông trượt hai môn - môn giao kèo cũng như môn biện hộ và thực tập. Ông đã bị rớt trong kỳ kiểm tra để trở thành luật sư năm 1907, vì thế, ông không tốt nghiệp được trường luật. Mặc dù coi mình là một đảng viên Đảng Dân chủ, ông bỏ lá phiếu đầu tiên của mình năm 1904 cho một đảng viên Đảng Cộng hòa, một người họ hàng là Theodore Roosevelt, vì ông cho rằng mình là đảng viên Đảng Dân chủ ưu tú hơn cả ứng cử viên ấy của Đảng Dân chủ.

c - Gia tộc và nguồn gốc gia đình

Roosevelt có nguồn gốc huyết thống Hà Lan và Pháp, có dấu tích của dòng máu Thụy Điển, Phần Lan và Anh. Người đầu tiên đằng họ nội di cư từ Hà Lan ra đi là cụ năm đời của ông. Claes Maertenslen Van Roosevelt (Cờle Maiơchenden Van Radenven) cũng là cụ tổ nhập cư vào Mỹ của Theodore Roosevelt, một người nông dân đến định cư ở New Netherla nd vào khoảng năm 1644. Cụ bốn đời Nicholas Roosevelt (Nicôlaz Rudơven) của ông là một ủy viên Hội đồng thành phố New York từ 1698-1701. Cụ ba đời của ông, Isaac Roosevelt (Ixắc Rudơven), “người rất yêu nước”, xuất thân từ một người làm nghề lọc đường và có tham gia trong cuộc Cách mạng Mỹ; cụ đã góp phần vào việc dự thảo Hiến pháp đầu tiên của New York. Là một người chủ trương lập chế độ Liên bang theo Hamilton sau chiến tranh, cụ đã dự Đại hội Liên bang để bỏ phiếu thông qua Hiến pháp Hoa Kỳ và về sau làm việc trong Thượng Nghị viện Bang New York. Cụ của ông, James Roosevelt (1706-1847), cũng là một người tích cực chủ trương lập chế độ Liên bang. Cụ làm việc trong Hội đồng lập pháp Bang New York. Cụ tổ nhập cư vào Mỹ đằng họ ngoại là Philipe de là Noye (Philíp đờ la Nôê, những thế hệ sau đổi thành Delano), một người gốc Pháp ở Hà Lan. Cụ nhập cư vào Plymouth năm 1621.

* Cha là ông James Roosevelt (Giêmxơ Rudơven); (1828-1900), một luật sư, và là nhà tài chính. Ông người gốc ở Hyde Park, Bang New York, ông học ở trường Đại học Tổng hợp New York, và năm 1847 ông tốt nghiệp trường Đại học Union ở Schenectady (Xtrinictơđi). Trong thời gian từ 1847 - 1849, ông đi khắp châu Âu khi đó đang sục sôi trong cách mạng. Khi đang thực hiện một chuyến đi bộ ở Italia, ông đã đi nhờ xe trong một tháng với đội quân áo đỏ của Garibaldi (Garibaldi). Trở về Hoa Kỳ, ông tốt nghiệp trường luật Harvard và làm nghề luật ở thành phố New York một thời gian, nhưng gần như cả đời ông làm một điền chủ nông thôn ở Hyde Park, đồng thời, thỉnh thoảng cũng thử sức trong lĩnh vực tài chính. Ông là người sáng lập và là Giám đốc Công ty Than thống nhất, là Chủ tịch Công ty bảo hiểm đường sắt miền Nam, Giám đốc Công ty Đường Delaware và Hudson. Ông đã chịu thua lỗ khá nặng nề trong thời kỳ hỗn loạn năm 1873 và năm 1893, nhưng vẫn còn dư dật về tài chính. Ông vẫn giữ được toa xe lửa của riêng ông và thường tỏ ý khinh bỉ những kẻ mới phất. Đã có lần ông khước từ lời mời cùng bữa trưa với gia đình Vanderbiolts (Vanđơbin) chỉ vì sợ rằng sẽ phải mời họ tới nhà mình. Về tư tưởng chính trị, ông là một đảng viên Đảng Dân chủ bảo thủ. Ông kết hôn với Rebecca Howdland (Rêbêcca Hâulân) năm 1853, bà qua đời năm 1876. Sau đó, ông cưới cô em con chú họ Sara Đelano (Xara Đilơnô), mẹ của Tổng thống Roosevelt vào năm 1880. Ông mất vì bệnh tim vào lúc 72 tuổi khi cậu con trai Roosevelt đang là sinh viên năm thứ nhất ở trường Harvard.

* Mẹ là bà Sara ''Sallie'' Delano Roosevelt (1854-1941). Bà sinh gần Newburgh (Niubớc), New York, là con gái của một nhà buôn giàu lên nhờ buôn bán với Trung Quốc. Bà đi nước ngoài khá nhiều trước khi lấy James Roosevelt, một người đàn ông góa vợ đáng tuổi cha Sara. Sau khi chồng bà mất năm 1900, bà Roosevelt tập trung toàn bộ tâm lực cho cậu con trai Roosevelt. Bà phản đối quyết định bước vào chính trường của con trai và bà lại khuyến khích cậu trở thành một điền chủ ở nông thôn như cha cậu. Sau khi Roosevelt bị liệt, bà lại một lần nữa kêu gọi con hãy rút lui để nghỉ ngơi thoải mái ở Hyde Park. Là một phụ nữ có ý chí rất mạnh mẽ, bà điều khiển hoàn toàn cô con dâu Eleanor Roosevelt (IIino Rudơven) trong những năm họ mới cưới nhau. Bà mất lúc 86 tuổi khi Roosevett đang ở nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba. Bà qua đời, để lại cho Roosevelt được thừa kế 920.000 đô la.

* Anh chị em

Roosevelt có một người anh trai cùng cha khác mẹ, con của người vợ trước của cha ông. Đó là James Roosevelt ''Rosy'' Roosevelt, người đã làm Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Vienna (Viên) dưới chính quyền nhiệm kỳ đầu của Grover Cleveland và làm Đại sứ Mỹ tại London trong nhiệm kỳ thứ hai của Cleveland. Franklin là con trai duy nhất của mẹ ông.

* Họ hàng xa

Roosevelt là cháu họ bốn đời của Tổng thống Ulysmes S.Grant cháu họ ba đời của Tổng thống Zachary Taylor, cháu họ của Tổng thống Theodore Roosevelt và là họ năm đời của vợ ông là Eleanor Rooseyelt, cháu gọi bằng chú của Winston Churchchill.

* Con

Roosevelt có một con gái và bốn con trai.

Anna Eleanor Roosevelt (Anna IIino Rudơven 1906-1975) nhà báo, nhân viên quan hệ công chúng: sinh ra ở thành phố New York; cô vào học trường Đại học Tổng hợp Cornell năm 1925, là người biên tập trang báo về phụ nữ cho tờ Seattle Post Intelligencer, từ 1936-1943 và là thư ký riêng cho bố cô từ 1943 - 1945. Cũng trong thời gian đó, cô đi cùng cha tới dự Hội nghị Alta và cùng với mẹ chủ trì một chương trình phát thanh năm 1948. Từ năm 1952, Anna E. Roosevelt làm nhân viên quan hệ với công chúng cho các bệnh viện ở nhiều thành phố khác nhau trên đất Mỹ. Từ năm 1958-1960, bà góp sức để lập một trường học về y ở Iran.

James Roosevelt (1907-1991), doanh nhân, Nghị sĩ, nhà văn: sinh ra ở thành phố New York, ông học trường Đại học Harvard từ 1926-1930 nhưng không tốt nghiệp. Ông là một chuyên viên về bảo hiểm, đến năm 1937 thì trở thành thư ký cho cha ở Nhà Trắng. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông phục vụ trong lực lượng thủy quân, thăng chức từ Đại úy thành Đại tá. Ông được tặng thưởng huy chương vì đã cứu sống các lính thủy bị lật thuyền khi rút khỏi Đảo Makin. Sau chiến tranh, James Roosevelt sống ở California, nơi ông đã là ứng cử viên chức Thống đốc bang không thành công của Đảng Dân chủ năm 1950. Từ 1955-1966, được bầu vào Hạ Nghị viện Hoa Kỳ. Ông lên chức rất nhanh ở ủy ban Giáo dục và Lao động và đạt được thành tích về bỏ phiếu tự do. Các tác phẩm của ông có Affectionately, FRD (Viết cùng Sidney Shalett, 1959) và Cha mẹ tôi (viết cùng Bill Libby, 1976).

Elliott Roosevelt (1910-1990), doanh nhân, thị trưởng, nhà văn. Sinh ra ở thành phố New York, ông tốt nghiệp trường Đại học Groton (Gờrotơn) vào năm 1929 và trong một thời gian đã làm chuyên viên phát thanh cho đài phát thanh Hearst ở Bang Texas. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông làm việc cho Công ty hàng không quân đội, được thăng chức từ Đại úy lên Lữ đoàn trưởng, một sự thăng quan tiến chức khá nhanh chóng đã gây không ít lời bình luận thiếu thiện chí của giới báo chí. Ông bị chỉ trích nhiều nhất vào tháng 1 năm 1945, trong một lần ba người lính bị tống ra khỏi chiếc máy bay chiến đấu đang chuẩn bị bay gấp, để lấy chỗ cho con chó khổng lồ mà ông đã ra lệnh gửi về cho vợ ông, mặc dù ông không hay biết việc này. Ông đã thực hiện rất nhiều chuyến bay trinh sát, chụp ảnh ở cự ly gần các mục tiêu của kẻ thù ở Bắc Phi và Italia. Vì những hoạt động của mình, ông đã được tặng thưởng Bội tinh không quân đặc biệt và cũng được Anh và Pháp tặng thưởng. Ông đi cùng cha tới các hội nghị Casablanca (Caxabờlanca) và Teheran (Têhêran). Sau chiến tranh ông hoạt động kinh doanh xuất - nhập khẩu ở Florida và làm Thị trưởng Miami Beach (Maiơmi Bittrơ) trong những năm 1960. Về sau, ông làm Chủ tịch Công ty Phân bón Grow Force Fertilizer (Gờrâu Phótxx Phơtilaidơ) ở Bellevue (Belivu), Bang Vermont. Người vợ thứ ba của ông là diễn viên Faye Emerson (Fâyơ Imơsơn). Ông là chủ bút cuốn FDR (Franklin Delano Roosevelt): những bức thư riêng của ông (4 tập, 1947-1950). Ông viết cuốn Một câu chuyện không kể lại: Gia đình Roosevelt ở Hyde Parte (1974), một câu chuyện tình cảm do các con của Roosevelt thuật lại; và cuốn: Mẹ Roosevelt (viết cùng James Brough, 1977) cùng vài cuốn truyện trinh thám vào những năm 1980.

Franklin D.Roosevelt, doanh nhân, Nghị sĩ, nông dân: sinh ra ở Đảo Campobello. Bang New Brunswich, Canada, ông tốt nghiệp trường Đại học Harvard năm 1937 và khoa luật trường Đại học Tổng hợp Virginia năm 1940. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông làm sĩ quan chỉ huy tàu thủy trong hải quân và được tặng thưởng. Ông đi cùng cha tới dự Hội nghị Teheran. Sau chiến tranh, ông làm nghề luật ở thành phố New York và có công trong việc thành lập ủy ban Cựu chiến binh Mỹ. Ông được bầu là đảng viên Đảng Dân chủ, vào Hạ Nghị viện Mỹ từ 1949-1954, nơi ông được bỏ phiếu tự do. Ông đã thất bại trong lần bầu cử Thống đốc Bang New York năm 1954. Là một người bạn thân và là người ủng hộ John F. Kennedy từ đầu, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Thương mại từ 1963-1965 và làm Chủ tịch ủy ban Cơ hội việc làm công bằng năm 1965-1966. Năm 1966, ông lại không thành công trong việc vận động bầu cử chức Thống đốc Bang New York với tư cách ứng cử viên Đảng Tự do. Về sau, ông làm đại lý Quốc gia cho hãng ô tô Fiat ở Mỹ. FRD còn cho rằng nói chung các sử gia đã đánh giá khá công bằng về chính quyền của cha ông. Trong một cuộc tiếp xúc với các tác giả, ông phát biểu rằng vai trò con trai của Tổng thống không ảnh hưởng đến cuộc đời ông. Ông nói thêm: “Chúng ta không có những gia đình hoàng tộc Mỹ, chúng ta chỉ có những gia đình xuất chúng”. Ông cho rằng mỗi thế hệ phải có ''lòng quyết tâm và tài năng để tự mình thành công”.

John Aspinwall Roosevelt (Giôn étxpi nuôn Rudơven; 1916-1981), thương nhân, nhà kinh doanh chứng khoán. Sinh ở thủ đô Washington, D.C, ông tốt nghiệp trường Đại học Harvard năm 1938 và làm một nhân viên ở một cửa hàng bách hóa Filene (Philin) ở Boston với mức lương 18,5 đô la một tuần. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông phục vụ trong hải quân, là sĩ quan hậu cần trên tàu Wasp, được thăng chức từ Đại úy lên Thiếu tá hải quân. Sau chiến tranh, ông mở cửa hàng bách hóa Grayson-Robinson (Gờrâyxơn Rôbinxơn) ở Los Angeles và từ 1956 thì nhập vào Phố Wall với tư cách một nhân viên cửa hàng, Bache và Công ty. Về sau, ông trở thành Phó Chủ tịch Công ty này. Ông là người duy nhất trong gia đình Roosevelt là đảng viên Đảng Cộng hòa, ông là Chủ tịch Hội công dân cho Eisenhower năm 1952 và về sau là người ủng hộ Richard Nixon và Ronald Reagan.

d - Chuyện tình thời trẻ và hôn nhân

Khi còn trẻ, Roosevelt được các cô gái mến mộ, nhưng theo lời mẹ ông thì Roosevelt không có ý định nghiêm chỉnh với ai trước Eleanor cả. Song, các con trai James và Elliot của ông thì nói rằng: khi học Đại học ông đã đem lòng yêu Frances Dana (Phờranxa Đana) cháu gái của nhà văn Richard Henry Dana (Risác Henri Đana) và Henry Wadsworth Longfellow (Henri Oátxơuốt Longphelâu), nhưng ông đã không đủ can đảm cầu hôn cô và xin phép mẹ vì cô là một người theo Đạo Thiên chúa.

đ - Hôn nhân

Năm 23 tuổi, Franklin D. Roosevelt kết hôn với (Anna) Eleanor Roosevelt, 20 tuổi, cháu gọi bằng chú họ năm đời của ông. Lễ cưới của họ được tổ chức vào ngày 17 tháng Ba năm 1905, tại nhà bà cô của cô dâu, bà E.Livingston Ludlow (E.Livinhxơtơn Lútlâu) tại nhà phố 76 Đông ở thành phố New York. Cô sinh ngày 11 tháng 10 năm 1884 tại thành phố New York, Eleanor Roosevelt là con gái của Elliot Roosevelt (Êliốt Rudơven), cậu em trai chơi bời của Theodore Roosevelt và Anna Hall Roosevelt (Anna Hôn Rudơven). Cô lớn lên là một cô bé hay ngượng ngập và sợ hãi. Cô là người điềm đạm đến nỗi mẹ cô đặt cho cô cái biệt hiệu Granny (Gờranni - Bà già). Mẹ cô mất khi cô mới tám tuổi, còn cha cô, là người nghiện rượu phải đến trại an dưỡng, chẳng bao lâu sau cũng qua đời. Vì thế, cô được bà ngoại nuôi nấng. Cô được các gia sư dạy riêng ở nhà và đến năm 15 tuổi thì được gửi đến trường Allenswood. (Alenxơút), một trường nữ ở ngoại ô London. Trong ba năm học tại trường, cô rất suất sắc dưới sự hướng dẫn của bà hiệu trưởng Mile Souvestre. Năm 1902, trở về New York, cô bắt đầu tiếp xúc với xã hội và trở thành thành Niên của xã hội ở khu nhà ổ chuột ở phía Đông. Cũng trong năm ấy cô gặp Franklin Roosevelt và đã bị chinh phục hoàn toàn khi chàng sinh viên trường Đại học Harvard đã táo bạo bày tỏ tình yêu với cô. Sau đấy, cô đưa Franklin cùng đi trong những chuyến đi của cô ở những khu nhà lụp sụp. Rồi một chuyến đi làm đã gây cảm động sâu sắc trong chàng trai luôn được chăm sóc đầy đủ từ trước đến nay, Frankli liền ngỏ lời cầu hôn vào tháng 11 năm 1903; và Eleanor nhận lời. Nhưng mẹ Franklin đã phản đối cuộc hôn nhân ấy. Và Franklin đã viết cho mẹ về quyết định của mình: ''Con biết việc con làm sẽ gây cho mẹ một nỗi đau như thế nào. Nhưng con hiểu tâm trí của con, con hiểu nó từ lâu và con hiểu rằng con sẽ không bao giờ nghĩ khác”. Bà Roosevelt đưa con trai đi xa một chuyến vào năm 1904, hy vọng rằng sự xa cách sẽ chấm dứt được mối tình của họ, nhưng Franklin trở về lại càng thiết tha với Eleanor. Ngày cưới được định đoạt để có thể đón Tổng thống Theodore Roosevelt, người đồng ý để Franklin lấy cháu gái của ông, đến dự. Sự xuất hiện của Tổng thống đã khiến đám cưới được cả nước chú ý. Đức cha, Tiến sĩ Endicott Peabody, Hiệu trưởng của Franklin ở trường Groton đã làm lễ cho đám cưới. Lathrop Brown (Letrốp Bờrao), bạn ở cùng phòng với chú rể ở trường Đại học, làm phù rể. Đôi vợ chồng mới cưới nghỉ một tuần trăng mật lúc đầu ở Hyde Park, sau đó họ ổn định chỗ ở tại một căn hộ ở New Yokr. Hè năm đó, họ đi nghỉ tuần trăng mật chính thức, một chuyến đi dài ba tháng vòng quanh châu Âu. Trở về Mỹ, cô Roosevelt lúc này phải làm theo ý mẹ chồng trong hầu hết các vấn đề gia đình. Cô không có một chút độc lập nào cho đến khi Franklin được bầu làm Thượng Nghị sĩ bang và hai vợ chồng chuyển đến Albany. Khi Roosevelt bị suy sụp vì bệnh bại liệt năm 1921, Eleanor là người kiên trì chăm sóc và động viên ông trở lại với cuộc sống hoạt động tích cực. Để bù đắp việc ông gặp khó khăn trong chuyển động, bà đã cố gắng vượt qua tính ngượng ngập của mình để thay mặt ông xuất hiện trước công chúng, và từ đó về sau bà trở thành người nghe ngóng tình hình và là phong vũ biểu để đo những tình cảm, ý kiến của công chúng cho ông. Bà là Đệ nhất phu nhân đầu tiên tham gia một cách đáng kể vào những vấn đề quan trọng. Bà hoạt động tích cực trong Hội thanh niên Quốc gia (National Youth Adminnistration), làm đồng Chủ tịch của Cơ quan quốc phòng dân sự và phát biểu bảo vệ cho quyền lợi của người da đen. Trong một dịp lễ kỷ niệm năm 1939, bà đã ra khỏi hội Những người con gái của cách mạng Mỹ nhằm phản đối việc tổ chức này từ chối để ca sĩ da đen Marian Anderson được trình diễn tại Hội trường Constitrution. Khi là Đệ nhất phu nhân bà đã viết một chuyên mục trên một tờ nhật báo, mục Ngày của tôi. Một sự kiện xã hội nổi bật trong nhiệm kỳ của Roosevelt là chuyến thăm của Vua George VIHoàng hậu Elizabeth; đây là vị Vua và Hoàng hậu đầu tiên của Anh đặt chân lên đất Mỹ. Ở một vài nơi, phu nhân Roosevelt đã bị chỉ trích vì đã chiêu đãi đôi vợ chồng Hoàng tộc này món xúc xích trong cuộc đi picnic ở Hyde Park. Sau khi chồng bà qua đời, phu nhân đã viết về những đóng góp của mình: ''Có lẽ ông ấy đã có thể hạnh phúc hơn với một người vợ hoàn toàn không hay chỉ trích. Tôi thì không bao giờ có thể như vậy được và ông ấy phải tìm điều đó ở người khác. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng đôi khi tôi hay thúc giục ông, mặc dù sự thúc giục ấy không phải lúc nào cũng được mong đợi hay hoan nghênh''. Bà vẫn tiếp tục hoạt động tích cực trong những năm cuối đời, được Tổng thống Truman chỉ định làm đại diện đầu tiên của Mỹ tại Liên hiệp quốc; từ năm 1946 - 1952, Bà làm Chủ tịch Ủy ban nhân quyền của Liên hiệp quốc, Ủy ban đã dự thảo Bản tuyên bố Quốc tế về nhân quyền và đấu tranh cho sự ra đời của nước Israel. Về mặt chính trị, bà ủng hộ Adlai Stevenson trong các cuộc bầu cử Tổng thống năm 1952 và 1956 và giục ông ra tái ứng cử năm 1960. Mặc dù bà có nghi ngờ về John F. Kennedy vì ông đã không lên án chủ nghĩa McCarthy, bà vẫn ủng hộ ông làm Tổng thống trước đối thủ Richard Nixon. Tổng thống Kennedy đã tiếp tục cử bà làm việc cho Liên hiệp quốc năm 1961-1962. Bà qua đời vì bệnh lao tủy ở thành phố New York ngày 7 tháng 11 năm 1962 và được chôn cất cạnh Tổng thống ở Hyde Park. Các tác phẩm của bà gồm có: Đây là câu chuyện của tôi (This is my Story, 1937); Tự mình tôi (On myown, 1958) và Tiểu sử tự thuật của Eleanor Roosevelt (The Autobiogrphy of Eleanor Roosevelt, 1961).

e. Chuyện tình ngoài hôn nhân

Lucy Page Mercer (Luxi Pếtgiơ Mơxơ). Sau khi Roosevelt được bổ nhiệm làm trợ lý Bộ trưởng Hải quân năm 1913, vợ ông thuê cô Mercer, 22 tuổi làm thư ký cho bà. Lúc đầu không ai biết chuyện tình của hai người, nhưng sau đó Eleanor đã biết việc này vào năm 1918 khi bà phát hiện ra những bức thư tình của hai người. Eleanor đối mặt với Franklin và lập tức đưa ra quyết định rằng hoặc ông phải thôi không gặp Lucy nữa hoặc bà sẽ li dị ông. Franklin đã đồng ý chấm dứt mối quan hệ đó. Sau lần ấy, Eleanor trở nên một phụ nữ thay đổi hẳn, một phụ nữ độc lập hơn. Năm 1920, tuy Mercer cưới Winthrop Ruther-furd (Uyn thơróp Ruthơpho), một người góa vợ giàu có. Trái với lời hứa, về sau Roosevelt vẫn tiếp tục chuyện dan díu. Lucy thường xuyên đến thăm Nhà Trắng khi Eleanor không còn trong thành phố. Thậm chí, ông còn chia sẻ cả những bí mật ngoại giao và quân sự với cô – Joseph Alsop (Giôxép Anxốp) đã viết như vậy trong cuốn FDR, 1822-1945: Ký ức một trăm năm (1982). Cô đã ở bên Tổng thống khi ông ốm thập tử nhất sinh ở Warm Springs, Georgia, nhưng cô luôn vội vã ra đi trước khi Eleanor tới.

f. Nghề nghiệp trước khi làm Tổng thống

Vào tháng 4-1898, Roosevelt ghi tên xin vào hải quân trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha- Mỹ, nhưng không được chấp nhận vì bệnh tinh hồng nhiệt.

Sau đó, đến năm 1907, Roosevelt được gia nhập hãng luật ở thành phố New York.

Đến năm 1911 - 1913, trong hai nhiệm kỳ ông được làm việc trong Thượng Nghị viện và là Thượng Nghị sĩ Bang New York.

Năm 1913-1920, ông được Tổng thống Wilson bổ nhiệm chức trợ lý Bộ trưởng hải quân. Sau đó, ông xin từ chức này để nhận chức đại biểu Đảng Dân chủ ra tranh cử Phó Tổng thống trong cùng danh sách ứng với James M.Cox vào năm 1920.

Năm 1929-1933, Roosevelt làm Thống đốc Bang New York.

Trước đó, năm 1932 Franklin D. Roosevelt tham gia ứng cử chức Tổng thống của Đảng Dân chủ. Ngày 8-11-1932, ông đã trúng cử Tổng thống. Ngày 4-3-1933 Roosevelt đọc diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên. Sau đó liên tiếp các nhiệm kỳ hai, ba, bốn, Roosevelt đều trúng cử Tổng thống và đánh bại các đối thủ tranh cử, ông là một vị Tổng thống đặc biệt nhất trong lịch sử của đất nước Hoa Kỳ, một trường hợp ngoại lệ đã trúng cử tới 4 nhiệm kỳ Tổng thống. Thời gian ông đương nhiệm cũng là thời kỳ nước Mỹ có nhiều biến động bão táp và đứng trước nhiều thử thách gay go của lịch sử. Dưới đây là những hoạt động của Nhà nước Mỹ dưới thời ông làm Tổng thống.

g.  Hoạt động của chính quyền dưới thời Franklin D.Roosevelt làm Tổng thống

Ngày 4 tháng Ba năm 1933 đến ngày 12 tháng Tư năm 1945.

Chính sách kinh tế xã hội mới: phải đương đầu với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước, Tổng thống Roosevelt đã đề ra Chính sách kinh tế xã hội mới, một chương trình cứu tế trực tiếp của Liên bang và những quy định về kinh tế tạo ra. Nhà nước phúc lợi hiện đại. Chính sách này bao gồm:

Phản ứng trước cuộc khủng khoảng ngân hàng năm 1933. Ngày Roosevelt lên nhậm chức ngành ngân hàng đã có nguy cơ sụp đổ rõ rệt vì những người gửi tiền lo sợ đã rút tiền khỏi các ngân hàng trên khắp cả nước. Hơn một nửa các ngân hàng Quốc gia đã bị phá sản hoặc phải đình chỉ quyền rút tiền. Rooseyelt lập tức tuyên bố một ngày nghỉ của các ngân hàng. Trong ngày đó, những người kiểm tra sổ sách của Liên bang xem xét lại các sổ sách. Những ngân hàng nào được xác định là có tình trạng tài chính vững vàng mới được phép mở lại. Chỉ riêng hành động này đã gây được lòng tin của dân chúng và góp phần kiểm soát hơn nữa các hoạt động của ngân hàng. Chính quyền tiếp tục đưa ra các điều luật về ngân hàng năm 1933 và 1935, cấm các ngân hàng liên quan đến cổ phiếu và trái phiếu; lập ra Công ty bảo hiểm tín dụng Liên bang. Theo đề nghị của cơ quan đứng đầu Nhà nước, vào tháng Tư năm 1933, Roosevelt đã thu về tất cả vàng, cấm việc xuất khẩu vàng và chính thức rút đồng đô la Mỹ khỏi chế độ bản vị vàng.

Công ty bảo vệ thường dân, 1933, (viết tắt là CCC) - Công ty CCC đã thuê hơn ba triệu thanh niên tuổi từ 18 đến 25 từ các gia đình nghèo, phần lớn là ở thành thị để xây dựng đường sá, trồng cây và làm việc để khống chế lũ lụt cũng như xây dựng các công trình bảo vệ khác. Các thanh niên được tập trung đến các trại ở nông thôn dưới sự giám sát của nhà binh. Họ được cung cấp thức ăn, chỗ ở và mức lương 1 đô la 1 ngày, mà phần lớn số tiền ấy được yêu cầu gửi về cho gia đình họ.

Các đạo luật về điều chỉnh nông nghiệp, 1933, 1938, (viết tắt là AAA- Agricultural Adjustment Acts). Đạo luật AAA đầu tiên tìm cách giảm bớt tình trạng dư thừa nông sản và qua đó mà tăng giá nông sản bằng cách cho nông dân được hưởng trợ cấp tiền mặt để hạn chế sản xuất. Quỹ này được rút ra từ khoản thuế đánh vào những người chế biến nông sản. Mặc dù ý kiến trả tiền cho nông dân để họ không trồng trọt các vụ mùa nữa bị một số nơi nhạo báng nhưng chương trình ấy đã làm tăng thu nhập nông nghiệp Quốc gia một cách đáng kể cho đến lúc tòa án Tối cao tuyên bố rằng đạo luật này không có tính pháp lý (United States V.Butler ét al, 1936). Đạo luật AAA thứ hai cố gắng ổn định thu nhập về nông nghiệp với việc tạo ra “kho thóc luôn bình thường”, theo đó Chính phủ trong những thời kỳ dư thừa, sẽ cho nông dân vay tiền và dự trữ lượng dư thừa đó, còn trong những thời kỳ khan hiếm, nông dân sẽ bán lượng nông sản dư thừa đã được dự trữ đó ra và hoàn trả khoản nợ.

Quyền Thung lũng Tennessee, 1933 (viết tắt là TVA- Tennessee Valley Authority). Nhằm hỗ trợ cho Thung lũng Valley bị suy yếu, TVA đã khai thác dòng nước của sông Tennessee và các sông nhánh để sản xuất điện. Với diện tích hoạt động bao phủ 41 dặm vuông trên bảy bang, TVA cũng có những hoạt động bảo vệ đất đai và trồng rừng và sản xuất phân bón ở Muscle Shoals (Mơxừn Sâuan) Bang Alabama. Trong 50 năm tiếp theo, TVA phát triển thành cơ quan điện dân dụng lớn nhất nước, cung cấp điện năng trị giá hơn 4 triệu đô la cho 2,9 triệu người tiêu dùng hàng năm.

Cục cứu tế khẩn cấp Liên bang, 1933: do Harry Hopkins điều hành, chương trình này mang lại trợ cấp cho người nghèo.

Đạo luật phục hồi công nghiệp Quốc gia, 1933. Là nền tảng của chính sách kinh tế xã hội mới ban đầu đạo luật này lập ra Ban công trình công cộng dưới quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ickes. Ban này nhằm mục đích cung cấp tiền trợ cấp cho các bang và các thành phố để thực hiện những công trình xây dựng lớn. Đạo luật đó cũng lập ra Ban khôi phục Quốc gia (viết tắt và NRA - National Recovery Administration), do Hugh Tohnson (Hắcgiônxơn) lãnh đạo với mục đính phục hồi kinh doanh. NRA đã hoãn việc thực hiện chống tờrớt để thúc đẩy nhanh sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp trên con đường khôi phục; việc cố định giá không còn là bất hợp pháp nữa. Ngược lại NRA yêu cầu các doanh nghiệp tham gia phải cải thiện điều kiện làm việc và tiền lương, giảm ngày làm việc trong tuần, không được sử dụng lao động trẻ em và công nhận các công đoàn lao động. Cuối cùng, hơn 750 điều lệ về cạnh tranh lành mạnh đã được ban hành để quản lý 500 loại hình doanh nghiệp khác nhau với 20 triệu công nhân. Chương trình này được phát động với sự phô trương ầm ĩ, nhưng các vấn đề đã nhanh chóng phát sinh. Các doanh nghiệp nhỏ có ý kiến rằng các công ty khổng lồ đã khống chế giá để loại họ ra khỏi thị trường. Giá hàng tiêu dùng tăng một cách đáng kể. Một số nhà tư bản công nghiệp, nổi bật nhất là Henry Ford (Henri Phót) từ chối không muốn hợp tác. Một ủy ban điều tra thành lập năm 1934, do Clarene Darrow (Cờlarenx Đarâu) đứng đầu đã xác định rằng NRA nuôi dưỡng sự độc quyền. Năm 1935, Tòa án Tối cao đã tuyên bố NRA không còn có quyền pháp lý (Schechter Poultry Corp.v.United States).

Ủy ban chứng khoán và hối đoái, 1934 (viết tắt là SEC - Secunties and Exchange Commission). Ủy ban này được thành lập để sửa chữa những sai phạm dẫn tới vụ phá sản của thị trường chứng khoán năm 1929. Hầu như tất cả các cổ phiếu và trái phiếu trao đổi trên thị trường hối đoái đều phải được đăng ký với SEC. SEC được ủy quyền đặt ra khoản tiền dự trữ qui định. Roosevt đã bổ nhiệm Joseph P. Kennedy (Giờxep P Kennơdi) làm Chủ tịch đầu tiên của ủy ban này.

Đạo luật nhà của Quốc gia, 1934. Để hỗ trợ cho ngành nhà đất đang suy sụp, đạo luật này đã lập ra Quyền nhà cửa Liên bang, Hiệp hội cầm cố Quốc gia Liên bang và công ty bảo hiểm tiền tiết kiệm và cho vay Liên bang. Quyền nhà cửa Liên bang đã thực hiện vay nợ cầm cố lần đầu tiên năm 1934 một ngôi nhà tại Pompton Plaines (Pômtơn Pờlên), New Jersey.

Cục phát triển công trình, 1935 (viết tắt WPA- Works Progress Administration). Mặc dù những người chỉ trích cho rằng WPA do Harry Hopkinns điều hành chung quy cũng chỉ là một kế hoạch ''xây dựng công trình" nhưng chương trình phát triển này đã tuyển dụng nhiều nhân công và nhiều kỹ năng khác nhau. Các nhân viên của WPA đã xây dựng 125.000 tòa nhà công, 650.000 dặm đường, 75.000 chiếc cầu và rất nhiều thiết bị công cộng khác. Chương trình nghệ thuật Liên bang của WPA đã thuê nhiều nhà văn, họa sĩ, diễn viên và nhạc sĩ. WPA bị giải thể do việc giảm thất nghiệp trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Cục điện khí hóa nông thôn, 1935 (Viết tắt là REA - Rural Electriflcation Administration). REA cấm vốn để tăng năng lượng điện cung cấp cho nông thôn, khu vực từ lâu đã bị các công ty điện nước sao nhãng vì hoạt động ở những khu vực này không có lợi bằng ở những vùng dân cư tập trung.

Đạo luật Wagner, 1935. Đạo luật này được Thương Nghị sĩ Đảng dân chủ Robert F.Wagner (Rôbớt F.Oắcnơ), Bang New York đề xướng sau khi Tòa an Tối cao tuyên bố NRA không còn có thẩm quyền pháp lý. Đạo luật đưa ra quyền được tổ chức và đấu tranh tập thể của người lao động qua những đại biểu do họ lựa chọn và cấm các ông chủ có sự đối xử phân biệt với các thành viên của công đoàn hoặc can thiệp hay chi phối các công đoàn. Đạo luật cũng yêu cầu quản lý việc đấu tranh đòi quyền lợi trên cơ sở lòng trung thành với các đại diện của công đoàn. Đạo luật đó còn lập ra Ban quan hệ với người lao động Quốc gia để giải quyết các tranh chấp nổi lên khi thực hiện đạo luật cũng như những tranh chấp về quyền hạn giữa các công đoàn. Tòa án Tối cao đã tán thành đạo luật trên (NLRB V.Jones và Laughlin Steel Corp, 1937) Đạo luật Taft- Hartley năm 1947 đã cải biến đạo luật này.

Đạo luật bảo đảm xã hội, 1935. Đạo luật này thiết lập một hệ thống bảo đảm xã hội để cấp lương hưu cho những người trên 65 tuổi và trợ cấp chính cho những người lớn tuổi gặp khó khăn, bảo hiểm cho người thất nghiệp và tàn tật và và lợi ích cho những người còn sống sót.

Kế hoạch sắp xếp người vào Tòa án, 1937. Giận dữ trước việc Tòa án Tối cao làm mất hiệu lực phần lớn Chính sách kinh tế xã hội mới ban đầu, Roosevelt đã cố gắng tìm cách bố trí nhân sự trong Tòa án Tối cao sao cho có lợi cho ông bằng một đạo luật cho phép ông được bổ nhiệm một Thẩm phán mới trong thời hạn tối đa là sáu năm để thay thế tất cả các Thẩm phán đương nhiệm từ 70 tuổi trở lên và đã phục vụ ở tòa ít nhất là mười năm. Kế hoạch ấy bị phản đối mạnh mẽ, thậm chí ngay cả trong những người ủng hộ Roosevelt, họ cũng phản đối. Người tán thành chính kế hoạch này trong Thượng Nghị viện là đảng viên Đảng Dân chủ Joseph Robinson (Giôsép Rôbinxơn) của Bang Arkansas đã qua đời khi kế hoạch đang được xem xét và đạo luật ấy cũng chết luôn theo ông.

Đạo luật Harch, 1939. Đạo luật này do Thượng Nghị sĩ đảng viên Đảng Dân chủ A.Harch người Bang New Jersey đề xuất. Nó cấm các nhân viên Liên bang không được dính dáng vào các hoạt động chính trị đảng phái.

Công nhận Liên bang Xô Viết, 1933. Bằng việc trao đổi thư từ giữa Roosevelt và Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Maxim Lit-vinov (Mắcxim Lítvinốp), lần đầu tiên kể từ cuộc Cách mạng Nga, Mỹ đã đồng ý lập quan hệ ngoại giao chính thức với Liên bang Xô Viết. Ngược lại, Liên Xô cũng hứa sẽ ngừng các hoạt động tuyên truyền và chống phá ở Mỹ và cùng cam kết đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và quyền được xét xử công bằng cho các công dân Mỹ cư trú ở Liên Xô.

Chính sách láng giềng thân thiện: Roosevelt đã thay thế chính sách ngoại giao đôla (Dollar Diplomacy) bằng chính sách láng giềng thân thiện với châu Mỹ Latinh. Ông ra lệnh rút quân đội Mỹ khỏi Haiti, bãi bỏ Đạo luật sửa đổi Plati, theo đó Mỹ được phép can thiệp vào các công việc nội bộ của Cuba; và tăng khoản trả cho Panama vì Mỹ sử dụng Kênh đào Pamana. Ông đã đích thân đến dự Hội nghị xuyên Mỹ Buenos Aires (Buênốt Airets) năm 1936, để cam kết về bảo vệ bán cầu. Chính sách láng giềng thân thiện đã đặt nền tảng cho thái độ chống đối của Tây bán cầu với các cường quốc thuộc trục Berlin - Roma - Tokyo trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Chiến tranh thế giới thứ hai, 1939-1945; sự tham gia của Mỹ, 1941 - 1945. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh là việc Đức xâm lược Ba Lan vào ngày 1 tháng 9 năm 1939. Còn nguyên nhân sâu xa chủ yếu là sự ra đời của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu. Chủ nghĩa phát xít có điều kiện phát triển do sự xáo trộn trầm trọng về kinh tế xuất hiện từ những điều khoản hòa bình đòi hỏi rất nhiều cố gắng vào cuối chiến tranh thế giới thứ nhất, do cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vào những năm 1930 và do nỗi lo sợ về chủ nghĩa cộng sản, Cuộc xung đột đã đưa Phe trục (Đức, Italia, Nhật, Rumania, Bungaria, Hungaria và Phần Lan) đụng đầu với phe đồng minh (Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ, Canađa, Úc Niu Dilân, Nam Phi, Brazin và hầu hết các nước châu Mỹ Latinh còn lại). Việc Phe trục xâm lược các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Hy Lạp, Nam Tư và Ba Lan đã cản trở Phe Đồng minh tập hợp nhân lực và vật lực của họ. Khi chiến tranh bùng nổ, Rooseyelt phản ánh thái độ của Quốc gia qua việc duy trì quan điểm trung lập của Mỹ. Ủy ban Mỹ thứ nhất được thành lập năm 1940 nhằm mục đích không để Mỹ tham gia vào chiến tranh. Ủy ban này gồm có những nhân vật rất xuất chúng như Charles Lindbergh (Bơntơn Linbớc), Thượng Nghị sĩ Burton K. Wheeler (Bơtơn K.Oenlơ) và Tướng Robert E.Wood (Rôbớt E.Út). Nhưng với sự sụp đổ của nước Pháp và trận Anh (Battle of Britain) năm 1940, nước Mỹ dần dần đứng về phía quân Đồng minh. Vào tháng Chín năm 1940, Roosevelt tuyên bố các kế hoạch điều 50 chiếc tàu khu trục cũ sang Anh, và đổi lại Mỹ được sử dụng một số căn cứ hải quân và không quân nước ngoài. Theo Đạo luật cho vay - cho thuê tháng 3 năm 1941, Mỹ cung cấp cho Anh, và về sau cả Liên Xô và các nước trong Phe Đồng minh khác các thiết bị và đồ dùng quân sự trị giá 50 tỷ đô la. Tháng Tám năm 1941, Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill đã ký kết Hiến chương Đại Tây Dương (Atlantic Charter), trong đó, hai bên mong đợi ''sự sụp đổ cuối cùng của nước Đức quốc xã và thề rằng sẽ đạt được một nền hòa bình mà ''tất cả mọi người có thể sống một cuộc sống không sợ hãi và không túng thiếu”. Ngày 7 tháng 12 năm 1941, một hạm đội máy bay thuộc tàu sân bay của Nhật đã tấn công cảng Pearl ở Hawaii (Trân Châu Cảng) làm 2.300 người Mỹ bị thiệt mạng, 1.200 người bị thương và phá hủy phần lớn đội tàu Thái Bình Dương của Mỹ đang thả neo ở đó. Ngày hôm sau, Rooseyelt hỏi ý kiến Quốc hội về việc tuyên bố chiến tranh. Đoán rằng ngày Nhật tấn công Mỹ “sẽ là một ngày ô nhục”, Roosevelt tuyên bố: “Sự thù địch đang tồn tại. Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự thật là nhân dân chúng ta, lãnh thổ của chúng ta và lợi ích của chúng ta đang lâm nguy”. Quốc hội đã nhất trí biểu quyết tuyên chiến. Gần như suốt năm 1942, phe trục (tam cường Đức - Italia - Nhật), dường như không thể bị đánh bại được. Quân Nhật tràn xuống khắp Đông Nam Á và các đảo ngoài Thái Bình Dương. Tướng Douglas Mac Arthur bị đánh bật khỏi Philippines. Quân đội Đức tiến sâu vào Liên Xô. Tướng Đức Marshall Erwin Rômmel (Mácsan Etuyn Roommen) chi phối Bắc Phi. Nhưng đến cuối năm đầu tiên khi Mỹ tham chiến, Phe Đồng minh bắt đầu lật ngược thế cờ, mở đầu bằng chiến thắng của hải quân ở Midway tháng 6 năm 1942, và một cuộc phản công của quân Anh- Mỹ ở Bắc Phi vào tháng 11 năm 1942. Tại Hội nghị Casablanca. Tháng 1 năm 1943, Roosevelt và Churchill đã nhất trí đòi Đức phải đầu hàng vô điều kiện và lập kế hoạch tiến hành oanh tạc bằng không quân đất nước này. Năm 1943, quân Anh và quân Mỹ chiếm được Sisily (Xixin) và tiến vào bán đảo Italia trước sự chống trả quyết liệt của Đức. Trong lúc đó, người Italia lại lật đổ tên quân chủ Benito Mussolini (Bênitô Mútxô lini) vào tháng 7 và tuyên chiến với Đức vào tháng 10 năm 1943. Ở Liên Xô năm đó, quân đội Liên Xô đã đánh bật quân Đức quốc xã ra khỏi khỏi Lêningard (Lêningờrát) và đẩy lùi quân Đức về phía Tây. Trong khi đó, ở khu vực Thái Bình Dương, Tướng McArthur và Đô đốc Chester Nimitz (Chétxtơ nimít) tiến hành một cuộc tấn công bất thình lình vào các thành trì của Nhật. Tại trận đánh ở Vịnh Leeyte (Lâyti) tháng 10 năm 1944, lực lượng hải quân Nhật đã gần như tan rã hoàn toàn. Ở Châu Âu, quân Đồng minh dưới sự chỉ huy của Tướng Dwight D.Eisenhower đổ bộ xuống Normandy (Nocmăngđi) vào ngày 6 tháng 6 năm 1944, hay là ngày D.Day (Điđây) đã xảy ra cuộc chiến đấu với thương vong khá nặng nề, quân Đồng minh đã chiếm được các vị trí Đổ bộ, tạo điều kiện cho cánh quân thứ ba (Third Army) dưới sự chỉ huy của Tướng George Patton (Giócgiơ Péttơn) chĩa mũi nhọn của cuộc tấn công vào sâu lục địa. Paris được giải phóng ngày 25 tháng 8 năm 1944. Trong trận này quân Đồng minh thắng thế (Battle of the Bulge) từ tháng 12-1944 đến tháng 1 năm 1945, Đức cố gắng một cách tuyệt vọng để đẩy lùi quân Đồng minh, nhưng cũng chỉ thực hiện có thể làm chậm đi sự thất bại không thể tránh khỏi của nó mà thôi. Khi đã thấy cuộc chiến tranh sắp kết thúc, Roosevelt, Churchill và Nguyên soái Liên Xô Josef Stalin (Giôxép Xtalin) đã họp tại Yalta tháng 2 năm 1945 để xem xét các kế hoạch sau chiến tranh. Để đáp lại cam kết sẽ đánh Nhật sau khi quân Đức đầu hàng Liên Xô, Churchill và Roosevelt đồng ý nhượng cho Stalin một số phần châu Âu và châu Á để tăng cường quyền lực của Liên Xô qua việc vạch lại biên giới sau chiến tranh và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Sau đấy hai tháng thì Roosevelt qua đời ngay trong giai đoạn cuối của cuộc chiến.

Thông qua điều luật sửa đổi Hiến pháp: Điều sửa đổi thứ hai mươi mốt, 1933. Bãi bỏ luật cấm rượu.

h - Qua đời trong khi đương nhiệm

Roosevelt mất lúc 3 giờ 35 phút chiều ngày 12 tháng 4 năm 1945 tại Warm Springs (Uôm Xpơrinh), Bang Georgia Roosevelt bị huyết áp cao và xơ cứng động mạch. Vào khoảng 1 giờ chiều ngày 12 tháng 4 năm 1945, ông đang xem qua một số giấy tờ trong ''Tiểu Nhà Trắng'' ở Warm Springs, trong khi họa sĩ Elizabeth Shoumatoff đang phác họa bức chân dung của ông và người chị họ Sucskley đang ngồi đan gần đó. Bà Lucy Ruthelfurd (Lui Ratthơphơ) cũng có mặt (Xem phần: Chuyện tình ngoài hôn nhân). Bỗng nhiên ông ấn tay lên thái dương và lên trán rồi nói: "Tôi đau đầu khủng khiếp". Đó là những lời cuối cùng của ông. Một hồi sau, ông hôn mê, triệu chứng của bệnh chảy máu não. Hai người phục vụ đưa ông lên giường và thay cho ông bộ pigiama. Bác sĩ Howard Gbruenn (Hôuốt G.Bờruen), Bác sĩ riêng của Tổng thống và Bác sĩ James E.Paullin (Giêmxơ E.Polin), một Bác sĩ nội khoa At-Lanta đều nhất trí rằng tình trạng của Roosevelt là không cứu vãn nổi, Roosevelt đã qua đời mà vẫn trong trạng thái bất tỉnh. Người ta không tiến hành mổ xác. Động mạch của ông bị xơ cứng quá mức nên việc ướp xác ông gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Harry S.Goldsmit (Hari S.Gâuxmit) của Trường Dược Dartmout (Đátmao) cho rằng Roosevelt có lẽ đã bị ung thư khi ông mất. Trong cuốn Phẫu thuật, phụ khoa và sản khoa (tháng 12 năm 1970), tạp chí của trường Đại học, Bác sĩ phẫu thuật Mỹ, Bác sĩ Goldsmit cho rằng Tổng thống đã phải cắt bỏ một khối u ở thái dương trái vào đầu những năm (1940), khối u mà ông tin là u ác. Tang lễ được cử hành ở Phòng phía Đông (East Room) trong Nhà Trắng do Đức Giám mục Angus Dun (Angơtx Đăn) của khu tân giáo Washington. Ông được chôn cất ở Hyde Park, New York. Trong di chúc và chúc thư của mình Roosevelt cho Tổ chức Warm Springs được là người hưởng lợi các hợp đồng bảo hiểm tổng trị giá tới 560.000 đô la. Ông để phần còn lại của gia tài trị giá 1,9 triệu đô la cho vợ ông, cho các con ông và sau khi bà qua đời.

i . Khen ngợi và người đời đánh giá về Franklin D. Roosevelt.

''Ông có những ý tưởng thật vĩ đại nếu ông là Tổng thống vào thời kỳ ngân khố Quốc gia dồi dào có lẽ ông đã đi vào lịch sử như nhà kiến thiết vĩ đại nhất kể từ khi thế giới bắt đầu'' - Bộ trưởng nội vụ Harold L.Ickes, 1934.

''Ông là người duy nhất mà tôi từng biết ở bất kỳ nơi nào không bao giờ run sợ'' - Hạ Nghị sĩ đảng viên Đảng Dân chủ Lyn-Don B.Johnson (Linđơn B. Giônxơn), người Bang Texas, 1945.

“Đảng Dân chủ tiếp quản khi đất nước gần như trong tình trạng phá sản vào năm 1933. May mắn thay, chúng ta lại có một nhà lãnh đạo vĩ đại và đáng kính trọng, Franklin Roosevelt. Dưới sự lãnh đạo của ông, Đảng Dân chủ đã làm hết sức mình để cải thiện tình trạng của đất nước và làm cho tất cả các công dân nước ta an tâm”. Adlai E.Stevenson (Étslai E.Xtivenxơn).

“Tôi có thể không bao giờ đồng ý với một số hoạt động chính trị của Roosevelt, nhưng tôi biết khả năng làm một người lãnh đạo đất nước trong chiến tranh của ông - và với khả năng ấy đối với tôi ông dường như đã hoàn thành tất cả những gì chúng ta có thể trông đợi ở ông” Tướng Dwigbt D.Eisenhower, 1948.

k. Những câu nói nổi tiếng Eranklin D.Roosevelt:

“Người cấp tiến người có cả hai chân đều bước trên không. Người bảo thủ là người có đôi chân tuyệt vời, tuy nhiên lại chưa bao giờ học cách bước lên phía trước. Kẻ phản động là một kẻ mộng du luôn đi giật lùi. Một người tự do là người biết dùng cả chân và tay của anh ta theo mệnh lệnh của đầu anh ta”.

''Chức Tổng thống không chỉ đơn thuần là một công việc hành chính. Đấy chỉ là mức thấp nhất. Chức Tổng thống còn hơn là một công việc kỹ thuật, có hiệu quả hoặc không có hiệu quả. Trước hết nó phải là một cương vị của một khả năng lãnh đạo về đạo đức" - 1932.

“Chúng ta mong chờ một Thế giới được thành lập dựa trên bốn điều tự do chủ yếu của con người,... tự do phát biểu và bộc lộ,... tự do của mỗi người được tôn thờ Chúa theo cách riêng của mình,... tự do khỏi cảnh túng thiếu,... tự do khỏi nỗi lo sợ”, 1941.

i. Sách của Franklin D. Roosevelt

Người chiến sĩ hạnh phúc, Alred E.Smith (1928).

m. Sách về Franklin Roosevelt

Alsop (Anxốp), Joseph (Giôxép), FDR, 1992 - 1945: ức một trăm năm. New York Viking: 1982.

Bishop (Bisop), Jim (Gim). Cuối đời của FDR. New York: Morrow, Burns (Bơnx) James MacGregor (Giêmxơ Mác Gờrêgơ) Roosevelt: Con sư tử và con cáo, New York: Harcourt (Hacót), Brace (Bờrêtx) và thế giới, 1956.

Burns (Bơnx) James Mac Gregor (Giêmxơ Mác Gờrêgơ). Roosevelt : Người chiến sĩ của tự do. New York: Harcourt Brace Jovanovich (Giôvanôvíc), 1970.

Davis, Kenneth. FDR: Lời vẫy gọi của số mệnh New York, Putnam, 1972; Những năm New York, những năm chính sách kinh tế xã hội mới. New York: Random House, 1985, 1986.

Freidel (Phrâyđen), Frank (Phờranh), Franklin D. Roosevelt 4 tập. Boston: Little, Brown, 1952-1973.

Ward (Oátđơ), Geofrey C (Giyophờrây). Trước người thổi kèn trompet: Franklin Roosevelt thời trẻ. New York: Harper (Háppơ) và Row (Râu), 1985.

NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP

(Phần viết về các danh nhân Tổng thống Hoa kỳ, chúng tôi có sử dụng tư liệu của cuốn Bốn mươi hai đời Tổng thống Hoa kỳ”, các tác giả William A. Digregrio do chúng tôi tổ chức và tham gia biên dịch, chỉnh - Hội khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1995).

NXB chính trị Quốc gia (KHLS tái bản 1998)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1062-02-633390276933306250/Nhung-hoang-de-nguyen-thu-quoc-gia-chinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận