ĐẠO KITÔ
Kitô là phiên âm từ tiếng Pháp “Christianismen” để chỉ một tôn giáo lớn do Jésus Chirst sáng lập. Đạo Kitô gồm ba môn phái: Giatô (Catholique), Tin Lành (Protestant) và Chính giáo (Orthodoxe).
Đạo Kitô phát sinh từ trong lòng Đạo Do Thái. Thời kỳ đầu công nguyên, trong xã hội Do Thái phát triển nhiều giáo phái cứu thế. Các môn đồ của Jésus xứ Nazareth tập hợp lại trong lòng giáo phái của Thành Jean Baptiste. Cộng đồng tín đồ của Jésus Chirst này bị giáo phái Pharisiens (pharidiêng) bài bác, bị giáo phái Saducéens (xađuyxiêng) xua đuổi, nhưng vẫn được chấp nhận trong nội bộ Do Thái giáo cho đến khoảng năm 65. Quả thật, ngay từ đầu, các môn đồ của Jésus bằng nhiều cách, đã coi mình là những người đang vượt quá Đạo Do Thái. Chúa cứu thế của họ đúng là đã được các nhà tiên tri Do Thái báo trước sự ra đời, nhưng không đồng nhất với hình ảnh Chúa cứu thế của Do Thái giáo đương đại.
Vả chăng giáo phái Kitô không đợi đến khi bị Do Thái giáo bài xích mới tràn vào xã hội dị giáo. Ngay từ năm 61, nó đã có mặt ở Roma. Sau nhiều sự ngược đãi của đế chế, cuối cùng nó đã được mở thông lối vào mọi miền của xã hội La Mã. Từ thế giới La Mã, nó vượt sang miền Barbarie và phát triển rộng chủ yếu ở Tây Âu. Ngay từ thời Trung cổ, nó đã dừng chân ở xứ sở những người Slayơ. Nếu ở những vùng đã bị Đạo Hồi chinh phục, nó đành lùi bước, nhưng nó lại không ngừng phái những nhà truyền giáo, xuất phát từ cộng đồng Kitô giáo Tây Âu đi sang đến tận Châu Á và Châu Mỹ La tinh vào thế kỷ XVI, đến Bắc và Nam Mỹ vào thế kỷ XVII, đến Châu Phi vào thế kỷ XIX.
Các giáo phái được sinh ra từ trong lòng Đạo Do Thái này đã trở thành tôn giáo phổ biến nhất từ trước tới nay. Dù có coi sự bành trướng của Đạo Kitô một phần là do những cơ may lịch sử mà trước tiên là đế quốc La Mã và sau đó là nền văn minh phương Tây đem lại cho nó, thì cũng không thể thừa nhận rằng nó mang một tính chất đại đồng chủ nghĩa về nguyên tắc ngay từ lúc khởi nguyên. Chủ nghĩa đại đồng này cắt nghĩa sự quan trọng của Đạo Kito, chỉ xét riêng về mặt ảnh hưởng của nó trong các lĩnh vực văn hoá, đời sống xã hội và chính trị, đạo đức. Dù muốn hay không, dù phán xét sự kiện này như thế nào, thì cũng không thể tách rời Kitô giáo với lịch sử của một phần lớn nhân loại, trừ Châu Á.
Đạo Kitô trên thế giới
Dấu hiệu nhận biết người theo Đạo Kitô là lễ rửa tội nên nói chung các thống kê dưới đây là dựa vào dấu hiệu ấy. Vì vậy những thống kê này không bao gồm vô số giáo phái cũng ít nhiều tự nhận là tín đồ của Chirst và của Thánh Kinh, mà những giáo phái này thì không thể xác định số thành viên của họ được (ở nước Pháp ước tính có khoảng 400 giáo phái, gồm từ 20.000 đến 50.000 tín đồ). Được rửa tội thường là ngay từ tuổi thơ ấu, không tất yếu có nghĩa là thật sự trung thành với Jésus dẫn đến một sứ ước thúc cá nhân trong những cộng đồng tự xưng là tín đồ của Chúa Jésus.
Hiện nay, người ta ước tính có 954 triệu tín đồ Kitô giáo trên thế giới, tức là khoảng 35% dân số toàn cầu. Trong số 954 triệu tín đồ Kitô giáo này, có 586 triệu người theo Giatô giáo, 256 triệu người theo Đạo Tin Lành, khoảng 92 triệu người theo Chính giáo, khoảng 20 triệu thuộc các tiểu giáo phái Kitô (ở Ai Cập, Arménie, Syrie, Mésopotamie, v.v...).
Ở Tây Âu có hơn 300 triệu tín đồ Kitô giáo, trong đó 190 triệu theo Đạo Giatô, 102 triệu theo Đạo Tin Lành, gần 9 triệu theo Chính giáo. Ở Pháp có 41 triệu người theo Đạo Giatô, 790.000 người theo Đạo Tin Lành, 100.000 người theo Chính giáo.
Nếu căn cứ vào những môn phái lớn (Giatô, Tin Lành, Chính giáo) thì sự phân bố tín đồ Kitô giáo trên toàn cầu như sau:
Bắc Mỹ : 123.217.000 tín đồ
Mỹ Latinh : 223.257.000 tín đồ
Châu Phi : 32.175.000 tín đồ
Thế giới Ả Rập : 3.243.000 tín đồ
Tây Âu : 301.115.000 tín đồ
Đông Âu và Liên Xô : 1.94.994.000 tín đồ
Châu Á : 43.556.00 tín đồ
Châu Đại Dương : 12.349.000 tín đồ
Ở Châu Á, trong số 43 triệu tín đồ Kitô giáo, có 31 triệu theo Đạo Giatô (chủ yếu ở Philippines) và 12 triệu theo Đạo Tin Lành.
Ở Tây Âu, Đạo Giatô thống trị trong các nước theo văn hoá Latinh; Đạo Tin Lành chiếm đa số ở Scandinavie, Đức, Anh, Thụy Sĩ, Hà Lan; còn chính giáo chủ yếu du nhập vào Hy Lạp, Síp, Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan (các cộng đồng Chính giáo quan trọng nhất là ở Liên Xô, Bungarie, Rumanie, Nam Tư).
Sự lôi cuốn của Kitô giáo
Jésus, đối với tín đồ Kitô giáo, được ủy thác một sứ mệnh cao cả là sáng lập ra một tôn giáo mới không có sự liên thông nào với những tôn giáo đa Thần. Vì vậy, Kitô giáo coi Jésus chính là Chúa Trời giáng thế để cứu rỗi nhân loại. Điều này là điểm cốt yếu trong tâm linh cộng đồng tín đồ Kitô giáo. Chúa Trời phái Jésus xuống trần để răn dạy tín đồ, rằng kẻ nào tuân phục và sống một cuộc đời tốt lành kẻ đó sẽ nhận được hạnh phúc ở thiên đàng; kẻ nào không tuân phục và sống một cuộc đời xấu xa, sẽ bị đầy đoạ mãi mãi ở địa ngục. Chúa lúc nào cũng nhân từ với mọi người, Chúa luôn gửi đến mọi người một lời chào và một lời hiệu triệu, nó chiếu rọi mọi ánh sáng lên các cội nguồn. Những điều này được nói rõ trong sách Phúc âm chứa đựng những “tin lành” (dịch nghĩa chữ Phúc âm - Evangile). Những tín đồ Kitô giáo đầu tiên ở xứ Nazareth tin rằng, Chúa sẽ trở lại trần gian nay mai, nên họ không bận tâm mấy đến với đời sống thế tục. Nhờ phép màu Chúa được một Đức Mẹ đồng trinh sinh ra, Chúa được rửa tội ở dòng Sông Jordan; và những tín đồ Kitô giáo sau này cũng được các linh mục rửa tội. Đức Mẹ đồng trinh rửa tội và bữa tiệc hy sinh thần bí gợi nhớ đến những chi tiết hiện hữu trong những tôn giáo thần bí khác và sự hứa hẹn một cuộc sống bất diệt. Sự hy sinh đời sống của Chúa cho nhân loại đã khiến đạo Kitô giáo dễ phổ biến và quyến rũ tín đồ hơn nhiều tôn giáo thần bí khác. Nghi thức thiêng liêng của Bánh Thánh và lễ Thánh vào thế kỷ thứ III đã trở thành biểu tượng chính của Kitô giáo càng làm tăng thêm sự lôi cuốn của nó. Tín đồ Kitô giáo khi thành lễ trong tâm linh họ thực sự chia sẻ với Chúa, cảm thông sự cứu rỗi thiêng liêng của Chúa, cũng như khi họ thấy lòng lành vô cùng khi họ đã được rửa tội. Lễ rửa tội có tác dụng thiêng liêng biến ta thành tín đồ thực sự của Kitô giáo; và bánh Thánh, nếu ta chấp nhận một cách thành kính sẽ giúp ta tiếp tục là tín đồ của Chúa.
Các môn đồ của Jésus đã nhận thức rõ ràng cái mới của Phúc âm tập trung ở bản sắc Thần Thánh đích thực của Jésus và ở dấu hiệu hiển nhiên của sự sống lại vào ngày Lễ Pâques (Lễ phục sinh). Chính do ảnh hưởng của Lễ Pâques và Lễ Pentecôte mà có sự tập hợp đầu tiên của những tín đồ Kitô giáo. Người ta trở thành tín đồ Kitô giáo trước hết ở sự quy y theo Đức Chúa Jésus; lễ rửa tội là hình thức phê chuẩn sự quy y này. Từ đây, người tín đồ ý thức được rằng mình được Chúa cứu thế, được đổi đời được giải thoát, được tiếp nhận chân lý về bổn phận làm người bởi có sự can thiệp của Chúa Trời thông qua Jésus Chirst. Khi tập hợp lại với nhau các tín đồ có ý thức rõ Phúc âm là dành cho tất cả mọi người, và lời chào của Đức Chúa chính là lời chào của Chúa cứu thế.
Tính độc đáo của sách Phúc âm đối với cộng đồng tín đồ Kitô giáo thể hiện ở những mặt sau đây:
- Cái mới về phía Chúa: Chúa không phải như người ta nghĩ trước đây. Sức mạnh của Chúa là ở tình yêu, không phải ở sự khiếp sợ, cũng không phải ở sự thống trị. Ngài rất nhân đạo, Ngài luôn hỏi han đến sự tự do và ước vọng của con người. Ngài là vị Chúa luôn tha thứ mọi tội lỗi, là Đức Chúa của hết thảy chứ không phải riêng của một nhóm tín đồ nào, của một Quốc gia nào.
- Cái mới về phía con người: Con người không chỉ là kẻ được cứu rỗi hay là bề tôi của Chúa, mà là con của Chúa. Con người phải noi theo Chúa trong tình yêu cuộc sống, yêu đồng loại, yêu sự nghiệp của toàn thể loài người. Con người phải vươn tới sự thánh thiện và đạt đến cuộc sống vĩnh hằng.
Đạo đức của Kitô giáo vượt lên trên sự tôn trọng pháp chế. Nó là đạo đức linh cảm và truyền nhập vào tâm linh của tín đồ từ chính cuộc đời của Jésus - Chirst. Đạo đức ấy dành một vị trí trung tâm cho lòng yêu kẻ thù, lòng can đảm đối với sự thật, tính không vụ lợi, tinh thần trách nhiệm đối với cuộc sống, tinh thần tôn ti trật tự, sự chiến đấu cho sự tự do, ý chí hoà bình.
- Cái mới về phương diện tôn giáo: Tôn giáo không còn là sự giao thiệp đặc thù với Thần Thánh, Jésus là người trung gian hoà giải duy nhất và hiệu nghiệm giữa Chùa Trời và con người; miễn cho con người không phải đi tìm những con đường tiếp xúc với Chúa Trời, giải thoát con người khỏi mê tín, và những chuyện hoang đường, thần bí. Cuộc sốngnhân loại phải hoà hợp với hành động và những ý định sáng suốt của Chúa, bởi vì sự cách biệt giữa thế giới Thần Thánh và thế giới phàm tục đã bị phá vỡ khi Jésus Chirst xuất hiện.
Điều sâu sắc hơn trong cái mới của Phúc âm Kitô giáo là ở chỗ diện mạo tôn giáo của nó không thể tách biệt với diện mạo đạo đức học và chính trị. Không có sự giao thiệp nào với Chúa mà lại không bao hàm một sự cam kết lồng vào bản chất con người, một cách cư xử có định hướng trong đời sống cá nhân và xã hội.
NGUYỄN NGỌC THỌ - NHƯƠNG HUÂN
(Theo Encyclopédie Universelle và Văn minh
Phương Tây, Hà Nội, NXB Văn hóa – Thông tin, 1994)