Cuộc Cách mạng Mỹ
Cuộc Cách mạng Mỹ, còn được gọi là cuộc chiến tranh cách mạng, là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nếu không có nó, rất có thể là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đã không ra đời.
Năm 1176, dân số của những người định cư tại đây đã lên đến 2,5 triệu người. Con số này bằng khoảng một phần ba dân số nước Anh lúc bấy giờ. Đã có nhiều con đường nối liền các thuộc địa với nhau, và có những tờ báo để phổ biến tin tức giữa các thuộc địa này. Những người ở các thuộc địa này bắt đầu nghe rằng họ là người Mỹ chứ không phải là những thuộc địa riêng rẽ nữa. Nhiều người định cư đã chia rẽ với nhau về vấn đề độc lập. Họ là những người giàu và những người nghèo, đứng về hai phía của vấn đề này.
Những chủ đất lớn như George Washington và những nhà kinh doanh giàu có như John Hancock đều ủng hộ cho sự độc lập. Họ phẫn nộ trước sự kiểm soát của người Anh trong cuộc sống của họ cũng như sự can thiệp của người Anh vào công việc kinh doanh của họ. Nhưng mặt khác, một số người định cư giàu có lại lo sợ rằng họ sẽ mất đi sự giàu sang nếu như cách mạng thành công. Sự giàu có của họ có liên quan chặt chẽ với nền mậu dịch của Anh Quốc và chính quyền Anh Quốc. Một số người định cư nghèo thì lại không muốn bị những người giàu có kiểm soát. Những người này hoặc là tin rằng vua nước Anh đối xử tốt với họ, hoặc là không muốn gây ra chuyện bất ổn.
Qua thời gian, việc ủng hộ cho độc lập càng lớn mạnh vì những vấn đề như việc đánh thuế không có sự giải thích rõ ràng đã làm những người dân địa phương này nổi giận.
Khi người Anh chiếm đất Mỹ làm thuộc địa, họ không có một kế hoạch chủ chốt để cai trị vùng đất này. Một số thuộc địa tự cai trị lấy. Một số khác thì được cai trị bởi các quan chức của Anh. Nhà vua muốn giữ quyền đặt ra luật lệ để cai trị các thuộc địa. Quốc hội Anh cũng hình thành những luật lệ để cai trị các thuộc địa.
Người Anh đã thông qua các luật lệ có lợi cho người ở nước Anh chứ không có lợi cho những người định cư. Chẳng hạn như Đạo luật Hàng hải đã hạn chế quyền cạnh tranh của những người định cư với những thương gia người Anh. Họ cũng ngăn cấm những người định cư, không cho những người này bán hàng hóa cho bất kỳ nước nào ngoài nước Anh, dù những nước này có trả giá cao hơn. Nước Anh đã gây khó khăn cho những người định cư trong việc mậu dịch với người Pháp và người Tây Ban Nha.
Trong khi Anh Quốc tiếp tục củng cố quyền kiểm soát các thuộc địa, họ lại từ chối không cho những chính quyền của các thuộc địa này có đại biểu ở nước Anh. Người Anh cho rằng chỉ những quan chức chính quyền do họ bổ nhiệm cũng đủ để đại biểu cho các thuộc địa này. Những người định cư đã phẫn nộ trước sự kiểm soát của người Anh và tự ban hành các luật lệ của riêng họ và làm ngơ trước những luật lệ của người Anh mà họ không ưa. Điều này đã gây căng thẳng nghiêm trọng giữa người Anh và những người định cư.
Trong khi Anh Quốc cảm thấy việc cai trị các thuộc địa là khó khăn, họ cũng thấy rằng việc này là rất tốn kém. Nước Anh vừa mới tham gia vào cuộc chiến tranh Pháp và Ấn Độ, với kết quả là họ nắm quyền kiểm soát Canada và phần lớn đất đai ở phía Đông Mississippi. Cuộc chiến này là rất tốn kém cho người Anh, và lúc đó họ lại cần thêm tiền để duy trì quân đội ở tất cả những khu vực này. Năm 1764, chính quyền Anh Quốc đã quyết định đánh thuế những người định cư để trang trải một phần những chi phí này.
Năm 1767, người Anh đánh thêm những loại thuế mới vào đồ thủy tinh, giấy, trà, sơn và những mặt hàng khác nhập khẩu từ Anh. Thủ tướng Charles Townsend muốn có thêm tiền để trang trải các chi phí phòng thủ các thuộc địa và trả lương cho các thống đốc và chánh án ở các thuộc địa này. Những đạo luật đặt ra cho các mục đích này được gọi là Đạo luật Townsend.
Những người định cư phản ứng bằng cách không mua hàng hóa của Anh. Những người này đã lập luận rằng lẽ ra họ không phải đóng thuế vì họ không hề có đại biểu trong chính quyền Anh Quốc. Những người định cư đã nổi loạn với khẩu hiệu “Không Đóng thuế nếu Không có Đại biểu ở Anh”. Chính quyền Anh cuối cùng phải hủy bỏ các loại thuế, chỉ trừ thuế đánh trên trà.
CUỘC TÀN SÁT Ở BOSTON
Thuế và những vấn đề khác tiếp tục gây căng thẳng giữa người Anh và những người định cư. Sự căng thẳng này thể hiện giữa những người định cư và binh lính Anh đóng ở Boston. Những người dân thị trấn đã phẫn nộ với những binh lính này và đối xử với họ một cách tệ hại. Họ thường quấy rối những binh lính này bằng lời nói và bằng hành động. Vào đêm ngày 5 tháng 3 năm 1770, sự căng thẳng đã bùng nổ.
Đêm này, một đám đông đã kéo đến trước trụ sở hải quan ở đường King tại Boston để quấy nhiễu lính gác. Tên lính gác người Anh đã cầu cứu đồng đội và chín lính Anh khác do đại úy Thomas Preston dẫn đầu đã đến nơi. Đám đông vẫn tiếp tục lăng mạ và ném tuyết vào đám lính. Cuối cùng đám lính Anh đã nổ súng và ba người dân bị chết tại chỗ, tám người khác bị thương trong số đó có hai người sau đó đã chết.
Sau cuộc bắn giết này, người dân Boston đã yêu cầu phải xử những lính gác và tử hình những tên đã nổ súng. Thống đốc Anh đã ra lệnh tống giam đại úy Preston và tám lính gác khác để chờ xét xử. Sau cuộc xét xử, đại úy Preston và sáu lính gác khác được trả tự do. Hai lính gác được coi là có tội sát nhân, đã bị tuyên án tù, nhưng sau đó đã được thả.
“TIỆC TRÀ BOSTON”
Khi người Anh bãi bỏ Đạo luật Townsend, họ đã bỏ tất cả các loại thuế đánh vào hàng hóa, nhưng ngoại trừ mặt hàng trà. Điều này đã trở thành mấu chốt của sự phẫn nộ của những người định cư.
Công ty Đông Ấn Độ của Anh đã kiểm soát tất cả lượng trà trao đổi giữa Ấn Độ và các thuộc địa. Do thuế đánh vào trà, những người định cư đã từ chối không mua trà của Anh. Thay vào đó, họ nhập lậu trà từ Hà Lan. Điều này làm cho kho hàng của Công ty Đông Ấn Độ ứ đọng toàn bộ số trà không bán được và công ty có nguy cơ phá sản.
Chính quyền Anh đã tìm cách ngăn không cho Công ty Đông Ấn Độ bị phá sản, và đã buộc những người định cư phải mua trà của công ty này. Vào tháng 5 năm 1773, thủ tướng North và quốc hội Anh đã thông qua Đạo luật Trà, theo đó cho phép Công ty Đông Ấn Độ được bán trà trực tiếp cho những người định cư, không phải qua các nhà buôn ở thuộc địa nữa. Điều này giúp cho Công ty có thể bán trà với giá rẻ hơn những nhà buôn ở thuộc địa vốn đang nhập lậu trà từ Hà Lan.
Đạo luật này đã gợi lại vấn đề không đóng thuế nếu như không có đại biểu ở nước Anh. Các thuộc địa một lần nữa yêu cầu chính quyền Anh bãi bỏ thuế đánh trên trà. Thêm vào đó, những công nhân ở các bến cảng bắt đầu từ chối không dỡ trà từ các tàu chở đến. Thống đốc ở Massachusetts yêu cầu trà phải được bốc dỡ. Ông ta cũng yêu cầu người dân ở đây phải đóng thuế trà.
Đêm ngày 16 tháng 12 năm 1773, một nhóm người tự nhận là “Những Đứa con của Tự do” đã ra cảng Boston. Những người này trang phục theo kiểu thổ dân Bắc Mỹ, đã leo lên ba chiếu tàu của Anh và tống 45 tấn trà xuống biển.
ĐẠI HỘI LỤC ĐỊA ĐẦU TIÊN
Năm 1774, các thuộc địa triệu tập Đại hội Lục địa Đầu tiên. Đại biểu từ tất cả các thuộc địa, chỉ trừ Georgia, đã nhóm họp ở Philadelphia. Các đại biểu bàn về “Những Đạo luật Quá quắt” của Anh. Họ cũng bàn về mối quan hệ đối với Anh Quốc và cách thức để khẳng định quyền hạn của họ trong chính quyền Anh. Họ muốn xuất hiện như là những thuộc địa thống nhất để đối phó với người Anh.
Đại hội có ba mục tiêu: soạn một bản phát biểu về quyền thuộc địa của họ, xác định sự vi phạm của quốc hội Anh đối với các quyền hạn của họ, và đưa ra một kế hoạch nhằm thuyết phục nước Anh phục hồi các quyền hạn đó. Các đại biểu cũng nhất trí tẩy chay các loại hàng hóa của Anh. Để trả đũa, quốc vương Anh đã quyết định trừng phạt và làm suy yếu các lục địa này. Nước Anh cũng phong tỏa con đường từ các thuộc địa này đến khu vực đánh cá ở Bắc Đại Tây Dương.
ĐẠI HỘI LỤC ĐỊA LẦN THỨ HAI
Vào ngày 10 tháng 5 năm 1775, các thành viên của Đại hội Lục địa Lần Thứ hai họp tại Philadelphia. Lần này có thêm một số đại biểu mới: John Hancock ở Massachusetts, Thomas Jefferson ở Virginia, và Benjamin Franklin ở Pennsylvania.
Đại hội lần này thành lập lực lượng dân quân như là quân đội của lục địa để đại diện cho tất cả 13 bang. Đại hội cũng bầu George Washington làm tổng tư lệnh của quân đội lục địa.