Tài liệu: Indonesia - Nghệ thuật sân khấu

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Giống như hầu hết các nghệ thuật biểu diễn của phương Đông, múa ở Indonesia được tin là có nguồn gốc từ tôn giáo. Ngay cả ngày nay, nhiều điệu múa được coi là linh thiêng và
Indonesia - Nghệ thuật sân khấu

Nội dung

Nghệ thuật sân khấu

Múa

Giống như hầu hết các nghệ thuật biểu diễn của phương Đông, múa ở Indonesia được tin là có nguồn gốc từ tôn giáo. Ngay cả ngày nay, nhiều điệu múa được coi là linh thiêng và có thể truy nguồn gốc về những mối quan hệ tâm linh xưa kia. Trong số này không những chỉ có những điệu múa đền đài của Bali, mà còn có cả những điệu múa có vẻ trần tục, chẳng hạn như điệu Bedoyo Ketawang của vùng Solo, chỉ được múa vào những dịp hiếm hoi đến nỗi có nguy cơ bị mất hẳn vì thiếu những người trẻ biết múa những điệu này.

Ngày nay những truyền thống về múa cũng đa dạng như sự đa dạng của các nền văn hóa sắc tộc. Nhưng điệu múa kinh điển của vùng trung tâm Java, được nuôi dưỡng và phát huy đến độ tinh tế từ những cung đình Java ngày trước, với hình thức được cách điệu hóa đến cao độ, có lẽ đã có được những chuyển động cơ bản trong thời cao điểm của văn hóa Hindu- Java, vào khoảng thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 13.

Trong tay của người dân, những điệu múa này là một nguồn phong phú cho những điệu múa dân gian rất gợi tình, chẳng hạn như các điệu Tayuban và Ngibing. Điệu múa Bumbung của Bali đã tiến triển thành những điệu múa rất đẹp là Bumblebee và Tamulilingan. Trong khi nghệ thuật và những nguyên tắc cứng rắn là đặc điểm của các điệu múa của Java và Bali, thì những điệu múa của Sumatra, Maluku và hầu hết các đảo khác lại có vẻ duyên dáng và quyến rũ.

Có những cơ sở, vừa là nơi dạy múa vừa là sân khấu biểu diễn phục vụ cho quần chúng.

Những sân khấu cung đình kinh điển

Có những lớp dạy múa được mở cho khách tham quan, được tổ chức trong những tòa nhà tráng lệ ở Yogyakarta và Surakarta.

Hai cơ sở nổi tiếng ở Yogyakarta là trường Krido Bekso Wiromo và trường Mardawa Budoyo. Trường Mardawa Budoyo mỗi tuần có bốn buổi biểu diễn múa ba lê Ramayana. Trường Mangkunegaran ở Solo nổi tiếng với các buổi biểu diễn Langendriyan, một hình thức kết hợp giữa ôpêra và múa, dựa trên các câu chuyện truyền thuyết của Java.

Những sân khấu múa ba lê Java

Có hai cơ sở hàng đầu về múa ba lê truyền thống. Một là sân khấu lộ thiên Prambanan ở gần Yogyakarta. Nơi đây trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 vào những ngày trăng tròn có những buổi biểu diễn múa ba lê Ramayana. Cơ sở thứ hai là sân khấu lộ thiên Candra Wilwatika ở Pandaan tại miền Đông Java. Cũng vào thời gian như trên, sân khấu này biểu diễn những điệu múa ba lê Java kinh điển.

Wayang Wong

Wayang Wong là loại kịch múa sân khấu với vốn tiết mục lấy từ các loại múa Mahabharata hay Ramayana. Loại hình nghệ thuật sân khấu này mang tính dân gian nhiều hơn là kinh điển, nhấn mạnh vào cốt truyện, thể hiện nhiều hơn bằng lời thoại hơn là bằng điệu múa.

Loại hình này thường được biểu diễn hàng đêm tại các công viên nghỉ dưỡng ở những thành phố lớn tại Java và ở Panca Murthi tại Jakarta. Một đội múa nổi tiếng biểu diễn ở công viên Sri Wedari tại Solo, Surakarta.

Ketopak

Ketopak là một nhánh của Wayang Wong, là phiên bản quần chúng đương đại của kịch múa lấy cốt truyện từ các truyền thuyết dân gian và lịch sử hơn là từ những thiên anh hùng ca kinh điển. Cách phục sức, lời thoại và cách múa đều đơn giản hơn nhiều so với kiểu múa Wayang Wong.

Những cơ sở ở Bali

Những buổi biểu diễn múa dân gian như các loại múa Legong Kraton, múa kiếm, múa thơ được tổ chức rất nhiều ở Bali. Những buổi biểu diễn này thường là của dân làng để phục vụ du khách. Múa Kecak được biểu diễn vào ban đêm dưới ánh đuốc. Ngày nay, thậm chí cả những điệu múa dùng để tế lễ, như múa lửa, cũng được biểu diễn hàng đêm cho khách du lịch, nổi tiếng là ở Kuta và bãi biển Sanur.

Taman Ismail Marzuki

Để tưởng nhớ nhà soạn nhạc tiên phong hiện đại của Indonesia, trung tâm nghệ thuật này biểu diễn thường xuyên các tiết mục truyền thống và hiện đại, trong đó có ba lê Tây phương, múa Java, kịch và cả trưng bày những món đồ thủ công mỹ nghệ.

Múa rối

Một loại hình quan trọng của sân khấu bản xứ là múa rối. Trong môn múa rối có loại múa rối bóng Wayang Kulit của Java là được ca ngợi nhiều nhất. Trong nghệ thuật này, các nhân vật được biểu thị bằng bóng của những hình nộm phẳng làm bằng da được khắc họa và sơn phết chi li. Những chiếc bóng này được chiếu lên màn hình bằng những ngọn đuốc (ngày nay thường được thay thường bóng điện).

Rạp hát múa rối có nhiều dạng khác nhau và sử dụng nhiều phương tiện cũng khác nhau. Ở Tây Java, hình thức phổ biến nhất là Wayang Golek, sử dụng những con rối ba chiều. Cả hai loại hình Wayang Kulit và Wayang Golek đều lấy nội dung các tiết mục từ những thiên anh hùng ca kinh điển của Ấn Độ, nhưng những rạp múa rối gỗ ở miền Trung tâm Java thường theo truyền thống chỉ lấy các cốt truyện từ những truyền thuyết dân gian xoay quanh đạo Hồi. Ngoài ra còn có những loại hình khác ngày nay người ta vẫn còn diễn, như Wayang Klitik và Wayang Kruci, mỗi loại hình đều có cơ cấu cốt truyện riêng.

Loại hình múa rối 'bóng' xưa nhất có lẽ là Wayang Beber, trong đó ngươi điều khiển rối chỉ đơn giản mở một cuộn giấy trong đó có vẽ các phong cảnh và hình tượng của cốt truyện và kể chuyện với sự đệm đàn của dàn nhạc Gamelan. Một loại hình hiện đại phổ biến của rạp hát loại này là Wayang Wong, trong đó các diễn viên hoặc các vũ công thể hiện những nhân vật trong truyện trên một sân khấu bình thường.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2123-02-633492879902500000/Van-hoa---Xa-hoi/Nghe-thuat-san-khau.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận