ARISTOPHANES[1] (445-385 Tr. CN)
Aristophanes (Aristophan) là nhà viết hài kịch, nhà tư tưởng thời Cổ đại Hy Lạp, quê ở Athènes, gia cảnh từng rời ra Đảo Êgin sinh sống. Vở hài kịch đầu tay của Aristophanes ra đời 427 Tr. CN khi ông mới 18 tuổi. Tác phẩm đến nay còn giữ lại được 11 vở kịch. Nhìn chung hài kịch của Aristophanes gắn với các sự kiện lịch sử đương thời và tiếp cận trực diện với nhiều vấn đề chính yếu đang đặt ra trước đời sống xã hội. Các vở Hòa bình, Những người Acácnơ, Lidixtơrata tập trung phê phán cuộc chiến tranh phi nghĩa lúc bấy giờ. Đặc biệt vở Hòa bình (412 Tr. CN), được giải nhì trong một hội diễn, qua các nhân vật như bác nông dân Tơridê, Thần Zeus, Thần Chiến tranh Pôlêmôx... là tiếng cười phê phán chiến tranh, ca ngợi hòa bình. Còn lại một số vở khác tập trung phê phán những mặt xấu trong xã hội như bọn người háo danh, kẻ đạo đức giả, việc kiện tụng, lừa đảo. Đó là các vở như Đàn chim, Những kỵ sĩ, Đàn ong vò vẽ. Còn lại các vở Hội đồng phụ nữ và Plutôx là những hài kịch giàu màu sắc trào lộng, hài hước, gần với đời sống sinh hoạt thông tục, bình dân. Riêng hai vở Đàn. nhái và Texmôphôn lại thể hiện rõ hơn quan điểm văn học của tác giả. Aristophanes quan niệm về hài kịch phải gắn với thực tại đời sống thường nhật: Đem lên sân khấu những sự thật xảy ra trong đời sống... những việc đối với chúng ta rất quen thuộc, những việc chúng ta đã sống hàng ngày. Hoặc ông nhấn mạnh vai trò xã hội của nhà thơ: Vì tài ba của một nhà thơ, vì những lời giáo huấn của nhà thơ và vì nhà thơ làm cho con người trở nên tốt hơn.
Đóng góp của Aristophanes bậc thủy tổ của hài kịch Hy Lạp Cổ đại đối với hài kịch, chính là việc hướng tới nội dung chính trị, thời sự - xã hội đồng thời chuyển hóa tiếng cười dân gian và các hình thức tư duy thần thoại, những yếu tố Thần linh hoang đường trở lại gần với cuộc sống thường nhật, đan quện trong những hình thức nghệ thuật như thật.
F.Engels đã nhận xét: Eschyle là thủy tổ của bi kịch; Anstophanes là thủy tổ của hài kịch, cả hai rõ ràng đều là những nhà thơ có tính khuynh hướng (Thư gửi Minna Causki). Sau Aristophanes loại hài kịch xây dựng những tình tiết éo le, châm biếm các tính cách và phong tục xấu được duy trì và ảnh hưởng trực tiếp tới cả trường phái hài kịch La Mã của Plautus (Plôtơ).