PLAUTUS TITUSMACCIUS (254 - 184 Tr. CN) NHÀ VIẾT KỊCH
XUẤT SẮC CỦA VĂN HỌC LA MÃ THỜI CỘNG HÒA
Plautus (Plốtơ) quê ở Xacxin, một vùng thuộc miền Trung Italia. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, thuộc tầng lớp bình dân; từ nhỏ ông đã phải tự thân kiếm sống, ham thích học hành, yêu các môn văn học, nghệ thuật. Ông đến Thành La Mã xin vào làm thợ phụ trang trí cho một đoàn kịch; có tài liệu cho rằng, sau khi làm việc được một thời gian, Plautus dành dụm được một ít tiền, ông bỏ đi buôn. Nhưng công việc buôn bán thua lỗ, vốn liếng hết sạch, có lúc ông phải đi xay bột thuê kiếm sống. Cuối cùng ông trở về với sân khấu, ít nhất nghề này cũng đủ ăn, và giữ được thiên hướng. Từ đây ông toàn tâm toàn ý cho sân khấu, và tiến hành viết kịch. Có tài liệu cho rằng, ông viết tất cả 130 vở kịch, nhưng một nhà bác học có uy tín khẳng định ông chỉ viết có 21 vở. Khi ông mất, các đoàn kịch lợi dụng danh tiếng của ông để câu khách; nên thường lấy tên ông để quảng cáo, thành ra người đời cứ tưởng ông viết nhiều như vậy. Theo truyền thống Hy Lạp, người ta coi rẻ hài kịch, coi rẻ tác giả và những diễn viên hài kịch. Thế nhưng ông lại được công chúng rộng rãi chấp nhận và hưởng ứng nhiệt liệt. Plautus đã tập trung triệt để vào thể loại này và đưa chúng thành một thể loại quan trọng không kém gì nghệ thuật bi kịch.
Cho đến nay, chúng ta còn giữ được 20 vở hài kịch của ông, tiêu biểu là các vở Cái nồi, Cadina, ạnh em Mênếchmơ, Tù binh, Anh lính khoác loác. Vở kịch Cái nồi được trình diễn vào khoảng 195 Tr. CN, là tác phẩm xuất sắc nhất của Plautus. Ông tập trung phản ánh tình trạng suy đồi phong hóa trong đời sống xã hội La Mã; tâm lý sùng bái của cải, tích luỹ, keo kiệt, con người bị biến dạng méo mó vì làm nô lệ cho của cải. Vở kịch này đã in đậm dấu ấn trong vở hài kịch Lão hà tiện của nhà viết kịch Pháp Molière sau này.
Các vở hài kịch khác của ông cũng tập trung miêu tả khá rộng trên bình diện đạo đức, trong đó khắc họa rõ nét những thói ngu độn, lẩm cẩm, keo kiệt của những kẻ hám tiền mà chà đạp lên nhân phẩm tình nghĩa giữa cha con, chủ tớ, vợ chồng, bè bạn... Những nhân vật nô lệ thường hiện lên với những vẻ đẹp nhân tính lành mạnh. Trong kịch của Plautus, thấm đượm một tinh thần dân chủ sâu sắc. Trước tiếng cười, con người được bình đẳng, thân ái với nhau. Chính vì thế, kịch của ông tràn đầy tiếng cười lạc quan, vui tươi, khỏe khoắn, có tác dụng bồi đắp các giá trị đạo đức cho con người.
Nhờ ông mà thể loại hài kịch được tôn vinh, trở thành thể loại kịch thấm đượm một tinh thần dân chủ rộng rãi, được mọi tầng lớp công chúng yêu thích. Sau này, các nhà viết hài kịch danh tiếng Châu Âu đều coi ông là bậc tiền bối và người thầy tôn kính của mình.