Tài liệu: Quintus Horatus Flaccus (65-8 Tr.CN) nhà thơ La Mã

Tài liệu
Quintus Horatus Flaccus (65-8 Tr.CN) nhà thơ La Mã

Nội dung

QUINTUS HORATUS FLACCUS (65-8 Tr.CN)

NHÀ THƠ LA MÃ

 

Horatius (Hôrax chữ Anh và Pháp: Horace) sinh ở Venise (Vơnidơ) một vùng đất tươi đẹp ở miền Nam Italia trong một gia đình khá giả. Tuổi ấu thơ được hưởng sự giáo dục với nền học vấn uyên bác. Do vậy ông tiếp thu được vốn văn hóa Hy Lạp Cổ đại phong phú nhất về triết học và văn học trong thời gian học tập ở La Mã và ở Athènes. Từng là sĩ quan trong quân đội của Brutux[1] người ám sát Caesar và sống lưu vong ở Athènes.

Năm 42 Tr. CN, do có lệnh ân xá, ông đã trở về quê hương Venise nhưng điền sản đã bị tịch thu hết do đó lại bỏ đi. Nhờ có học vấn, nên Horace xin được chức thư ký cho một vị pháp quan ở triều đình La Mã. Năm 39 Tr.CN, do quen biết nhà thơ Virgilius (Viếcgin) nên được tiến cử với người cộng sự đắc lực của Hoàng đế Ôguytxtơ. Tham gia tao đàn cung đình, sáng tác phục vụ cho đường lối chính trị của đế chế. Hoàng đế mến và nể ông mời ông làm thư ký riêng, nhưng ông đã từ chối. Ôguytxtơ đã cấp đất và nhà cho ông tại Sabin. Horatius là người có kiến thức uyên bác và một tinh thần làm việc rất nghiêm túc, kiên nhẫn. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị. Ôđơ gồm 4 quyển. Tập thơ trữ tình này có những phần ca ngợi chiến công của hai con rể Ôguytxtơ khiến nhà Vua rất hài lòng và ban tặng cho ông rất nhiều bổng lộc. Ông có ảnh hưởng lớn trong đời sống văn học phương Tây sau này qua tác phẩm chính luận Thư gửi anh em Pidông (thế kỷ I Tr. CN). Anh em Pidông là con một người bạn Horatius sống ở La Mã. Họ muốn sáng tác kịch, Horatius viết thư nói ý kiến của mình về thể loại này. Bức thư bằng văn vần đề cập đến nhiều vấn đề như nội dung và hình thức, ngôn ngữ thể loại, tài năng nhà văn và sự hiểu biết... Ông cho rằng nghệ thuật là sự bắt chước tự nhiên, do đó cần phải đi sâu tìm hiểu đời sống. Quan niệm ấy tất dẫn đến việc coi trọng hàng đầu nội dung tác phẩm: Nội dung là cái cơ bản của tác phẩm, nội dung cao quý thì mới được bạn đọc hoan nghênh, nội dung tầm thường thì không được bạn đọc chú ý. Các nhà lý luận cổ điển Pháp sau này ít nhiều chịu ảnh hưởng của Horatius. Người đời chê trách ông không ít, cho ông là ''ca sĩ của Ôguytxtơ'', ''kẻ nịnh nọt thông minh ''. Song, sự uyên bác, thái độ nghiêm khắc đối với hoạt động nghệ thuật của ông vẫn được mọi người thừa nhận và đánh giá cao.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389405314722028/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận