MAO TRẠCH ĐÔNG (1893-1976) NGƯỜI SÁNG LẬP
ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC VÀ NƯỚC CỘNG HÒA
NHÂN DÂN TRUNG HOA
Mao Trạch Đông là một trong những nhân vật chính trị nổi bật nhất trong lịch sử hiện đại Trung Quốc. Ông là lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một trong những người sáng lập ĐCSTQ từ tháng 7 - 1921; ông là người có công lao to lớn trong việc thống nhất lục địa Trung Quốc như một Quốc gia. Ông trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) kể từ ngày tuyên bố thành lập (1-10-1949).
Mao Trạch Đông sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, sau dần dần chuyển hóa thành phú nông kiêm buôn bán thóc gạo.
Ông sinh ngày 26 tháng Chạp 1893, năm Quý Tỵ ở Thiền Sơn tỉnh Hồ Nam, miền Nam Trung Quốc, mất tại Bắc Kinh ngày 9 tháng Chín 1976, thọ 83 tuổi.
Cha ông là Mao Thuận Sinh, một người cha nghiêm khắc đến nghiệt ngã, tham công tiếc việc. Thuở ấu thơ mới năm, sáu tuổi, Mao đã phải lao động theo lệnh cha.
Mẹ ông là bà Văn Kỳ Mỹ cũng người Hồ Nam. Sau khi xuất giá tòng phu theo phong tục bà lấy họ chồng được gọi là Mao Văn Thị. Bà là một phụ nữ cần cù dịu dàng, tuy ít học nhưng rất hiểu biết trong đối nhân xử thế. Bà là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với Mao thuở thiếu thời. Những năm học tiểu học, nhiều lần Mao suýt bị bố bắt thôi học để theo nghề làm ruộng hoặc đi buôn, nhưng bà Mao Văn Thị biết nghĩ xa hơn đã lựa lời khuyên chồng để Mao tiếp tục được học hành. Bà là người sùng đạo Phật muốn hành thiện, tích đức làm gương cho chồng con. Thuở ấu thơ sống bên người mẹ nhân từ Mao vô cùng kính yêu mẹ, theo gương mẹ nên Mao cũng sùng đạo Phật. Những khi bà đau ốm, Mao thường cầu khấn Phật phù hộ cho sức khỏe của bà sớm được bình phục. Năm 1919, bà lâm bệnh và qua đời, thọ 53 tuổi, Mao vô cùng đau đớn quỳ trước vong linh mẹ, mắt nhòa lệ và tự tay viết hai câu đối thờ mẹ để tỏ lòng biết ơn sâu nặng công lao sinh thành dưỡng dục của thân mẫu.
Cuộc nội chiến gây những hậu quả nặng nề lên gia đình Mao. Em trai Mao là Mao Trạch Dân bị các lực lượng vũ trang Tưởng Giới Thạch hành hình năm 1943, em trai Mao Trạch Đàm thì bị giết ở Phúc Kiến trước đó (1935), còn chị gái Mao Trạch Hồng bị bắn chết năm 1930.
Về cuộc sống riêng, Mao Trạch Đông là người chồng ít hạnh phúc, ông đã trải qua bốn đời vợ, vợ cả là người cùng làng, hơn Mao bốn tuổi do bố mẹ sắp đặt tác thành từ năm Mao mới 13, 14 tuổi. Theo Mao kể lại, tuy cuộc hôn nhân có thực nhưng hai người chưa hề có cuộc sống chung như vợ chồng. Vợ thứ hai là Dương Khai Tuệ, con gái học giả Dương Xương Tế, thày dạy của Mao. Lễ cưới tổ chức năm 1920, Dương Khai Tuệ sinh hạ được ba người con trai là Mao Ngạn Anh, Mao Ngạn Thanh và Mao Ngạn Long. Mao Ngạn Anh nhập Hồng quân, sau đó hy sinh ở Triều Tiên. Mao Ngạn Thanh bị thần kinh, còn Mao Ngạn Long bị mất tích.
Bà Dương Khai Tuệ sau này cũng bị Quốc dân đảng bắt và giết hại. Người vợ thứ ba là Hạ Tử Trân, người đồng hành với Mao trong cuộc Vạn lý trường chinh những năm 30 của thế kỷ XX, Mao cưới bà năm 1932. Bà sinh hạ được một người con trai, lớn lên đã từng du học ở Moskva. Người vợ thứ tư Mao cưới năm 1941. Đó là nữ tài tử màn bạc Giang Thanh. Để lấy được Giang Thanh, Mao đã phải ly dị người vợ thứ ba lúc đó đang ở Moskva. Cuộc hôn nhân của Mao và Giang Thanh vừa là một vấn đề riêng tư vừa là một đề tài xôn xao bàn tán trong công luận những năm đầu thập kỷ 40. Mao đã có thời gian dùng bí danh là Lý Đức Thắng, nên con cái ông cũng được đặt tên theo họ Lý, như Lý Mẫn là con gái Hạ Tử Trân; Lý Nạp là con gái Giang Thanh. Lúc còn trẻ, Mao Trạch Đông là một thanh niên mảnh khảnh có khuôn mặt đầy đặn với nốt ruồi lớn phía trái giữa cằm. Sau này khi đứng tuổi và lúc về già Mao mới béo lên và có dáng dấp giống mẹ.
Thuở nhỏ, Mao đi học không liên tục. Năm 13 tuổi đang học tiểu học bố Mao bắt thôi học để làm việc đồng áng, tối về còn làm sổ sách giúp bố. Mười lăm tuổi, Mao nối lại việc học hành bất chấp sự không đồng ý của bố. Thời học phổ thông, Mao không thích học các môn tự nhiên và ngoại ngữ mà ham đọc sách và thích văn chương, mê đọc tiểu thuyết và những câu chuyện lịch sử. Đọc sách lịch sử, Mao rất thán phục Tần Thủy Hoàng đã thống nhất Trung Quốc và Vũ Hán Đế, người đã mở rộng đất nước Trung Quốc. Mao thích nhất truyện Tam Quốc.
Năm 1913-1918, Mao học trường Sư phạm tỉnh Hồ Nam. Người thầy có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài nhất đối với Mao là học giả Dương Xương Tế, Giáo sư triết học, nhà nghiên cứu Khổng học, sau này (năm 1920) là nhạc phụ của Mao; Dương Xương Tế ham đọc tạp chí Tân Thanh do Trần Độc Tú biên tập (lúc bấy giờ Trần Độc Tú là trưởng khoa văn Đại học bách khoa từ 1917-1919, sau này là một trong những lãnh tụ của ĐCSTQ), đọc xong lại giới thiệu tạp chí này cho sinh viên. Mao trở thành một độc giả chăm chỉ của tạp chí Tân Thanh và bắt đầu hoạt động chính trị, trở thành người lãnh đạo các tổ chức sinh viên ở Trường Sa. Năm 1917, Mao cùng một số sinh viên khác lập ra nhóm nghiên cứu lấy tên là Tân Dân học hội và trở thành lãnh tụ của nhóm này. Năm 1918, Mao tốt nghiệp trường sư phạm. Ông Dương Xương Tế nhận nhiệm vụ mới ở Bắc Kinh đã giúp Mao lên Bắc kinh sinh sống. Giáo sư họ Dương giới thiệu Mao với Lý Đại Chiêu, Mao rất hào hứng tham gia nhóm nghiên cứu chủ nghĩa xã hội do Lý Đại Chiêu lập ra, trong đó có Trần Độc Tú là thành viên. Chính trong thời gian này, Mao đã gặp và yêu cô Dương Khai Tuệ, con gái Giáo sư họ Dương, sau đó họ đã nên vợ nên chồng (1920).
Do ảnh hưởng của Dương Xương Tế, Mao chính thức bước vào con đường hoạt động chính trị và đã đạt được thành công vô cùng quan trọng: Mao Trạch Đông trở thành người sáng lập ĐCSTQ (1921), Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và nước CHNDTH. Công lao to lớn của Mao Trạch Đông là ông đã tập hợp được lực lượng quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, thống nhất được đất nước Trung Quốc rộng lớn.
Từ các căn cứ hoạt động ở nông thôn, Quân giải Phóng nhân dân Trung Quốc mà ông có vai trò quyết định trong việc tuyển mộ và tập hợp lực lượng, đã được thành lập ngày 1 tháng Tám 1927. Dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, Quân giải phóng đã đánh bại các lực lượng Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch trong cuộc nội chiến đẫm máu mở đường đi tới việc tuyên bố thành lập nước CHNDTH ngày 1 tháng Mười 1949. Sau ngày thành lập nước, Mao Trạch Đông trở thành vị Chủ tịch nước đầu tiên của Trung Quốc. Mao đề ra nhiệm vụ tiêu diệt cuộc sống đói khổ, bệnh lật và dốt nát. Dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ do ông đứng đầu, đến cuối những năm 70 ước mơ của Mao Trạch Đông đã dần dần biến thành sự thật.
Sát cánh với Mao Trạch Đông trong cuộc đời hoạt động chính trị xây dựng nước Trung Hoa phồn vinh trước hết phải kể đến Chu Ân Lai. Từ những ngày gian khổ trong cuộc Vạn lý trường chinh những năm 30, Mao Trạch Đông đã cộng tác chặt chẽ với Chu Ân Lai và các bạn chiến đấu gần gũi khác thành lập được Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, xây dựng được một chính quyền nhân dân vững mạnh. Có Chu Ân Lai bênh cạnh như chỗ dựa tin cậy, Mao Trạch Đông đã chắp nối được nhiều mảnh tan vỡ sau các cuộc thanh trừng diễn ra liên tiếp trong Đảng, chính quyền, quân đội và trong các cơ quan văn hóa. Kể từ năm 1973, khi Chu Ân Lai lâm bệnh nặng, Mao Trạch Đông tuy vẫn nắm quyền lực, song hầu như không tham gia các công việc hàng ngày của chính quyền nữa.
Ngày 9 tháng Chín 1976, trái tim Mao Trạch Đông ngừng đập, đã chấm dứt vĩnh viễn cuộc đời hoạt động chính trị sôi nổi của nhà hoạt động, nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước nổi tiếng của Trung Quốc Mao Trạch Đông tuy đã qua đời song ảnh hưởng chính trị to lớn của ông vẫn sống mãi trong sự nghiệp của nhân dân Trung Quốc.
ĐÀO THỊ HẰNG