Tài liệu: Những kỷ lục mới trong việc chiếm lĩnh chiều cao của kiến trúc nhà cao tầng hiện đại

Tài liệu
Những kỷ lục mới trong việc chiếm lĩnh chiều cao của kiến trúc nhà cao tầng hiện đại

Nội dung

NHỮNG KỶ LỤC MỚI TRONG VIỆC CHIẾM LĨNH CHIỀU CAO

CỦA KIẾN TRÚC NHÀ CAO TẦNG HIỆN ĐẠI

 

Không phải chỉ ngày nay, mà từ ngàn xưa, con người đã có nguyện vọng làm cho những công trình kiến trúc của mình vươn lên cao. Nhớ lại thời Cổ đại, ở thành phố Babylone vùng Lưỡng Hà, vào năm 358 Tr. CN người ta đã xây dựng tháp Babylone cao tới 90 mét. Năm 280 Tr.CN ở cảng Alexandria, con người đã xây dựng ngọn hải đăng bằng đá cao tới 150 mét để hướng dẫn tàu bè qua lại. Ngọn hải đăng này tồn tại đến hơn 1000 năm.

Những công trình cao tầng nói trên tuy đã đi vào huyền thoại nhưng vẫn có những ý nghĩa lịch sử rất lớn. Song ý nghĩa và thực tiễn về những công trình đó chỉ tồn tại trong hơn một thế kỷ rưỡi trở lại đây. Năm 1851, chiếc thang máy đầu tiên xuất hiện trong một khách sạn ở đại lộ số 5 tại New York. Rồi một trong những cột mốc đầu tiên của kiến trúc cao tầng vào năm 1883-1885 là tòa nhà của Công ty bảo hiểm xây dựng ở Chicago. Ngôi nhà này cao mười một tầng (55 mét) dùng khung thép và dầm thép, tường ngoài bằng gạch tự mang. Tiếp đó là tòa nhà Masonis Temple được xây dựng vào năm 1891 - 1895 ở Chicago cao 20 tầng (92 mét) dùng toàn bộ khung thép chịu lực. Và sau đấy là tòa nhà Ingall cao 16 tầng, xây dựng năm 1903 có kết cấu khung bê tông cốt thép chịu lực. Càng ngày các hệ thống kết cấu mới như thép và bê tông cốt thép càng chứng tỏ tính ưu việt của chúng; các hệ thống kết cấu mới càng ngày càng phát huy ưu thế, nó vượt xa những cố gang ban đầu vào cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này. Chẳng hạn, lúc đó có tòa nhà cao tầng dùng kết cấu tường đá chịu lực, tường tầng dưới cùng có chiều dày đến 4m.

Ngày nay, kỹ thuật kiến trúc nhà cao tầng đã đạt được những tiến bộ bất ngờ, tạo nên nhiều hình ảnh hết sức kỳ vĩ, làm cho thành phố hiện đại có những dáng vẻ hết sức đẹp đẽ. Đó là sự vươn lên cao không ai cưỡng nổi. Nhà cao tầng hiện nay có nhiều loại và được phân rã như sau:

+ Nhà cao tầng loại 1: cao từ 9-16 tầng, có chiều cao cao nhất là 50 mét.

+ Nhà cao tầng loại 2: cao từ 7 - 25 tầng, cao nhất đến 75 mét.

+ Nhà cao tầng loại 3: có chiều cao từ 26- 40 tầng, cao tới 100 mét.

+ Nhà cao tầng loại 4: cao từ 40 tầng trở lên và cao trên 100 mét. Loại nhà này còn gọi là nhà siêu cao tầng hay là nhà chọc trời.

Có một thời, người ta đã kỳ thị bài xích kiến trúc nhà cao tầng, cho rằng nó ít tính chất người, không thuận tiện cho sinh hoạt.

Nhưng đối với một số nước, thời kỳ đó đã qua. Ngày nay nhà cao tầng là rất cần thiết và đã bộc lộ nhiều tính ưu việt của nó. Vì đất chật người đông... nhà cao tầng góp phần giải phóng không gian bên dưới để cho đường sá, cây xanh và gara ôtô; nhà cao tầng còn có liên hệ giao thông thẳng đứng thuận tiện và có thể gộp nhiều cơ quan lớn vào một công trình duy nhất làm cho giao tiếp có lợi hơn. Nhà cao tầng giải quyết được vấn đề giá đất cao, dùng đất chặt chẽ, cải thiện được điều kiện vệ sinh, dùng đường sá và đường ống tập trung, tiết kiệm chi phí quản lý. Khi dùng những nhà tầng cao, thấp kết hợp với nhau, dùng điểm kết hợp với tuyến tạo thành những hình tượng cao, thấp khác nhau sẽ gây ấn tượng phong phú và tạo bộ mặt hùng vĩ cho đô thị.

Hội nghị lần thứ tư về kiến trúc nhà cao tầng hợp ở Hồng Kông tháng 11-1990, đã chọn ra 100 ngôi nhà cao tầng cao nhất thế giới. Gần một thế kỷ nay, những kỷ lục về chiều cao luôn luôn bị chinh phục, ngày càng có những kỷ lục mới gây ấn tượng hơn. Và người ta thấy các kỷ lục đó đang còn tiếp tục bị phá trong tương lai. Trong số các nhà cao tầng cao nhất thế giới, có ngôi nhà cao nhất là tòa Tháp Sears Tower ở Chicago xây dựng năm 1974, cao 110 tầng, 443 mét.

Hai ngôi nhà cao thứ hai và thứ ba thế giới, là một tòa tháp đôi đặt bên nhau ở thành phố New York có tên là Trung tâm Thương mại Thế giới Bắc và Trung tâm Thương mại thế giới Nam được xây dựng năm 1972; đều cao 110 tầng, nhưng chênh nhau hai mét, một tòa nhà cao 417 mét và một tòa nhà cao 415 mét.

Ngôi nhà cao thứ tư thế giới là toà nhà Emprie State Building ở New York được xây dựng từ năm 1931, cao 102 tầng, 381 mét. Ngôi nhà này có 36 chiếc thang máy, và trong 40 năm, từ thập niên 30 đến thập niên 70 đã là công trình cao nhất thế giới.

Công trình cao thứ 5 là tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc ở đây do kiến trúc sư Mỹ gốc Trung Quốc là I. M. Pei thiết kế.

Trước Pei, kiến trúc sư Anh Norman Foster cũng đã đặt ở đây tòa nhà Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải theo phong cách High Tech (kỹ thuật cao) cao 180 mét.

Pei đã chấp nhận một sự đua tài, thiết kế một tòa nhà cao đến 315 mét (nếu kể cả đỉnh cột ăng ten thì còn cao thêm 52 mét nữa). Đó là một tòa nhà trông như ''một lưỡi kiếm mạnh'', có tổng diện tích 1,4 triệu m2 (Anh); 40% dùng cho Ngân hàng, với 8000 nhân viên; 60% diện tích còn lại cho thuê làm văn phòng. Một nhà phê bình kiến trúc đã nói: ''Đó là một khối lăng trụ khoác áo bằng nhôm và kính phản xạ, vươn lên trời cao như một trò chơi tháo dần mảng khối''. Kết cấu tòa tháp này được thiết kế theo nguyên tắc cấu trúc của cây tre và những đốt tre.

Ngôi nhà cao thứ 100 là tòa nhà One Shell Plaza ở Houston Mỹ xây dựng năm 1977, 50 tầng, cao 218 mét.

Trong một trăm ngôi nhà cao tầng, cao nhất thế giới đó, có 85 công trình là nhà làm việc, 12 công trình mang tính chất đa chức năng và ba công trình là khách sạn.

Trong 100 công trình cao nhất thế giới này, Mỹ chiếm 78 công trình, chúng tập trung ở các đô thị lớn như New York, Chicago, Houston, San Francisco và Dallas.

22 lòa nhà siêu cao tầng còn lại thì phân bổ ở Canada, Nhật Bản, Singapore, Australia, Venezuela, Anh, Pháp, Đức, Nam Phi, Malaysia, Hàn Quốc và Hồng Kông.

Canada là nước có nhiều tòa nhà làm việc và thương mại cao tầng. Trong thập niên 60 và thập niên 70 đã xây một số nhà cao 56 tầng (224 mét) 57 tầng (259 mét) và 72 tầng (285 mét).

Các ngôi nhà siêu cao ở Nam Mỹ thường tập trung ở Caracas (Venezuela), Bogota (Colombia) và ở Sao paulo (Brazil).

Ở các nước châu Âu, từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp, Cộng hòa liên bang Đức, Anh đã xây dựng nhiều nhà cao tầng. Ở Pháp tiêu biểu nhất là khu nhà cao tầng. Défense ở Paris. Ở London có nhà cao 50 tầng, (245m). Còn ở thành phố Frankfurt trên sông Main đã khánh thành ngôi nhà Tháp Hội Chợ cao 70 tầng, 220 mét. Trong khi đó ở Nhật Bản, những quy định cũ về hạn chế tầng cao được bãi bỏ, từ năm 1981 đã có 47 tòa nhà cao trên 107 mét và cao 60 tầng, 260 mét.

Đặc biệt gần đây nhất ở Nhật Bản, quần thể công trình tòa thị chính ở Tokyo, tác phẩm của 11 Kenzo Tange, kiến trúc sư lớn Nhật Bản nổi tiếng thế giới, đã được xây dựng xong, bao gồm nhiều khối nhà, trong đó khối cao nhất cao 243 mét.

Trong một tương lai gần, chúng ta không được quên hai cường quốc của kiến trúc nhà cao tầng đang đe dọa vươn lên phá kỷ lục nhiều công trình siêu cao đương đại là Trung Quốc, Malaysia.

Cường quốc của kiến trúc siêu cao vào thế kỷ XXI chắc chắn sẽ là Nhật Bản với phương án của các kiến trúc sư Nhật Bản hoặc các kiến trúc sư nước ngoài dự kiến xây dựng trên đất Nhật Bản. Một trong những công trình cần ghi nhận đầu tiên là tòa tháp Thiên niên kỷ, sản phẩm trí tuệ của kiến trúc sư người Anh Norman Foster. Tòa tháp này là một công trình xây dựng riêng biệt cao 800 mét (trong đó có một cái tháp thông tin viễn thông cao 200 mét).

Diện tích mặt bằng của 150 tầng nhà của công trình này là 60000m2. Nó bao gồm các cơ quan, công trình đô thị và nơi ở; cung cấp chỗ ở đủ cho hơn 17.000 công nhân và 2000 người dân. Công trình có dạng hình côn là một tháp đáy tròn đường kính càng lên trên càng nhỏ dần, gồm khu vực để ở và cây xanh có chiều cao 80 mét, đáy rộng 126 mét. Phần kiến trúc chính trên mặt đất có chiều cao 600 mét được chia làm 5 khu vực, mỗi khu vực cao 30 tầng và khu vực nọ liên kết với khu vực kia bởi các phần kiến trúc công cộng như các rạp chiếu phim, các phòng hòa nhạc, siêu thị, các khu thể thao, khách sạn và tiệm ăn.

Vị trí xây dựng tòa tháp này đã được dự kiến nằm ở trên Vịnh Tokyo, để giảm tối thiểu ảnh hưởng đối với sinh hoạt bình thường của khu đất liền. Thời gian dự kiến để xây dựng sẽ là 10 năm.

Phương án thứ hai mang tính chất kích thước hơn nữa là đô thị siêu chọc trời X.Seed - 4000. Đó là một công trình cao hơn Núi Phú Sĩ, có thể sẽ là một câu trả lời cho những dự án của thành phố tương lai. X.Seed - 4000 sẽ cao 400 mét, có diện tích từ 5000 đến 7000 hécta, và sẽ cung cấp chỗ ở cho 500 - 700 nghìn dân. Đó là một thành phố đảo có chu vi đáy 6,5 km, có hình dáng như núi Phú Sĩ được tạo thành bởi một mạng lưới khung cực mạnh. Đề án này dự kiến sẽ được xây trong 30 năm. Ở Nhật Bản còn có những phương án kiến trúc không kém phần kích thích khác, ví dụ phương án TRY 2004 - thành phố trên không trung hoặc phương án cụm nhà siêu chọc trời DIB - 200 với những quan niệm đầy táo bạo, nhưng cũng có đủ những căn cứ khoa học, kỹ thuật và xã hội. Đó sẽ là những ví dụ tiêu biểu của thời đại siêu cấu trúc. Thế kỷ XXI đang mở rộng trước mắt chúng ta cùng với việc công phá những kỷ lục về chiều cao mới.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1054-02-633387559485937500/Nhung-ky-luc-moi-ve-chieu-cao-cong-trinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận