PHUBLIUS VIRGILIUS[1] MARO (70 - 19 Tr.CN)
Phublius Virgilius (Viếcghin) là nhà thơ La Mã Cổ đại, sinh năm 70 Tr.CN tại Ăngdơ, gần Thành Măngtu, miền Bắc Italia. Năm 12 tuổi học ở Grêmôn. Năm 15 tuổi đến học ở Milan. Theo học triết học và thuật hùng biện, với tham vọng làm chính trị; nhưng lại làm thơ trong nhóm sáng tác của thi sĩ Catuyn. Năm 28 tuổi, trở về quê ở Măngtu. Khoảng năm 40 Tr.CN, Hoàng đế Ôguytxtơ tịch thu ruộng đất 18 tỉnh để ban thưởng cho các tuỳ tướng, trong đó có trại ấp của gia đình Virgilius. Ông lên đường đến La Mã, gặp Mexenax, một nhà chính trị gần gũi với Ôguytxtơ, và là một Mạnh thường quân. Ông được Mexenax nâng đỡ, can thiệp trả lại ấp ở Măngtu, và được cấp nhà ở La Mã.
Ông được tiến cử làm thi sĩ cung đình của Hoàng đế Ôguytxtơ, phục vụ các yêu cầu chính trị của nhà Vua. Ông mất vào năm 19 Tr.CN tại La Mã, thọ 51 tuổi.
Tác phẩm của Virgilius mang tính cung đình, phục vụ đắc lực cho đường lối chính trị, xã hội của đế chế Ôguytxtơ, nhưng cũng phần nào nói lên tiếng nói của nhân dân lúc đó. Tác phẩm Mục ca (Bucolica) là một tập thơ 10 bài, sáng tác khoảng năm 40-41 Tr.CN, viết dưới hình thức đối thoại giữa trai gái yêu đương trong cảnh thiên nhiên ngoạn mục tươi đẹp, mô phỏng theo thể loại thơ điền viên Hy Lạp của Têôcrít. Tác phẩm lý tưởng hóa cuộc sống êm đềm, hạnh phúc của đồng quê, phần nào lại bộc lộ tâm trạng ưu tư trước thời cuộc của tác giả. Tập thơ Nông ca (Geognca) là tác phẩm mang tính giáo huấn, ca ngợi chính sách của Hoàng đế Ôguytxtơ đối với nông dân, đề cao con người lao động sản xuất, khuyến khích lực lượng nhàn rỗi, ăn bám ở thành thị về nông thôn sản xuất, nhằm mục đích khuyến khích sản xuất nông nghiệp bị đình trệ do chiến tranh. Tác phẩm nổi bật nhất của Virgilius là bản trường ca Eneide. Đây là tác phẩm có ảnh hưởng lớn tới văn học Châu Âu. Tác phẩm kể lại huyền thoại lịch sử xây dựng Thành La Mã do Hoàng tử Enée cùng những người sống sót rời bỏ Thành Troie (Tơroa), vượt qua bao gian nan, nguy hiểm đến Italia để xây dựng Thành La Mã vĩ đại, mà Hoàng đế Ôguytxtơ là người kế tục xứng đáng dòng dõi tổ tiên. Eneide ca ngợi Nhà nước La Mã từ thời kỳ dựng nước đến thời đế chế của Ôguytxtơ, Thần Thánh hóa dòng họ Ôguytxtơ; nhưng đồng thời qua đó, cũng bộc lộ sâu sắc tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của con người.