Tài liệu: Bạch Cư Dị (772-846)

Tài liệu
Bạch Cư Dị (772-846)

Nội dung

BẠCH CƯ DỊ (772-846)

 

Tự là Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ, quê ở Hạ Khuê, vùng Sơn Tây, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, sinh ra trong một gia đình quan lại nhỏ ở Hà Nam, ông là nhà thơ hiện thực, nhà lý luận văn học nổi tiếng Trung Quốc thời Trung Đường.

Bạch Cư Dị thi đỗ Tiến sĩ năm 802, ra làm quan đến chức Thượng Thư bộ Hình. Vốn là người cương trực, ông từng viết rõ trong Sách lâm về những khổ cực của chúng dân, chỉ ra những hiện tượng bất bình đẳng trong xã hội, đề xuất một số chủ trương tương đối tiến bộ như giảm thuế, bỏ lệ cung tiến, ngừng gây chiến tranh... Trung thành với những quan niệm xã hội và văn học, Bạch Cư Dị cũng là người đề xướng ra phong trào thơ hiện thực đời Đường. Thái độ thẳng thắn đó đã có lần khiến ông bị biếm đi làm Tư mã ở Giang Châu. Về cuối đời ông sống trong tâm trạng chán nản.

Tác phẩm của Bạch Cư Dị còn lại có tới gần 4000 bài thơ văn, tập hợp trong Bạch thi Trường Khánh tập, gồm tới 71 quyển. Về quan niệm văn học, ông nêu những nhận định khái quát về toàn bộ nền thơ ca từ Cổ đại đến đương thời. Ông luôn đề cao dòng thơ hiện thực, phê phán dòng thơ du ký, nhàn đàm, xa rời cuộc sống. Những quan điểm này tập trung sâu sắc trong tác phẩm Thư gửi Nguyên Chẩn. Về lý thuyết, Bạch Cư Dị chia thơ của mình thành bốn dòng cảm hứng lớn: Phúng dự, cảm thương, nhàn thích, tập luận. Ông cho rằng thơ ca phải gắn với sự việc, sự vật, phải xuất phát từ hoàn cảnh cuộc sống, hướng về cuộc sống, gắn với cuộc sống. Các tập thơ Tần trung ngâm Tân nhạc phủ sáng tác trong thời kỳ đầu phản ánh tương đối rõ chính kiến quan niệm văn học của ông. Ngoài những bài thơ đoản thiên xuất sắc ông còn để lại hai bài thơ trường thiên hết sức nổi tiếng. Bài Trường hận ca (năm 806) gồm 120 câu thơ diễn tả bi kịch tình yêu của Đường Minh Hoàng với Dương Quý Phi. Vua Đường từ chỗ yêu chiều, sủng ái đến buộc lòng phải cho Quý Phi thắt cổ tự vẫn. Những ám ảnh của Vua Đường về cuộc đoàn viên giả tưởng nhờ các đạo sĩ ở cuối bài càng tô đậm thêm nỗi xót xa khắc khoải của mối tình một đi không trở lại. Đến Tỳ bà hành lại là tiếng nói cảm thương chia ly, ngăn cách… Cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị được coi là một trong ba thi gia tiêu biểu đời Đường và trong lịch sử thơ ca Trung Quốc.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389411686284528/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận