KHUẤT NGUYÊN (340 - 278 Tr. CN)
Ông là nhà thơ vĩ đại đầu tiên của lịch sử Trung Quốc, tên thật là Bình, tên chữ là Nguyên, thường gọi là Khuất Nguyên, sống vào thời Chiến quốc. Tiểu sử của Khuất Nguyên còn chưa rõ ràng, chỉ biết ông người nước Sở. Dưới thời Sở Hoài Vương, ông từng được trọng dụng, làm quan đến chức Tả đồ. Sau, do nghe theo bọn nịnh thần, Sở Hoài Vương bỏ rơi và đày Khuất Nguyên đi Hán Bắc. Đến khi Khoảnh Tương Vương nối ngôi, ông lại bị đày về vùng Giang Nam. Khi nhận được tin kinh đô Sính của nước Sở bị đánh tan, ông đau buồn vì tiếng nói trung thực đã không được chú ý; đau buồn vì nước mất nhà tan, nên ông đã nhảy xuống sông Mịch La tự tử.
Tác phẩm của Khuất Nguyên còn lại gồm kiệt tác Ly tao; thơ Thiên vấn và 11 bài trong Cửu ca; 9 bài trong Cửu chương... Trong số này, Thiên vấn là một bài thơ dài viết theo thể bốn chữ, gồm trên 170 câu, nội dung đề cập tới nhiều vấn đề tự nhiên và xã hội. Chùm thơ Cửu ca gồm 10 bài mang tên các đối tượng được cúng tế như Thần Đông hoàng, Thần Mặt trời, Thần Mây, nam Thần Sông Tương, nữ Thần Sông Tương, Thần coi việc thọ yểu, Thần coi việc sinh nở, Thần Sông, Thần Núi, hồn tử sĩ và một bài Lễ hồn. Thơ Cửu ca triệt để sử dụng thủ pháp nhân cách hóa, coi các Thần cũng có tình cảm như con người, cũng có cuộc sống như con người: cũng đau khổ, chia ly, yêu thương, oán giận... Thơ Cửu chương là tiếng nói yêu nước tha thiết, thể hiện tâm sự Khuất Nguyên trước hiện tình đất nước. Còn lại Ly tao gồm 373 câu thơ được sáng tạo trên cơ sở dân ca nước Sở, có thể tạm chia làm hai phần và một lời vãn. Phần đầu (ba đoạn) nói về chí hướng và tâm sự nhà thơ khi bị gièm pha; phần thứ hai (bốn đoạn) là những ý tưởng và hình tượng thơ bay bổng lãng mạn, nói về việc nhà thơ đến đền Vua Thuấn, vào cổng nhà trời, gặp hai thầy bói rồi trở về trong cuộc đấu tranh nội tâm dằn vặt trước thực trạng nước Sở. Lời vãn cuối bài là lời cảm thán về đất nước và chính số phận bi đát của nhà thơ. Có thể nói Ly tao là một kiệt tác của thi ca Trung Quốc, trong đó tràn đầy những hình ảnh khoa trương, hào hùng, diễm lệ, có ý nghĩa đặt nền móng cho dòng văn chương bác học, văn chương có chủ thể tác giả.
Nối tiếp sau Kinh Thi, các tác phẩm của Khuất Nguyên giữ vị trí quan trọng, được coi là hai đỉnh cao xuất hiện sớm nhất và có ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển chung của thơ ca Trung Quốc sau này. Do tất cả các sáng tác của Khuất Nguyên đều viết bằng tiếng nước Sở nên chứa đựng tính lịch sử sâu sắc, cả về hình thức ngôn ngữ lẫn cách tư duy nghệ thuật. Đánh giá vị trí Khuất Nguyên với tư cách nhà thơ - danh nhân văn hóa, vào năm 1953, Hội đồng hòa bình thế giới đã ra lời kêu gọi tổ chức kỷ niệm trên phạm vi toàn cầu.