"GIA PHẢ'' CỦA CHIÊM TINH HỌC
Vào cuối thiên kỷ III đầu thiên kỷ II trước công nguyên ở vùng Lưỡng Hà (Mêxôpôtamia), một trong những cái nôi của các nền văn minh lâu đời nhất đã xuất hiện loại chiêm tinh học đầu tiên: ''chiêm tinh học điềm tháo''. Người Sume và người Accađi cư ngụ ở vùng Lưỡng Hà đã thần thánh hoá các tinh tú: Sao Kim (họ gọi là thần lsta: lshtar), Mặt Trăng (thần Xin: Sin) và bản thân bầu trời (thần Anu). Họ cho rằng các thần thánh gửi các điềm báo xuống để cảnh báo cho con người về các sự kiện tương lai . Quan sát và giải thích các điềm trời là mục dịch của chiêm tinh học điềm báo. Vào thiên kỷ thứ II trước công nguyên ở vùng Lưỡng Hà người ta đã lập ra các bảng chữ hình nêm trên đất sét được gọi là ''Enuma Anu Enlile''. Các bảng này bao gồm khoảng 7000 sự giải thích các hiện tượng của trời , ví dụ: “Nếu Mặt Trăng xuất hiện vào ngày tháng nixanu và gió bắc thổi thì ông vua xứ Accađi sẽ bình an vô sự; ''Nếu khi Sao Kim mọc mà một ngôi sao đỏ nhập vào với nó thì con trai nhà vua sẽ cướp ngôi''.
Các vị tư tế đã tìm các điềm báo trong các hiện tượng thiên văn và khí tượng có thể quan sát được trực tiếp trên trời. Các điềm này chỉ đề cập đến các việc ''quốc gia đại sự': về nhà vua và các cận thần và đất nước nói chung.
Đến giữa thiên kỷ I trước công nguyên người Babilon đã cho ra đời một loại chiêm tinh mới khác với thứ chiêm tinh điềm báo: nó mang tính chất lý thuyết. Đến thời đó đã xuất hiện lý thuyết về chuyển động của các thiên thể cho phép tính được vị trí của chúng tại các thời điểm khác nhau trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Lần đầu tiên các nhà chiêm tinh Babilon đã lập ra các lá số (horoscope, gốc tiếng Hy Lạp horoscopos = xem giờ, ghép từ hora = giờ và skopos = xem, quan sát). Từ horoscope trong thiên văn có vài nghĩa, nhưng nghĩa chính là một ''bản đồ'' đặc biệt ghi tương quan vị trí của các sao và hành tinh vào một thời điểm nhất định. Trong chiêm tinh lá số người ta đã không đưa vào các hiện tượng khí tượng, cũng như các hiện tượng không thể tính toán được, ví dụ màu sắc của Mặt Trăng. Lá số bây giờ có thể đặt làm (lập ra) đối với bất cứ người nào, còn giải đoán nó đã khác với các điềm báo của ''Enuma Anh Enlile''.
Hình vẽ thời xưa của chòm sao Hoàng đạo: Trinh nữ (Thất nữ)
Thuyết bói sao tiếp tục phát triển trong thế giới Hy Lạp vào thời kỳ từ thế kỷ thứ III trước công nguyên đến thế kỷ thứ III sau công nguyên. Các nhà chiêm tinh Hy Lạp đã mượn các cung Hoàng đạo của người Babilon, hệ thống lợp lá số và nhiều điều khác. Tuy nhiên trên cơ sở đó họ tạo dựng một môn thuật hầu như mới.
Chiêm tinh học Hy Lạp gắn liền với toán học và triết học. Cho tới ngày nay nhiều cuốn sách viết về chiêm tinh học theo truyền thống xưa, vẫn đồng thời là các bài luận về triết học và tâm lý.
Vào các thế kỷ thứ III - II trước công nguyên đã có một chuyên luận nổi tiếng ''Bảng ngọc bích'' mà tác giả của nó đã đi vào lịch sử với tên gọi Hecmet Trixmeghixtô (từ tiếng Hy Lạp Trismegistos = ba lần bậc thầy). Lời lẽ của chuyên luận này chủ yếu của chiêm tinh học Hy Lạp: “xác thực. Chắc chắn. Thiết thực. Những gì ở phía dưới cũng giống như ở phía trên và ngược lại; những cái gì ở phía trên cũng giống cái ở phía dưới do tuân thủ sự thống nhất kỳ diệu''. Các nhà triết học và chiêm tinh Hy Lạp cho rằng Vũ Trụ và con người ở trong sự thống nhất không tách rời và những gì diễn ra trên Trái Đất cũng ''giống'' như chuyển động của các thiên thể và liên quan đến chuyển động đó. Vào thế kỷ thứ II nhà thiên văn và chiêm tinh Hy Lạp Clôt Ptôlêmê đã soạn ra “Tetrabiblos” (“Tứ kinh”) - bộ sách nền tảng về chiêm tinh học thế giới và cá nhân mà nhiều thế kỷ về sau vẫn được coi là có uy tín. Vào đầu thiên kỷ l chiêm tinh học Hy Lạp đã lan sang các nước Cận Đông, Trung Đông và Viễn Đông, Ấn Độ, Iran. Sau này nó có ảnh hưởng lớn ở các nước Hồi giáo. Hệ quả là chiêm tinh học hiện đại không chỉ bao gồm truyền thống Hy Lạp mà cả các phương pháp và khái niệm đa dạng được đưa ra ở phương Đông.
Chiêm tinh học Ấn Độ và Trung Quốc (Tử vi phương Đông) như đã nói ở trên hiện nay tồn tại độc lập với chiêm tinh học châu Âu và khác nhau về căn bản. Một loại lá số của người Đruit phổ biến ở thế kỷ XX cũng không liên quan gì tới chiêm tinh học.
Vào thời đại Đế chế La Mã chiêm tịnh học bắt đầu bị mất các vị trí của nó và một số hoàng đế còn bài xích và đàn áp các nhà chiêm tinh. Đầu thế kỷ IV chiêm tinh học cổ đại đã lâm vào thoái trào: Giáo hội Cơ đốc có thanh thế đang lên đã tỏ ý chống lại nó. Theo quan điểm của Giáo hội thời đó thì các nhà chiêm tinh (và các nhà thiên văn) đã làm cái việc giống như trò phù thủy. Nhưng ít lâu sau tình thế đã thay đổi. Đến thời trung thế kỷ chiêm tinh học phổ biến khắp châu Âu và thời hoàng kim của nó là vào thế kỷ XIV - XVI. Cũng như thời cổ đại, các nhà chiêm tinh được vời vào làm cố vấn trong triều đình của các vua chúa, nhiều thầy tu cũng nghe lời phán của họ.
Cho đến tận thế kỷ XVIII thiên văn học và chiêm tinh học phát triển trong sự gắn bó thống nhất với nhau. Cho tới thế kỷ thứ XV, từ ''nhà chiêm tinh'' (tiếng Anh: astrologer ; tiếng Pháp: astrologue) vừa có nghĩa là nhà chiêm tinh, vừa có nghĩa là nhà thiên văn (tiếng Anh: astronomer, tiếng Pháp: astronome). Nói một cách chặt chẽ thì chiêm tinh chính là cái nôi của thiên văn, tuy rằng bây giờ không phải nhà thiên văn nào cũng dễ chịu khi thừa nhận điều đó.
Vòng Hoàng đạo của người Arập
Cùng với thời gian các chuyên ngành này cứ tách xa nhau mãi.
Chiêm tinh học hiện đại gần với tâm lý học hơn là thiên văn học. Tuy nhiên những khám phá của những như thiên văn học luôn luôn bổ khuyết và điều chỉnh những kiến thức cho các nhà chiêm tinh. Một ví dụ riêng: các nhà thiên văn học soạn ra các bảng biểu thiên văn (bảng các vị trí chính xác của hành tinh trong tương lai) và các nhà chiêm tinh lại sử dụng các bảng biểu này. Nhiều khi danh hiệu nhà thiên văn và nhà chiêm tinh kết hợp lại trong cùng một người: Tycho Brahê, lôhan Keple và thậm chí cả Galilêô Galilê cũng hành nghề chiêm tinh. Ở Đức cho đến tận nửa đầu thế kỷ XIX chiêm tinh học vẫn được xếp vào danh sách các môn học ở đại học tổng hợp.
Vào thời Phục hưng chiêm tinh học đã trải qua khủng hoảng. Khi lập lá số các nhà chiêm tinh vẫn dựa vào hệ thống Vũ Trụ địa tâm truyền thống đã được Ptôlêmê biến thành một lý thuyết chặt chẽ của các hiện tượng trên trời. Theo hệ thống Ptôlêmê, Trái Đất nằm ở trung tâm Vũ Trụ, còn các thiên thể quay xung quanh nó. Cả Vũ Trụ tồn tại dường như chỉ vì Trái Đất.
Nhà thờ chiêm tinh đoán số
Vì thế những gì diễn ra trong Vũ Trụ, tức là ở vùng ngoại vi của Vũ Trụ đều trực tiếp phản ánh vào các sự kiện ở tâm của nó là Trái Đất. Vào thế kỷ XV, Nicôlai Copecnic đã biến Trái Đất thành một hành tinh bình thường, còn Gióocđanô Brunô đã hạ bệ Mặt Trời xuống hàng một ngôi sao bình thường trong hằng hà sa số các sao. Vậy là nền tảng cơ sở của chiêm tinh học đã bị lay chuyển dữ dội. Phải mất không ít thời gian, các nhà chiêm tinh học mới dung hoà được thuật chiêm tinh với các phát hiện của Côpecnic.
Hơn nữa, chiêm tinh học không chỉ tìm chỗ cho các hành tinh mới và các phát hiện mới trong hệ thống trước kia mà còn tiên đoản được chúng. Có những chứng cớ nói rằng nhà chiêm tinh nổi tiếng Nôxtơrađamut (Nostradamus) đã tiên đoán trước 100 năm sự phát hiện ra Sao Hải Vương.
Nhà chiêm tinh học hiện đại thừa biết rằng Trái Đất không phải là tâm của Vũ trụ. Nhưng ông ta quan tâm tới các sự kiện đã hoặc sẽ diễn ra chính trên Trái Đất của chúng ta. Vì thế khi lập lá số nhà chiêm tinh học chọn Trái Đất là điểm gốc của hệ tọa độ và theo dõi vị trí các thiên thể so với Trái Đất. Nếu như nhà chiêm tinh lập lá số cho người Sao Hoả thì chắc ông ta sẽ xem xét vị trí của các thiên thể trong tương quan đối với Sao Hoả.
Minh họa trong chuyên luận “về tính thống nhất nhị nguyên của Vũ Trụ” của R. Phlut
ÔNG VUA VÀ NHÀ CHIÊM TINH Người ta thường kể một câu chuyện lý thú về nhà chiêm tinh của vua Pháp Lui (Louis) XI (1461 - 1483), một ông vua tàn bạo và tinh quái. Nhà chiêm tinh này đã sơ suất đoán trước cái chết của một cung phi được vua sùng ái. Khi cung phi đó chết thật vua bèn cho gọi nhà chiêm tinh đến và ra lệnh cho các đao phủ sẵn sàng hễ có hiệu lệnh của vua thì lôi ông thầy bói kia ra chém. Khi nhà chiêm tinh đến, vua liền hỏi: ''Người vẫn cho rằng ngươi có tài biết rõ số phận của những người khác, vậy ngươi hãy nói ngay cho ta biết, bản thân ngươi thì còn sống được bao lâu nữa?'' Nhà chiêm tinh hiểu ra ngay cái bẫy vua gài sẵn. Không hề lúng túng, ông này liền thưa: ''Tâu bệ hạ! Các sao đã chỉ ra rằng thần phải chết trước khi bệ hạ băng hà ba ngày''. Ông vua mê tín nghe thấy câu trả lời bất ngờ kia bèn từ bỏ ngay ý định giết nhà chiêm tinh. Không những thế vua còn săn sóc lo cho sức khoẻ và sự an toàn của nhà chiêm tinh này. Không rõ về sau nhà chiêm tinh khôn ngoan kia chết khi nào và lời tiên đoán của ông ta có trở thành sự thực hay không, nhưng rõ ràng là lời tiên đoán ấy đã cứu ông ta thoát chết. |
Nhà thiên văn Đan Mạch nổi tiếng Tychô Brahê, người thường đo vị trí các thiên thể với độ chính xác lạ lùng, đã say mê chiêm tinh học một cách hết sức nghiêm túc. Khi tranh luận với những người phản bác chiêm tinh, Brahê đã lập luận: '' Thế bầu trời sao sinh ra để làm gì, nếu như không phải để đoán trước hậu vận?''. Trong bài giảng công khai ở trường Đại học Tổng hợp Côpenhaghen năm 1574, ông đã nói: ''Kẻ nào phủ nhận sức mạnh và ảnh hưởng của các sao thì kẻ đó thứ nhất là không đánh giá nổi sự khôn ngoan và nhìn xa trông rộng của Thượng Đế, ngoài ra kẻ đó còn mâu thuẫn với các số liệu thực tiễn hiển nhiên nhất. Bởi lẽ còn gì ngu ngốc hơn việc nghĩ rằng Thượng Đế đã tạo ra cả một cảnh tượng bầu trời hoành tráng bao la và kỳ diệu như thế lại không nhằm một ích lợi hay mục đích gì, trong khi mỗi một con người luôn luôn làm một việc gì nhỏ nhất cũng đều có mục đích'' |