JOOST VAN DEN VONDEL (1587 - 1679)
Joost van Den Vondel là nhà thơ là là nhà viết kịch Hà Lan. Vondel sinh ngày 17 tháng 11 năm 1587, là con một người thợ thủ công. Cha mẹ theo giáo phái ''chỉ rửa tội cho người lớn” (Baptist). Năm 54 tuổi (1641), ông theo Công giáo. Lúc đầu, buôn nghề dệt kim. Sau đó, làm nhân viên ngân hàng. Bước vào nghề văn khi ông 20 tuổi. Tác phẩm thơ nổi tiếng là Bàn chải cọ in năm 1630. Với ngòi bút trào phúng, tập thơ đả kích xã hội sâu sắc. Tác phẩm của Vondel chủ yếu là tác phẩm kịch. Ông chịu nhiều ảnh hưởng của bi kịch Cổ Hy Lạp và văn hóa Phục Hưng Pháp. Ông đã viết 24 vở kịch có tính chất chính trị và tôn giáo. Đề tài chủ yếu lấy từ lịch sử và Kinh Thánh. Kịch của ông ít kịch tính, nhân vật sơ sài, sung đột kịch đơn giản. Song thay vào đó là tính anh hùng ca, lời thơ giàu nhạc điệu, hình ảnh phong phú, lộng lẫy, ông được đánh giá là "Thi bá của Hà Lan”. Ông là nhà văn mang tư tưởng nhân văn tư sản tiến bộ, có nhiều đóng góp với nghệ thuật sân khấu Hà Lan. Ông mất ngày 30 tháng Năm 1679, thọ 92 tuổi.
Các vở kịch tiêu biểu của ông có Lễ phục sinh, công bố năm 1612, mang tinh thần dân tộc, chống lại nền độc tài của Tây Ban Nha. Vở bi kịch Gubrech vab Amxphen (1637) lấy đề tài lịch sử, đầy tính anh hùng ca, ca ngợi sức mạnh và sự bất diệt của nhân dân Hà Lan và Thủ đô Amsterdam. Vở Những người Lêven đan (1647), phê phán thói tham lam, độc đoán của giới thương nhân tư sản hóa. Vở Adam bị đày (1664) lấy đề tài tôn giáo, nhưng mang tính chất chính trị - xã hội sâu sắc. Nổi bật nhất là vở kịch Luxiphe (1654) xây dựng thành công hình tượng con quỷ Luxiphe, tượng trưng cho bọn tư sản hãnh tiến, bọn cầm quyền, mị dân, tay phất cao cờ tự do để che giấu những âm mưu đen tối. Đồng thời, vở kịch cũng xây dựng thành công nhiều nhân vật quần chúng, trung thực, dũng cảm, mang khát vọng tự do cháy bỏng.
Kịch của Vondel mang tư tưởng tôn giáo, thần bí, song cũng đầy tính hiện thực, mang tinh thần phản kháng trong những tính cách anh hùng. Tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn đến nền văn học Hà Lan thế kỷ XVII -XVIII và của châu Âu.