Tài liệu: Đạo Do Thái

Tài liệu
Đạo Do Thái

Nội dung

ĐẠO DO THÁI

 

Tổ tiên người Do Thái là những bộ lạc Semites (Sêmít) ở Ai cập và ở Bán đảo Sinai, định cư trên miền đất Palestine (Palestin) vào khoảng năm 1200 Tr.CN. Tên của họ là dân tộc Hebreux (Hêbrơ) hay Israel (Israel). Do Thái là cách đọc theo âm Hán - Việt phiên âm từ chữ Juda (Giu đa) do đa số những người Israel sống sót sau khi ngôi đền của họ ở Kinh đô Jérusalem bị phá huỷ. Họ phải lưu đầy đến Babylone (năm 586 Tr.CN thuộc bộ lạc của Juda). Những người này đã biết lợi dụng chế độ tự trị mà quân chiếm đóng Perse (Ba Tư) dành cho họ, xây dựng lại ngôi đền và tổ chức xung quanh họ một xã hội phục hưng. ''Ngôi đền thứ hai'' bị các đội quân La Mã phá huỷ năm 70 S.CN và cùng nó biến mất cái trung tâm tôn giáo liên kết những thành viên dân tộc Do Thái phân tán từ Ba Tư đến miền cực Tây của đế quốc La Mã. Tuy nhiên, người Do Thái không biến khỏi Palestine và những yêu sách của các thành viên phân tán trên miền đất này vẫn không lắng dịu.

Nguồn tư liệu duy nhất về đề tài này là Kinh Cực ước, nhưng nó quá phức tạp và được biên soạn quá muộn nên không thể nắm được chính xác những sự kiện xung quanh nhân vật Moise và tất cả những giảo trưởng, đặc biệt là Abraham. Jéhovah (Giêhôva), một vị Thần cổ từ thời kỳ bộ lạc, được coi là “Thượng đế của Moise”, chúa tể duy nhất của dân tộc Do Thái, quy định vận mệnh và áp đặt luật lệ của mình cho dân tộc ấy. Tôn giáo Do Thái không có thần thoại, chí ít cũng là về nguyên tắc, do đó nó khác hẳn những tôn giáo khác ở vùng Cận Đông cổ. Có thể coi thời kỳ khởi đầu của lịch sử Do Thái là gắn với những quy tắc đạo đức, đã có mầm mống tổ chức pháp luật, và những phép tắc thiêng liêng chi phối việc thờ cúng, cuối cùng là thiết chế Sabbat (Sabba - ngày nghỉ cuối tuần của người Do Thái).

Khởi đầu, tín ngưỡng Moise là tôn giáo của những bộ lạc du mục. Sau khi người Do Thái định cư ở Palestine, sự thuần khiết và tính nghiêm ngặt của tôn giáo này nhanh chóng chịu ảnh hưởng của cư dân bản địa, do tiếp xúc trực tiếp với những tín ngưỡng địa phương. Dấu vết tín ngưỡng ngoại lai cũng thấy rõ trong thời kỳ chế độ quân chủ (phân chia thành hai vương quốc, hai thế hệ sau khi thiết lập: Israel ở miền Bắc, Palestine và Do Thái ở miền Nam, với Kinh đô là Jérusalem), khi những quan hệ với các dân tộc láng giềng được tăng cường. Lúc bấy giờ, các nhà tiên tri đã can thiệp, để bảo vệ những giá trị riêng của Đức tin Do Thái. Họ thấy được trao một sứ mệnh chung là chăm lo giữ gìn cho sự thuần khiết của Đức tin Do Thái vào một Đức Chúa duy nhất. Bảo vệ những quy tắc sống liên quan đến cá nhân và xã hội, bảo vệ những thiết chế mang dấu ấn của tín ngưỡng này trong việc thờ cúng.

Tín đồ Do Thái kiên quyết tán đồng một Giới luật, được coi là do Chúa Trời thần khải cho Moise trên Bán đảo Sinai; Chúa Trời sáng tạo ra Vũ trụ, là chúa tể của lịch sử, đã chọn dân tộc Do Thái và xác lập nó là trung tâm tinh thần của nhân loại, ở xung quanh ngôi đền, ngay giữa hai miền đất hứa; tín đồ Do Thái muốn tách biệt dân tộc được chọn với các dân tộc khác, tuy nhiên các dân tộc khác có thể  được tiếp nhận vào trong lòng dân tộc của Chúa nếu họ thay đổi lối sống, và muốn vậy họ phải tuân thủ một loạt những quy định được soạn thảo rất tỷ mỉ. Tín đồ Do Thái tuân thủ thiết chế Sabbad và những điều cấm kỵ về ăn uống, từ chối hôn nhân hỗn hợp.

Sau những cuộc chinh phục của Đại đế, Alexandros, các cộng đồng Do Thái ở Trung Đông được sáp nhập vào các vương quốc của các tướng kế vị. Ảnh hưởng văn minh Hy Lạp trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống Do Thái: về tổ chức tư pháp, và có lẽ về lễ nghi, đạo đức của các nhà hiền triết Do Thái; đặc biệt là logic học Hy Lạp đã góp phần vào việc hiệu chỉnh những quy tắc được các nhà thần học sử dụng để hoà đồng với Kinh Thánh, tạo ra một bộ luật truyền khẩu thích hợp trong các tình huống.

Pháp sư Do Thái được đào tạo dài hạn để tiếp thu những tri thức truyền thống làm chỗ dựa cho uy tín của họ. Họ cũng là người hướng dẫn tinh thần, chịu trách nhiệm về đức tin của dân chúng buộc phải sống giữa một thế giới thù nghịch, trước là dị giáo, sau là Kitô giáo, những người này luôn đặt vấn đề tranh cãi về giá trị của việc chờ đợi kỷ nguyên cứu thế Do Thái giáo. Điều này giải thích hai phần hợp thành quan trọng trong nội dung giáo dục của pháp sư dựa trên Kinh Thánh: quy tắc cư xử, hay là luật thiết thực (halaka), và bài thuyết giáo theo nghĩa rộng nhất (aggada). Phần thứ hai này bao gồm, ngoài nội dung giáo dục tôn giáo và đạo đức đích thực, còn có cả luận chiến, tư biện siêu hình và thần bí, thậm chí cả văn học dân gian. Bộ Kinh Talmud (Tanmút) là cẩm nang để các pháp sư Do Thái thực hành việc giáo dục của mình trong các cộng đồng tín đồ Do Thái giáo.

Trong sự cạnh tranh lâu dài với Đức tin Kitô giáo, Đạo Do Thái kiên quyết phủ nhận những giáo điều cơ bản của Đạo Kitô: tư cách Chúa cứu thế của Jésus và thiên chất của Chirst. Đạo Do Thái của các pháp sư không để phai nhạt niềm tin rằng, mình là người thừa kế duy nhất những hứa hẹn của Chúa đối với dân tộc được ân sủng và là đối tượng có đặc quyền được Chúa yêu thương. Tín đồ Do Thái phải đền đáp sự ưu ái này bằng một tinh thần sẵn sàng không hề lay chuyển để tuẫn tiết vì Đạo, và một đòi hỏi tuyệt đối phải kính yêu Chúa (nghĩa là tuân theo Giới luật của Chúa).

Năm 1948, khi Quốc gia Israel ra đời trên một phần lãnh thổ cũ của dân tộc Do Thái, phong trào phục quốc Do Thái chứng kiến sự thực hiện không đầy đủ những kế hoạch của mình. Nhiều tín ngưỡng của Đạo Do Thái bảo thủ cũng như những thể chế pháp lý - nghi lễ, chính thức vẫn giữ y nguyên như trước kia.

Trong thực tế, những quy tắc nghi lễ (thiết chế sabbat và những luật lệ về ăn uống) ít được triệt để tuân thủ, thậm chí bị một số đông người từ bỏ từng phần hay toàn bộ, hoặc vì thờ ơ, hoặc vì những gò bó với lối sống hiện đại. Đặc biệt là do những đòi hỏi cấp bách của một xã hội công nghiệp hoá, do đội ngũ nhân công không phải người Do Thái lên Kinh Talmud không áp dụng được trong Quốc gia Israel.

(Theo Encyclopedie Universelle của Pháp)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/165-02-633386839709843750/Nhung-Ton-giao-lon-trong-nen-van-minh-Nhan...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận