NGÔ THỪA ÂN (1500 – 1581?) TÁC GIẢ TIỂU THUYẾT
TRUNG QUỐC XUẤT SẮC THỜI TRUNG ĐẠI
Ngô Thừa Ân có tên hiệu là Nhữ Trung, bút hiệu Xạ Dương Sơn Nhân, người Sơn Dương, phủ Hoài Ân, nay thuộc tỉnh Giang Tô. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa cử, song đời bố chuyển sang buôn bán nhỏ, và vẫn thích thú việc sưu tầm, tàng trữ sách quý. Ông học rộng, tài giỏi, sớm nổi tiếng song phải đến tận năm 43 tuổi mới thi đỗ Cống sinh (tức Cử nhân). Năm 51 tuổi vì gia cảnh túng thiếu, ông phải lên Nam Kinh tìm việc nhưng không thành. Mãi đến năm 67 tuổi ông mới được nhận chức Thừa lại ở huyện Trường Hưng. Với bản tính tiết tháo, không chịu được cảnh “vào luồn ra cúi”, ông lại xin về. Sau, ông được tiến cử Kinh Vương chuyên coi lễ nhạc và thơ, song cũng chỉ được ba năm rồi lại cáo quan về nhà, Đan xen giữa quãng thời gian thi cử - xuất quan - từ quan, ông dành nhiều tâm sức cho thơ văn. Mãi đến năm cuối đời ông mới có điều kiện hoàn thành bộ tiểu thuyết dã sử trường thiên Tây du ký.
Tác phẩm của Ngô Thừa Ân được người đời sau thu thập in thành bộ Xạ Dương tiên sinh tồn cảo (4 quyển), bộ truyện Thần tiên chí quái Vũ đỉnh chí (đã thất lạc) và bộ sách đại thành bất hủ Tây du ký.
Vốn bắt đầu từ một câu chuyện có thật (nhà sư trẻ đời Đường Thái Tông là Trần Huyền Trang từ năm 21 tuổi đã một mình sang Ấn Độ tìm thầy học Phật, tổng cộng 17 năm từ năm 629 đến 646, sau được lưu truyền trong dân gian), được viết thành truyện và tạp kịch, và được Ngô Thừa Ân tái tạo, chuyển hóa, nâng lên đỉnh cao thành bộ tiểu thuyết Tây du ký dài tới 100 hồi. Cốt truyện Tây du ký có thể chia thành bốn phần chính: giới thiệu lai lịch Tôn Ngộ Không (Hồi 17); nguyên do việc đi thỉnh kinh, lai lịch Huyền Trang và các đệ tử (Hồi 8-12); những chông gai, hoạn lạc trên đường đi thỉnh Kinh (Hồi 13-98); ngày thắng lợi trở về và con đường giải thoát (Hồi 99-100). Đó là con đường vượt qua 81 khổ nạn để đến được xứ Phật Tổ, thỉnh được Kinh mang về với trí tưởng tượng phong phú, Ngô Thừa Ân đã dẫn người đọc vào thế giới huyền thoại, với những lôgic giả tưởng để tạo nên một kết cấu chặt chẽ, hấp dẫn thế giới nhân vật vừa thật vừa ảo, cốt cách phi phàm thần thông biến hóa song vẫn bộc lộ dấu ấn từng tính cách. Bốn thầy trò Đường Tăng cùng Xa Tăng, Trư Bát Giới, Tôn Ngô Không là những nhân vật chính đồng thời là những phương diện khác nhau có ý nghĩa hạt nhân của triết học Phật giáo, in đậm tư duy và cảm quan Phật giáo, mặt khác cũng khái quát những mặt bản chất nhất của thế giới tinh thần con người... Với khả năng nghệ thuật kỳ diệu của trí tưởng tượng và năng lực khái quát cao trên rất nhiều phương diện, bộ sách này đã được dịch sang tiếng Việt, Pháp, Anh, Nga, Nhật... và đã được dựng thành phim truyền hình nhiều tập, trở thành đối tượng của nhiều Hội đối tượng nghiên cứu và yêu thích Tây du ký ở Trung Quốc và thế giới. Đó cũng là bản trường ca đưa Phật giáo đến tột đỉnh vinh quang của thế giới tâm linh và niềm vinh hạnh bất diệt trong mỗi tín đồ Phật tử.