TRUYỀN THUYẾT VỀ VƯỜN TREO BABYLONE
Một công trình kiến trúc được liệt vào hàng kiệt tác của nhân loại, luôn gắn liền với tên của một phụ nữ, đó là Vườn Treo Babylone[1].
Các sử gia ngày xưa đã liệt Vườn Treo này là một trong 7 kỳ quan của thế giới Cổ đại. Có nhiều giả thuyết về xuất xứ của Vườn Treo, nhưng có thể qui vào hai hướng Hoàng hậu Xêmiramix là tác giả của tác phẩm này hay là ngôi vườn này được Nhà Vua xây dựng để tặng Hoàng hậu Amitidơ[2].
2500 năm Tr. CN ở vùng Lưỡng Hà tức lưu vực hai con sông Tigre và Euphrate (thuộc nước Iraq ngày nay), xuất hiện thành Babylone. Vào khoảng thế kỷ XVIII Tr. CN, dưới triều đại Vua Hammourabi (1793 - 1750 Tr. CN), Babylone trở thành một địa danh nổi tiếng phồn vinh, sầm uất. Trong những triều đại tiếp theo, Babylone dần dần suy tàn. Mãi đến thế kỷ thứ VII Tr. CN, dưới triều đại vua Nabucodonossor (604 - 561 Tr. CN), Babylone mới lại được hồi sinh và trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, nghệ thuật phồn thịnh nhất thời Cổ đại. Nơi đây là điểm quy tụ của mọi con đường giao lưu buôn bán thuận lợi trên cả khu vực Trung Cận Đông rộng lớn. Sau khi xây dựng xong cung điện chính của mình, Nabucodonossor xây dựng vườn Treo nổi tiếng ở phía Bắc Babylone.
Tương truyền rằng, nhà Vua đã xây dựng ngôi vườn này để tặng Hoàng hậu Amitidơ, người vợ yêu của mình. Nàng Amitiđơ người xứ Métđơ, con Vua Xiaxarex. Để nàng đỡ nhớ nhà, nhà Vua đã quyết định xây dựng ngôi vườn quý, trong đó trồng những cây cỏ đẹp quý hiếm của xứ Métđơ.
Giả thuyết thứ hai là khoảng 1000 năm sau triều đại Hammourabi, Hoàng hậu Xêmiramix chủ trương xây dựng Babylone thật lộng lẫy, nên đã mở rộng thành cũ, xây dựng cầu lớn qua Sông Euphrate để nối liền hai khu vực thành phố qua lại trên sông. Trong công cuộc kiến thiết mở rộng Babylone, Xêmiramix đã xây dựng Vườn Treo nổi tiếng.
Dù Vườn Treo Babylone có gắn với Xêmiramix hay Amitidơ thì kiệt tác này cũng xuất phát từ một người phụ nữ. Đứng trên Vườn Treo, người ta có thể nhìn bao quát cả thành Babylone vì nó cao ngót 100 mét, Vườn Treo là một khoảng xanh tươi mát, là niềm hy vọng và điểm định hướng cho những đoàn lạc đà lữ hành trên sa mạc xa xôi nóng bỏng.