Tài liệu: Indonesia - Thủ công mỹ nghệ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nghề thủ công của Indonesia đa dạng theo cả phương tiện lẫn kiểu cách. Nói chung mọi người dân ở đây đều là những nghệ sĩ thiên nhiên và thể hiện nghệ thuật của họ trên vải
Indonesia - Thủ công mỹ nghệ

Nội dung

Thủ công mỹ nghệ

Nghề thủ công của Indonesia đa dạng theo cả phương tiện lẫn kiểu cách. Nói chung mọi người dân ở đây đều là những nghệ sĩ thiên nhiên và thể hiện nghệ thuật của họ trên vải và sơn, trên gỗ, kim loại, đất và đá. Những nghệ nhân Indonesia đã sáng tạo những tranh khắc gỗ vào hàng đẹp nhất thế giới. Hội họa thì phong phú vô cùng, cả dạng truyền thống và dạng đương đại. Những loại đồ bạc và đồ chạm của vùng Yogyakarta và Sumatra, và đồ vàng bạc chạm lộng của Nam Sulawesi đều nổi tiếng khắp Indonesia.

Nghệ thuật nhuộm vải batic (nhuộm theo lối phủ sáp lên những chỗ không cần nhuộm) đã có ở Java từ nhiều thế kỷ nay. Ở Java có một số trung tâm làm vải batic, trong đó những khu lớn là Yogyakarta, Surakarta, Pekalongan và Cirebon. Vải batic cũng được chế tác ở Bali, nơi đó những thiết kế đẹp của địa phương được đưa vào. Những nghệ nhân ở Tây Sumatra và Kalimantan đã sản xuất những loại vải dệt tay với chỉ vàng và chỉ bạc, vải lụa và vải bông với những thiết kế cầu kỳ tuyệt vời. Ở đảo Sumba và Flores, người ta có thể tìm thấy loại Ikat, một loại loại vải dệt tay được nhuộm thủ công từ những sợi chỉ.

Indonesia là một thiên đàng để khách sưu tầm và mua sắm các đồ vật mỹ nghệ làm thủ công.

Keris

Vào thời xưa, những bộ tộc thích sưu tập đầu lâu của những kẻ thù mà họ đã giết. Cũng giống như vậy, những cộng đồng nông nghiệp thích sưu tập những chiếc sừng của những con bò mà họ đã giết thịt. Còn người Java thì chỉ cảm thấy thỏa mãn khi, ngoài việc sở hữu một căn nhà lớn và một con ngựa, họ còn có được một keris (loại dao găm của người Java).

Không có sách vở nào ghi nhận lại là keris được chế tác lần đầu tiên khi nào. Trong những câu viết của người Rukam (khoảng năm 907) có đề cập đến từ keris, như vậy loại vũ khí của người Java này có lẽ đã xuất hiện trước đó. Theo nội dung những câu viết của người Rukam và theo những câu viết khác, vai trò của keris là để dâng cho thần linh trong những nghi thức tế lễ. Trong khi câu chuyện truyền thuyết về cái chết Mpu Gandring khẳng định vai trò làm vũ khí cũng như một vật gia truyền thần thánh với nhiều quyền lực kỳ diệu của keris.

Keris đã trở nên mật thiết trong đời sống hàng ngày của người Java (như toàn quyền Rames đã có lần nói: ''Người đàn ông Java mà không có keris giống như người đàn ông trần trụi'') và nhận nhiều chức năng đa dạng khác nhau.

Keris có đến trên 20 chức năng khác nhau, chẳng hạn như để trưng bày, để làm một loại trang bị phụ cho các chiến sĩ cung đình, một phụ kiện cho bộ y phục nghi lễ, một vật chỉ thị cho cấp bậc xã hội, một dấu hiệu của đức tính anh hùng, một triết lý, một loại bùa chú để đem lại may mắn, v.v... Trước đây, khi chú rể người Java trong ngày cưới không thể có mặt bên cô dâu, chàng ta có thể gửi đến đám cưới chiếc keris của mình để thay mặt.

Nhìn chung, keris được đúc từ ba thứ kim loại: sắt, thép và kền. Có một số loại chỉ cần một thứ kim loại, thường là thép, thường được gọi là pengawak waja. Loại này ít được chuộng hơn vì dễ gãy. Loại hợp kim tốt nhất sẽ cho vẻ cứng và nhẹ, với màu từ trắng đến xám, tạo ra ấn tượng về vẻ đẹp và quyền lực.

Hội họa

Ở Indonesia có trên 10.000 hòn đảo nhưng trong đó chỉ có một đảo được gọi là đất sinh trưởng của phép kỳ diệu. Với quang cảnh gồm những núi lửa sống động, những cánh đồng lúa bao la và những bãi biển như pha lê, Bali đã làm say mê cả thế giới từ nhiều thế kỷ. Là quê hương của các loại mặt nạ dùng trong nghi lễ, của những điệu múa thôi miên người xem và của các cuộc chọi gà, hòn đảo này là một sự hỗn tạp cả truyền thống lẫn hiện đại. Ngày nay Bali giới thiệu cho thế giới một loại hình nghệ thuật hiện đại lôi cuốn, một hình thức mà người ta chỉ có thể hiểu được với sự quan tâm đến lịch sử, tôn giáo, văn hóa và xã hội tại đây. Đó là nghệ thuật hội họa.

Nghệ thuật ở Bali đã phát triển từ rất lâu. Những pho tượng, những cổng vào các đền miếu đã thể hiện nghệ thuật khắc chạm độc đáo trên gỗ và trên đá. Những hình ảnh trắng đen được vẽ trên vải trắng để treo trong các ngôi đền và những hình ảnh ánh vàng trên những lá cờ trong các lễ nghi cũng xuất phát ở đây. Những hình ảnh múa rối trong nghệ thuật rối Wayang truyền thống cũng xuất phát ở đây. Có người nói rằng tất cả người dân Bali đều là họa sĩ.

Khi người châu Âu đến đây, lần đầu tiên các họa sĩ người Bali ký tên trên những tác phẩm của mình để bán cho khách du khách. Vào năm 1935 đã có hai hiệp hội của các họa sĩ được thành lập, một ở Ubud và một ở gần Batuan. Sau đó một số trường dạy vẽ đã được thành lập xung quanh Ubud, mỗi trường có một mô típ khác nhau. Một người Hà Lan bị đày biệt xứ là Ari Smit đã gây dựng một nhóm trẻ choai choai chuyên vẽ những cảnh sinh hoạt hàng ngày với nét vẽ thơ ngây. Bức tranh đáng chú ý nhất là một bức với sự chọn màu sắc kỳ lạ: biển màu đỏ, nền trời màu vàng và da người màu xanh.

Ngày nay một lối vẽ phổ biến xuất xứ từ Pengosekan (chếch về phía Nam Ubud). Chẳng hạn như nó sử dụng lối tiểu họa để trình bày một đàn chim giữa những tán lá sum sê một cách rất chi tiết. Lần đầu được sản xuất đại trà vào những năm 1960, những bức họa loại này có thể thấy ở hầu hết các đại sảnh khách sạn, các văn phòng và ngày nay vẫn còn sức thu hút đối với du khách.

Vào những thập nên 1970 và 1980, các họa sĩ ở đây đã tham gia vào Phong trào Nghệ thuật Mới. Nhóm họa sĩ này thể hiện tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Những họa sĩ này muốn những tác phẩm của mình phản ánh những vấn đề kinh tế xã hội, những vấn đề về môi trường và những chuyện liên quan đến sự tràn ngập của các phương tiện truyền thông đại chúng. Vốn nhạy cảm trước sự suy thoái của một số mặt văn hóa, các họa sĩ này đã có phản ứng. Người ta có thể xem những bức họa mang tính cách mãnh liệt một cách say đắm của một số họa sĩ, và những bức họa nhằm thích ứng với những truyền thống được hồi sinh của một số họa sĩ khác.

Vì nghệ thuật đóng vai trò công cụ trong sự phát triển văn hóa của khu vực, những thay đổi trong hội họa đã có những tác động hiển nhiên đối với cộng đồng nghệ thuật. Nghệ thuật của Bali và của Indonesia nói chung đã trở thành phương tiện chuyển tải cho sự hiểu biết của thế giới đối với đất nước này.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2123-02-633492886539218750/Van-hoa---Xa-hoi/Thu-cong-my-nghe.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận