Tài liệu: Nền kiến trúc cổ đại Trung Hoa

Tài liệu
Nền kiến trúc cổ đại Trung Hoa

Nội dung

NỀN KIẾN TRÚC CỔ ĐẠI TRUNG HOA

 

Trung Quốc là một nước có lịch sử và nền văn minh lâu đời, đã sáng tạo ra một nền văn hóa rực rỡ với những thành tựu to lớn về khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật. Trung Quốc cũng là một nước có nhiều dân tộc. Với sự giao lưu lâu đời về văn hóa kinh tế giữa các dân tộc nên đã có ảnh hưởng lẫn nhau, giúp nhau cùng phát triển lớn mạnh. Trong đại gia đình các dân tộc Trung Hoa thì dân tộc Hán đã làm nên những công trình kiến trúc khổng lồ với số lượng nhiều nhất và phân bổ ở khắp đất nước Trung Quốc. Những công trình kiến trúc của người Hán và của các dân tộc anh em đã tạo nên bộ mặt kiến trúc muôn hình muôn vẻ, trên khắp dải đất Trung Hoa. Đó là những di sản quý báu trong kho tàng kiến trúc của nhân loại.

Những đặc điểm của nền kiến trúc Cổ đại Trung Quốc thể hiện chủ yếu ở mấy mặt sau đây:

1. Dùng vật liệu kết cấu bằng gỗ:

Từ lâu đời, kiến trúc Cổ đại Trung Quốc đã dùng vật liệu kết cấu bằng gỗ, có nghĩa là người ta dựng cột gỗ trên những viên đá tảng, kích thước to nhỏ tùy theo tiết diện của cây cột, đã được gia công theo kiểu cách của nhà thiết kế. Những viên đá được đặt trên một cái nền vững chắc. Trên đầu cột, người ta đặt và lắp những xà ngang, xà dọc, lắp đặt những thanh kèo, tiếp nữa là rui mè hoặc cầu phong, litô tất cả đều bằng gỗ và trên lợp ngói.

Lối kiến trúc bằng gỗ có nhiều ưu điểm:

* Tiện lợi cho việc sử dụng. Xây dựng kiểu này tường bị đổ thì nhà vẫn còn nguyên; tường bên trong và tường ngoài có thể xử lý một cách linh hoạt. Ở phương Bắc lạnh lẽo thì làm tường dày cho ấm, phương Nam nóng nực có thể làm tường mỏng bằng tre, gỗ; cũng có thể không dùng tường mà lắp cánh cửa hoặc bốn mặt để trống. Như vậy sẽ tùy theo nhu cầu sử dụng không gian đó vào việc gì như lễ đường, phòng ở hay hành lang... mà bố trí theo kiểu cách riêng. Phía trong nhà, để ngăn cách giữa gian này với gian khác, phòng này với phòng kia, người ta có thể dùng bức bàn, che bình phong hay đựng cánh gà... tùy theo nhu cầu và ý thích của chủ nhân.

* Chịu chấn động tốt vì các bộ phận bằng gỗ được lắp mộng khít chặt vào nhau giằng giữ nhau, làm tăng độ vững chắc của kiến trúc. Ở huyện Ứng, tỉnh Sơn Tây có một ngọn tháp bằng gỗ cao trên 60 mét, tuổi thọ đã trên 900 năm, qua bao trận động đất đến nay vẫn tồn tại.

* Kết cấu bằng gỗ tiện cho việc thi công công trình so với gạch đá. Do đã tính trước được kích thước của từng bộ phận nên có thể tiến hành lắp ráp với nhiều công việc của nhiều bộ phận khác nhau trong cùng một thời điểm ở nhiều nơi, và cho đến khi cất mới tập trung các bộ phận vào một chỗ để dựng. Vì vậy công trình thi công có thể thực hiện được với tốc độ nhanh trong điều kiện mặt bằng nơi thi công chật hẹp vẫn không bị trở ngại.

Tất nhiên: dùng vật liệu gỗ xây dựng cũng có những mặt hạn chế. Nếu như gỗ không tốt dễ bị mối mọt, mục nát bởi thời gian, mưa nắng, ẩm ướt và cũng dễ bị cháy.

2. Bố trí thành quần thể kiến trúc:

Ở miền Bắc Trung Quốc thường có lối xây dựng giữa là sân, bốn phía là nhà vây lại. Người chủ gia đình thường ở gian giữa, con cái ở các phòng bên nên ngôi nhà chính được xây dựng ở giữa, còn các ngôi nhà khác nằm ở hai bên đối xứng nhau; đó là đặc điểm kiến trúc kiểu Trung Quốc thời Cổ đại. Cung điện, đình chùa, miếu mạo đều xây dựng theo một dạng như vậy, nếu có khác nhau chăng chỉ là vì cung điện được xây dựng với qui mô lớn, kiểu dáng cầu kỳ và lộng lẫy. Kiến trúc nào càng lớn thì số sân càng nhiều và càng to rộng.

Kiến trúc Trung Quốc lấy gian nhà làm đơn vị cơ bản. Các kiến trúc có kiểu dáng khác nhau do các gian hợp thành khác nhau.

3. Xử lý nghệ thuật kiến trúc:

Cách xử lý nghệ thuật kiến trúc Cổ đại Trung Quốc có đặc điểm rõ là gia công nghệ thuật ngay trên các cấu kiện của kiến trúc, dựng nên một cảnh trang trí rất đặc sắc cho toàn bộ mặt của một công trình. Cũng do vật liệu xây dựng công trình bằng gỗ nên nóc công trình có thể tạo dáng hình cong với những hình các con vật quý hiếm tạo cho bộ mặt kiến trúc một cảnh quan đẹp mắt.

Trong kiến trúc, người Trung Quốc còn biết sử dụng màu sắc. Một cung điện lớn mái lợp ngói lưu ly màu vàng, bên trong vẽ những bức tranh màu xanh lục. Tường, cột cửa sổ đều sơn màu đỏ, các bậc lên xuống xây bằng đá trắng, nền nhà dùng màu sẫm. Các màu vàng và xanh lam, màu đỏ và xanh lục, màu trắng và đen... được trang trí xen kẽ trong một bố cục tương phản tôn tạo lẫn nhau.

Ở miền Nam, các lâm viên trong kiến trúc thường dùng tường màu trắng và ngói màu xanh xám, kết cấu gỗ màu cà phê đậm, không có tranh màu, xung quanh trồng trúc và chuối ba tiêu tạo nên cảnh quan riêng biệt của lâm viên.

Với công dụng khác nhau, kiến trúc Cổ đại Trung Quốc chia thành sáu loại: Kiến trúc cung điện, kiến trúc lăng mộ, kiến trúc tôn giáo, kiến trúc lâm viên và kiến trúc nhà ở dân cư.

 

 

 

 

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/179-02-633387534159375000/Nen-kien-truc-co-dai-Trung-Hoa/Nen-kien-tr...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận