CHU ÂN LAI (1898-1976) MỘT CHÍNH KHÁCH LỖI LẠC VÀ
NHÀ NGOẠI GIAO KIỆT XUẤT CỦA TRUNG QUỐC
Chu Ân Lai là nhà hoạt động Nhà nước lỗi lạc có tên tuổi của Trung Quốc, một trong những người sáng lập ra quân đội Trung Quốc, một nhà ngoại giao kiệt xuất có uy tín lớn trên trường Quốc tế.
Ông sinh ngày 5 tháng Ba 1898 tại Hoài An, Giang Tô, mất năm 1976, vì bệnh ung thư, thọ 76 tuổi.
Chu Ân Lai tự là Tường Vũ đã từng dùng những bí danh Phi Phi, Ngũ Hào, Thiếu Sơn, Quán Sinh... Nguyên quán ở Thiệu Hưng, Triết Giang.
Ông nội vốn làm nghề dạy học, cuối đời làm quan huyện nhưng tài sản chỉ có một căn nhà là đáng kể. Ông ngoại quê ở Nam Xương, Giang Tây làm nghề dạy học sau làm quan Tri huyện trong thời gian dài 30 năm. Mẹ là bà Chu Đông Nhi, một phụ nữ có học thức, tính tình cởi mở song trong công việc bà là người có năng lực và quyết đoán. Bà sinh hạ sđược ba người con: Chu Ân Lai, Chu Ân Bạc và Chu Ân Thọ.
Từ nhỏ, Chu Ân Lai ở với người mẹ nuôi họ Trần, một người đàn bà có công nuôi dạy Chu Ân Lai nên người. Về quan hệ họ hàng bà mẹ nuôi cũng đồng thời là người thím (bà là vợ người chú ruột của Chu) giàu tình cảm. Mới hai mươi tuổi bà đã góa chồng, nên bà dồn hết tình cảm bà tâm sức cho đứa con nuôi đồng thời là cháu mình. Bà mẹ nuôi Chu Ân Lai người Tô Bạc, có học vấn khá, am hiểu thi văn thư họa, tính tình lại ôn hòa. Năm lên bốn tuổi Chu Ân Lai đã được hưởng sự dạy dỗ chân tình của người mẹ nuôi; bà dạy chữ cho Chu từ năm đó; năm sau lên năm tuổi, Chu đã cắp sách đến trường tư thục. Hầu như ngoài giờ học ở trường, bà mẹ nuôi họ Trần đều dành nhiều thời gian lôi cuốn Chu vào việc học hành: lúc thì bắt Chu ở nhà đọc sách lúc thì bà đọc thơ Đường hoặc kể chuyện cho Chu nghe. Học vấn và nhân cách của bà mẹ nuôi đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn cậu bé Chu và lòng ham học hỏi sau này của Chu.
Năm lên sáu tuổi (1904), Chu cùng bố mẹ và mẹ nuôi, em trai chuyển đến huyện Thanh Hà (nơi ông ngoại làm việc), sống một thời gian không lâu và đi học. Ở nhà ông ngoại đông người nên thường xảy ra những chuyện không vừa ý với người này người khác, mẹ đẻ của Chu có uy tín nên thường được mời đứng ra làm trọng tài dàn xếp, hòa giải. Bà thường chú ý lắng nghe sự việc cho rõ ngọn ngành rồi mới đưa ra ý kiến của mình. Chu đã học được nhiều điều bổ ích không có trong sách vở qua cách xử thế của mẹ. Nhưng thật không may cho cậu lúc mới lên tám tuổi trong vòng chưa đầy hai năm, mẹ đẻ và mẹ nuôi đều lần lượt qua đời, khiến cho cuộc sống thời thơ ấu của Chu như bị hẫng hụt.
Kinh tế gia đình Chu lại sa sút không gượng được, nợ nần chồng chất, bố Chu phải rời bỏ quê hương đến Hồ Bắc kiếm sống. Chu đưa hai em về Hoài An, nơi chỉ có căn nhà trống trơn chờ đợi. Mới lên mười mà Chu đã phải lo toan việc gia đình như người lớn, từ cơm nước đến ứng xử hàng ngày trong gia đình, xóm giềng và kể cả những việc cúng giỗ,v,v… tất cả đều dồn lên vai cậu bé vị thành niên. May mắn đến năm Chu 12 tuổi, người bác ruột đằng bố làm quan, giàu có đón Chu về cưu mang, khi ông bác đi Nhật lại cho Chu theo cùng: Mười hai tuổi, Chu đã được đặt chân trên đất Đông Kinh, chuyến đi nước ngoài này đã tạo nên bước ngoặt trong đời sống và tư tưởng của Chu. Sau này, Chu có nói nếu không có lần đi Nhật năm ấy thì chắc chắn cuộc đời Chu không gặt hái được nhiều thành công như Chu đã làm...
Chu Ân Lai là nhà lãnh đạo Nhà nước lỗi lạc của Trung Quốc, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng trên thế giới. Ông là một trong những người sáng lập ra quân đội nhân dân Trung Quốc.
Năm 1913, vào học trường Trung học Nam Khai, Thiên Tân. Năm 1917, du học ở Nhật. Hai năm sau về nước tham gia phong trào Ngũ Tứ. Năm 1920, sang châu Âu, học ở Pháp và Đức.
Năm 1922, gia nhập Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Năm 1924, về nước, giữ nhiều chức vụ quan trọng: ủy viên thường vụ ủy ban Quảng Đông - Quảng Tây, Chủ nhiệm chính trị trường quân sự cao cấp Hoàng Phố; năm 1926 đi Thượng Hải, giữ chức vụ Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm bí thư Quân khu Giang - Triết. Năm 1928 là Bộ trưởng bộ tổ chức Trung ương ĐCSTQ, bí thư Quân uỷ Trung ương.
Năm 1934, tham gia cuộc trường chinh của Hồng quân đi kháng Nhật, tháng Mười Hai 1936 là đại diện toàn quyền ĐCSTQ trong việc giải quyết vấn đề hòa bình tại Tây An với đại diện Quốc dân đảng buộc Tưởng Giới Thạch chấp nhận ngừng nội chiến để chung vai đánh Nhật. Tháng Mười Một 1946, ông trở về Diên An làm Tổng tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Từ sau ngày 1 tháng Mười 1949, Chu Ân Lai liên tục giữ chức Thủ tướng Quốc Vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và nhiều năm kiêm chức Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ cùng nhiều chức vụ quan trọng khác trong bộ máy Nhà nước Trung Quốc.
Năm 1954, Chu Ân Lai là người khởi xướng và tìm hướng cho 5 nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các nước Á - Phi được thực hiện góp phần quan trọng cho Hội nghị Băng Đung (1955) của 29 nước Á - Phi họp theo sáng kiến của 5 nước Miến Điện (Myanmar), Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Xây lan (Sri-Lanka). Hơn hai chục năm hoạt động trên trường ngoại giao, Chu Ân Lai đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế, đến thăm nhiều nước trên thế giới và có đóng góp quan trọng vào việc tăng cường tình đoàn kết hợp tác giữa các dân tộc, bảo vệ hòa bình trên thế giới và khu vực. Tên tuổi nhà ngoại giao kiệt xuất Chu Ân Lai nổi tiếng trên thế giới.
Trong cách mạng văn hóa ở Trung Quốc (1966-1976), chu Ân Lai kiên quyết chống lại tập đoàn phản đảng: Lâm Bưu và “bè lũ bốn tên”. Ông đã có công lao lớn trong việc bảo vệ nhiều đồng chí trung kiên và những người con ưu tú của nhân dân Trung Quốc khỏi bị các phe phái thanh trừng sát hại.
Thời thanh niên, Chu Ân Lai là một sinh viên thông minh, một diễn viên kinh kịch nghiệp dư tài nghệ. Bước vào con đường hoạt động chính trị, Chu Ân Lai tỏ rõ là nhà lãnh đạo lỗi lạc, có tài ngoại giao, người bạn chiến đấu lâu năm của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Ngày 9 tháng Giêng 1976, Chu Ân Lai trút hơi thở cuối cùng sau 5 năm lâm bệnh.
Thể theo nguyện vọng của Chu Ân Lai lúc còn sống, nên thì hài ông được hỏa táng và được máy bay đem cốt tro đó trải dọc các dòng sông Dương Tử, Hoàng Hà và khắp mọi miền đất nước Trung Hoa.
Sinh thời, Chu Ân Lai là người sống giản dị, lịch thiệp và đúng như tên đệm của mình, ông rất mực ân tình với đồng bào, đồng chí. Ông rất thương yêu, từ tâm và gần gũi quần chúng. Bản thân ông lại là một tấm gương sống trong sáng lành mạnh nên khi nghe tin ông mất nhân dân Trung Quốc vô cùng xúc động bày tỏ nỗi niềm tiếc thương vô hạn.
Chu Ân Lai đã đề ra cho bản thân và gia đình 10 điều bắt buộc trong cách đối nhân xử thế, trong đó có 3 điều nhất thiết phải tuân thủ bất luận trong trường hợp nào, đó là:
- Khi đi xem văn nghệ người nhà phải mua vé không được dùng giấy mời (điều 3).
- Không được dùng xe công vào việc riêng (điều 5).
- Phàm việc gì làm được thì không yêu cầu sai bảo người khác làm (điều 7).
XUÂN HÒA - HẰNG DAO