Tài liệu: Kiến trúc đàn miếu

Tài liệu
Kiến trúc đàn miếu

Nội dung

KIẾN TRÚC ĐÀN MIẾU

 

Kiến trúc đàn miếu có thể phân làm ba loại:

- Đàn miếu thờ cúng núi sông, trời đất, đế Vương và tổ tiên.

- Đền miếu ghi nhớ những danh Thần, danh tướng, những văn nhân có công với dân với nước.

- Gia miếu, từ đường cúng tế tổ tiên.

1. Đàn miếu tế trời, đất, tổ tiên

a. Thái miếu và xã tắc đàn.

Vào thời nhà Chu, thế kỷ XI Tr. CN, đã hình thành phong tục cúng tế. Trong cuốn Chu lễ - Khảo công ký có viết rằng, lúc đó quy hoạch của Vương thành là: mỗi bên rộng 9 cây số, mỗi mặt có ba cửa thành, phía trong thành ngang dọc mới chiều có 9 con đường, đường rộng 9 quỹ (mỗi quỹ rộng bằng khoảng cách giữa hai bánh xe), cung Vua ở giữa, bên trái là miếu cúng tế tổ tông, bên phải là đàn tế xã tắc, phía trước là triều đình, phía sau là phố. Qua đó cho ta thấy, lúc bấy giờ đàn và miếu có vị trí quan trọng và cố định. Cách bố trí tổ tiên bên trái, xã tắc bên phải về sau đều được thể hiện ở kinh đô nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên. Kinh thành Bắc Kinh thời nhà Minh, Thanh càng được xác định rõ vị trí của đàn miếu ở bên trái và bên phải trước Tử Cấm Thành.

Ngôi Vua trong thời đại phong kiến được truyền cho nhau từ đời này sang đời khác nên các Vua chúa rất coi trọng việc cúng tế tổ tiên. Thái miếu ở Bắc Kinh được xây dựng ở phía trước; bên trái Tử Cấm Thành hòa vào quần thể kiến trúc đó, phía ngoài có ba lớp tường vuông bao bọc. Những kiến trúc chính là ba ngôi đền ở đằng trước, ở giữa và đằng sau. Điện phía trước to nhất, rộng 11 gian, thềm có ba tầng bằng đá, là nơi cúng tế tổ tiên. Mỗi lần đại lễ thì rước bài vị Thần chủ Vua sau đến đây để cử hành nghi lễ. Ngôi đền ở giữa là nơi đặt bài vị thần chủ Vua sau. Điện phía sau là điện thờ Thần chủ Hoàng đế đầu tiên. Triều đình nhà Thanh đã truy phong tước vị Hoàng đế cho bốn vị quân chủ, những vị tiền bối của nhà Thanh trước khi nhà Thanh xưng đế, rồi đưa bài vị của bốn vị Hoàng đế mới được truy phong đó vào điện phía sau - hậu điện. Vì vậy hậu Điện còn gọi là Miếu Tổ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên. Ba ngôi điện này được xây dựng trên trục giữa, hai bên phải trái có phối điện hình thành nhiều lớp, sân trước, sân sau.

            Người Trung Quốc xưa kia gọi xã là Thần Thổ địa, tắc là Thần Ngũ Cốc. Cung tế xã – tắc thể hiện là nước lấy nông nghiệp làm gốc. Đầu tiên, xã - tắc chia làm hai đàn hoặc một đàn, một miếu để tế lễ. Đến đời Minh, nhà Thanh thì hợp xã - tắc làm một gọi là xã tắc để cúng tế chung. Xã tắc đàn ở Bắc Kinh nằm bên phải phía trước Tử Cấm Thành, đối xứng với Thái Miếu thành thế: tả tổ hữu xã, tức là tổ tiên bên trái, xã tắc bên phải. Hình dáng của nó là một gò đất hình vuông mỗi chiều 15 mét, cao gần một mét, trên mặt phủ một lớp đất có 5 màu: xanh, đỏ, vàng, đen, trắng theo sự phân bố mang tính truyền thống: phía Đông màu xanh, phía Nam màu đỏ, phía Tây màu trắng, phía Bắc màu đen, ở giữa màu vàng; coi đất bốn phương tượng trưng cho cương vực của Quốc gia. Bên ngoài gò đất có đắp một tường thấp vây quanh bốn phía. Mặt tường bốn phía cũng theo phương vị mà ốp lưu ly các màu xanh, đỏ, đen, trắng. Nghi thức thờ cúng xã tắc thì đứng ở phía Bắc hướng về phương Nam mà cúng tế, cho nên vị trí đàn ở phía Nam, phía Bắc đàn là bái điện, hưởng điện và cửa chính.

b. Thiên, Địa, Nhật, Nguyệt đàn

Từ xa xưa các bậc đế Vương thường tự nhận mình là con trời, được trời phái xuống trần gian để trị vì thiên hạ, nên cúng tế trời, đất là những hoạt động quan hệ mật thiết với việc củng cố và tăng cường chính quyền của giai cấp thống trị; do đó, càng được coi trọng, và trở thành đại lễ của Quốc gia, vượt qua cả việc cúng tế tổ tiên. Thời đó, có quy định mỗi khi trong nước có đại tang như Hoàng đế, Thái Thượng hoàng, Hoàng Thái hậu mất thì ngừng việc cúng tế ở tông miếu nhưng không được ngừng việc cúng tế trời, đất.

Tế trời, đất trở thành hoạt động tâm linh mang màu sắc chính trị quan trọng của các bậc đế Vương; nơi tế trời thường chiếm một vị trí quan trọng ở đô thành. Theo quy định của nhà Chu thì, nơi tế trời dựng ở phía Nam đô thành. Vì người xưa cho rằng Nam là hướng dương sinh hỏa, Bắc là hướng Âm sinh thủy. Trời thuộc Đương ứng tại Nam, đất thuộc âm ứng tại Bắc. Do vậy, nơi tế đất ứng với phá Bắc đô thành. Nam - Bắc, Âm - Dương, trời - đất đối ứng với nhau. Ngoài ra, tế Mặt trời ở Đông Giao, tế Mặt trăng ở Tây Giao nên gọi chung là “Giao tế” ở ngoại thành, tránh được nơi đông người, huyên náo của phàm tục, càng gần gũi với thiên nhiên càng thích hợp với việc cúng tế trời đất, cúng tế các Thần Nhật, Nguyệt.

Dưới thời Minh, Thanh việc cúng tế ở kinh thành Bắc Kinh đều sắp xếp theo cách thức như vậy. Thiên Đàn ở Nam Giao còn Địa Đàn, Nhật Đàn, Nguyệt Đàn thì phân biệt dựng ở Bắc Giao, Đông Giao và Tây Giao. Đến đời Minh Trưng Diệp mở rộng kinh Thành Bắc Kinh mới coi Thiên Đàn thuộc địa phận nội Thành Bắc Kinh.

            Thiên đàn[1]

Thiên Đàn bắt đầu xây dựng từ năm Minh Vĩnh Lạc thứ 18 (năm 1420) cùng thời với việc xây dựng Tử Cấm Thành. Đến đời nhà Thanh, tuy có sửa lại Thiên Đàn nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên hình dáng của đời nhà Minh. Thiên Đàn rộng 4184 mẫu, gấp bốn diện tích Tử Cấm Thành. Trong phạm vi rộng như thế, người ta xây dựng những kiến trúc gỗ và tạo một khung cảnh ra sao để đáp ứng yêu cầu của việc tế trời?

Cửa chính của Thiên Đàn nằm giữa tường thành phía Tây, hơi nhích về phía Bắc. Kiến trúc của Thiên Đàn gồm hai phần; những kiến trúc chủ yếu dùng vào việc tế trời nằm ở phía Đông trục giữa, phần Kiến trúc còn lại nằm về phía Tây trục giữa, trong đó có Trai Cung là nơi Hoàng đế đến tắm gội và ăn chay trước ngày tế trời. Hàng năm, vào trước Đông chí một ngày, Hoàng đế đến đây ăn chay và tắm gội, giữ gìn thân thể cho được sạch sẽ để tỏ lòng thành kính đối với việc tế trời và các Thần. Hai nhóm Kiến trúc nói trên chiếm diện tích không lớn, còn lại người ta trồng lùng, bách và những loại cây xanh khác để tạo ra cảnh sắc thiên nhiên vừa trang nghiêm vừa tạo cảnh sắc mỹ thuật.

Những kiến trúc dùng cho việc tế lễ nằm về phía Đông để sau khi bước vào cổng chính ở phía Tây, người ta phải đi qua một con đường dài mới đến được khu vực tế lễ. Kiến trúc dùng cho việc tế lễ cũng chia ra hai phần. Phần phía trước là sân tế trời, kiến trúc chủ yếu là một gò đất tròn gọi là Đàn, Đàn có đài ba tầng xây bằng đá, xung quanh không có lan can. Phía ngoài đàn không có kiến trúc gì, chỉ có hai lớp tường thấp vây quanh, vòng ngoài hình vuông, vòng trong hình tròn. Ở góc phía Đông Nam giữa hai lớp tường thấp có trên mười cái lò bằng sắt và lưu ly, góc phía Tây Nam có ba cây đèn. Đàn là nơi Hoàng đế tế trời, nghi lễ được cử hành trong ngày Đông chí trước lúc rạng đông. Trên các cây đèn có treo đèn lồng gọi là vọng đăng hoặc thiên đăng. Đèn lồng cao 8 thước, cây nến bên trong cao 4 thước, to 1 thước (mỗi thước Trung Quốc bằng 0,4 mét). Lò được đốt bằng các loại gỗ thơm như tùng hương, quế hương, những loại gỗ thường dùng để đốt trong lúc tế lễ tỏa ra mùi thơm đặc biệt. Phía Bắc đàn có Hoàng Cung Vũ là ngôi điện nhỏ một tầng hình tròn, nơi ngày thường đặt bài vị của các Thần, hai bên có phối diện với bức tường nhỏ vòng quanh. Tường ốp bằng gạch nhỏ rất đẹp. Hai người đứng cách xa nhau có thể nói chuyện được với nhau bằng cách người nói, mồm để sát vào tường mà nói, người nghe áp tai sát vào tường mà nghe vẫn rõ. Vì vậy bức tường đã trở nên nổi tiếng, được gọi là ''hồi âm bích''.

Một nhóm kiến trúc khác ở Thiên Đàn dùng để tế lễ là quần thể kiến trúc Điện Kỳ Niên ở phía Bắc Hoàng Cung Vũ. Đây là nơi mỗi năm vào giữa mùa Hạ, Hoàng đế đến làm lễ  cầu được mùa. Điện Kỳ Niên là ngôi điện chính, lớn, hình tròn, trên có nhà mái vẩy ba tầng, dưới là ba tầng đài đá. Trước đài có sân rộng, trước sân có cửa Kỳ Niên, hai bên phải, trái có phối điện, có tường bao quanh. Hai tổ hợp Kiến trúc, một là Đàn, một Kỳ Niên Điện, cái trước dùng để tế Thiên Thần (cầu được mùa), đều xây dựng trên một trục nhưng cách nhau 360 mét, nối với nhau bằng con đường rộng 30 mét. Con đường đó cao hơn mặt đất 4 mét, hai bên trồng tùng, bách xanh tốt; đặt chân vào đây, du khách cảm nhận như mình đang đi vào cõi Thần tiên.

Các kiến trúc cổ của Trung Quốc hay dùng thủ pháp tượng trưng nhằm tác động vào tinh thần người xem. Thủ pháp đó được thể hiện rõ trong kiến trúc Thiên Đàn về ba mặt: hình tượng, chữ số và màu sắc.

Người xưa cho rằng trời tròn, đất thì vuông; nên ở Thiên Đàn vật trang trí phần nhiều là hình tròn và hình vuông. Hai lớp tường tròn bao bên ngoài Thiên Đàn có hai góc ở phía Nam là hình vuông, hai góc ở phía Bắc hình tròn. Đàn nơi tế lễ, Điện Kỳ Niên và Hoàng Cung Vũ đều là hình tròn, đài tròn, nền tròn, mái tròn nhưng tường vây quanh thì lại hình vuông.

Học thuyết Âm dương Ngũ hành lấy số lẻ làm dương, số chẵn làm âm. Trời là Dương đương nhiên phải dùng số lẻ mà số lẻ thì số 9 là cao nhất, nên nơi Hoàng đế tế Trời dùng số 9 mới tỏ ra là tôn kính (cửu trùng đài). Đàn nơi tế trời đều dùng số 9. Trên mặt đàn toàn bộ dùng đá xanh lát ở giữa có viên đá tròn, xung quanh lát những viên đá hình quạt; Vòng thứ nhất lát 9 viên, vòng thứ hai 18 viên, vòng thứ ba 27 viên... đến vòng thứ 9 là 81 viên. Lan can xung quanh cũng dùng bội số 9. Lan can tầng trên mỗi mặt 9 viên, bốn mặt 36 viên, tầng giữa mỗi mặt 18 viên, tầng dưới mỗi mặt 27 viên. Thềm của ba tầng đàn mỗi tầng có 9 bậc.

Điện Kỳ Niên là nơi cầu được mùa nên con số dùng có liên quan mật thiết với nông nghiệp. Các cột trong điện lớn chia ba tầng. 12 cây cột bên ngoài đỡ mái vẩy tầng một, tượng trưng một ngày 12 giờ, 12 cậy cột tầng giữa biểu thị một năm 12 tháng; cộng lại là 24 cây cột lại biểu thị một năm có 24 tiết trời; 4 cây cột bên trong tượng trưng bốn mùa trong một năm. Cách dùng số cột như vậy ý muốn nói là nông nghiệp và thời tiết bốn mùa có quan hệ mật thiết với nhau.

Đất màu vàng, bầu trời màu lam nên người ta coi màu vàng tượng trưng cho đất, màu lam tượng trưng cho bầu trời, do đó nói tế trời phần nhiều trang trí màu lam. Mái tường thấp vây quanh Đàn lợp ngói lưu ly màu lam, mái Hoàng Cung Vũ và Kỳ Niên Điện cùng các Kiến trúc xung quanh cũng đều lợp bằng ngói lưu ly màu lam. Trong các khu lăng mộ, đàn miếu, người Trung Quốc trước kia thường trồng tùng, bách để thể hiện lòng nhớ nhung và tôn kính, dần dần cây tùng, cây bách trở thành loài cây tượng trưng cho sự nhớ nhung, tôn kính của con người. Có thể nói, yêu cầu tế trời, cầu được mùa đã gợi lên cho các nhà xây dựng ngày xưa một trí tưởng tượng và sức sáng tạo về trời đất thật tuyệt vời. Kiến trúc Thiên Đàn đã đạt tới một trình độ cao siêu, là viên ngọc sáng chói trong lịch sử kiến trúc Cổ đại Trung Quốc.

Nhật Đàn, Nguyệt Đàn và Địa Đàn:

Quy mô của Nhật Đàn, Nguyệt Đàn và Địa Đàn ở về phía Đông, phía Tây và phía Bắc kinh thành Bắc Kinh, nhỏ hơn nhiều sơ với Thiên Đàn. Mỗi kỳ Xuân phân, Hoàng đế đến Nhật Đàn tế Thần Mặt trời; Hạ chí, đến Địa Đàn tế Thần Thổ địa; Thu phân đến Nguyệt Đàn tế Thần Mặt trăng. Ở đây cũng dùng không ít thủ pháp tượng trưng, ví dụ Địa Đàn thuộc Âm ở phía Bắc, chỉ số ứng với số chẵn cho nên phương trạch của Địa Đàn có hai tầng, bốn bên thềm mỗi bên có 8 bậc, số đá lát mặt đài đều là số chẵn. Nhật Đàn tế Thần Mặt trời, Mặt trời màu đỏ nên mặt đàn lát lưu ly màu hồng, đến thời nhà Thanh vì không thuận tiện trong việc sử dụng nên mới thay bằng gạch vuông.

Ngoài cúng tế Trời, Đất, Mặt trời, Mặt trăng ra, người xưa còn cúng tế những núi, sông danh tiếng như lập miếu thờ Thần núi tại 5 quả núi nổi tiếng theo phương vị từng núi. Núi Thái Sơn ở phía Đông, có Đại miếu ở Thái An; miếu phía Nam ở núi Hoành Sơn tỉnh Hồ Nam; miếu phía Tây ở Núi Hoa Sơn thuộc huyện Hoa Dương tỉnh Thiểm Tây: miếu phía Bắc ở núi Hằng Sơn thuộc huyện Hồn Nguyên tỉnh Sơn Tây; miếu giữa ở núi Tùng Sơn thuộc huyện Đăng Phong tỉnh Hà Nam. Năm ngôi miếu đó quy mô đều rất lớn, biểu hiện lòng sùng bái của người xưa đối với tại sơn - tượng trưng cho sự vĩnh hằng.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/180-02-633387546036250000/Kien-truc-dan-mieu/Kien-truc-dan-mieu.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận