Tài liệu: Kiến trúc cung điện

Tài liệu
Kiến trúc cung điện

Nội dung

KIẾN TRÚC CUNG ĐIỆN

 

Kiến trúc cung điện dành cho các chủ nô, quý tộc và các Hoàng đế sử dụng. Những kiến trúc đó được xây dựng nên bằng những bàn tay tài hoa của người thợ. Gỗ được dùng để xây cất các công trình này hầu hết là loại gỗ quý và người ta đã tiêu phí vào các công trình kiến trúc đó rất nhiều công của, tiền tài. Cho nên qui mô của các công trình kiến trúc ấy rất lớn, nhìn vào trông lộng lẫy, tráng lệ, thể hiện trình độ kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc khá tinh xảo, cao nhất của thời đó.

1. Sự phát triển của kiến trúc cung điện:

Căn cứ vào tài liệu khảo cổ và những sách vở, tài liệu ghi chép của người xưa để lại thì từ thời nhà Thương, vào thế kỷ thứ XVI Tr. CN và thời nhà Chu, thế kỷ thứ XI Tr. CN, đã có những kiến trúc cung điện. Thời nhà Thương cung điện thường xây dựng trên nền cao một mét, các phòng dài tới 80 mét, rộng tới 14,5 mét. Thời nhà Chu, cung điện được xây dựng ở giữa cung thành nhà Vua, hình thành một quần thể kiến trúc phía trước có năm cửa, ở giữa có ba cung. Vào thời nhà Thương, nhà Chu, Trung Quốc còn thuộc thời kỳ xã hội nô lệ, nền sản xuất thấp kém nên việc xây dựng cung điện cũng nhỏ. Đến thời nhà Tần, nhà Hán, Trung Quốc bước vào thời kỳ xã hội phong kiến, sức sản xuất đã có bước phát triển, cung điện nhà Tần ở Hàm Dương và nhà Hán ở Trường An về qui mô lớn hơn thời trước đó rất nhiều, Thời kỳ này, đô thành được xây dựng thành quần thể kiến trúc riêng biệt, ngoài cung điện để nhà Vua ngự triều còn có những khu nhà để Vua ở, khu Vua vui chơi. Đời Đường là thời kỳ phong kiến cực thịnh, các cung điện được xây dựng tập trung ở thành nội nằm ở phía Bắc thành phố - kinh đô Trường An.

Năm 634, ở ngoài Trường An xây dựng khu cung Đại Minh là một quần thể kiến trúc rất lớn. Kiến trúc chủ yếu được xây dựng quanh trung tâm, trong đó có điện chính gọi là Hàm Nguyên Điện. Điện này được xây trên một thế đất cao, phía trước là con đường dốc dài dẫn đến Điện tiền. Hai bên điện chính có hai phối điện nằm ở phía trước hình thành dáng kiểu một cái ngai vươn về phía trước. Từ xa nhìn tới thật là uy nghi, hùng vĩ, toát lên khí thế của một quốc gia hùng mạnh và biểu tượng uy quyền của nhà Vua.

Nhà Tống dời đô về Khai Phong thuộc địa phận tỉnh Hà Nam. Cung thành là một bộ phận của Đô thành. Trong cung thành, những cung điện chính cũng được xây dựng xung quanh trục giữa, bốn mặt thành đều có cửa thành và có xây lầu ở bốn góc trên mặt tường thành. Thế kỷ thứ XIII, nhà Nguyên sau khi thống trị Trung Quốc, bắt tay vào xây dựng Hoàng thành, một quần thể kiến trúc gồm các cung điện với qui mô rất lớn nằm ở trung tâm Đô thành Bắc Kinh. Qua các kiến trúc về cung điện của các Vương triều, ta có thể thấy được những đặc điểm sau đây:

* Các cung điện của Trung Quốc thời Cổ đại đều là những kiến trúc riêng lẻ, không lớn lắm chỉ nhằm để thỏa mãn nhu cầu của người đứng đầu giai cấp thống trị về nơi làm việc, nơi ăn ở và vui chơi.

* Các kiến trúc đơn lẻ đó được tập trung vào một khu vực, những cung điện chủ yếu được xây dựng ở hai phía Bắc, Nam con đường được coi là trục chính; còn những kiến trúc thứ yếu được xây dựng ở hai bên, phía trước dùng làm nơi họp bàn công việc triều chính, phía sau dùng làm nhà ở và vui chơi.

* Xung quanh quần thể kiến trúc cung điện có tường bao bọc hình thành một khu gọi là cung thành. Cung thành nằm ở giữa Đô thành (Kinh đô). Lối kiến trúc đó đã trở thành một kiểu cách mà các Vương triều Trung Hoa thường sử dụng.

 

2. Xây dựng Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh:

Minh Thành Tổ là Chu Đệ, sau khi cướp ngôi Vua vào năm 1403, đã dời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh. Ông hạ lệnh cho Trần Khuyên và Ngô Trung tiến hành quy hoạch đô thành và xây dựng Hoàng thành một cách quy mô. Do vật liệu xây dựng bằng gỗ nên muốn xây dựng công trình đó phải cần rất nhiều gỗ, hơn nữa công trình yêu cầu về chất lượng lại rất cao, nên phải lựa chọn gỗ tốt để xây dựng. Ở Trung Quốc, các loại gỗ tốt, quý hiếm đều nằm ở các dải rừng thuộc các Tỉnh Triết Giang, Giang Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc. Gỗ khai thác ra được vận chuyển bằng đường thủy, qua Sông Dương Tử rồi chuyển về Bắc Kinh. Đường vận chuyển xa và chậm nên mỗi đợt vận chuyển có khi kéo dài tới ba bốn năm mới đưa được gỗ từ nơi khai thác về tới Bắc kinh.

Ngoài gỗ ra, còn cần đến gạch để xây tường thành vòng quanh cung thành gạch xây tường các cung điện, gạch lát nền, có nơi nền lát ba lớp gạch. Toàn bộ số gạch để xây dựng cung thành nhà Vua lên tới hơn 80 triệu viên. Có những công trình đòi hỏi gạch phải có chất lượng thật cao, như lát nền các cung điện phải dùng loại gạch gọi là gạch vàng. Loại gạch này được làm bằng thứ đất tốt, đất đó sau khi đào lên lại phải rửa sạch tạp chất chỉ còn lại chất đất mịn, dẻo; cách đóng và nung gạch cũng được làm rất công phu theo một quy trình công nghệ riêng, mặt gạch phải được mài phẳng, đánh bóng nên những viên gạch vừa rắn chắc, vừa nhẵn bóng, gõ vào phát ra tiếng kêu như tiếng vàng nén được gọi là gạch vàng. Đây là sản phẩm đặc biệt được sản xuất ở vùng Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô. Loại gạch đó cũng được vận chuyển bằng đường thủy tới Bắc Kinh.

Số lượng đá để xây cất cung điện cũng rất lớn. Nền và lan can bốn bên, cầu đá và các con đường chính trong Hoàng thành đều xây bằng đá. Để giảm bớt khó khăn trong việc vận chuyển đá, người ta đã cố tìm để khai thác đá ở những nơi gần nhất. Nhưng vận chuyển đá còn khó khăn gấp nhiều lần so với vận chuyển gỗ và gạch, nhất là những khối đá lớn để làm ra những con sư tử đá và những cột đá ở trước Thiên An Môn. Trong số những tảng đá lớn chuyển về có một tảng đá lớn nhất dùng để lát đường Vua đi ở phía Bắc Điện Bảo Hòa. Tảng đá đó dài 16 mét, rộng 3,17mét, nặng hơn 200 tấn. Đó là trọng lượng sau khi đã gia công hoàn thành, nếu tính cả trọng lượng khối đá khi mới mang về thì còn nặng hơn thế nhiều. Một khối đá nặng như thế làm sao chuyển được từ nơi khai thác đến công trường xây dựng Tử Cấm Thành? Lúc đó chưa thể có những chiếc xe tải chở được trọng lượng lớn như vậy, cũng không thể dựa vào sức khiêng vác của con người. Những người thông minh, tài giỏi đã nghĩ ra cách đào một con mương cạn dọc theo đường đi. Chờ mùa đông giá rét, nước ở con mương đào đó kết băng trở thành một con đường băng và cứ thế đẩy khối đá xuống đường băng mà trượt về Bắc Kinh cho tới tận công trường.

Xây dựng cung điện còn cần một khối lượng lớn là ngói lưu ly. Để vật liệu chuyên chở được gần Bắc Kinh, nhiều xưởng làm gạch ngói lưu ly ở Môn Đầu Câu và ở nội Thành Bắc Kinh ngày nay là nơi sản xuất gạch ngói lưu ly trước kia. Ở khu phía Tây thành phố Bắc Kinh hiện có một phố nhỏ gọi là Phố Kho Gỗ và một phố khác gọi là phố Gạch Vuông, là nơi trước kia có kho chứa gỗ, chứa ngói. Kho chứa gỗ lúc đó có tới 3000 nhà kho, đủ cho ta thấy số gỗ lúc ấy dùng nhiều như thế nào.

Thời gian chuẩn bị vật liệu kéo dài trong mười năm, đến năm 1417 mọi việc chuẩn bị xong xuôi. Triều đình nhà Minh bèn trưng tập mười vạn thợ và mười vạn dân công để bắt tay vào thi công. Diện tích Tử Cấm Thành rộng 720.000 mét vuông với hơn 1000 ngôi nhà, cung điện, gồm trên 9000 gian, rộng 16.0.000 mét vuông, thế mà chỉ vẻn vẹn trong ba năm đã xây dựng xong toàn bộ. Minh Vĩnh Lạc năm thứ 18 (tức năm 1420), toàn bộ khu Tử Cấm Thành đã hiện lên giữa Thành phố Bắc Kinh.

 

3. Quy mô của Tử Cấm Thành:

Tử cấm Thành có hơn một ngàn ngôi nhà làm sao có thể bố trí thỏa đáng một số lượng kiến trúc to nhỏ khác nhau nhiều như vậy để vừa có được dáng vẻ mỹ quan để vừa thuận tiện cho việc sử dụng từ nơi làm việc đến nơi ăn ở, vui chơi của nhà Vua và Hoàng tộc. Toàn bộ công trình kiến trúc đòi hỏi làm sao toát lên được uy quyền của nhà Vua, người trị vì thiên hạ.

Tử Cấm Thành bao gồm khu nhà Vua ở và bộ máy cai trị làm việc. Và khu ăn ở, vui chơi của nhà Vua cùng Hoàng tộc. Cách bố trí cũng dựa theo các Vương triều trước đó là: tiền Triều, hậu Tẩm tức là những nhà cửa, cung điện dùng làm nơi thiết triều và làm việc thì xây dựng ở phía trước, còn nơi ăn ở vui chơi thì bố trí ở phía sau.

Tiền triều có ba ngôi điện lớn là Điện Thái Hòa, Điện Trung Hòa và Điện Bảo Hòa. Trong đó, ngôi điện chủ yếu nhất là Điện Thái Hòa, nơi Nhà nước phong kiến dùng để cử hành những nghi lễ lớn. Mỗi khi có quốc lễ như Hoàng đế lên ngôi, lễ chúc thọ nhà Vua, hôn lễ của nhà Vua, lễ cất quân đi đánh giặc, lễ đón mừng năm mới, hay Tết Trung Thu đều được cử hành tại đó; cho nên Điện Thái Hòa là trung tâm của Tử Cấm Thành. Điện Thái Hòa có gì đặc sắc? Nhìn vào quần thể kiến trúc ở Tử Cấm Thành thì Điện Thái Hòa nổi bật lên. Từ Thiên An Môn, cửa lớn của Hoàng Thành, đi vào qua một không gian dài đến Cửa Đoan Môn; qua Cửa Đoan Môn và một quảng trường rộng mới đến Cửa Ngọ Môn để vào Tử Cấm Thành. Qua Cửa Ngọ Môn đến một quảng trường rộng bao là nhìn thấy cửa Thái Hòa nằm ở phía Bắc quảng trường, một cửa để đi vào ba điện lớn. Qua Cửa Thái Hòa lại tới một cửa rất rộng. Điện Thái Hòa sừng sững trên một nền cao ở phía Bắc quảng trường đó.

Người Trung Quốc xưa kia thường thích xây dựng những công trình trọng yếu trên một nền cao để làm nổi lên cái vẻ uy nghiêm của nó. Ba ngôi điện lớn ở Tử Cấm Thành là: Điện Thái Hòa, Điện Trung Hòa và Điện Bảo Hòa xây dựng trên nền cao 8,17mét. Những phối điện cùng nhiều nhà cửa xung quanh có qui mô nhỏ hơn và dựng trên những nền thấp hơn.

Hậu Tẩm là khu vực phía sau tiền Triều. Ở đó nhà cửa xây dựng nhiều hơn phía trước. Đây là khu vực bố trí nơi làm việc của nhà Vua, nhà ở và nơi vui chơi của Hoàng thượng và Hoàng thân quốc thích như Hoàng hậu, Hoàng Thái tử, Hoàng phi và Hoàng Thái hậu...

Những nhà cửa, nơi làm việc hàng ngày của Vua cùng nơi ăn ở vui chơi của Vua được xây dựng trên một trục chính như Cung Càn Thanh, Điện Giao Thái, Cung Khôn Ninh. Còn các nhà cửa khác được xây dựng ở hai bên tả hữu. Các Hoàng phi ở sau cung nằm về hai bên gọi là Đông Các, Tây Các, còn Ngũ sở là nơi ở của Hoàng Thái tử. Phía Đông có cung thờ cúng tổ tiên, phía Tây có Phật đường là nơi thờ Phật. Ngoài ra, còn có Cung Minh Thọ dành để Vua Càn Long ở sau khi thoát vị lên ngôi Thái Thượng hoàng và Ngự hoa viên (Vườn Thượng uyển) dành cho nhà Vua và Hoàng tộc du ngoạn.

Tử Cấm Thành có hơn một nghìn ngôi nhà, dưới đây xin giới thiệu một số kiến trúc gồm những cung điện chủ yếu và các cửa lớn.

Cửa Ngọ Môn:

Ngọ Môn là cửa lớn của Tử Cấm Thành. Hoàng đế ban thánh chỉ hoặc tiếp nhận chiến quả sau một cuộc chiến tranh đều được cử hành nghi lễ tại đây. Hình Cửa Ngọ Môn như một ngôi điện chính nằm ở giữa, các kiến trúc ở hai bên được xây dựng theo hình chữ U, ở dưới có Thành đài cao hơn mười mét. Điện có chín gian để trống, hai bên có hai lầu hình vuông, tiếp đến là dãy hành lang dài vươn ra hai bên và cuối mỗi bên hành lang lại có một lầu hình vuông. Xưa kia ở Trung Quốc, xây dựng hình dáng kiểu này chỉ dành cho các cửa ra vào quan trọng nhất.

 

Cửa Thái Hòa.

Đây là cửa lớn của ba điện lớn ở Tử Cấm Thành, đằng trước có bảy gian dựng trên một nền đá cao. Ở hai bên phía trước có con sư tử đồng ngồi ở bệ đá. Sư tử vốn ở Châu Phi, đến đời nhà Hán, Quốc vương Sri Lanca dùng sư tử làm vật tiến cống Hoàng đế nhà Hán. Từ đó; sư tử được truyền sang Trung Quốc. Sư tử là loài vật có sức mạnh, lại thêm tính hung dữ khiến nhiều loài thú rừng khác phải khiếp sợ nên người ta gọi chúng là chúa sơn lâm. Cách bố trí để hai con sư tử trước cửa nhằm làm tôn thêm vẻ uy nghiêm của kiến trúc, và sức mạnh của Thiên triều.

Trước Thiên An Môn và trước cửa các kiến trúc quan trọng khác của Tử Cấm Thành đều có đặt sư tử đá và cách bài trí theo một kiểu cách nhất định - tức là bên trái cửa có con sư tử đực đạp chân lên quả cầu, phía phải là sư tử mẹ có sư tử con quấn quít bên mình. Vua Thuận Trị nhà Thanh lần đầu tiên vào quan nội, khi tiến vào Tử Cấm Thành đã cho cử hành nghi lễ ban chiếu chỉ đầu tiên của nhà Vua tại Cửa Thái Hòa.

Điện Thái Hòa:

Điện Thái Hòa là ngôi điện lớn và quan trọng nhất của Tử Cấm Thành, không chỉ vì vị trí của nó ở trung tâm Tử Cấm Thành mà về hình thể kiến trúc, về trang trí và các mặt khác đều đứng hàng đầu trong quần thể kiến trúc đó. Các kiến trúc của Trung Quốc thời trước to hay nhỏ thường lấy số gian làm chuẩn mực. Điện Thái Hòa có 11 gian, cao 26,9 mét tính từ mặt đất lên nóc điện. Đây là công trình kiến trúc số một thời xưa còn lại. Mái của các kiến trúc ngày xưa có nhiều loại và nhiều kiểu xây dựng khác nhau, một tầng hay hai tầng. Tùy theo từng kiến trúc to hay nhỏ, mức quan trọng ra sao mà có cách xử lý mái khác nhau. Điện Thái Hòa là công trình quan trọng bậc nhất nên toàn bộ mái lợp bằng ngói lưu ly màu vàng. Khi Mặt trời dọi xuống, từ mái điện phản chiếu lên ánh hào quang sáng chói. Toàn bộ tường và cửa sổ màu hồng, dưới nền màu trắng trông thật rực rỡ. Trên nóc điện, ở hai phía có đắp hai đầu rồng cao ba mét và dọc theo nóc điện có một loạt những con vật nhỏ dáng vẻ như là đang di động. Các cửa ra vào và cửa sổ đều có những mảng hoa văn. Trong Điện Thái Hòa có sáu cây cột giữa sơn son thiếp vàng với hình những con rồng vàng lượn khúc. Ở trần nhà, trên đầu sáu cây cột được thiết kế tạo dáng như hình một cái giếng vuông rồi dần dần thu nhỏ lại, từ hình vuông chuyển thành hình bát giác và trên cùng vẽ hình một con rồng lượn khúc mặt nhìn xuống dưới, phía trước là một khối thủy tinh hình tròn. Bệ rồng của nhà Vua là một ngai vàng đặt trên bục gỗ dưới cây cột vàng. Đằng sau ngai vàng là chiếc bình phong bảy cánh, phía trước bình phong có bày nhang ấn, lư hương, chim công... Nếu cho Điện Thái Hòa là trung tâm của Tử Cấm Thành, thì bệ rồng phải là trung tâm của trung tâm.

Trang trí ở Điện Thái Hòa phần lớn là hoa văn hình rồng. Người Hán coi rồng là tượng trưng cho dân tộc Trung Hoa. Trong giới học giả Trung Quốc đối với rồng có nhiều giả thuyết khác nhau. Người cho rồng là hình tượng tổng hợp của nhiều vật như rắn, cá, trâu bò, chim muông. Người cho rồng là hình tượng của mây mưa, sấm chớp; cũng có người cho rồng là hình tượng của khủng long và cá sấu hợp lại... Thực ra cho đến nay, người ta chưa kết luận được rằng rồng là loài vật thư thế nào nhưng rồng được nhân dân Trung Quốc coi như là thần tượng. Từ khi Hán Vũ Đế tự nhận mình là con rồng thì các Hoàng đế Trung Hoa sau đó đều tự coi mình là rồng, là con trời, được Thượng đế phái xuống trần gian để trông coi trăm họ; do đó, cung điện Vua ở  gọi là long cung, quần áo vua mặc gọi là long bào, ghế Vua ngồi gọi là long kỷ, các đồ dùng của Vua đều chạm trổ hoa văn hình rồng và các hoa văn trang trí trong cung điện nhà Vua đâu đâu cũng mang hình rồng. Con đường chính nhà Vua đi có lát chín viên đá lớn, trên mặt chạm trổ chín con rồng biểu tượng của Cửu trùng đài.

Ở Điện Thái Hòa, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới người ta cộng lại tất cả có 12.654 hình con rồng uốn lượn trong mọi tư thế.

Điện Trung Hòa là nơi chuẩn bị trước khi Vua tới Điện Thái Hòa ngự triều, diện tích hơi nhỏ, bài trí cũng đơn giản. Điện Bảo Hòa là nơi cử hành ngự thi tức là các khóa sinh thi đậu Tiến sĩ ở các nơi được gọi vào Điện Bảo Hòa để chính Vua khảo tra lại lần cuối cùng, nên nơi đây có diện tích rộng được xây dựng và trang hoàng lộng lẫy.

Điện Bảo Hòa có chín gian, còn Điện Trung Hòa hình vuông rộng năm gian. Cả ba ngôi điện: Điện Thái Hòa, Điện Trung Hòa và Điện Bảo Hòa đều lợp bằng ngói lưu ly màu vàng, cửa sổ màu hồng, cùng  ở trên nên màu trắng nhưng về khối hình thì hai lớn, một nhỏ; mái của ba ngôi điện khác nhau hợp thành một quần thể kiến trúc hài hòa, phong phú đa dạng.

Cung Càn Thanh

Đây là cung lớn ở phía sau Tử Cấm Thành, nơi ở của nhà Vua và Hoàng hậu. Đây còn là nơi Vua tiếp kiến các đại thần và giải quyết công việc hàng ngày. Khi Hoàng đế Ung Chính nhà Thanh lên ngôi bèn dời nơi ở đến Điện Dưỡng Tâm nằm ở phía Tây, nên Cung Càn Thanh được nhà Vua dùng làm nơi giải quyết công việc triều chính, tiếp kiến đại thần, hội kiến với Sứ thần ngoại quốc nên trang trí cũng đơn giản. Phía trên nơi Vua ngồi có treo bức đại tự với bốn chữ: Chính Đại Quang Minh. Các Hoàng đế Trung Quốc lên cầm quyền bằng chế độ truyền ngôi cho nhau, nên lúc Vua còn sống phải công bố rõ ràng ai sẽ là người kế vị tiếp nối sau khi Vua băng hà. Vì vậy, sự tranh chấp ngôi Vua thường diễn ra rất quyết liệt, khi thầm lén, lúc công khai trong Hoàng tộc và quần thần.

Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh có 35 con trai, sau một thời gian dài tranh chấp, cuối cùng người con thứ tư của ông được kế vị. Sau khi Ung Chính lên ngôi Vua, ông rút kinh nghiệm nên đã đưa ra quyết định là lúc Vua còn sống không công bố tên tuổi người kế vị, mà chỉ viết tên tuổi người đó vào hai mảnh, một mảnh nhà vua giữ bên mình, còn mảnh kia được để ở Cung Càn Thanh phía sau bức đại tự Chính Đại Quang Minh, chờ khi Vua băng hà mới đem hai mảnh có tên người đó gộp lại và công bố cho mọi người biết.

Điện Giao Thái, Cung Khôn Ninh

Cung Khôn Ninh đời Minh và đầu đời Thanh là nơi ở của Hoàng hậu. Sau này bên trong chia làm hai phần, phía Đông Hoàng đế dùng làm nơi động phòng sau buổi kết hôn, phía Tây làm nơi cúng lễ. Ở vào khoảng giữa hai cung Càn Thanh và Khôn Ninh có Điện Giao Thái hình vuông, quy mô không lớn là nơi để Hoàng hậu tiếp đón Hoàng thân quốc thích đến chào mừng nhân ngày lễ tết. Nó được trang trí có hoa văn rồng và hoa văn phượng xen lẫn nhau. Rồng tượng trưng nhà Vua còn phượng tượng trưng cho Hoàng hậu. Lối kiến trúc của ba ngôi cung điện phía sau cũng giống ba ngôi điện lớn ở tiền triều phía trước, nhưng về quy mô to nhỏ, cao thấp, rộng hẹp thì kém nhiều.

Ngự hoa viên (vườn Thượng Uyển).

Phần phía sau cùng ở Tử Cấm Thành là Ngự hoa viên mà trong các sách Việt Nam thường gọi là vườn Thượng uyển. Đó là vườn hoa trong cung đình, nơi Vua dạo chơi lúc nhàn rỗi hoặc tổ chức hội vui trong cung đình. Ngự hoa viên có diện tích rộng chừng 11 ngàn mét vuông; ở đó có đình, đài, lầu, các. Về thực vật, ngoài các cây vốn sinh trưởng ở miền Bắc Trung Quốc, ở đây còn tùy theo thời tiết từng mùa trồng xen vào những bồn hoa, cây cảnh phương Nam, và từ khắp nơi trong nước gửi về tiến Vua những mẫu hình đá quý, những hòn  non bộ được trưng bày trong vườn làm cho Ngự hoa viên có một cảnh sắc riêng biệt hòa đồng với thiên nhiên hoàn toàn khác biệt với cảnh nguy nga tráng lệ của quần thể các cung điện ở phía trước.

Điện Dưỡng Tâm

Điện Dưỡng Tâm không nằm ở trục giữa của Tử Cấm Thành mà là ở phía Tây phần Hậu Tẩm. Vốn là nơi ở của Hoàng Thái hậu, đến đời Vua Ung Chính nhà Thanh thì dùng làm nơi ăn nghỉ của nhà Vua còn là nơi tiếp kiến các đại thần, giải quyết công việc thường nhật,  nên ở giữa điện không có ngai vàng. Đông Noãn Các trong điện cũng là nơi nhà Vua và đại thần nghị sự. Thời Vua Đồng Trị nhà Thanh do bà mẹ là Từ Hy Thái Hậu chuyên quyền, nên mỗi lần nhà Vua nghị bàn giải quyết công việc của Quốc gia thì Hoàng đế ngồi trên ngự kỷ ở Đông Noãn Các, phía sau ghế Vua ngồi có một tấm màn rủ là hai bà Đông, Tây Thái hậu ngồi nhiếp chính (huấn dụ). Trên thực tế, Đồng Trị chỉ là ông Vua bù nhìn còn mọi việc triều chính điều hành đều do Từ Hy Thái Hậu định đoạt.

4. Tư tưởng thiết kế Tử Cấm Thành.

Trong xã hội phong kiến Trung Hoa, nền kiến trúc tất nhiên cũng chịu ảnh hưởng của chế độ chính trị và ý thức hệ phong kiến. Sự tôn thờ trời đất, Thánh Thần tổ tông cũng như lòng tin vào thuyết Âm dương. Ngũ hành đã ảnh hưởng đến nội dung và hình thức kiến trúc, càng được thể hiện rõ trong việc xây dựng cung điện, nhất là ở Tử Cấm Thành và trong Tử Cấm Thành thì đặc biệt là Điện Thái Hòa phải được đặt ở vị trí trung tâm của tiền Triều nơi thể hiện tập trung quyền lực của nhà Vua.

Ngọ Môn là cửa lớn của Tử Cấm Thành có ba cửa ở chính diện và hai cửa ở hai bên. Cửa lớn ở giữa là nơi nhà Vua ra vào Tử Cấm Thành. Ngoài nhà Vua, Hoàng hậu lúc thành hôn cũng được vào cung qua cửa đó. Những khóa sinh thi đậu Trạng nguyên, Bảng nhỡn, Thám hoa cũng được đi ra cửa đó nhưng chỉ được đi một lần. Cửa phía Đông chính diện, dành để văn, võ bá quan ra vào. Cửa phía Tây là nơi ra vào của những người trong Hoàng tộc. Còn hai cửa nhánh hai bên là nơi để các quan văn võ ra vào mỗi khi nhà Vua tiếp kiến chư hầu, quần thần; theo qui định, quan văn đi cửa phía Đông còn quan võ đi vào cửa phía Tây. Khi nào nhà Vua cho mở khóa thi và đích thân khảo tra thì Tiến sĩ các nơi về dự thi cử theo thứ tự báo danh, người số lẻ đi cửa phía Đông còn số chẵn đi cửa phía Tây.

Về bậc thềm, ở những cung điện trọng yếu đều chia làm ba phần; phần ở giữa là ngự đạo dành riêng cho nhà Vua đi, mặt thềm trang trí hoa văn hình rồng. Thực ra Vua có bao giờ đi bộ qua đường đó đâu, thường là ngồi trên kiệu để người ta rước qua đường đó mà thôi.

Những cửa lớn của các cung điện đều lắp cánh cửa dày bằng gỗ tốt có đóng các hàng đinh cho cửa thêm vững chắc và dần dần việc đóng đinh trên cửa trở thành một kiểu trang trí, trong đó có sự phân biệt rất rõ ràng. Thời nhà Minh qui định cánh cửa Hoàng cung sơn đỏ, đóng đinh vàng và cứ theo thứ bậc Hoàng tộc, quan chức to nhỏ mà dùng màu sắc khác nhau. Từ cửa sơn màu đỏ đến màu xanh, màu đen; về đinh thì từ đinh vàng đến đinh đồng, đinh sắt. Ngoài ra, còn qui định cả số đinh: cửa lớn của Hoàng cung đóng nhiều đinh nhất gồm chín hàng đinh dọc và chín hàng đinh ngang tất cả là 81 đinh; rồi đến cửa bảy hàng đinh dọc và bảy hàng đinh ngang, cả thảy 49 chiếc; cuối cùng là loại cửa có năm hàng đinh dọc và năm hàng đinh ngang cộng là 25 chiếc. Vì vậy nên ta thấy trên cánh cửa lớn Ngọ Môn, Thái Hòa Môn, Thần Vũ Môn ở Tử Cấm Thành đều là cửa đỏ, đinh vàng chín hàng ngang dọc gồm 81 đinh, đó là những cửa thuộc đẳng cấp cao nhất.

Trên nóc các cung điện còn trang trí những con vật nhỏ bằng lưu ly; những con vật thường được trang trí ở nơi được coi là cao cấp nhất gồm chín loài: rồng, phượng, sư tử, thiên mã, hải mã, nhiếp trĩ, bò tót, nghê, giáp ngư được bài trí theo thứ tự trước sau. Tuy vậy, việc trang trí các con vật ở cung điện cũng có sự khác nhau. Điện Thái Hòa, Điện Bảo Hòa, Cung Càn Thanh và Cung Khôn Ninh trên nóc được trang trí chín loài vật nói trên. Còn Điện Trung Hòa, Điện Giao Thái chỉ trang trí bảy loài. Về cửa, cửa Thái Hòa trang trí bảy loài còn cửa Càn Thanh chỉ dùng có năm loài. Một số đình, các ở Ngự hoa viên chỉ trang trí có ba loài.

Riêng Điện Thái Hòa, ngoài việc trang trí chín loài vật ra, người ta còn đặt ở phía sau mỗi con vật một tượng người để phân biệt vị trí quan trọng của Điện Thái Hòa so với các cung điện khác.

Âm Dương Ngũ hành là một học thuyết của Trung Quốc thời Cổ đại. Đó là một quan niệm về triết học và cùng là một thế giới quan. Kinh Dịch có viết: Thiên hà vạn vật đều là Âm Dương. Họ cho rằng phàm là trời đất Nhật, Nguyệt, ngày đêm, nam, nữ đều phân thành Âm và Dương. Ngay đến chữ số cũng có số chính số phụ, số chẵn số lẻ, có cơ và ngẫu, có phương vị, trên dưới khác nhau... tất cả đều phân thành Âm và Dương. Âm và Dương đối lập nhau nhưng lại dựa vào nhau mà tồn tại. Trong Dương có Âm, trong Âm có Dương. Âm cùng Dương giao hòa, giao trưởng thăng giáng.

Ngũ hành là chỉ năm nguyên tố cấu thành vật chất là Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ về sau chia thành phương vị Đông, Nam, Tây, Bắc, Trung; về màu sắc chia ra Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng, Đen; Thanh âm chia ra 5 âm giai Cung, Thương, Vũ, Chủy, Giốc.

Người ta còn tìm ra qui luật của mối quan hệ tổng hòa giữa 5 nguyên tố, 5 phương vị, 5 màu sắc và 5 âm giai.

Tư tưởng thiết kế xây dựng quần thể kiến trúc ở Tử Cấm Thành cũng chịu ảnh hưởng của học thuyết Âm dương Ngũ hành.

Về mặt bố cục thì đằng trước là Dương, đằng sau là Âm nên tiền Triều ở đằng trước là Dương, hậu Tẩm ở đằng sau là Âm.

Về chữ số cũng hàm ý trong thuyết Âm dương, Ngũ hành. Thời Cổ đại cho số lẻ là Dương, số chẵn là Âm: mà số Dương thì con số 9 là lớn nhất được nhà Vua cho là con số đẹp nhất nên đường Vua đi chạm 9 con rồng bay, trên những bức tường chính vẽ hoa văn 9 con rồng gọi là Cửu Long Bích; cánh cửa Hoàng cung đóng 9 hàng đinh ngang dọc trên nóc cung điện của nhà Vua, cũng đắp 9 con vật quý hiếm... Đó là biểu tượng của những nơi Vua ở, lui tới hàng ngày nên còn gọi là chốn cửu trùng. Và nơi thờ tự còn đúc 9 đỉnh gọi là cửu đỉnh. Có lẽ con số 9 này là ảnh hưởng của tư tưởng đạo Phật. Vì theo quan niệm của đương thời con số 9 là con số của nhà Phật.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/185-02-633387541282343750/Kien-truc-Cung-dien/Kien-truc-cung-dien.ht...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận