Tài liệu: Lope Felix de Vega Carpio (1562 - 1635)

Tài liệu
Lope Felix de Vega Carpio (1562 - 1635)

Nội dung

LOPE FELIX DE VEGA CARPIO

(1562 - 1635)

 

Lope Felix de Vega Carpio (Lôpơ Phêlix đờ Vêga Carpio) là nhà thơ, tác giả sân khấu thiên tài người Tây Ban Nha, con trai một gia đình thợ thủ công nghèo, học Đại học ở Thành phố Ancala đơ Enaxex nhưng phải bỏ dở vì bố chết. Sau đó phải đi làm thuê kiếm sống rồi bắt đầu sáng tác kịch cho các gánh hát ở Madrid. Vào quân đội, được chứng kiến sự tan dã của hạm đội Tây Ban Nha trước hạm đội Anh. Cuộc đời sáng tác và cuộc đời riêng của Lope de Vega trở thành huyền thoại về số phận nghiệt ngã đầy bi kịch của một con người tài năng, luôn mong muốn được hạnh phúc và mong muốn được cống hiến đời mình cho nghệ thuật, nhưng luôn bị số phận và kẻ thù tư tưởng tìm cách hãm hại. Sau khi vợ chết, ông lấy người vợ thứ hai, lại chết cùng với con trai ông. Quá đau khổ và bị kẻ thù công kích, ông lẩn trốn vào tôn giáo đi làm linh mục (1614). Nhưng ở đó, ông cũng chẳng được yên thân các thế lực tôn giáo và thế lực phản động ra lệnh cấm, đốt các vở kịch đã in của ông, bức chế ông bằng nhiều thủ đoạn. Trong khi ấy cuộc đời lại giáng lên ông những đòn tình cảm khác: con gái ông, một người bỏ đi tu, một người mất tích, người yêu của ông bị mù, mất trí rồi chết. Nhưng nhà văn không cam chịu số phận nghiệt ngã, ông vẫn viết cho đến khi từ dã cõi đời (27 tháng Tám 1635).

Vega là một tài năng nảy nở rất sớm và có một sức sáng tạo mãnh liệt khiến ông nổi tiếng sớm không chỉ ở trong nước mà còn ở châu Âu và châu Mỹ. Ngoài những tác phẩm thơ ca và văn xuôi gồm 21 tập được viết thuộc nhiều thể loại trường ca thôn dã, trường ca luận văn, trường ca hài hước, thần thoại, phiêu lưu, thư bằng văn vần, thơ xonnê, tiểu thuyết, truyện ngắn... ông còn viết khoảng 1800 vở kịch nay còn lại độ 500 và khoảng 400 vở kịch ngắn tôn giáo, hiện giờ còn độ 50 vở. Về thơ ca, đáng kể hơn cả có bản trường ca Thời đại hoàng kim thể hiện lòng căm phẫn với xã hội bất công và tàn ác. Trường ca – luận văn bằng thơ Bàn về những nguyên tắc mới của nghệ thuật hài kịch trong thời đại chúng ta trình bày những quan điểm sáng tác của Vega, trong đó ông nhấn mạnh việc hài kịch phải nhấn mạnh được hình tượng người bình dân và phải sáng tác theo yêu cầu công chúng. Thơ trữ tình của ông phát huy và nâng cao truyền thống thơ ca dân gian và là một bước tiến của thơ ca Tây Ban Nha. Những đóng góp của Vega thực sự là trong các vở hài kịch ông chính là người sáng lập ra nền sân khấu dân tộc, ông chính là bậc thầy của nghệ thuật sân khấu, mở đường cho chủ nghĩa hiện thực ở Tây Ban Nha. Kịch của ông gần gũi với người dân, đề cao tài năng, đề cao trí thông minh, lòng dũng cảm như những phẩm chất đạo đức đẹp đẽ của họ, chống lại sự phân biệt giai cấp và sự áp bức, bóc lột của chính quyền chuyên chế, bọn lãnh chúa và nhà Vua. Đỉnh cao trong các vở kịch thể hiện một cách sinh động cuộc đấu tranh và sức mạnh tập thể của nhân dân lao động trước sự chuyên chế của bọn quý tộc là vở Phuentê Ovêkhuna (1612-1613) và Ngôi sao thành Xêvida (1617). Các vở Con chó người làm vườn (1618) và Trừng phạt không trả thù (1631) đã phản ánh một cách trung thành cuộc sống bị ức hiếp của dân lành và tinh thần phản kháng của họ trước bọn quý tộc. Bên cạnh mặt tiến bộ, trong một vài vở kịch Lope de Vega cũng thể hiện những hạn chế về tư tưởng khi giải quyết các đối kháng bằng cách thỏa hiệp, bằng cách tin vào sự sáng suốt của các vị Vua anh minh. Song, điều đó cũng không ảnh hưởng giảm bớt ảnh hưởng của cuộc đời và sự nghiệp của ông cho cuộc đấu tranh của các tầng lớp tiến bộ cũng như cho sự phát triển của văn học Tây Ban Nha.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389417545815778/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận