MỘT VÀI NÉT ĐẶC SẮC CỦA ĐẠO DO THÁI
Nhà thờ Đạo Do Thái không chỉ là nơi cầu nguyện. Nó còn là nơi hội họp, như kiểu một câu lạc bộ, ở đó người ta có thể ký kết một giao kèo mua bán, thảo luận về tin tức và những sự kiện mới xảy ra. Người ta đến đó để than vãn về số phận của mình không những với Thượng đế mà cả với người ở bên cạnh mình, khiến linh hồn được hai lần khuây khoả. Không khí trong nhà thờ rất thoải mái, thư giãn. Người đến chậm tự do đi trong phòng, thong thả chọn một trong những cuốn sách Kinh để cho tín đồ tuỳ ý sử dụng; người đến trước đang cầu nguyện và người mới đến chào nhau bằng một cái gật đầu, mỉm cười với nhau và bắt tay nhau; người đến trước sẵn sàng giúp đỡ người đến muộn tìm đoạn cần thiết trong sách Kinh. Có tín đồ còn bước cả lên đài giảng Kinh để bắt tay vị pháp sư một cách thân ái.
Bài Kinh cầu nguyện, trước hết là lời ca ngợi Thượng đế. Nhưng đó cũng còn là lịch sử đắng cay của người Do Thái. Trong Kinh cầu nguyện toát lên tính cách lạc quan của dân tộc Do Thái không rơi vào tuyệt vọng; nhưng đồng thời cũng thấm thía khổ đau, một nỗi khổ đau rất lớn của tình cảnh vong quốc. Một giọng điệu cay đắng là bắt buộc phải có, ngay cả trong những tập tục và thói quen vui vẻ nhất của người Do Thái, đó là ký ức về ngôi Đền bị phá huỷ, về thời đại mà Do Thái không những là một Quốc gia duy nhất, một dân tộc duy nhất, mà còn là một Nhà nước thuần nhất khá hùng mạnh.
Con trai Do Thái đến mười ba tuổi được làm lễ trưởng thành. Mười ba tuổi là tuổi ngưỡng, kể từ đó trở đi, người con trai tự mình chịu trách nhiệm trước Chúa. Lễ trưởng thành là dịp cho đứa trẻ, lần đầu tiên trong đời, suy ngẫm về vị trí của mình trong xã hội, về trách nhiệm của mình với tư cách là một người đàn ông. Ngày lễ đầu năm mới cũng có mục đích tương tự. Trong ngày này mọi người kéo đến nhà thờ; gặp nhau ngoài đường họ ôm hôn nhau, vui mừng vì đã lâu họ mới gặp lại nhau; và nếu trong năm cũ có ai xích mích với nhau thì ngày đầu năm mới họ phải bắt tay nhau và tha thứ lỗi lầm cho nhau, bất kỳ thế nào cũng không để hiểm thù trong lòng vì Chúa không cho phép như vậy.
Khi làm lễ kết hôn cho một đôi nam nữ ở nhà thờ, người giáo trưởng nói với họ: ''Phải nhớ rằng người chồng là chủ nhân trong gia đình. Nhưng đồng thời phải nhớ rằng chủ nhân trong gia đình cũng là người vợ. Và bao giờ cũng phải nhớ đến điều đó”. Giáo lý Do Thái coi vợ chồng là bình đẳng; họ phải biết nhượng bộ nhau và thông cảm với nhau: như vậy hạnh phúc, sức khoẻ và sự thịnh vượng sẽ mãi mãi tồn tại trong gia đình.
Luật Do Thái cấm làm việc ngày thứ bảy. Trong ngày thứ bảy, tín đồ Do Thái không được làm bánh, không được lái xe. Pháp sư Do Thái không phải là giáo chủ, cũng không phải là người thuyết giáo, mà chỉ là pháp sư, nghĩa là người thầy. Chức năng của pháp sư rất rộng, có thể nói là vạn năng: chủ trì các buổi lễ, giáo dục các tín đồ, làm quan toà (theo Luật Do Thái, pháp sư được trao một số quyền hành pháp lý), là người tiếp tế, là kỹ sư, là nhà xây dựng... Tín đồ đến gặp pháp sư để yêu cầu xác định một điểm nào đó trong văn bản pháp lý, giải quyết một vụ tranh chấp trong gia đình, nhờ giáo dục con cái khi chúng xúc phạm đến cha mẹ, nhờ đọc một lá thư viết bằng chữ Do Thái cổ, có khi chỉ đến xin một lời khuyên về cách xử sự trong một tình huống sinh hoạt hàng ngày.
Nguồn thu nhập chính của nhà thờ Do Thái là bán bánh không men (bánh lễ Thánh). Ngoài ra, còn sản xuất đồ thờ: đĩa và cốc để cúng, cây đèn nến, dây chuyền đeo ngôi sao của Đavit. . . Nhà thờ cử người đi thăm bệnh, lo tang lễ cho người nghèo khó, giúp đỡ về vật chất cho người lĩnh lương hưu trí quá thấp...
Trong nhà thờ Do Thái, bàn thờ hướng về phương Đông, nơi ngày xưa có ngôi đền thờ Thượng đế trên Núi Xiông. Trên cổng nhà thờ có dòng chữ: ''Đây là cửa ra vào cho những người công minh chính trực”.
NGUYỄN NGỌC THỌ