HAFIZ (1325-1389) NHÀ THƠ CỔ ĐIỂN BA TƯ
Hafiz (Haphít), tên thật là Shamse'd Din Muhammad - tiếng Ả Rập có nghĩa là ''người có tài nhớ”. Sinh và mất ở Shiraz (Siradơ) trong một gia đình thị dân nghèo theo đạo Hồi. Từ nhỏ đã được học đầy đủ các kiến thức Thần học của đạo Hồi, Kinh Koran, các lời tiên tri của Giáo chủ Muhammad... Hafiz có một đời vợ và một đứa con trai nhưng chết sớm. Sống một cuộc đời phiêu bạt. Trong nhiều năm, ông đi khắp các nước Hồi giáo trên thế giới, có những lúc khó khăn phải đi kiếm sống bằng cách đọc Kinh Koran cho các buổi tế lễ. Có thời kỳ ông làm quan trong triều đình Maabu Ixkhaxa Inziu (1342-1353), viết những bài thơ ca ngợi Vua là vương triều. Tuy nhiên, đó có lẽ cũng chỉ là cách để nương thân tạm thời, còn thực chất Hafiz qua thơ vẫn cho mình là kẻ khao khát tự do phóng khoáng không màng đến bả phù hoa trong đời sống quan trường. Ông được mệnh danh là ''Con chim họa mi của đất Shinaz”. Sau nhiều năm phiêu bạt nhằm mục đích ''Giải thoát thế giới khỏi nô lệ của sự ngu tối”. Ông trở về thành phố quê hương dạy học rồi mất ở đó.
Hafiz nổi tiếng trong công chúng đương thời nhưng không thấy để lại một tập thơ trọn vẹn nào. Mãi sau này những nhà sưu tầm mới tập hợp khoảng 500 bài của ông lấy tên là Đivan (Những bài ca). Thơ Hafiz nổi bật ở chất siêu cảm tôn giáo mà nhiều người cho là bí ẩn. Vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên, sự ngắn ngủi và bất an của cuộc sống trần thế là những chủ để trở đi trở lại rất nhiều trong sáng tác của ông. Hafỉz cách tân nhiều về thơ truyền thống Ba Tư và đưa những hình thức mới lên thành mẫu mực. Ngôn ngữ thơ ca giản dị ''trong sáng như pha lê”. Ở phương Tây, thơ Hafiz cũng được biết đến sớm (thế kỷ XVII) và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhiều nhà thơ Trung Cận Đông và cả Tây Âu sau này ca ngợi và chịu ảnh hưởng của ông. Có thể thấy một ví dụ điển hình là Goethe với tập Đivan Đông - Tây (1819).