NHÀ CHÂN TREO VÀ LẦU TRỐNG
Kiều nhà này thường thấy nhiều ở vùng núi của dân tộc thiểu số như Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam, nơi có khí hậu ẩm ướt, nóng bức. Để được thoáng mát, tránh được ẩm ướt và đề phòng thú dữ, người ta làm kiểu nhà sàn. Nhà có hai tầng, tầng dưới dùng để nuôi gia súc, cất nông cụ và các đồ dùng khác; tầng trên dùng làm nơi ăn ở, tiếp khách, bốn phía có hành lang. Những cột phía ngoài hành lang không chạm đất. Sức nặng của hành lang hoàn toàn dựa vào sức đỡ của xà, đầu xà phía trong tựa vào vách núi, phía ngoài có cột đỡ, đầu xà phía ngoài cũng là điểm tựa của cột phía ngoài hành lang.
Người dân tộc Đồng còn có kiểu nhà đặc biệt gọi là lầu trống. Hình dáng của nó giống kiểu Phật tháp nhiều mái vẩy. Trong lầu treo cái trống một mặt để mỗi khi trong thôn có công việc gì, cần đánh trống triệu tập dân làng đến tập trung ở lầu trống. Thường ngày dân làng đến lầu trống để nghỉ ngơi, gặp gỡ chuyện trò với nhau; mùa Đông trong lầu có lửa sưởi ấm, mùa Hè có nước chè cho dân làng uống giải khát; ngày tết, hội hè dân làng đến đây vui chơi... Lầu trống làm toàn bằng gỗ, chân lầu hình vuông, lục giác hoặc bát giác, bên ngoài có trang trí bằng tranh màu. Mái vẩy ở các tầng đều trang trí hoa văn hình cây cối và muông thú. Lầu trống thường xây dựng cao to, là trung tâm văn hóa, chính trị của làng. Lầu trống là ngôi nhà công cộng không thể thiếu được ở mỗi làng người dân tộc Đồng cũng giống như nhà rông không thể thiếu được đối với người dân Tây Nguyên ở Việt Nam.