Các cấp học
Đặc điểm của hệ thống giáo dục ở Indonesia phản ánh di sản đa tôn giáo, cuộc đấu tranh cho bản sắc quốc gia, và những thử thách trong việc bố trí nguồn nhân lực trong một nước quần đảo đang phát triển với dân số trẻ và gia tăng nhanh. Theo hiến pháp năm 1950, một mục tiêu chủ yếu của chính quyền là cung ứng giáo dục cho tất cả trẻ em với thời gian ít nhất sáu năm, nhưng mục tiêu phổ cập giáo dục này phải đến những năm 1980 mới đạt được. Năm 1973 tổng thống Suharto đã chỉ đạo lấy một phần lợi nhuận của ngành dầu khí để xây mới các trường tiểu học. Kết quả là đến cuối thập kỷ 1980 Indonesia đã xây mới và sửa chữa gần 40.000 ngôi trường tiểu học, đáp ứng cho việc phổ cập giáo dục.
Giáo dục tiểu học và trung học
Tiếp theo các lớp mẫu giáo, các trẻ em Indonesia trong khoảng từ 6 đến 12 tuổi sẽ tham dự sáu năm học ở cấp tiểu học. Những học sinh này có thể theo học tại các trường công lập, các trường tư thục hoặc các trường bán công tôn giáo (thường là đạo Hồi) do Sở Tôn giáo giám sát và tài trợ. Tuy nhiên, mặc dù có tới gần 90% dân số theo Hồi giáo, số học sinh theo học các trường tôn giáo chỉ khoảng 15%. Số lượng học sinh nam đến trường có nhỉnh hơn so với số lượng học sinh nữ, và số lượng này ở Java cao hơn nhiều so với các vùng còn lại ở Indonesia.
Một mục tiêu trọng tâm của hệ thống giáo dục quốc gia là không những chỉ truyền thụ kiến thức về thế giới mà còn hướng dẫn học sinh về những nguyên tắc của sự tham gia vào đất nước hiện đại, đạo đức của đất nước đó và những cơ sở của ý thức hệ. Kể từ năm 1975, một điểm trọng tâm trong chương trình và sự giáo dục về ý thức quốc gia (Pancasila). Trẻ từ 6 tuổi trở lên được học năm nguyên tắc: niềm tin vào một thần, chủ nghĩa nhân đạo, sự thống nhất đất nước, dân chủ, và công bằng xã hội. Học sinh phải học thuộc lòng năm nguyên tắc này và được hướng dẫn hàng ngày cách ứng dụng vào cuộc sống của chúng.
Trong các trường công lập đầu thập niên 1990, một phương pháp sư phạm là dạy học sinh học thuộc lòng và tuân theo sự hướng dẫn của giáo viên. Mặc dù những học sinh nhỏ nhất đôi khi được sử dụng ngôn ngữ địa phương, từ năm thứ ba hầu hết các môn đều được dạy bằng tiếng Bahasa Indonesia. Một kỹ thuật dạy tiêu chuẩn là thay vì đặt câu hỏi cho học sinh, giáo viên sẽ giảng bài - trình bày một sự kiện lịch sử hay diễn tả một vấn đề toán học - và ngừng ở những trọng điểm để học sinh điền vào các chỗ trống trong giáo trình.
Số lượng trung bình trong một lớp tiểu học là khoảng 27 học sinh, trong khi đó ở bậc trung học số lượng khoảng từ 30 đến 40 học sinh. Sau khi hoàn tất 6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở, học sinh có thể chọn học tiếp tại các trường trung học phổ thông hoặc trung học kỹ thuật dạy nghề.
Chương trình sư phạm đa dạng và luôn được nâng cấp. Ví dụ như vào thập niên 1950, bất kỳ ai hoàn tất chương trình sư phạm ở cấp trung học cơ sở đều được cấp chứng chỉ. Nhưng từ năm 1970, muốn học sư phạm phải tết nghiệp trung học phổ thông. Lương của giáo viên ở đây cũng tương đương với các giáo viên ở các nước như Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan.
Các trường hồi giáo
Sự nhấn mạnh vào chủ nghĩa dân tộc ở các trường công lập bị một số cộng đồng Hồi giáo phản đối. Một số ít người Hồi giáo thích vào học tại các pesantren, tức là những trung tâm học tập theo nơi cư trú. Thường thì ở các vùng quê hay dưới sự chỉ đạo của một học giả Hồi giáo, các pesantren được tham dự bởi những thanh niên muốn hiểu sâu về kinh Coran, về ngôn ngữ Ả Rập, và truyền thống cũng như lịch sử Hồi giáo. Học sinh có thể vào học hay ra khỏi một pesantren bất kỳ lúc nào, và chương trình học không phải được tổ chức để cấp bằng tốt nghiệp. Mặc dù không phải tất cả nhưng hầu hết các pesantren đều là chính thống, và mục đích của những lớp học này là đào tạo những tín đồ tốt cho Hồi giáo.
Nhằm đào tạo những học sinh thích nghi với cuộc sống của một đất nước hiện đại, Sở Tôn giáo với sự chiếm ưu thế của Hồi giáo đã ủng hộ việc phát triển một loại hình trường Hồi giáo mới là madrasa. Từ đầu thập niên 1990, những trường này đã kết hợp những môn học về tôn giáo của các pesantren với các môn học trong hệ thống giáo đục kiểu phương Tây của các trường công lập. Số lượng 15% trong tổng số học sinh của Indonesia theo học các trường Hồi giáo này để có chất lượng cao hơn trong giảng dạy. Tuy nhiên trong số các loại trường Hồi giáo, madrasa được xếp vào thứ bậc thấp hơn so với các pesantren.
Giáo dục cấp cao
Những cơ sở giáo dục cấp cao của Indonesia đã trải qua một sự tăng trưởng đầy ấn tượng kể từ ngày độc lập. Năm 1950 có mười cơ sở giáo đục cấp cao, với tổng số sinh viên là 6.500. Năm 1970 có 450 cơ sở vừa tư thục vừa công lập với tổng số sinh viên là 237.000. Năm 1990 có 900 cơ sở với 1.486.000 sinh viên. Đến nay đã có gần 1.500 cơ sở cấp cao loại này.
Khoảng 80 đến 90% ngân sách của các trường đại học công lập được tài trợ bởi tiền bao cấp của nhà nước, mặc dù các trường đại học này có quyền tự trị về chương trình và cơ cấu nội bộ hơn các trường tiểu học và trung học. Trong khi học phí ở các trường công lập là phải chăng, lương giáo viên lại thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài việc giảng dạy ở trường, các giảng viên còn dạy thêm ở ngoài để tăng thêm thu nhập.
Các trường đại học tư thục được điều hành bởi các tổ chức tư nhân. Không giống như các trường công lập, ngân sách của các trường tư đều từ học phí mà ra. Mỗi sinh viên phải đóng một lệ phí đăng ký lần đầu khi vào trường, lệ phí này khá cao. Nếu trường đại học đó có liên quan đến tôn giáo, nó có thể được trợ cấp một phần chi phí qua sự tài trợ của các tổ chức tôn giáo quốc tế. Chính quyền chỉ hỗ trợ một phần giới hạn cho các đại học tư.
Vấn đề nâng cấp giáo dục cấp cao ở Indonesia tập trung vào lương giáo viên, phòng thí nghiệm và các phương tiện nghiên cứu cùng với chất lượng giảng dạy. Theo số liệu năm 1984, chỉ có 13,9% giáo viên có những bằng cấp trên đại học, trong số đó có 4,5% có bằng tiến sĩ. Vì chương trình tiến sĩ lúc đó còn khá hiếm hoi và chính quyền cũng có ít ngân sách hỗ trợ cho việc học ở nước ngoài. Đến nay tình hình đã được cải tiến hơn rất nhiều.