Tài liệu: I.V.Stalin (1879 - 1953) người chủ xướng thành lập Liên Xô

Tài liệu
I.V.Stalin (1879 - 1953) người chủ xướng thành lập Liên Xô

Nội dung

I.V.STALIN (1879 - 1953)

NGƯỜI CHỦ XƯỚNG THÀNH LẬP LIÊN XÔ

 

Tên họ thật là Iosiph Vissarionovits Dzhugashvili, con trai người thợ giày.

Sinh năm 1879 tại thành phố Cori, Grudia. Mất năm 1953 ở Moskva.

Thuở thiếu thời rất ngoan Đạo. Năm 15 tuổi cậu thiếu niên Iosiph được mẹ gửi đến Chủng viện ở thành phố Tiphlis (nay là Tbilisi, thủ đô Grudia). Đến tuổi trưởng thành anh thanh niên Iosiph sớm hoạt động sôi nổi thành Đảng viên Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga (ĐCNXHDC Nga) vào năm 1898. Năm sau (1899) trở thành ủy viên ủy ban bí mật ĐCNXHDC Nga ở tỉnh Tiphlis. Đây là quãng thời gian chàng trai Iosiph hoạt động hăng hái sôi nổi. Trong điều kiện hoạt động bí mật, Iosiph lấy bí danh là Koba, tên người anh hùng Grudia trong tiểu thuyết dân gian nổi dậy chống lại nước Nga quân chủ.

Năm 1902, bị đi đầy ở Sibir nhưng sau đó trốn thoát trở về Tiphlis. Thuộc phái Bolshevik. Trong thời gian Cách mạng Nga lần thứ nhất năm 1905, Iosiph tham gia trưng dụng các nhà băng Quốc gia lấy tiền chi tiêu cho các tổ chức bí mật của Đảng. Năm 1906, tham gia Đại hội ĐCNXHDC Nga ở Stockholm (Thụy Điển), năm 1907 ở London (Anh).

Tên gọi Stalin có tự bao giờ?

Năm 1908, 1909, 1910 bị đi đày. Thời gian này Iosiph đã là một trong những người lãnh đạo phái Bolshevik trong phong trào cách mạng ở địa phương, được coi là người lãnh đạo phái Bolshevik ở Baku, Lênin bắt đầu thấy được vai trò của Iosiph. Năm 1912, được Lênin cử vào ủy ban Trung ương ĐCNXHDC Nga, cùng năm đó, được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của Tòa soạn báo Pravda (Sự thật) (5 tháng Năm 1912) dưới sự chỉ đạo của Lênin vừa từ Paris trở về Krakov (tháng Sáu 1912). Được cử phụ trách tờ báo Đảng, Iosiph Dzhugashvili nghĩ tới việc phải có một bí danh và năm đó bí danh Stalin ra đời. Stalin nghĩa là Người Thép (trong tiếng Nga stal nghĩa là thép) và năm 1913, lần đầu tiên Stalin dùng bí danh này. Có lẽ ở tuổi ''tam thập nhi lập'' chọn bí danh này Stalin muốn chứng tỏ sự cứng rắn của mình trong công việc mà sau này khi ở cương vị đứng đầu Nhà nước Liên Xô. Stalin đã có những công lao to lớn đối với đất nước Liên Xô, nhưng đồng thời cũng kéo theo sai lầm nghiêm trọng gây nên những tổn thất nặng nề cho nhân dân Liên Xô.

Stalin nổi bật trên chính trường.

Tháng Hai 1913, bị đi đày ở Turukhan (Bắc Enisei).Trước cuộc Cách mạng tháng Ba 1917, ít lâu sau được trả tự do, Stalin trở về Petersbourg và lại nhận trọng trách Giám đốc tòa soạn báo Pravda; được bầu là Uỷ viên Hội đồng quân sự cách mạng đứng đầu là Trotski, nhưng vai trò của Stalin khá nổi bật trong cuộc khởi nghĩa vũ trang ngày 25 tháng Mười 1917 (lịch cũ) ở Petersbourg. Năm 1917-1922 là ủy viên Hội đồng Dân tộc, Stalin nắm trong tay quyền điều hành vận mệnh gần nửa dân số Cộng hòa Xô Viết Nga và tất cả các dân tộc châu Á trong các nước Cộng hòa Xô Viết vừa được thành lập lúc bấy giờ. Trên cương vị này, Stalin chủ trương mỗi dân tộc vẫn dùng ngôn ngữ của mình và gìn giữ nền văn hóa bản địa.

Cách mạng tháng Mười Nga mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước Nga, cách đó không lâu còn ngự trị chế độ quân chủ chuyên chế của Nga hoàng. Nhà nước công nông non trẻ vừa mới thành lập nên gặp vô vàn khó khăn. Phát huy thắng lợi huy hoàng của Cách mạng tháng Mười Nga, Lênin ra sắc lệnh về hòa bình và ruộng đất, bãi bỏ quyền sở hữu ruộng đất của các địa chủ và thành lập Hội đồng các ủy viên nhân dân gọi tắt là Hội đồng Dân uỷ (Chính phủ) mà Stalin là một thành viên phụ trách vấn đề dân tộc.

Năm 1922, do hậu quả của vết thương bị ám sát từ năm 1918, Lênin ốm nặng. Vấn đề người kế tục sự nghiệp của Lênin được bàn đến. Stalin là một trong số ít người có tham vọng giữ cương vị tối cao của đất nước khi Lênin từ trần. Thế nhưng lúc sinh thời Lênin đã một vài lần có ý kiến không nên để Stalin giữ chức vụ toàn quyền vì con người này “rất thô bạo”. Vì thế năm 1924, Lênin từ trần khiến tham vọng nắm quyền tối cao của Stalin có cơ thực hiện được Stalin liên kết với Bukharin đánh bại được đối thủ của mình là Trotski. Dần dần với quyền lực lớn trong tay những năm 1920, Stalin đã loại trừ được ảnh hưởng của Trotsky để cuối cùng vào năm 1927, Trotsky bị Stalin đưa ra khỏi Đảng và đưa đi lưu đày ở Sibir.

Tháng Tư năm 1922, để giữ được chức Tổng bí thư ủy ban Trung ương Đảng cộng sản tại Đại hội lần thứ XI; Stalin đã kinh qua những chức vụ quan trọng để khẳng định uy tín chính trị của mình; năm 1919 - 1922 đứng đầu Ban Thanh tra của Công nhân và Nông dân, Stalin có đủ điều kiện thuận lợi để khống chế mọi bất lợi cho mình. Stalin có chân trong Bộ Chính trị, đầu não của Đảng Cộng sản và trực tiếp nắm quyền soạn thảo chương trình nghị sự các phiên họp quan trọng, điều hành việc gửi các thông tin xuống các cơ sở đảng, coi sóc việc cất giữ hồ sơ đảng viên. Có thể nói, sau khi Lênin qua đời, mọi quyền binh đều tập trung trong tay Stalin. Năm 1922, Stalin là người chủ xướng thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô trước đây) và suốt hơn ba thập kỷ cho đến khi mất (1953), Stalin là lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Liên Xô.

Những công lớn và sai lầm của Stalin.

Từ sau năm 1922, khi Stalin được bầu làm Tổng bí thư của Đảng Cộng sản, ảnh hưởng của ông dần dần được nâng cao vượt cả ra ngoài biên giới Liên Xô Sau khi đưa Trotski ra khỏi Đảng (1927), Stalin tuyên bố chấm dứt chính sách kinh tế mới, và từ 1928 đến 1941, dưới sự lãnh đạo của Stalin, đất nước Liên Xô tiến hành việc hợp tác hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa đất nước đồng thời cũng thi hành những vụ thanh trừng chính trị lớn gây hậu quả xấu và nặng nề trong nhân dân và các đồng chí cách mạng trung kiên của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Stalin chủ trương xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho đất nước thông qua việc đề ra các kế hoạch 5 năm bắt đầu từ năm 1928. Các kế hoạch 5 năm nhằm chủ yếu vào công nghiệp nặng như thép, điện lực, xi măng, than đá, dầu hỏa. Đến kế hoạch 5 năm lần thứ ba (bị gián đoạn vào năm 1941 vì phát xít Đức xâm lược Liên Xô) bộ mặt xã hội của đất nước thay đổi hẳn, đời sống nhân dân tăng lên, uy tín Liên Xô nâng cao trên trường Quốc tế. Những thành tựu trong các thập kỷ 1930, 1940, 1950 gắn liền với tên tuổi Stalin. Song chính trong những thập kỷ mà Stalin nắm quyền binh tối cao, đã có những công lao to lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước Liên Xô; ông cũng đồng thời phạm những sai lầm nghiêm trọng, gây nên những đối với nhân dân Liên Xô, mà lúc sinh thời chưa ai dám đưa ra ánh sáng. Ở khía cạnh này thì chuyên chính vô sản của “con người thép”. (Stalin từ các nước phương Tây bên ngoài nhìn vào có thể liên tưởng đến một ''chế độ độc tài'' của một cá nhân không phải là không có lý do của nó) "Mở màn cho các cuộc thanh trừng hàng loạt sau này là vụ ám sát ông Sergei Kirov (tháng Chạp 1934) được Stalin bật đèn xanh. Vụ Kirov kéo theo những cuộc thanh trừng trong Đảng diễn ra dữ dội vào những năm 1936-1838. Nhiều vụ xử án trong đó có một số vụ xử kín, nhiều vụ xử tử không khép án làm khá nhiều ủy viên Bộ Chính trị của Đảng bị thủ tiêu, nhiều ủy viên Trung ương Đảng, những Thủ tướng và các quan chức cao cấp của các nước Cộng hòa trong Liên Xô trước Nga - tất cả đều bị ám sát hay biến mất không để lại dấu vết nào”.

(Theo Crane Brinton, John B.Christopher, Robert Lee Woff. Văn minh phương Tây.N.X.B Văn hóa - Thông tin, 1994, tr. 705-706). Ngoài ra, việc dùng người sai lầm (trường hợp Beria) gây nên những tổn thất hết sức nặng nề cho Đảng CS làm nhiều đảng viên trung kiên bị hạ sát cũng là một tội không nhỏ mà Stalin phải gánh chịu.

Stalin đã đưa lại những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng đất nước theo chủ thuyết có thể ''xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ trong một nước" khác với chủ thuyết của Trotski cho rằng xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ trong một nước thôi không thể thành công trước khi các nước công nghiệp tiếp thu chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1941 quyền binh và quyền lực tối cao đều tập trung cả vào cá nhân Stalin: Ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Dân uỷ (Chính phủ) Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh tối cao, ông là một trong những nhân vật chính tổ chức ra khối đồng minh chống phát xít Hitler. Stalin có công lao to lớn trong việc đập tan chủ nghĩa Trotski, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, trong việc giành thắng lợi của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945) của nhân dân Liên Xô cứu loài người khỏi thảm họa phát xít. Trong những năm 1930 và trong những năm cuối đời, đồng hành với những công lao to lớn, Stalin đã phạm những sai lầm nghiêm trọng về lý luận và quy luật của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mac-Lênin, xa rời những chuẩn mực của chủ nghĩa Lênin về sinh hoạt Đảng và Nhà nước. Tệ sùng bái Stalin bị lên án như một hiện tượng xa lạ với chủ nghĩa Mac-Lênin.

PGS. - TS. XUÂN HÒA

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1062-02-633390275784868750/Nhung-hoang-de-nguyen-thu-quoc-gia-chinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận