EURIPIDES (480 – 406 Tr.CN)[1]
KỊCH TÁC GIA LỚN THỜI HY LẠP CỔ ĐẠI
Euripides (Ơripi) sinh ra trong một gia đình quý tộc trung lưu, được tiếp thu một nền học vấn khá chu đáo, lại được học tập và tiếp xúc với các nhà trí thức có tiếng đương thời. Euripides đã lớn lên và trưởng thành vào giai đoạn nước Cộng hòa Athènes sau một thế kỷ rực rỡ đã bắt đầu suy tàn: nội bộ chia rẽ, thủ lĩnh Periclèx bị truy tố, Thành Sparte bị đánh chiếm.
Không hề tham gia các hoạt động chính trị, không đảm nhiệm một chức vụ nào trong chính quyền, Euripides chăm chỉ đọc sách và ưa một cuộc sống cô tịch, cả ngày ở trong nhà kín để suy nghĩ và viết. Ông đã sáng tác 92 vở kịch lớn nhỏ, song chỉ có 19 vở còn lại đến ngày nay, và hơn 2000 câu thơ của những vở bị thất lạc nay còn truyền tụng. Như vậy, kể về số lượng sáng tác cũng tương đương; nhưng số còn lại cho đến ngày nay, Euripides là người may mắn hơn Eschyle chỉ còn 7 vở và Sophokles cũng còn 7 vở. Trên đại thể, kịch của Euripides được chia thành hai nhóm: nhóm những vở bi kịch thực sự đúng với nghĩa bi kịch như Mê đê, Kippolit Angđromac,... và nhóm những vở kịch sinh hoạt đời sống xã hội như Anxext, I Phigieni ở Olid, Electơrơ... Do được tiếp thu một số tư tưởng tiến bộ của thời đại như lòng tin ở lý trí, tư duy khoa học và triết học; trong kịch Euripides không còn hoàn toàn là nơi ngự trị của thế giới Thần linh nữa, mà hầu như là sự có mặt của con người; hoặc giả các vị Thần hiện ra đều mang tính xấu của con người, những đam mê rất trần thế. Thế giới Thần linh ở đây không còn là đối tượng miêu tả mà đã trở thành phương tiện nghệ thuật để khái quát đời sống hiện thực. Bi kịch ông là tiếng nói chống chế độ Thần quyền, cổ vũ lý trí sáng suốt của con người, hướng về những tầng lớp nô lệ nghèo khổ, bị chà đạp để bênh vực họ, đòi công lý và tình thương ngự trị trên cõi đời này. Ông thường hay quan tâm tới hình tượng người phụ nữ với những đắm say trong tình yêu và tình mẫu tử, vừa lớn lao vừa rực rỡ. Có thể nói Euripides là người đã sáng tạo ra loại bi kịch lấy nhân vật phụ nữ làm trung tâm.
Những năm cuối đời, nhận lời mời của nhà Vua Ackêlaôx xứ Macédoine (Maxêđoan), Euripides đến yết kiến và được nhà Vua trọng đãi. Sau hai năm, ông mất ở đấy. Cái chết của ông trở thành cái tang lớn cho nhân dân khắp vùng Hy Lạp Cổ đại. Sophokles mất sau ông mấy tháng, tuy vốn kình địch với ông, song cũng để tang ông. Những kẻ thù địch với Athènes vì lòng trọng vọng nhà thơ, nên đã bỏ ý định đánh phá đô thành. Có truyền thuyết nói rằng: một số người của Athènes sau này thua trận khi tiếng đánh Sicile (Sixil), đi lang thang cứ đọc thơ Euripides là được thoát nạn.
Nhà thơ Euripides đại biểu cho tiếng nói của thời đại người truyền bá tinh thần tự do dân chủ, lòng bác ái cao cả tuy không đánh giá đúng mức đương thời; nhưng càng về sau, ông càng được tôn vinh như một kịch gia lớn. Ông đã để lại ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sân khấu La Mã, sân khấu Châu Âu thời Phục Hưng và Racine thế kỷ XVII.