Tài liệu: Indonesia - Âm nhạc

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Âm nhạc của Indonesia cũng đa dạng không khác gì các dân tộc ở đây, tuy nhiên loại âm nhạc được biết đến nhiều nhất và có mối quan hệ rộng lãi với đất nước này có lẽ là Gamelan.
Indonesia - Âm nhạc

Nội dung

Âm nhạc

Âm nhạc của Indonesia cũng đa dạng không khác gì các dân tộc ở đây, tuy nhiên loại âm nhạc được biết đến nhiều nhất và có mối quan hệ rộng lãi với đất nước này có lẽ là Gamelan.

Một dàn nhạc Gamelan đầy đủ có thể bao gồm đến khoảng tám mươi loại nhạc cụ khác nhau, trong đó phần lớn là các nhạc cụ làm bằng kim loại. Thường thì có các loại trống, một chiếc đàn tam thập lục, một đàn luýt hai dây, một chiếc sáo và một số loại nhạc cụ khác. Mặc dù có nhiều biến tấu khác nhau, một dàn nhạc Gamelan thường chơi theo hai hệ thống, một hệ thống cũ gồm năm cung bậc, và hệ thống mới gồm bảy cung bậc. Mỗi hệ thống đều có nhạc điệu riêng của nó và được sử dụng khác nhau theo cốt truyện hay nền nhạc.

Loại hình nhạc Gamelan công phu nhất là của vùng Trung tâm Java (Yogyakarta và Surakarta). Miền Tây Java có lối chơi Gamelan riêng, thường thì đơn giản hơn lối của Trung tâm Java, với sự nhấn mạnh vào sáo, trống và loại chiêng ấm đặt nằm. Nhưng loại hình nổi bật nhất là của vùng Bali, trong đó nhóm nhạc cụ 'nam' và nhóm nhạc cụ ‘nữ’ tạo thành những âm sắc hay đặc trưng cho loại hình này. Với hình thức đơn giản hơn nhiều, nhạc 'Gamelan' cũng có mặt ở những đảo khác của Indonesia, từ miền Nam Sumatra đến Sulawesi và Kalimantan.

Về nhạc cụ của Indonesia, có thể chia thành bốn nhóm, tùy theo cách thức tạo ra âm thanh của chúng: Aerophone, Idiophone, Chordophone và Membranophone.

Aerophone

Aerophone là những loại nhạc cụ tạo ra âm thanh bằng cách làm rung không khí qua khí quản (nhạc cụ hơi gió). Loại này gồm có nhiều nhạc cụ khác nhau, nhưng nhìn chung là người sử dụng sẽ dùng luồng hơi của mình để thổi, tạo thành âm thanh.

Loại nhạc cụ này thường làm bằng tre, bằng sừng hoặc các loại gỗ khác nhau. Đây là dấu hiệu của nam tính, vì hầu như chỉ giới nam sử dụng nó. Loại nhạc cụ này cũng là đặc điểm của âm nhạc truyền thống Indonesia. Aerophone có thể sử dụng độc lập hoặc dùng chung với các loại nhạc cụ khác để tạo thành dàn nhạc.

Hiện nay người ta liệt kê ra có tất cả 28 loại Aerophone khác nhau.

Idiophone

Idiophone là loại nhạc cụ dựa trên nguyên tắc tạo ra âm thanh bằng cách làm rung động thân của nó. Loại nhạc cụ này đã có mặt từ hàng ngàn năm nay dưới dạng tự nhiên thô sơ như gậy, đá xương, những cái vỗ tay ... Ở Indonesia có nhiều nhạc cụ thuộc loại này. Chiêng chẳng hạn, là một loại nhạc cụ đặc trưng của Indonesia và mỗi một nền văn hóa địa phương đều có một dạng chiêng riêng biệt đùng cho âm nhạc truyền thống của họ. Chiêng có thể tìm thấy trong hầu hết các nền văn hóa của Indonesia với những tên gọi và hình dạng khác nhau. Chiêng được xếp vào loại Idiophone 'đánh', vì âm thanh được tạo ra bằng cách đánh vào nhạc cụ.

Người ta liệt kê ra được 21 loại Idiophone khác nhau.

Chordophone

Chordophone là loại nhạc cụ dựa trên cơ sở các dây, trên đó người ta có thể gảy, đánh hoặc kéo bằng vĩ (vật dụng giống cây cung). Những loại nhạc cụ này được tìm thấy tại nhiều vùng ở Indonesia.

Chordophone được làm bằng gỗ, tre, vỏ dừa; còn dây thường được làm bằng xơ cây, rễ cây (thường loại rễ của loại cọ Arenga), trong khi những loại dây để kéo vĩ được làm bằng đuôi ngựa.

Số lượng dây trên nhạc cụ này thay đổi, từ 1 dây (trên đàn luýt kéo vĩ) đến 10 dây (đàn zhyter). Ngày nay, vật liệu để làm loại nhạc cụ này dễ tìm hơn trước nhiều. Thậm chí có một số loại dây được làm bằng kim loại, tất nhiên là có ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh.

Rebab là một trong các loại nhạc cụ dây được tìm thấy ở hầu hết các vùng của Indonesia, nhất là ở Melayu. Ngày xưa, người Ba Tư dùng loại đàn Rebab một dây cho điệu múa gọi là 'Rebab Ul Shaer'. Loại đàn Rebab này có thanh thế như đàn violon của phương Tây. Đàn Rebab đến từ vùng Trung Đông, qua Ba Tư và Ấn Độ.

Người ta thống kê được 15 loại Chordophone khác nhau.

Membranophone

Membranophone là loại nhạc cụ tạo ra âm thanh bằng cách đánh vào tấm màng hay tấm da. Ngày nay những loại này được gọi là gendang (trống). Cho đến ngày nay các loại trống vẫn còn giữ vai trò rất quan trọng trong những nghi thức tôn giáo ở nhiều vùng tại châu Phi, như Wahinda.

Những hình dạng trống đầu tiên của Java cổ được tìm thấy trong khu vực chùa Borobudur, Siwa và Panataran. Các loại trống được chia ra thành trống dạng ống, trống cân đối, trống không cân đối, trống hông và trống hình nón.

Có tất cả 6 loại Membranophone ở Indonesia.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2123-02-633492882592656250/Van-hoa---Xa-hoi/Am-nhac.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận