Tôn giáo
Indonesia có dân số theo đạo Hồi chiếm đa số, mặc dù cùng với số lượng đáng kể theo đạo Phật (số dân người Hoa ở thống thành phố lớn tại Kalimantan), đạo Hindu và một số ít theo thuyết bái vật giáo (ở Bali, Irian Jaya, Sumatra, Kalimantan và những vùng xa xôi khác). Người Batak ở Bắc Sumatra, người Ambon, người Flore và một số bộ tộc ở Irian Jaya và Kalimantan là những người theo đạo Cơ đốc. Tuy nhiên những tôn giáo chính trên quần đảo này có những sự khác biệt với những tôn giáo đó ở các vùng khác trên thế giới, bởi vì tôn giáo ở Indonesia vốn năng động và không theo giáo điều.
Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới. Tỉnh cực Bắc Aceh, tiếp nhận đạo Hồi trực tiếp từ Ấn Độ là khu vực chính thống nhất, trong khi Hồi giáo ở những vùng còn lại theo một kiểu cách đã có sự dung hợp với bái vật giáo, đạo Phật và đạo Hindu. Hầu như tất cả tín đồ Hồi giáo ở Indonesia theo môn phái Sunni. Đàn bà che mạng là cảnh hiếm thấy ở Indonesia, và đàn ông chỉ được lấy hai vợ, trái với tục lệ Hồi giáo ở các nước Ả Rập là bốn vợ, tuy nhiên bình thường thì mỗi người đàn ông ở đây chỉ có một vợ.
Bái vật giáo vẫn còn chiếm ưu thế ở một số làng mạc tại các đảo xa, đặc biệt là ở Sumatra, Kalimantan và Irian Jaya. Các lễ nghi và niềm tin khác nhau nhiều tùy theo từng đảo. Nhiều niềm tin của bái vật giáo lại thấm nhuần năm tôn giáo chính ở đây trong khi đó, những người Indonesia, bất kể theo tôn giáo nào cũng đều thực hiện những nghi lễ của bái vật giáo.
Bất kể một số điểm tương đồng, đạo Hindu ở Bali khác biệt nhiều với đạo Hindu ở Ấn Độ và Nepal. Trong nền móng của nó có niềm tin rằng thế giới thiên nhiên và siêu nhiên được tạo thành bởi hai thế lực đối chọi nhau, như cái tốt và cái xấu, sự trật tự và sự hỗn loạn, thánh thần và ma quỷ - và những thế lực này cần phải được cân đối với nhau.
Đạo hồi ở Indonesia
Với gần 90% dân số, tức là khoảng 190 triệu người theo Hồi giáo, Indonesia là quốc gia có lượng tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới. Sự kiện là đạo Hồi ở đây không chính thống, mang tính chất châu Á và phi Ả Rập có liên quan đến vị trí của đất nước này, xa so với Trung Đông, đồng thời liên quan đến dân số lớn và những nền văn hóa đa dạng của con người ở đây. Cũng giống như bản thân quốc gia này, đạo Hồi ở đây cũng phức tạp và nhiều dạng. Sự khác biệt là khá lớn giữa tỉnh này với tỉnh khác.
Ở Aceh, Hồi giáo chính thống hơn so với Java, trong khi Bali lại là tiền đồn cuối cùng của đạo Hindu ở vùng quần đảo này. Còn ở các vùng phụ cận của đất nước, chẳng hạn như vùng Batak tại phía Bắc Sumatra hoặc ở vùng phía Bắc và trung tâm Sulawesi, những cộng đồng người theo đạo Cơ đốc đã hình thành một vành đai của đạo này.
Chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi truyền thống của người Java, đạo Hồi tại Java, đặc biệt là ở bộ phận phía Đông của đảo, là không chính thống và rất hổ lốn, do đó nó mang tính cách ngoài lề trong thế giới của Hồi giáo. Khu vực phía Tây và trung tâm mang tính cách Hồi giáo sâu đậm hơn.
Đạo cơ đốc ở Indonesia
Sự có mặt của người châu Âu ở Java tính từ thế kỷ thứ 17. Không giống như những tín đồ đạo Cơ đốc ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những nhà buôn đạo Tin lành người Hà Lan chỉ có tham vọng thương mại là chính. Sự truyền bá đạo Cơ đốc thực sự ở vùng Đông Ấn Độ và vùng lân cận chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ thứ 19.
Vì Hồi giáo đã lan tràn ở Java, những nhà truyền giáo, đạo Cơ đốc phải hướng đến số dân ở những đảo xa, chẳng hạn như Am bon, Toraja ở Sulawesi và Batak ở Sumatra. Tất cả những vùng này hầu như chưa có làn sóng Hồi giáo.
Đến khoảng thập niên 1980, mặc dù sự tăng trưởng của tôn giáo này khá mạnh so với Hồi giáo, số lượng người theo Cơ đốc giáo vẫn còn ít (9% trong dân số Indonesia, và đến nay là 10%). Đến những năm 1990, phần lớn những người theo Cơ đốc giáo ở đây là Tin lành, với số lượng tập trung phần lớn ở Sumatra Utara, Irian Jaya, Maluku, Kalimantan Tengah, Sulawesi Tengah, và Sulawesi Utana. Phái Thiên chúa giáo phát triển chậm hơn, do sự lệ thuộc của nhà thờ vào người châu Âu Những người châu Âu này ngày càng gia tăng sự hạn chế trong việc truyền đạo, do sức ép của Sở Tôn giáo vốn bị đạo Hồi chi phối. Phần lớn sự tập trung của Thiên chúa giáo La Mã là ở các tỉnh Kalimantan Barat, Irian Jaya, Nusa Tenggara Timur và Timor Timur.
Đạo Hindu ở Indonesia
Đạo Hindu là một hỗn hống của những truyền thống và sự thờ cúng nhằm giải thích vũ trụ theo ngôn ngữ thần luận. Tôn giáo này có rất nhiều thần nhưng không có một tín ngưỡng độc nhất nào. Một trong những điều quan tâm chính của đạo Hindu là khái niệm về sự thanh khiết trong nghi thức. Một điểm quan trọng khác giúp duy trì sự thanh khiết là việc chia xã hội thành những nhóm nghề theo truyền thống: Brahmans (tu sĩ), Kshatriya (chiến binh và sĩ quan), Vaishya (nhà buôn, nông dân), và Shudra (thường dân, người hầu).
Cũng giống như Hồi giáo và Phật giáo, đạo Hindu đã được thay đổi nhiều khi ứng dụng vào xã hội Indonesia. Hệ thống đẳng cấp, mặc dù có hình thức, nhưng chưa bao giờ được áp dụng một cách cứng rắn. Những thiên anh hùng ca về tôn giáo, Mahabharata và Ramayana, trở thành truyền thống của những người tin đạo, được thể hiện trong môn múa rối bóng và các cuộc trình diễn múa.
Đạo Hindu ở Indonesia tập trung ở Bali, nơi đây chiếm tới 93% người theo đạo. Ở các vùng ngoài Bali có rất ít tín đồ Hindu. Tính trong phạm vi cả nước, số tín đồ Hindu chỉ chiếm khoảng 2%.
Đạo Hindu ở Bali được tổ chức theo hệ thống thứ bậc, với một bộ phận nhỏ những người quý tộc - những Brahman, hay thầy tu- là có thanh thế nhất. Một Brahman không phải là thành viên của bất kỳ ngôi đền nào, nhưng hoạt động như người lãnh đạo tâm hồn và là người tư vấn cho các gia đình của tất cả những làng mạc trải khắp trên hòn đảo. Những thầy tu này sẽ được thỉnh tới khi nào có những nghi lễ đòi hỏi phải có nước thánh.
Đạo phật ở Indonesia
Theo truyền thống, cả Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo đều có tín đồ trong cộng đồng người Hoa ở Indonesia. Sau cuộc đảo chính năm 1965, bất kỳ một ý tưởng nào đi chệch ra khỏi tư tưởng về thuyết một thần của chủ nghĩa dân tộc Indonesia đều được coi là tạo phản. Người sáng lập một nhánh của đạo Phật ở Indonesia là Bhikku Ashin Jinarakkhita đã đưa ra ý là chỉ có một vị thần tối cao, đó là Phật A di đà Sang Hyang. Ông đã tìm sự khẳng định cho phiên bản duy nhất về đạo Phật của Indonesia trong những văn bản cổ của Java, và cả trong đường nét của khu chùa Bolobudur ở tỉnh Jawa Tengah.
Trong những năm sau cuộc đảo chính bất thành năm 1965, khi tất cả mọi công dân đều phải đăng ký vào một tôn giáo nào đó, số lượng Phật tử đã tăng vọt. Khoảng chín mươi tu viện mới đã được xây dựng. Vào năm 1987 ở Indonesia có bảy môn phái Phật giáo, với số lượng khoảng 2,5 triệu tín đồ, trong đó có 1 triệu người theo môn phái Tiểu thừa. Ngày nay tỉ lệ tín đồ Phật giáo ở Indonesia vẫn giữ mức khoảng 1% dân số.
Phật giáo trong thời gian đó gia tăng số lượng tín đồ vì tình trạng không dứt khoát của Khổng giáo. Mặc dù Khổng giáo vẫn được chính quyền ở đây bao dung, nhưng vì nó được coi như một hệ thống về các mối quan hệ dân tộc hơn là một tôn giáo bản chất, do đó Khổng giáo không có tên trong danh sách của Sở Tôn giáo của chính quyền.