Tài liệu: Aristotlex (384 - 322 Tr.CN)

Tài liệu
Aristotlex (384 - 322 Tr.CN)

Nội dung

ARISTOTLEX[1] (384 - 322 Tr. CN)

 

Aristotle (Aristốt) là nhà Bác học nhà triết học và lý luận văn học Hy Lạp Cổ đại, sinh ở vùng Stagir, nước Macédoine (Maxêđoan) cổ. Ông là con một vị thầy thuốc riêng của nhà Vua; từ năm 17 tuổi đã tới Athènes theo học ở trường của bậc thầy triết học duy tâm Platon. Sau khi thầy Platon qua đời, Aristotle rời Athènes đến sống ở vùng Tiểu á và được Vua Philippe mời về dạy học cho Hoàng tử Alexandros. Mấy năm sau, ông trở lại Athènes mở trường dạy triết học. Trường phái triết học do Aristotle chủ trương được mệnh danh là phái Tiêu dao vì ông có thói quen vừa đi vừa giảng bài, học trò phải theo để nghe. Về sau, do xã hội bất ổn, ông lánh sang sinh sống ở Đảo Ơbê và qua đời ở Thành Cankhít.

Tác phẩm của Aristotle có loại được công bố ngay khi ông còn sống, viết theo phong cách văn biện luận (Thể chế Athènes). Đa phần còn lại là những bản thảo, bài giảng chuyên đề mà các học trò của ông lưu giữ, sưu tập lại, nay còn 25 tác phẩm như Siêu hình học, Bàn về linh hồn, Chính trị học, Đối thoại, Những phạm trù Tu từ học, Nghệ thuật sáng tác... Các tác phẩm của Aristotle bao quát nhiều vấn đề, nhiều chuyên ngành khoa học xã hội khác nhau. Ông là người có công tổng kết và bước đầu phân loại các chuyên ngành cụ thể như chính trị. tôn giáo triết học, văn học nghệ thuật...

Đóng góp của Aristotle đối với lịch sử tư tưởng nghệ thuật thể hiện chủ yếu qua công trình khảo cứu Nghệ thuật sáng tác gồm 26 chương, chia ra làm năm phần: Nhận định chung về bản chất của thơ ca; Các loại hình thơ ca, cơ sở tâm lý và lịch sử của chúng; Bàn về bi kịch; Bàn về anh hùng ca; Những ý kiến tản mạn bàn về một số vấn đề khác; và cuối cùng là đề mục So sánh anh hùng ca với bi kịch. Đối lập với các quan điểm duy tâm và siêu hình của Platon, Aristotle đề cao chức năng phản ánh tái tạo thực tại và cả chức năng nhận thức của nghệ thuật. Với cái nhìn duy vật, Aristotle phân tích rõ cơ sở hình thành các thể tài thơ ca, chỉ rõ cơ sở mỹ học của các loại hình bi kịch, hài kịch, anh hùng ca. Aristotle cũng xác lập hai nguyên tắc mỹ học chi phối tác phẩm nghệ thuật là tính hài hòa và tính thống nhất. Như vậy, Aristotle đã đặt ra và giải quyết một cách duy vật các vấn đề về bản chất nghệ thuật, bản chất của cảm xúc trong sáng tác, mối quan hệ chặt chẽ giữa nội dung và nghệ thuật... Công trình Nghệ thuật sáng tác của ông thật sự trở thành hòn đá tảng đặt nền móng cho khoa mỹ học và lý luận văn học có ý nghĩa khu vực và toàn thế giới.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389403395815778/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận