Tài liệu: Inđira Gandhi (1917-1984) bà thủ tướng kiệt xuất của Ấn Độ

Tài liệu
Inđira Gandhi (1917-1984) bà thủ tướng kiệt xuất của Ấn Độ

Nội dung

INĐIRA GANDHI (1917-1984)

BÀ THỦ TƯỚNG KIỆT XUẤT CỦA ẤN ĐỘ

 

Inđira Gandhi sinh ngày 19 tháng 11 năm 1917, tại Alahabát. Lúc Bà ra đời, thân sinh của Bà, ông Jawaharlal Nehru (Giawaharlan Nehru), mới bước những bước đầu tiên trên con đường chính trị với tư cách là chiến sĩ của Đảng Quốc đại Ấn Độ. Còn ông nội của Bà, Môtilan Nêru khi đó là một trong những người lãnh đạo đội hộ vệ già của Đảng Quốc đại. Những người phụ nữ của gia đình Nehru cũng là những chiến sĩ tích cực trong cuộc đấu tranh chống thực dân Anh. Tháng Tư năm 1932, bà nội của Inđira, Suarup Ran Nehru bị đánh đập vì đã tham gia biểu tình chống lại đế quốc Anh. Mẹ của Inđira, bà Kamala Nehru cũng là nạn nhân trong cuộc đàn áp đó.

Ngôi nhà của gia đình Nehru gần như trở thành bộ tham mưu của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Anh. Những cuộc bắt bớ thường xảy ra với gia đình này. Có lần, cả cha và mẹ Inđira đều bị vào tù.

Inđira Gandhi được học ở Ấn Độ và Thụy Sĩ. Năm 1937, sau khi mẹ mất, Bà sang Anh học tại trường trung học Somerviffe tại Oxford, Năm 1941, Bà trở về Ấn Độ và năm sau xây dựng gia đình với Feroze Gandhi, phóng viên của vùng Alahabats, cảm tình viên của Đảng Quốc đại. Tháng 9 năm 1942, Feroze và Inđira bị bắt giam và bị ở tù cho đến năm 1943. Bà sinh được hai người con trai là RaZip Gandhi (1944) và Sanjay( 1946). Năm 1960 Feroze Gandhi, chồng Bà qua đời.

Sau khi J. Nehru trở thành Thủ tướng của Ấn Độ độc lập Inđira luôn theo sát bên cha. Năm 1955, Bà cùng cha tham dự Hội nghị đầu tiên của phong trào không liên kết tại Băng Đung. Cùng năm đó, Bà được bầu vào ban thường vụ của Đảng Quốc đại. Năm 1959, Bà được bầu làm Chủ tịch Đảng. Năm 1964, sau khi J. Nehru mất, Thủ tướng mới Lan Bahađur Sastri bổ nhiệm Inđira Gandhi làm Bộ trưởng Bộ Thông tin. Năm 1966, sau ngày Lan Bahađur Sastri mất, Đảng Quốc đại, đảng cầm quyền giao chức Thủ tướng cho Inđira Gandhi.

Từ năm 1966 đến năm 1977, Thủ tướng Inđira Gandhi đề ra nhiều chương trình cải cách nhằm ổn định và phát triển kinh tế đất nước. Năm 1967, Bà đưa ra Chương trình mười điểm phát triển kinh tế quốc dân... Năm 1969, nội các của Inđira Gandhi tiến hành quốc hữu hóa 14 ngân hàng lớn của tư nhân, thực hiện cải cách ruộng đất và làm cuộc cách mạng xanh. Trong khi cuộc bầu cử tháng Ba 1971, Inđira Gandhi đưa ra khẩu hiệu thanh toán nghèo khổ và đạo luật về vấn đề sinh đẻ có kế hoạch. Có thể nói Bà là vị nguyên thủ đầu tiên trên thế giới nhìn thấy thảm họa của đói nghèo do tình trạng sinh đẻ không có kế hoạch. Bà đã có ý tưởng và đề ra chính sách về sinh đẻ có kế hoạch đi trước loài người một bước. Vào tháng Chạp 1971, Ấn Độ tuyên chiến với Pakistan và công nhận nước Cộng hòa Bangladesh. Tất cả những việc làm trên đã làm tăng sự ủng hộ của dân chúng đối với chính phủ của Inđira Gandhi.

Thế nhưng, việc nuôi mười triệu người di cư khỏi miền Đông Pakistan đã làm cho Nhà nước Ấn Độ phải hao tổn 3 triệu đô la mỗi ngày cộng thêm hạn hán những năm 1971 - 1972 kéo dài, sự xáo động của nền kinh tế do cuộc chiến tranh với Pakistan gây ra đã làm cho chương trình chống nghèo đói của nội các Inđira Gandhi không hoàn thành. Vì thế các lực lượng đối lập có cơ hội chống lại Inđira Gandhi. Năm 1971, Rai Narafu, đối thủ chính của Inđira Gandhi trong khu vực bầu cử Rai Bareyli, đã tố cáo Bà gian lận. Năm 1975, thẩm phán của Tòa án tối cao Alahabat kết án Inđira Gandhi tội mua chuộc cử tri và tuyên bố sự thắng cử của Bà ở Quốc hội là vô hiệu lực. Phe đối lập mở cuộc vận động đòi Inđira Gandhi phải từ chức. Trước sức ép và tình hình khó khăn đó, nội các Inđira Gandhi đã áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn và vương quyết để ổn định đất nước. Nhưng những kết quả thu được không nhiều. Vì thế, trong cuộc bầu cử tháng Ba 1977, phe đối lập đã thắng Đảng Quốc đại. Chính phủ mới làm hết sức mình để xóa bỏ đường lối chính trị của Inđra Gandhi. Bà bị bắt giam hai lần, bị kết tội mua chuộc bị loại khỏi Quốc hội. Nhưng, tất cả những thử thách nặng nề đó không làm Inđira Gandhi nhụt chí. Đầu năm 1978, Bà tuyên bố thành lập Đảng Quốc đại mới. Và trong cuộc bầu cử năm 1980, Đảng Quốc đại mới đã thắng, Inđira Gandhi trở lại chức Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi lên cầm quyền, Inđira Gandhi vấn tiếp tục đường lối chống đế quốc, xây dựng một đất nước Ấn Độ đoàn kết, thống nhất. Nhưng thời gian này ở Ấn Độ những cuộc xung đột giữa các cộng đồng, sự chia rẽ trở nên trầm trọng. Ngày 30 tháng 10 - 1984, Inđira Gandhi bị cáo lực lượng khủng bố cực đoan sát hại trong lúc đang đi bách bộ tới nơi làm việc.

Gia đình Nehru bắt đầu từ Jawahalal Nehru đến Inđira Gandhi, tiếp nối là con trai bà - Razip Gandhi đã có công rất lớn đối với đất nước Ấn Độ. Tên tuổi họ đã đi vào lịch sử Ấn Độ như những nhân vật chính trị kiệt xuất. Inđira Gandhi tuy không còn nữa, nhưng đối với hàng trăm triệu người dân Ấn Độ, Bà không chỉ là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc mà còn là người mẹ đáng kính của đất nước Ấn Độ. Ở Việt Nam, vườn hoa Chí Linh trước đây giữa trung tâm thủ đô Hà Nội nay mang tên vườn hoa Inđira Gandhi để tưởng nhớ đến Bà và tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1062-02-633390280076431250/Nhung-hoang-de-nguyen-thu-quoc-gia-chinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận