Tài liệu: của đạo Phật

Tài liệu
của đạo Phật

Nội dung

GIÁO DỤC NHÂN TÍNH TRONG

LUẬT ''NHÂN - QUẢ'' CỦA ĐẠO PHẬT

 

Đạo Phật đã chung sống với người dân Việt Nam gần 20 thế kỷ; sợi dây liên lạc đã thắt chặt Đạo Phật với dân tộc Việt Nam thành một khối bất khả phân ly. Tư tưởng của Đạo Phật đã thấm nhuần tinh thần dân tộc và ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới quan, thân sinh quan người Việt.

Trong đó, luật nhân - quả của Phật giáo đã đóng góp một phần quan trọng đối với việc hình thành, phát triển nhân sinh quan, cũng như việc giáo dục về mặt đạo đức trong chúng sinh. Vậy luật nhân - quả theo quan niệm của Đạo Phật là như thế nào? Có tác dụng giáo dục ra sao?

Chúng ta đều biết rằng, Đạo Phật khác các tôn giáo khác ở chỗ: Đạo Phật đã thuỷ chung bác bỏ quan niệm siêu hình về Thượng đế, về linh hồn, về một cái nhân ban đầu mà từ đó sinh ra cả thế giới lẫn vạn vật. Chủ thuyết của Đạo Phật là mọi sự vật, hiện tượng kể cả con người đều do nhiều nhân duyên kết hợp mà sinh ra. Kết quả có được do sự tác động của nhân duyên. Phật giáo gọi là quả báo; nhân duyên quả báo nhà Phật thường gọi tắt là Luật nhân - quả. Nhân có nhiều thứ, duyên có nhiều loại và không có quả cuối cùng. Lý nhân quả tác động lên muôn vật, muôn loài, vì vậy con người cũng không nằm ngoài sự tác động ấy. Lý nhân quả trong đời người Đạo Phật gọi là Luật nhân - quả. Ba đời: quả quá khứ, quả hiện tại và quả vị lai. Gây nhân lành, được quả lành, gây nhân dữ bị quả dữ, cũng như trong nhân gian thường có câu: ''Ở hiền gặp lành; ác giả ác báo”. Nhưng cũng có trường hợp dường như ngược lại, đó là do quả quá khứ quá lành, hoặc quá dữ, vì thế phải căn cứ vào 3 đời để khảo sát. Nếu nắm chắc được lý nhân quả, chúng ta sẽ có sức tin mãnh liệt vào cuộc sống và không còn lệ thuộc vào sự linh thiêng của Thần Thánh bên ngoài. Chúng ta tự nhận là chủ nhân của cuộc đời mình, đồng thời chúng ta cũng gạt phắt những chuyện mê tín vu vơ như đồng bóng, bói toán... Vì biết rõ tác động đẹp hay xấu của ta, ta sẽ cải tạo và xây dựng một cuộc đời mới vui tươi, lành mạnh trong hiện tại và tương lai. Còn băn khoăn trông đợi điều gì mà phải đi xem bói, bởi chúng ta đã đảm nhận và chịu mọi trách nhiệm, hay dở đều do ở mình, không kêu than oán trách ai.

Nhân quả là dòng biến động, sinh diệt nối tiếp cho nên là hiện thân của vô thường. Khi biết rõ vạn vật trên thế gian không có gì là thường còn, cố định, duy nhất mà đều do nhân duyên kết hợp tạo thành, chúng ta xây dựng được niềm tin mạnh mẽ ở cuộc sống, sống cho ra sống, sống phải học tập để đạt đỉnh cao của trí tuệ, đức độ và lòng từ bi mà không ỷ lại hay tự ty đối với cá nhân.

Luật nhân - quả của Đạo Phật còn dạy rằng: khi chúng ta gieo nhân tức là đã gây nghiệp lành được quả lành, gây nghiệp dữ bị quả dữ. Nghiệp báo gồm: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Trong đó ý nghiệp là cái quan trọng nhất, vì thân và khẩu đều do ý chủ động sai khiến. Nó dấy nhân lành thì thân, khẩu theo đó tạo nghiệp lành, nó dấy nhân dữ thì thân, khẩu theo đó tạo nghiệp dữ, từ đó mà ảnh hưởng đến quả báo sau này. Như thế, nếu chúng ta tạm thời gạt bỏ tính thần bí về kiếp người trong luật nhân – quả (vì điều này đến nay đang còn là sự tranh luận của các nhà khoa học) thì ta sẽ thấy được tính nhân bản tuyệt vời trong tư tưởng đó.

Bởi nó luôn giáo dục con người sống lành mạnh, làm nhiều việc tốt, việc thiện; đồng thời hạn chế các điều xấu, điều bất nhân, phi nghĩa, làm giảm đi một phần tai ương cho xã hội, nhân tính hơn và an ổn hơn. Mặt khác, Đạo Phật không chỉ giáo dục một gia đình tốt, một xã hội tốt mà trọng điểm giáo dục của Đạo Phật là giáo dục cá nhân. Giáo lý nhân quả xác định trách nhiệm cá nhân - vốn là vấn đề quyết định cho cuộc sống của mỗi con người. Hơn nữa, giáo lý nhân quả là một nền giáo dục không ra lệnh hay trừng phạt mà trả con người về vị trí thực sự của nó. Đó là con người luôn tự ý thức về trách nhiệm, vị trí và vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Trong con người đó luôn diễn ra quá trình tự giáo dục mình theo những chuẩn mực đạo đức, nhằm dần dần đưa mình đến chỗ hoàn thiện và có ích cho xã hội. Đây là phương pháp giáo dục hữu hiệu nhất đối với mỗi con người. Bởi mỗi cá nhân mang những điều kiện sống khác nhau, vì thế cần được đón nhận những phương pháp giáo dục khác nhau. Song việc đưa ra những căn cơ, chuẩn mực để con người dễ dàng tự điều chỉnh hành vi của mình, tự giáo dục mình là phương pháp giáo dục hiệu quả và thấm đượm tính nhân văn. Ở khía cạnh khác, ta thấy luật nhân - quả còn kết tội và xử lý những hành vi, ý định vi phạm pháp luật của con người khi nó còn trong trứng nước, trong mầm mống, tức là khi hậu quả chưa xảy ra.

Vì thế, một cá nhân nào đó đứng trước nguy cơ trở thành tội phạm thì lương tâm họ luôn bị cắn rứt, họ phải đắn đo và đấu tranh tư tưởng, bởi vì cá nhân đó, con người đó sợ quả báo trừng phạt. Ngay cả trong trường hợp do những hoàn cảnh bắt buộc nào đó mà cá nhân đã trót phạm tội, họ cũng vẫn ăn năn hối lỗi vô cùng và cá nhân ấy sẽ có hành động tích cực để sửa chữa lỗi lầm, để cải tạo cái nghiệp của mình. Vì chỉ có ta mới thực sự là chủ nhân của cuộc đời ta, nên ta phải gắng sức rèn luyện, cải tạo để nhanh chóng trở thành người tốt, chứ không lại, cầu cạnh vào một thế lực, quyền lực hay thần lực nào ngoài bản thân mình.

Qua đó cho phép ta suy nghĩ rằng: khi thiết lập một nền đạo đức, văn hoá Phật giáo trên cơ sở khoa học, có chọn lọc và trên tinh thần tự do tín ngưỡng của nhân dân, phát triển những tư tưởng nhân bản, hạn chế những điểm tiêu cực trong tín ngưỡng dân gian sẽ có tác dụng tích cực đến thực tiễn hiện nay như: củng cố đạo đức, văn hoá truyền thống của dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách... vốn có trong bản sắc dân tộc.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; thì việc tôn trọng, gìn giữ và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc trong đó văn hoá Phật giáo chiếm một bộ phận quan trọng - cũng phải được quan tâm và ưu tiên để luôn khẳng định rằng: ta là ta trước sự du nhập tràn lan của các loại hình văn hoá nước ngoài.

Theo tạp chí T.G.T.T – N.V.T




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/165-02-633386839455625000/Nhung-Ton-giao-lon-trong-nen-van-minh-Nhan...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận