JAWHARLAL NEHRU (1889-1964)
Jawaharlal Nehru (Giaoaharlan Nêru) sinh trưởng trong một gia đình thuộc đẳng cấp Bàlamon ở Albahabat. Cha của ông, Môtiean Nehru, là một luật sư và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Đảng Quốc đại Ấn Độ. Ông được theo học ở Anh và tốt nghiệp khoa luật Đại học Tổng hợp Cambridge năm 1912. Cũng vào năm đó, ông gia nhập Đảng Quốc đại Ấn Độ và từ năm 1916, ông tích cực tham gia phong trào giải phóng dân tộc của Ấn Độ. Khi M.Gandhi nắm quyền lãnh đạo Đảng Quốc đại vào năm 1919, J.Nehru trở thành học trò và bạn chiến đấu của M. Gandhi. Hoảng sợ trước vai trò và uy tín của J.Nehru đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Ấn Độ, vào năm 1921, thực dân Anh đã bắt giam ông hơn 10 năm. Ngay cả khi trong tù J. Nehru vẫn thường xuyên liên lạc và cùng Gandhi lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống lại thực dân Anh. Với uy tín và tài năng của mình J.Nehru nhiều lần được bầu làm Chủ tịch Đảng Quốc đại (1929-1930, 1936-1937, 1946, 1951-1954).
Trước ý chí kiên quyết đấu tranh của nhân dân Ấn Độ, đặc biệt là phong trào chống thực dân Anh được phát động vào năm 1942 với khẩu hiệu ''Bọn thực dân Anh hãy cút khỏi Ấn Độ! Chúng ta hãy hành động hay là chết!”. Sau đó, bọn thực dân Anh đã phải ngồi vào bàn thương thuyết với Ấn Độ. Trong cuộc thương thuyết Anh - Ấn kéo dài từ 1945 đến 1946, đại diện cho nhân Ấn Độ M.Gandhi và J.Nehru đã cương quyết đấu tranh đòi quyền độc lập cho Ấn Độ. Và ngày 15 tháng 8-1947, thực dân Anh buộc phải trao trả độc lập cho Ấn Độ. Hơn hai năm sau, ngày 26 tháng 1 - 1950, nước Cộng hòa Ấn Độ ra đời. Ngay từ năm 1946, J.Nehru đã được bầu vào chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ lâm thời. Từ tháng 8 năm 1947, khi Ấn Độ được độc lập, cho đến cuối đời, J. Nehru luôn giữ chức Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Ngoại Giao của Cộng hòa Ấn Độ.
Sự nghiệp và cuộc đấu của J.Nehru chống lại thực dân Anh đã để lại dấu ấn tốt đẹp không những đối với nhân dân Ấn Độ mà còn đối với những chiến sĩ đấu tranh cho tự do, độc lập của dân tộc mình. Ngay từ năm 1943, khi còn trong nhà tù của Quốc dân Đảng Trung Hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến người bạn chiến đấu Ấn Độ chưa từng gặp mặt và viết bài thơ ''Gửi Nêru''.
“Khi tôi chiến đấu, Anh hoạt động,
Anh phải vào lao, tôi ở tù;
Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt.
Không lời mà vẫn cảm thông nhau.
Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác,
Cảnh ngộ giờ đây khác bội phần
Tôi, chốn lao tù người bạn hữu,
Anh trong gông xích bọn cừu nhân”.
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Sự thật, HN, 1983).
Sau khi giành được độc lập, dưới sự lãnh đạo của J- Nehru, Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành nhiều cuộc cải cách quan trọng nhằm xóa bỏ sự nghèo nàn, lạc hậu của đất nước do thực dân Anh để lại. Với cương vị Chủ tịch ủy ban kế hoạch, J. Nehru đã tham gia trực tiếp vạch ra và soạn thảo 3 kế hoạch năm năm đầu tiên phát triển nước Cộng hòa Ấn Độ.
J. Nehru còn là một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình và an ninh Quốc tế. Đường lối đối ngoại của Chính phủ ông là không liên kết và cùng tồn tại hòa bình. Song chính sách trung lập, không liên kết của ông mang tính tích cực và luôn gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Ông là một trong những người khởi xướng và thành lập ra phong trào không liên kết.
J. Nehru không chỉ là một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc của thế kỷ XX mà còn là một nhà hoạt động văn hóa, khoa học và triết học tài năng. Ông đã để lại cho Ấn Độ và nhân loại một di sản văn hoá lớn. Các tác phẩm của ông thể hiện trí tuệ triết học sâu sắc và niềm tin bất diệt ở tiến bộ xã hội. Đặc biệt trong tác phẩm Phát hiện Ấn Độ nổi tiếng khắp thế giới của mình, J. Nehru đã đi sâu tìm hiểu ''tính cách dân tộc Ấn'' và những giá trị to lớn của nền văn hóa Ấn ĐỘ. Ông đã đưa ra những ý kiến sắc sảo về sự “không đoạn tuyệt”, ''không bao giờ quên'' những di sản huy hoàng trong quá khứ của đất nước Ấn Độ. Ông nhiều lần nhấn mạnh, nếu Ấn Độ mà quên quá khứ, nhưng J. Nehru không bao giờ coi văn hóa dân tộc là sự biệt lập. Ông luôn kêu gọi: “Phải chiếm lĩnh những thành tựu của loài người”, ''Phải mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới”. Trong di chúc của mình, J. Nehru đã có một cái nhìn trí tuệ và đầy hình tượng về đất nước Ấn Độ thân yêu của mình ''Sông Hằng luôn luôn là biểu tượng của nền văn hóa và văn minh Ấn Độ, luôn luôn thay đổi, chảy mãi không ngừng, nhưng mãi mãi vẫn là sông Hằng”.
J. Nehru mất ngày 27 tháng 5 năm 1964. Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày ông mất, song đất nước Ấn Độ ngày càng trở lên phồn vinh và phát triển như nguyện vọng sinh thời của J. Nehru. Tất cả những gì mà Cộng Hòa Ấn Độ đã, đang và sẽ giành được đều gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Jawarlal Nehru vĩ đại.