Tài liệu: Sophokles (496-406 Tr.CN)

Tài liệu
Sophokles (496-406 Tr.CN)

Nội dung

SOPHOKLES[1] (496-406 Tr. CN)

 

Sophokles (Sôphôclơ) nhà thơ của sân khấu bi kịch Hy Lạp thời Cổ đại, sinh tại Colone, gần đô thành Athènes. Cha là một chủ xưởng chế vũ khí, thuộc tầng lớp trung lưu. Được nuôi ăn học chu đáo từ sớm, Sophokles từng chiếm giải cao trong cuộc thi âm nhạc và thể thao là những môn nghệ thuật rất được đề cao thời bấy giờ. Ông bước vào sự nghiệp sáng tác bi kịch từ sớm, đến năm 28 tuổi đã nổi tiếng và giành giải nhất trong một cuộc thi bi kịch. Cuộc đời ông gắn liền với hai thời kỳ phát triển khác nhau của Nhà nước Athènes: thời kỳ cực thịnh của nền dân chủ diễn ra dưới triều đại Periclèx (457 - 429 Tr. CN) và thời kỳ chiến tranh, khủng hoảng (431-404 Tr. CN). Tuy sống qua cả hai giai đoạn, song Sophokles là nhà thơ được trọng dụng chủ yếu ở thời kỳ hưng thịnh. Có thể nói ông đã sống một cuộc đời viên mãn. Người đương thời ngợi ca tài năng diễn thuyết, cảm hóa của ông và thường gọi ông là nhà thơ duyên dáng thân yêu của mình là con cưng của hạnh phúc đương thời, ông là người thân cận với Periclèx lãnh tụ của chính thể dân chủ, từng được bầu vào Hội đồng quản trị tài sản của Nhà nước, được đề cử làm một nhà chỉ huy quân sự. Nhưng trên thực tế, ông không có khả năng gì xuất sắc trên các phương diện này. Ông lưu danh tên tuổi chính nhờ ở các tác phẩm nghệ thuật. Qua hơn sáu mươi năm sáng tác, Sophokles để lại tới 123 vở kịch, trong đó có 24 lần đoạt giải nhất và chưa từng nhận giải ba. Ông mất vào lúc Nhà nước Athènes đang dốc hết tàn lực chống lại Sparte, lúc này đã chiếm mất phần lớn vùng đồng bằng Attique phì nhiêu.

Tác phẩm của Sophokles truyền lại đến ngày nay chỉ còn 7 vở: Adăc (445 Tr.CN), Những người phụ nữ Thành Tơrakin, Ăngtigôn (442 Tr. CN), Êđip làm Vua (428 Tr. CN), Elêctơ, Philôctet (409 Tr.CN) và Êđíp ở Colone…

Một trong những tác phẩm xuất sắc có ý nghĩa nhất là vở Êđíp làm Vua với cấu trúc chặt chẽ, hành động kịch phát triển lôgic, hấp dẫn. Lấy đề tài từ kho truyền thuyết về Thành Thèbes; nhân vật chính Êđíp sau khi khám phá ra mình phạm tội giết cha, lấy mẹ đã tự chọc mù mắt và đi ra khỏi Thành Thèbes. Tình tiết giết cha lấy mẹ này về sau đã được các nhà phân tâm hiện đại phương Tây định danh là mặc cảm Êđíp hay còn gọi là hiệu ứng Êđíp. Xét trong cốt truyện của truyền thuyết thì Sophokles đã chia tách ra thành từng trường đoạn để xây dựng các vở kịch vừa có tính liên hoàn vừa có sự độc lập tương đối với nhau. Khi Êđíp ra khỏi thành còn có người con gái hiếu thảo là Ăngtigôn dắt dẫn cha lang thang hết nơi này đến nơi khác. Cuối cùng hai cha con tới vùng Colone thì Êđíp chết, kết thúc bi kịch Êđíp ở Colone; và từ nhân vật người con gái lại mở rộng, phát triển thành vở Ăngtigôn cũng hết sức đặc sắc. Nhìn chung, sự nghiệp sáng tác của Sophokles có ảnh hưởng hết sức rộng lớn trong công chúng Hy Lạp Cổ đại. Sau khi ông qua đời, dân chúng đã xây dựng đền thờ và hàng năm đem lễ vật đến tế viếng như nghi lễ đối với một vị anh hùng. Mộ ông đặt gần Thành Athènes, trên khắc dòng thơ thành kính, lấy theo lời Thần Điônidốt:

Đây là ngôi mộ của Sophokles mà tôi có nhiệm vụ coi sóc.

Từ khi người thi sĩ vĩ đại ấy qua đời

Tôi đã quên các cuộc múa ca vui nhộn,

Và tôi yên nghỉ tại đây...

NGUYỄN HỮU SƠN - LA PHƯƠNG THẢO




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389402077690778/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận