Tài liệu: Indonesia - Các vùng địa lý

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Indonesia chia làm 5 vùng địa lý chính: Sumatra, Java, Kalimantan, Sulawesi và Irian Jaya.
Indonesia - Các vùng địa lý

Nội dung

 

Các vùng địa lý

Indonesia chia làm 5 vùng địa lý chính: Sumatra, Java, Kalimantan, Sulawesi và Irian Jaya.

Sumatra

Bắc Sumatra

Đây là tỉnh đông dân nhất sau Java, kéo dài từ Biển Ấn Độ ở phía Tây đến eo biển Malaka ở phía Đông, và từ Aceh ở phía Bắc đến Tây Sumatra ở phía Nam. Vùng này dày đặc những khu rừng còn hoang sơ, những ngọn đồi phủ đầy cây cối, những cánh đồng trên nền đất cao, những dòng sông chảy trong núi, những ngọn thác đẹp, cùng với những hồ được tạo thành từ núi lửa và các bãi cát trắng yên bình.

Người dân ở vùng này có thể chia thành năm nhóm sắc tộc. Mỗi nhóm đều có tiếng bản ngữ riêng, có tôn giáo, nghệ thuật, cách phục.sức và nền văn hóa riêng. Một số nhóm sắc tộc sống ở Medan và những thị trấn khác, trong đó những nhóm lớn nhất là người Hoa và người Ấn. Sự đa dạng về nghệ thuật và văn hóa của vùng này đã là một kho tàng cho các nhà nghiên cứu.  Ở đây có những ngôi mộ cổ bằng đá chạm trổ của các vua Batak, có nền văn hóa cự thạch của Nias, có những điệu múa độc đáo cùng vôi những lễ nghi, nghệ thuật và đồ thủ công riêng biệt. Bắc Sumatra còn là một trong số những tỉnh phong phú nhất về động và thực vật của Indonesia.

Hồ Toba, theo truyền thuyết là nơi sinh ra của giống người Batak ngụ cư trên núi và là hồ nội địa lớn nhất vùng Đông Nam Á. Vùng này có trên 30% hàng xuất khẩu của Indonesia, làm cho nó trở thành mấu chết quan trọng về kinh tế. Thuốc lá, dầu cọ trà, và cao su được sản xuất với số lượng lớn, đặc biệt là quanh khu Medan ở về phía Bắc của tỉnh.

Tây Sumatra

Tây Sumatra bao gồm 3 khu vực: những cao nguyên núi lửa, một vùng đồng bằng đọc theo bờ biển một loạt những hòn đảo ngoài khơi phủ đầy rừng. Phần lớn lãnh thổ của tỉnh vẫn còn hoang dã với những cánh rừng hoang sơ có rất nhiều voi, hổ, báo và tê giác. Đây là vùng đất truyền thống của người Minangkabau, những người nổi tiếng khắp vùng quần đảo về tài buôn bán khôn ngoan, những món ăn rất nóng và chế độ mẫu hệ từ thời xưa. Trong nhà người đàn bà sở hữu tài sản và người đàn ông ra khỏi nhà để tìm danh vọng và vận may.

Việc du lịch đến đây và một điều hay. Tây Sumatra và khu vực Minang và Padang có những nhà hàng làm mẫu mực cho những nhà hàng trong cả nước. Con người ở đây rất hiếu khách và có khả năng hùng biện, với giọng nói như thơ. Những ngày ở Sumatra tràn đầy những lễ nghi và hội hè.

Aceh

Aceh, ở tận cùng phía Tây Bắc của Sumatra, và nơi đầu  tiên ở Indonesia có những mối liên hệ quan trọng với thế giới  bên ngoài.

Biên niên sử của Trung Hoa ghi nhận vào thế kỷ thứ 6 có một vương quốc gọi là Po-Li ở mũi phía Bắc của vùng đất Sumatra ngày nay. Những văn kiện của Ả Rập và Ấn Độ vào thế kỷ thứ 9 đề cập đến Aceh như một trung tâm mậu dịch quan trọng. Vương quốc Hồi giáo đầu tiên ở Indonesia được thành lập ở Aceh năm 804, và với vị trí như là thành trì của Hồi giáo, thành phố này càng phát triển, thành một trung tâm học hỏi về đạo Hồi và là cửa ngõ cho người Indonesia trên đường đến  Mecca hành hương.

Qua nhiều thế kỷ, những dòng người buôn bán nhập cư vào đây đã làm cho Aceh trở thành một nơi buôn bán sầm uất. Sự suy sụp của Aceh bắt đầu với cái chết của vua Iskandar Thani năm 1641, khi người Anh và người Hà Lan đến kiểm soát vùng này. Hiệp định Luân Đôn năm 1824 đã giao cho người Hà Lan quyền kiểm soát tất cả các vùng đất mà người Anh sở hữu ở Sumatra.

Người Aceh nổi tiếng khắp Indonesia về lòng can đảm và ý thức mãnh liệt về sự độc lập, và người Hà Lan đã mất trên 10.000 người trong những cuộc chiến ở Aceh kéo dài từ 1872 đến 1942.

Mặc dù việc công nghiệp hóa và truyền thông toàn cầu đã làm cho vùng này mở cửa với những tư tưởng và hành động Tây phương, người Aceh vẫn giữ tôn giáo của họ cũng như phong cách đạo đức riêng một cách hết sức nghiêm chỉnh.

Riau

3.000 hòn đảo của tỉnh vành đai này rải ra trong eo biển Malacca, là một trong những con đường mậu dịch xưa nhất và sầm uất nhất trên thế giới. Qua nhiều thế kỷ những đảo này đã làm nơi trú ẩn cho những nhà buôn và các thủy thủ đến từ châu Âu, Ấn Độ và Trung Hoa, còn giữ lại cho đến ngày nay hương vị của 'ngã tư thế giới' thời cổ đại. Lịch sử lãng mạn của vùng này đầy rẫy những câu chuyện về cướp biển và những xung đột quốc tế. Riau, bao gồm một phần lớn của miền Đông Sumatra, là quê hương của người Malay và là nơi phát sinh của tiếng Indonesia vốn dựa trên ngôn ngữ Malay. Cuốn sách đầu tiên về ngữ pháp tiếng Malay được viết và xuất bản tại đây năm 1857.

Kể từ ngày thành lập vào năm 1402, vương quốc Malacca đã đóng một vai trò dẫn đầu trong lịch sử của khu vực. Với sự xuất hiện của người Bồ Đào Nha, một thời kỳ chiến tranh để giành quyền kiểm soát vùng eo biển bắt đầu. Tình hình càng trầm trọng thêm khi người Anh và người Hà Lan đến đây vào đầu thế kỷ thứ 17.

Tiếp theo là sự xung đột, được giải quyết một phần bằng Hiệp định Luân Đôn năm 1824, giao cho người Hà Lan kiểm soát tất cả các lãnh thổ của người Âu ở phía Nam Singapore. Vùng này bao gồm cả Riau, và cắt đứt mối liên kết của nó với Johor và lục địa. Người Hà Lan khuất phục và vô hiệu hóa vị vua nổi loạn của Riau, nhưng ảnh hưởng của vùng đất này vẫn còn rất mạnh. Tanjung-pinang là thị trấn quan trọng nhất của tỉnh. Sự gần gũi với Singapore đã làm cho nó trở thành một cảng buôn bán và mua sắm lớn, và cùng với đảo Batani gần đó, nó được hứa hẹn trở thành một khu vực chính của sự đầu tư và phát triển trong thời gian tới. Tương lai của Riau xán lạn vì vị trí chiến lược của nó đối với phần còn lại của châu Á đang làm cho nó phát triển thành một khu kinh tế lớn.

Lampung

Tỉnh này tương đối bằng phẳng với những ngọn núi cao nhất là Gunung Pesagi, Tanggamas, Seminiung, Sekincau và Raya, tất cả đều là những núi lửa đã ngủ. Pundar Lampung, thủ phủ của tỉnh, trước đây là hai thị trấn tách biệt, Tanjungkarang và cảng Telukbetung, mà sau vụ phun nổi tiếng của núi lửa Krakatau cả hai đều ngập trong dung nham. Trong quá trình phát triển, hai trị trấn này đã sát nhập với nhau thành một thành phố. Được thiên nhiên ưu đãi với đất đai màu mở, nông nghiệp đã nghiễm nhiên trở thành hoạt động chính của tỉnh. Đinh hương, cà phê và dứa được trồng rất nhiều ở bờ biển phía Nam, trong khi tiêu, cà phê, sắn, cô ca và lúa và những sản vật chính của khu vực phía Đông.

Khu vực quanh hồ Ranu và một khu trồng thuốc lá lớn. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Way Kambas ở phía Tây của tỉnh là nơi huấn luyện voi để làm việc trong những khu rừng sâu. Ở đây cũng có rất nhiều loài chim đẹp. Hổ cũng gầm rống trong vùng này mặc dù hơi hiếm. Loài hoa lớn nhất thế giới, Rafflesia, có thể tìm thấy trong Công viên Quốc gia Bukit Barisan Selatan.

Java

Vùng Trung tâm Java

Những vùng đồng bằng màu mỡ phì nhiêu của vùng này đã nuôi sống trên 30 triệu người tại đây. Sukarta, được biết đến nhiều hơn với cái tên Solo, là cái nôi của nền văn hóa Java. Trước kia triều đình của Solo là hiện thân của giá trị cao cả mà người Java gắn liền với nó, với những lễ nghi và các hội hè  cung đình mà cho đến ngày nay người ta vẫn còn tổ chức trong sự tráng lệ, rực rỡ của nó. Mặc dù ngày nay không còn ngai vàng quyền lực trước kia, những hậu duệ của cung đình Solo vẫn được coi như những người lãnh đạo văn hóa và truyền thống Java, là những người đề cao những chuẩn mực của sự tinh tế và cách cư xử.

Một mạng lưới mở rộng gồm đường bộ và đường sắt nối liền những thành phố chính và các làng mạc tại đây. Với những phi trường ở cả Semarang và Yogyakarta, đây và một trong số những tỉnh dễ đến nhất trong nước. Hai hải cảng lớn, Tanjung Elnas ở biển Java và Cilacap, một cảng biển thiên nhiên ở Ấn Độ Dương đã cung ứng con đường vận chuyển quốc nội cũng như quốc tế đối với những sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của tỉnh.

Tây Java

Vùng đất quyến rũ Sunda kéo dài từ eo biển Sunda ở phía Tây đến ranh giới của vùng trung tâm Java ở phía Đông. Vùng này hầu hết là núi non, với những thung lũng xanh tươi ôm lấy những đỉnh núi lửa cao ngất, trong đó nhiều thung lũng vây quanh thủ phủ của tỉnh là Bandung. Lịch sử của Tây Java là câu chuyện của mậu dịch, gia vị, và những chuyện cường thịnh và suy sụp của những vương quốc hùng mạnh. Vào khoảng cuối những năm 1500 vùng này được cai trị bởi những người Cirebon. Banten, một thời đã là thủ đô hùng mạnh của vùng biển, đối thủ với đế quốc Mataram của người Java, ngày nay là một làng đánh cá với quá khứ huy hoàng. Tây Java trước kia là điểm đến đầu tiên của người Ấn Độ để buôn bán và truyền bá văn hóa, và đây cũng là nơi người Anh và người Hà Lan đặt chân lần đầu lên quần đảo.

Tây Java bao quanh thủ đô Jakarta ở ba phía, với những con đường tốt giúp nối liền hầu hết các khu vực trong tỉnh, chạy qua những ngọn núi trùng điệp, những cánh đồng lấp lánh đủ màu và dọc theo những bờ biển thôn dã được viền bằng những hàng cọ.

Ở đây có nhiều khu nghỉ mát nổi tiếng ở bờ biển phía Tây và phía Nam với những khách sạn hiện đại và đầy đủ tiện nghi, là nơi nghỉ cuối tuần ưa thích của những người sống ở Jakarta.

Tây Java cung ứng cho du khách nhiều thứ để xem và để làm. Khách đến đây có thể mạo hiểm ra những bờ vực của khu Krakatau hoặc thám hiểm khu bảo tồn động vật hoang dã còn hoang sợ ở Ujung Kulon tại mũi phía Nam của Java. Khách cũng có thể đến nghỉ ngơi tại vườn chim Pulau Dua ngoài khơi Banten hoặc đến viếng thăm những người Baduy bí ẩn.

Kalimantan

Trung tâm Kalimantan

Vùng trung tâm Kalimantan là tỉnh lớn nhất của đảo, bao trùm 153.000 km2, hầu hết là  rừng. Khu vực phía Bắc là rừng núi và khó đến. Khu vực trung tâm là rừng nhiệt đới dày đặc. Khu vực phía Nam là đầm lầy và có nhiều sông. Khí hậu ở đây nóng và ẩm.

Ba bộ tộc sống ở tỉnh này là Ngaju, Ot Danum, và Ma'ayan Ot Siang. Người Ngaju gắn liền với tôn giáo của vùng Kaharingan cũ, đó là đạo thờ cúng tổ tiên pha trộn với bái vật giáo. Với khoảng dân số khoảng 6.000 người, người Ot Danum là bộ tộc lớn nhất trong số ba bộ tộc. Người Ot Danum sống trong những ngôi nhà dài, đôi khi có đến 50 phòng. Phụ nữ ở đây được biết đến với kỹ năng bện mây, lá cọ và tre. Giống như những người Dayak khác, đàn ông là những thợ săn giỏi, chỉ sử dụng những công cụ thô sơ.

Nghệ thuật vùng Trung tâm Kalimantan mang nặng dấu ấn của vùng Kaharingan, với niềm tin truyền thống của người Dayak trong vùng sâu của Trung tâm Kalimantan. Kiểu làm nhà, tạc tượng và chạm trổ ở đây chịu ảnh hưởng của người Hindu, người Hoa và người Hindu-Java. Ngoài tài sản về thẩm mỹ, nhiều vật đã được dân ở đây trọng vọng vì có giá trị phép thuật.

 Đông Kalimantan

Là nơi sản xuất chính về dầu mỏ và gỗ, Đông Kalimantan hiện nay là tỉnh công nghiệp tiên tiến của đảo và là tỉnh lớn thứ hai của Indonesia. Đây cũng là quê hương của người nguyên thủy Kalimantan, gọi là người Orang Gunung hay là người vùng núi. Những bộ tộc này được gọi chung là người Dayak mặc dù tên này không được các bộ tộc ở đây ưa chuộng; họ thích được gọi tên theo từng bộ tộc riêng lẻ, chẳng hạn như Iban, Punan, Banuaq.

Những bộ tộc địa phương ở đây sống trong những căn nhà tập thể dài gọi là Lamin hay Umaq Daru. Đó và những nhà sàn có những cột gỗ. Phần cột dưới nền nhà đôi khi cao đến 3 mét, với mục đích ngăn ngừa thú dữ và lụt lội. Người Punan là những người săn bắt-hái lưọm đơn giản, và chỉ sử dụng những căn nhà dài vào lúc cao điểm của mùa mưa. Theo truyền thống, bên trong những căn nhà dài này thường được ngăn thành những ô riêng cho từng gia đình, có những khu vực sinh hoạt chung nối giữa các gia đình. Ở những khu vực chung này người ta hội họp, cử hành các nghi thức, từ đó củng cố thêm mối quan hệ bộ tộc trong khung cảnh những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thời đại mới.

Những pho tượng canh gác thường được đặt trước những căn nhà dài để bảo vệ họ trước những linh hồn độc ác, đem bệnh tật hoặc vận rủi đến cho họ. Những bộ tộc sống trong các vùng sâu chọc thủng dái tai của họ, mà qua thời gian lỗ dái tai này càng lớn thêm dưới sức nặng của các vòng đeo tai bằng vàng hay đồng thau. Những người này cũng xăm mình với các hình xăm rất đẹp. Những viên đá quý và các mẫu trang trí thì rất công phu và được truyền từ đời này sang đời khác.

Điểm phổ biến nhất để khởi hành các cuộc du ngoạn và mạo hiểm vào rừng sâu và Balikpapan và Samarinda, thủ phủ của tỉnh. Người ta có thể đi dọc theo hệ thống sông Mahakam trải rộng với nhiều bụi phong lan rủ xuống từ các thân cây hai bên bờ. Rừng bên trong có giống khỉ có vòi, cá sấu và nhiều loại động vật khác. Một khu Bảo tốn Phong lan rộng khoảng 2.000 héc ta ở gần làng Kersil Luwai, ở đó có trồng 27 loài phong lan khác nhau, trong đó có những loài rất hiếm như Colo-genia Pandurata hay còn gọi là phong lan đen.

Nam Kalimantan

Rặng núi Meratus chia vùng Nam Kalimantan thành hai khu vực khác biệt. Khu vực phía Đông của tỉnh toàn là núi bao phủ bởi rừng mưa nhiệt đới đày đặc, là quê hương của 'Orang Gunnung' hay là người núi. Được gọi bằng tên chung là người Dayak, họ hình thành những người thiểu số của khu vực này.

Khu vực phía Nam của tỉnh bằng phẳng hơn nhiều với những con sông rộng uốn khúc qua những vùng đất thấp đến những đầm đước dọc theo bờ biển, làm cho vùng Nam Kalimantan trở thành một vùng đất rất phì nhiêu. Nhiều làng mạc và khu định cư được hình thành dọc theo những dòng sông này, đặc biệt lsông Barito có người Banjar sinh sống.

Vùng Nam Kalimantan có những nghệ thuật và những nền văn hóa truyền thống riêng biệt và đầy màu sắc, thể hiện qua lối sống của người dân, qua nghệ thuật, múa, âm nhạc, cách ăn mặc do tổ tiên truyền lại, các trò chơi và các nghi lễ. Những loại đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống và thương mại đều được làm từ những loại vật liệu địa phương bao gồm nhiều loại đá quý và bán quý, vàng, bạc, đồng thau, sắt và nhiều chủng loại gỗ khác nhau. Những đồ thủ công này đã cho thấy tỉnh có một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và độc đáo.

Thủ phủ của tỉnh, Banjarmasin, nằm cách cửa sông Barito một đoạn, nơi nó hợp dòng với sông Martapura. Những dòng sông này là sức sống của thành phố và mọi sinh hoạt đều xoay quanh chúng. Hai bên bờ sông được viền bởi những căn nhà sàn được làm rất công phu. Hàng loạt những hoạt động kinh doanh diễn ra trên dòng nước; những chợ nổi bán những mặt hàng đa dạng của vùng nhiệt đới, trong đó có các loại trái cây như Kesturi, một loại xoài thơm rất hiếm, sầu riêng, chôm chôm, bơ, thơm, dưa hấu, chuối.

Nam Kalimantan được kết nối với tất cả những thành phố trong quần đảo Indonesia qua sân bay Syamsuddin Bắc, cách Banjarmasin 25 km. Sân bay sầm uất này có thể tiếp nhận nhiều loại máy bay khác nhau. Nam Kalimantan cũng có thể đến bằng đường biển ở Trisakti và Banjarmasin. Di chuyển trong tỉnh có thể dùng đường bộ, nhưng đường thủy và phương tiện giao thông được ưa chuộng hơn.

Tây Kalimantan

Nằm ngay trên đường xích đạo và đóng vai trò cửa ngõ chính để vào tỉnh Tây Kalimantan là thủ phủ Pontianak. Được thành lập bởi Syarif Abdul Rahaman Al-Kadri người Ả Rập Saudi năm 1771, thành phố này hiện nay là một trung tâm kinh tế náo nhiệt và nơi tọa lạc của một trường đại học lớn và một sân vận động thể thao khổng lồ. Những kênh đào chằng chịt trong thành phố và con sông dài nhất Indonesia, sông Kapuras (dài 1143 km), chia thành phố làm hai. Giống như Java và Sumatra, Tây Kalimantan trước đây là một ngã tư quan trọng về văn hóa.

Đạo Hindu đã du nhập vào Tây Kalimantan vào khoảng năm 400 và những bằng chứng về những nền văn minh của cả đạo Hindu lẫn đạo Phật xưa kia đã được phát hiện tại đây. Những tượng khắc bằng đá và đồ gốm đã có từ thế kỷ thứ 5, tuy nhiên ảnh hưởng của Hồi giáo có tác động lớn nhất đối với vùng này.

Hồi giáo đã đến đây cùng lúc với thời gian hình thành vương quốc Hồi giáo ở Aceh vào thế kỷ thứ 15. Đạo Hồi đã nhanh chóng phát triển và nhiều vương quốc khác nhau đã trưởng thành trong sức mạnh và quyền lực, đặc biệt và vì tầm quan trọng chiến lược của Kalimantan dọc theo con đường giao thương đến Trung Hoa và Philippines.

Tây Kalimantan bao trùm một diện tích trên 146.807 km2, phong phú với nhiều loại khoáng sản và đá quý, phần lớn chưa được khai thác. Những khu vực dọc bờ biển chủ yếu là đầm lầy với trên 100 con sông chằng chịt trên vùng đồng bằng. Trong vùng núi ở các khu vực phía Đông của tỉnh, cách xa thành phố và đồng bằng, có nhiều làng mạc của người Dayak.

Người thiểu số Dayak có những truyền thống và niềm tin lâu đời được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: dái tai kéo dài bởi những chiếc bông tai nặng, tục xăm mình, những bức họa và điêu khắc cầu kỳ, cùng với những điệu múa tuyệt vời. Một số lớn người Hoa, người Malay và những nhóm thiểu số khác của Indonesia chiếm phần dân số còn lại của tỉnh.

Tây Kalimantan có thể đến dễ dàng từ Jakarta hoặc từ Singapore bằng đường thủy và đường hàng không. Những cuộc du hành trong nội địa và những cơ hội hiếm hoi để người ta khám phá những đặc trưng bên trong của một trong những hòn đảo lớn nhất và phong phú nhất trên thế giới.

Sulawesi

Nam Sulawesi

Tọa lạc trên ngã tư của những con đường biển chiến lược trong lịch sử, tỉnh Nam Sulawesi bao gồm bán đảo hẹp phía Tây Nam của hòn đảo đầy núi non có hình hoa phong lan này. Thủ phủ và là cảng mậu dịch của tỉnh, Ujung Pandang, ngày nay vẫn là cửa ngõ để đến phía Đông Indonesia.

Tongkonan, những ngôi nhà của các gia đình ở đây, là những nhà sàn có mái ngước cao, tượng trưng cho mũi của chiếc tàu đầu tiên đến khu vực này với tổ tiên của người Toraja. Tất cả những ngôi nhà đều hướng về phía Bắc, và một số người bảo rằng đó là vì tổ tiên của người Toraja đến đây từ hướng Bắc. Một số khác thì cho rằng là vì hướng Bắc được coi như phạm vi của các thần linh.

Nam Sulawesi cũng nổi tiếng với phong cảnh đẹp và chất lượng của vải lụa cùng với ngành công nghiệp dệt lụa, tuy nhiên nền kinh tế ở đây phần lớn dựa vào nông nghiệp. Thủ phủ Ujung Pandang của tỉnh, trước đây gọi là Makassar, có những phương tiện tuyệt hảo cho những môn thể thao nước. Thành phố này có thể đến dễ dàng bằng đường hàng không.

Bắc Sulawesi

Bắc Sulawesi là mảnh đất của những rạn san hô lộng lẫy bảo vệ những bãi biển trắng xóa còn nguyên sơ. Những ngọn núi và núi lửa ở đây nhắc cho người dân ở đảo và cả thế giới về sức mạnh của một trong những lực lượng đáng sợ nhất trên trái đất. Người ở Bắc Sulawesi có thể chia bốn nhóm: Minahasa, Bolaang Mongondow, Gorontalo và Sangir-Talaud. Người Minahasa tập trung xung quanh thủ phủ của tỉnh là Manado. Người Sangir-Talaud ở về phía Bắc, tạo thành một chiếc cầu tự nhiên nối đến Philippines, và nhiều dấu vết của văn hóa Philippines vẫn còn tìm thấy ở đây. Ngoài việc một cơ cấu chính trị và tôn giáo vững mạnh, người Philippines còn khuyến khích người địa phương ở đây trồng dừa và nhục đậu khấu.Ngày nay ngành công nghiệp chính của tỉnh là cùi dừa khô và đinh hương. Bắc Sulawesi có khu vực trồng dừa lớn nhất so với các vùng khác ở Indonesia.

Người Hà Lan có ảnh hưởng mạnh nhất về sự phát triển của vùng này. Cuộc giao dịch đầu tiên với những nhà buôn châu Âu là vào thế kỷ 16, với người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và từ những người này họ đã du nhập đạo Cơ đốc. Nhưng cho đến khi người Hà Lan đến đây thì đạo Cơ đốc mới trở thành tôn giáo chiếm ưu thế trong vùng. Thủ phủ Manado của tỉnh là cửa ngõ để đến Indonesia. Điểm thu hút chính của Manado là ngoài khơi. Những rạn san hô cực kỳ đẹp gần đảo Bunaken ngày nay và một công viên biển được bảo vệ và và một trong những khu bơi lặn tốt nhất thế giới.

Đông Nam Sulawesi

Bán đảo phía Đông Nam này và nhóm đảo Buton có những cư dân là hậu duệ của người Torajans và người Bugis, và do ảnh hưởng sâu đậm của vương quốc Bone theo đạo Hối, hầu hết những người sinh sống tại đây là tín đồ Hồi giáo. Có năm nhóm văn hóa khác nhau, gồm người Tolaki, Morunene, Buton, Muna và Bajo.

Hầu hết lãnh thổ của vùng Đông Nam Sulawesi được bao phủ bởi rừng tự nhiên, ngoài ra được trồng thêm gỗ tếch và gỗ lim. Sự niềm nở của người Sulawesi, động thực vật tại đây và những bãi biển còn hoang sơ là những nét đặc trưng của vùng đất độc đáo này.

Irian Jaya

Irian Jaya là vùng đất đầy tương phản, với những cánh rừng rậm vào bậc nhất thế giới và những đỉnh núi tuyết phủ soi bóng trên những mặt hồ băng giá. Irian Jaya là tỉnh lớn nhất và ở tận cùng phía Đông của Indonesia, và bao trùm nửa phía Tây của hòn đảo lớn thứ hai trên thế giới. Đây là vùng đất của thiên nhiên hùng vĩ, với những bãi biển ngoạn mục, những đầm lầy bao la, những đồng cỏ xanh tươi mát và những dòng sông mạnh mẽ uốn khúc qua những khu rừng rậm rạp. Khu vực có dân cư sinh sống đông nhất và có đất trồng trọt được là quận Hồ Paniai và thung lũng Baliem trở về phía Đông.

Jaypura

Jayapula là thủ phủ và là thành phố lớn nhất của Irian Jaya. Đây là một thành phố gọn gàng và dễ chịu, được xây dựng trên một ngọn đồi nhìn xuống vịnh. Quảng trường Tướng Douglas Mc Arthur của Thế chiến thứ II vẫn còn ở đây. Ở đây có Nhà Bảo tàng Jayapula nằm trong khuôn viên Đại học Cenderawashih. Bãi biển Tanjung Ria được dùng làm căn cứ của quân Đồng Minh trong Thế chiến thứ II, hiện nay là một nơi nghỉ mát nổi tiếng với các phương tiện cho những môn thể thao nước.

Hồ Sentani

Cách Jayapura không xa, hồ Sentani vẫn còn là một nơi hoang sơ chưa có bước chân của khách du lịch. Những người dân sinh sống quanh vùng bờ hồ vẫn còn giữ những sinh hoạt truyền thống và nổi tiếng với nghề gỗ và nghề gốm.

Biak

Biak, một thị trấn trên một hòn đảo có cùng tên trong vịnh Cenđerawasih, là cửa ngõ chính để vào Irian Jaya. Ở đây có cơ  sở hạ tầng tết nhất so với những nơi khác trong tỉnh. Có một số bãi tắm tốt trên đảo Biak, ở đó người ta có thể bơi lội hoặc chơi trò nhảy dù bung dù chậm. Người ta cũng lặn để mò ngọc trai ở những bãi này. Đảo Supiori, ở ngay phía Bắc Biak, là một vùng hoang dã được bảo tồn, có những ngôi làng truyền thống, nơi đó người ta sẵn sàng hoan nghênh khách đến thăm.

Mũi Kasuarina

Được đặt tên theo loài cây Kasuarina lọc trong khu vực này, mũi Kasuarina chỉ cách Sorong 2 km, nằm ở bán đảo Đầu Chim phía Bắc Irian Jaya. Đây là một nơi tốt để bơi lội và nghỉ ngơi.

Asmat

Người Asmat sống dọc theo bờ biển xa phía Đông Nam, nổi tiếng với nghệ thuật khắc gỗ. Cho đến gần đây nền văn minh hiện đại chưa tiếp cận đến khu vực này. Ở đây có một bảo tàng hấp dẫn đầy những bức khắc gỗ. Nghề thủ công ở Asmat đã được một dự án của Liên Hiệp Quốc hỗ trợ vào năm 1960 để khích lệ những thợ thủ công ở địa phương này giữ cho nghệ thuật của họ sống mãi. Hầu hết lãnh thổ của khu vực này vẫn còn hoang sơ chưa khai phá.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2121-02-633492328324687500/Dia-ly/Cac-vung-dia-ly.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận