KIẾN TRÚC LÂM VIÊN
Vào thời nhà Chu, thế kỷ thứ XI Tr.CN, Trung Quốc đã chọn những khu đất để trồng rừng, nuôi thú phục vụ cho Vua chúa tổ chức đi săn bắn, mua vui. Thời đó, trong khu rừng nhân tạo, người ta đắp một đài cao bằng đất để Vua quan đến ngắm thiên văn, đài kiến trúc còn rất thô sơ. Đến thời Tây Chu (từ thế kỷ X đến thế kỷ VIII Tr. CN), những khu rừng nhân tạo này có nơi chu vi rộng tới 70 cây số, trong đó có khu vực cầm thú, có nơi đào ao thả cá, khu xây dựng những cung thất để Vua quan sử dụng; đến đời nhà Tần, nhà Hán loại vườn rừng đó ngày một phát triển. Đời Hán, có xây dựng khu rừng cấm, chu vi rộng 300 cây số, ở đó có nuôi nhiều thú rừng, trồng nhiều loại cây có hoa, xây dựng những cung điện, lầu các và nhà cửa để Vua quan đi dạo chơi hay săn bắn.
Thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, chiến tranh thường xuyên diễn ra. Trước tình hình đó, nhiều sĩ phu buồn chán không thiết gì đến thời cuộc nữa mà đi tìm nơi sống ẩn dật, làm bạn với núi sông, cỏ cây hoa lá; họ xây dựng nên những khu lâm viên để sống trọn cuộc đời u tịch nơi hoang dã. Rồi có nhà tu hành muốn gửi trọn đời mình nơi cửa Phật, cũng tìm một vùng cảnh sắc thiên nhiên để xây cất đền, chùa, tạo dựng nên danh lam thắng cảnh. Còn phần Vua chúa, từ chỗ cho xây dựng những khu rừng làm nơi săn bắn, giải trí đến chỗ cho đào hồ, đắp núi xây dựng nên những cung điện, đình đài, lầu các biến nó thành khu vườn hoa để đời đời thưởng ngoạn.
Đời Đường là thời kỳ lâm viên phát triển toàn diện vì đất nước thanh bình, kinh tế phồn thịnh nên về các mặt văn hóa, hội họa, kiến trúc đều thăng hoa, với quy mô to lớn. Ở Bắc Kinh đô Trường An có xây dựng một khu rừng cấm với quy mô lớn, ngoài ra còn có khu vườn rừng nhỏ hơn về phía Đông, phía Tây và phía Nam đô thành. Tại khu nội của cung Đại Minh có đào hồ Thái Dịch, trong hồ có dựng Núi Bồng Lai, xung quanh hồ có xây hành lang dài hình thành một khu lâm viên rộng lớn. Dải sông Khúc Giang ở về góc Đông Nam Thành Trường An có nơi vui chơi cho dân trăm họ. Hàng năm cứ đến Tiết Trung Hòa, vào tháng Hai, Tiết Thượng Ất vào tháng Ba và Tiết Trùng Dương vào tháng Chín (theo Âm lịch), nơi đây là thắng địa để người người tụ tập cùng nhau du ngoạn.
Ở Hàng Châu tỉnh Triết Giang, Quế Châu (nay là Quế Lâm) tỉnh Quảng Tây đều có những khu phong cảnh đẹp kỳ thú cho khách hành hương tới đó du ngoạn. Trong số các kiến trúc phong cảnh ở Trung Quốc nổi tiếng nhất có Thắng Vương Các ở Giang Tây xây dựng vào đời Đường, Hoàng Hạc Lầu ở Hồ Bắc và Nhạc Đường Lâu ở Hồ Nam. Ba ngôi lầu đó đều đạt tới trình độ cao về tài nghệ chọn thế đất và kiểu dáng kiến trúc, một vẻ đẹp kiêu sa, đài các. Nhà thơ Bạch Cư Dị lúc tới nhậm chức Thứ sử ở Hàng Châu đã mở mang phong cảnh khu Tây Hồ và cũng không quên việc kinh doanh khu vườn nhỏ của nhà mình ở Lạc Dương. Vườn nhà ông rộng 17 mẫu, trong đó nhà ở chiếm 1/3 diện tích, mặt nước chiếm 1/5, rừng trúc chiếm 1/9; trong ao có ba hòn đảo, trên đảo có đỉnh nhỏ, dưới ao trồng sen trắng, củ ấu... Lúc đó, loại vườn nhỏ của tư gia có tới ngàn cái ở Lạc Dương.
Đến đời Tống, việc xây dựng vườn nhà càng phát triển, từ Kinh đô đến các địa phương, từ các gia đình quý tộc đến dân thường nơi nơi làm vườn, nhà nhà làm vườn. Ở nội ngoại Thành Biện Lương có vài trăm khu vườn của các đại thần, quý tộc; nhà Vua có tới 9 khu vườn, trong đó có Vườn Cấn Nhạc của vua Tống Huy Tông rất nổi tiếng.
Thời Minh, Thanh là thời kỳ hưng thịnh cuối cùng về việc xây dựng lâm viên và còn để lại cho đời nay nhiều công viên nổi tiếng như Thanh Y Viên tức Di Hòa viên, Viên Minh Viên...