Tài liệu: Lý Bạch (701 - 762) nhà thơ lãng mạn vĩ đại

Tài liệu
Lý Bạch (701 - 762) nhà thơ lãng mạn vĩ đại

Nội dung

LÝ BẠCH (701 - 762)

NHÀ THƠ LÃNG MẠN VĨ ĐẠI

 

Lý Bạch tự Thái Bạch là một trong những nhà thơ vĩ đại của văn học cổ điển Trung Quốc. Thời đại và nhà thơ đã cách chúng ta hơn một nghìn hai trăm năm, song tiếng thơ ông vẫn để lại cho chúng ta bao nỗi rạo rực. Người đời đã tặng ông danh hiệu “Thi tiên”. Thời gian đã không hề phủ lấp lên tiếng thơ ông những vần thơ sảng khoái vẫn được nhiều người truyền tụng. Người đời xưa, đời nay, ở Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, Lý Bạch vẫn còn tìm thấy nhiều bạn tri âm. Nhiều câu chuyện về nhà thơ họ Lý đã được nhân dân Trung Quốc truyền đi, nhiều câu thơ của ông được nhiều người thuộc lòng. Nhân dân yêu mến Lý Bạch, đã xây dựng nên nhiều truyền thuyết. Có giai thoại nói rằng: ''Lý Bạch là ngôi sao Thái Bạch giáng thế” nên gọi là Lý Thái Bạch. Cũng có người tin rằng, giữa lưng ông có một cái xương đặc biệt gọi là “Xương kiêu ngạo”(ngạo cốt). Thực ra họ suy từ thái độ bất phục quyền quý của ông. Chính bản thân ông đã chẳng nói ''yên năng thôi my chiết yêu sự quyền quý'' (sao có thế xuôi mày còng lưng phụng sự bọn quyền quý) đó sao? Theo sách cũ chép lại thì nhiều họa sĩ đương thời đã lấy đầu đề họa thơ ông. Những bức tranh như Cao lực sĩ cởi giày, Quý Phi bưng nghiên mực hay Lý Bạch uống rượu dưới trăng, Lý Bạch ngắm trăng đã trở thành truyện tranh về cuộc đời Lý Bạch.

Tất nhiên giai thoại ấy là sự thêu dệt của nhiều người, nhưng qua đó ta có thể hiểu phần nào thái độ của nhân dân với nhà thơ. Lý Bạch là một con người cuồng phóng, không chịu một sự trói buộc nào. Vào đời, ông theo con đường hết sức đặc biệt. Các nhà thơ Đường phần lớn đều qua vòng thi cử rồi ra làm quan. Lý Bạch mặc dù học rất giỏi, mười lăm tuổi đã học hết sách Bách gia chư tử và các loại kỳ thư; nhưng nhất định không chịu vào kinh ứng thí, mà ở nhà học kiếm và lên núi cầu Tiên, phỏng Đạo.

Học kiếm là vì lý do Lý Bạch mơ ước trở thành một hiệp khách. Mười lăm tuổi ông đã thích múa kiếm, và múa giỏi, thường tự phụ có thể “địch nổi muôn người”. Kiếm là vật tùy thân của Lý Bạch và tượng trưng cho “hùng tâm”; ''tráng chí'' của ông. Múa kiếm đối với ông là cách ký thác những nỗi bi phẫn trong lòng, bởi thế lúc rượu ngà ngà say, có cảm hứng là ông vung kiếm lên tỏ chí khí của mình. Ông đã từng cầm kiếm giết người, nguyên nhân cũng chỉ là giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha. Tư cách kẻ hiệp khách là trọng nghĩa khinh tài, đối với bạn bè thì không vì sự nguy hiểm nào mà từ chối không tương trợ, ra đời khi gặp việc ngang trái là can thiệp. Lý Bạch có đủ tư cách đó. Trong thơ ông càng ca tụng những hiệp khách như Trương Lương, Kinh Kha, Cao Tiệm Ly. Trong bài Hiệp khách hành, ông nói kẻ hiệp khách vì làm việc nghĩa mà có phải hy sinh tính mạng thì ''xương vẫn còn thơm, không thẹn là kẻ anh hùng trên đời'' (Túng tử hiệp cốt hương, Bất tàm thế thượng anh).

Có một tâm hồn phóng khoáng, hào hiệp như vậy, nên khi lớn lên ông từ giã cha mẹ, chống kiếm viễn du (Trượng kiếm khứ quốc, từ thân viễn du), sống một cuộc đời lang bạt kỳ hồ khắp nơi. Chưa nhà thơ nào, ở một thời mà đường giao thông chưa thuận tiện lắm nhưng lại đi nhiều như Lý Bạch. Đỗ Phủ cũng không bì kịp. Thuở nhỏ, ông đã từng du lãm nhiều danh lam thắng cảnh đất Thục, lên Tán Hoa lâu ở Thành Đô, lên ''núi tiên'' Nga Mi, nghe vị tăng đất Thục đàn cầm và ngắm trăng, vừng trăng sau này vẫn theo ông trên bước đường phiêu lãng (Dữ nhân vạn lý trường tương tùy). Để thoả chí tang bồng hồ của kẻ ''đại trượng phu'' (xem bức tranh ông gửi cho Bùi Trưởng sứ ở An Châu), từ năm 25 tuổi cho đến 62 tuổi, lúc từ trần, ông đã đặt dấu chân mình khắp nơi trên đất nước.

Cầu Tiên phỏng Đạo cũng là một điểm đặc biệt trong đời Lý Bạch và đã ảnh hưởng đến nội dung tư tưởng thơ ông rất nhiều. Cũng như cuối đời Hán, Đạo giáo rất được đề cao ở đời Đường, bởi vì Hoàng thất đời Đường tôn Lão Tử là tổ tiên, lấy cớ Lão Tử cũng họ Lý. Có thể nói đời Đường, Đạo giáo trở thành quốc giáo. Hồi 20 tuổi, lúc còn ở đất Thục, Lý Bạch đã chơi thân với ẩn sĩ nổi tiếng thời đó – Đông Nghiêm Tử - ở núi Dân Sơn. Mười năm sau, khi chơi Giang Lăng, ông gặp lại một vị ẩn sĩ khác, Tư Mã Thừa Trinh, từng khen ông là người có “Tiên phong Đạo cốt”. Sang Sơn Đông, ông lại cùng năm người bạn khác ẩn cư ở núi Tô Lai Sơn phía Nam núi Thái Sơn, cùng “ẩm tửu hàm ca”. Người đời thường gọi ''Trúc Khê lục dật”. Năm 42 tuổi, ông xuống Triết Giang, đến Cối Kê ở chung với Đạo sĩ Ngô Quân, lúc đó cũng du lãm Cối Kê. Chính Ngô Quân tiến cử Lý Bạch với Huyền Tông. Xem vậy đủ biết cầu Tiên phỏng Đạo của Lý Bạch có thực, và không hề gián đoạn, cho đến khi ông tham gia cuộc kháng chiến chống Lý Lân.

Có điều là việc cầu Tiên phỏng Đạo của Lý Bạch không giống như các tín đồ khác. Không phải là ông trốn tránh thực tế, mơ ước cuộc đời vị lai tốt đẹp; mà chính là ông tìm trong Đạo giáo một lối sống tự do, thoát khỏi sự trói buộc của xã hội thời đó, phù hợp với tính tình phóng khoáng của ông. Ông vin vào Đạo giáo mà miệt thị tất cả, từ Nghiêu, Thuấn đến Khổng Tử. Ông nói sự nghiệp của Nghiêu, Thuấn có gì đáng sợ, ông chê Khổng Tử hiếu sự, bàn Ngũ Kinh, bạc đầu với chương cú mà không biết gì về kinh bang tế thế! Ông chưa bao giờ làm một đạo sĩ, một ẩn sĩ chính cống. Ông còn tìm mọi cách để ''nhập thế'' là đằng khác. Việc cầu Tiên phỏng Đạo đã để lại trong thơ ông nhiều dấu vết khá rõ rệt. Tư tưởng “phù sinh nhượng mộng”, ''nhân thế vô nhường'' trở đi trở lại trong nhiều vần thơ trước đây đã từng làm nhiều người chịu ảnh hưởng. Tuy vậy, ông không hề theo bước chân của Nguyễn Tịch, Kê Khang, Đào Tiềm lên núi trúc hay về với ruộng vườn.

Tính tích cực của Lý Bạch bắt nguồn từ lòng yêu đời, yêu người tha thiết, từ một hoài bão lớn lao ''cứu thương sinh'' đem trí tuệ, tài năng của mình ra giúp Vua, giúp nước (phấn kỳ trí năng nguyện vi phụ bật). Trong thơ ông, ông thường ví mình với các nhân vật lịch sử như Chu Công, Lỗ Trọng Liên, Trương Lương, Hàn Tín, Gia Cát Lượng, Tạ An Thạch. Cho nên, mặc dầu ông không thi cử như nhiều người khác trong tầng lớp ông, nhưng ông vẫn hy vọng có kẻ đưa ông lên vũ đài chính trị, như Bình Nguyên Quân thời Chiến quốc tiến cử Mao Toại.

Thơ Lý Bạch có một phong cách phóng khoáng, hào hùng, rất đặc biệt. Phong cách ấy gắn liền với nội dung tư tưởng các bài thơ mà cũng gắn liền với nhân cách của nhà thơ. Lời thơ không sắp đặt, không trau chuốt, đẹp một cách tự nhiên. Ông là người chống khuynh hướng chỉ chú trọng thanh luật, đối ngẫu, còn nội dung thì ủy mị. Ông đã thực hiện chủ trương trên vào thi ca. Ông lại là người có tài nên đã làm cho chủ trương đó thắng lợi. Vì vậy, sống giữa thời thịnh Đường mà ông rất ít làm luật thi. Thơ ông chủ yếu là nhạc phủ, ca hành, cổ phong, nghĩa là những thể không gò bó trong một khuôn khổ nào, câu dài câu ngắn xen nhau, dài hay ngắn tùy ý thơ, tùy cảm hứng, không lệ thuộc đối ngẫu, không lệ thuộc vần điệu. Những điều này có đọc nguyên văn mới thấy. Thơ Lý Bạch là thơ trữ tình, diễn tả cõi lòng nhiều hơn là kể lể sự việc. Đọc thơ ông, rất khó biết ông sáng tác trong hoàn cảnh nào, và những chuyện gì xảy ra trong đời ông hoặc trong cuộc sống thực tế, làm cho ông buồn hay vui. Ông để trí tưởng tượng, tình cảm của mình bao trùm lấy cảnh vật, sự vật tạo thành một không khí mờ ảo, rất huyền diệu; có người ví thơ Lý Bạch như con ''ngựa trời bay trên mấy tầng mây'' (thiên mã hành không) lại ví như ''sóng dữ vỗ bờ'' (nộ đào hồi lăng). Nhưng cũng có lúc thơ ông êm ả, dịu dàng, toàn là những âm thanh ngoài dây tơ, và mùi vị, ngoài vị (huyền ngoại âm, vị ngoại vị). Các nhà thơ lớp sau khó lòng bắt chước.

Nhắc đến Lý Bạch, chúng ta không khỏi suy nghĩ cái gì đã tạo nên một nhà thơ, với trái tim khối óc như vậy? Đó là thời đại và cuộc đời đã tạo nên thế giới quan của ông.

Thời đại Lý Bạch là thời đại đế quốc Đường đã đạt tới mức phồn thịnh nhất, nhưng từ điểm cao ấy, cục diện chính trị nhà Đường đã xoay chuyển. Suy cho cùng, sự xáo động của một xã hội đã ảnh hưởng đến tâm tư con người. Lý Bạch sinh ra trong thời đại Khai Nguyên - Thiên Bảo, thời đại thịnh vượng về mặt kinh tế, thống nhất lãnh thổ; nhưng trong lòng chế độ ấy đã mang yếu tố giải thể, mâu thuẫn giai cấp đang diễn ra gay go. Bọn thống trị phong kiến sống trong cảnh thịnh vượng, lo ăn chơi xa xỉ. Huyền Tông suốt ngày chìm đắm trong cảnh nhục dục, phó thác việc Nhà nước cho Lý Lâm Phủ và Dương Quốc Trung.

Lý Bạch còn sống giữa một phong trào thơ ca lãng mạn tích cực. Những nhà thơ có tiếng như Cao Thích, Sầm Tham, Vương Xương Linh, Vương Chi Hoán, Vương Hàn, Thôi Hiệu, Vương Duy v.v. . . đã sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng với tính lãng mạn tích cực. Ông đã sống trong sự bạo động của xã hội và giữa dòng suối thơ ca lãng mạn ấy.

Lý Bạch còn có hiệu là Thanh Liên cư sĩ. Ông sinh ở đâu hiện nay chưa rõ. Vấn đề sinh quán của ông lâu nay được nhiều người bàn cãi. Người thì cho là người Tỉnh Cam Túc, người nói quê ở Tứ Xuyên, Sơn Đông. Ông yêu thích cuộc sống hào hiệp nên đã nói ''gửi thân vào chốn muôn đao, giết người giữa chốn bụi hồng'', nên mới mười lăm tuổi đã giỏi múa kiếm, vì phong trào học Đạo múa kiếm thời ấy gắn với không khí cuộc sống của lữ khách. Lúc nhỏ, Lý Bạch thường đeo kiếm bên mình, sống cuộc đời phóng khoáng và bắt đầu sáng tác thơ ca, tuy loại thơ này chỉ truyền lại rất ít. Ở tuổi niên thiếu, đã tỏ ra khinh thị những thói xấu của bọn quyền quý. Có lần đến huyện Chương Minh, nhân lúc có cô gái đẹp chết đuối, tên quan huyện giả nhân giả nghĩa đã làm bài thơ để “khổ ngâm”:

Cô gái nhà ai tuổi đôi mươi,

Bờ lau trôi dạt đáng thương đời.

Chim rỉa mày xanh đôi nét đẹp,

Cá vờn rỉa tóc miệng son chơi.

Lý Bạch đã sớm nhìn thấy lối chơi chữ và lối nhìn xác thịt của tên Huyện lệnh đối với người con gái xấu số. Ông liền ứng khẩu đọc:

Tóc xanh theo sóng vỗ,

Hồng nhan đuổi sóng đi.

Sao vì gặp Ngũ – tương,

Lòng phải oán thu hồ.

Bị công kích, tên huyện bẽ mặt bỏ đi.

Phong trào viễn du thời Đường rất thịnh, nhiều nhà thơ như Cao Thích, Sầm Tham, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị v.v. . . đều sống qua những ngày viễn du. Vì thế, từ 20 đến 24 tuổi, Lý Bạch cũng bắt đầu viễn du trong đất Tứ Xuyên. Ông đã lên Tán Hoa lâu, cùng những nơi thắng cảnh khác, hoặc vào thị trấn ngắm cảnh. Có nhiều lần trèo lên núi cao đẹp đẽ, đợi đêm thu trăng nhú nửa vành ngâm thơ thưởng nguyệt. Cảnh núi non và thiên nhiêm kỳ thú, tươi đẹp bao la, đã gieo vào lòng thi nhân những tình cảm man mác bay bổng. Ông là người thích ca vũ và múa kiếm, thích đàn cấm, thường gảy đàn ca hát, uống rượu dưới trăng. Tính tình phóng đãng, trọng nghĩa khinh tài, luôn luôn muốn phá tan mọi nỗi bất bình và vung tay kiếm giao chiến với vài ba người một lúc. Trong bốn năm ở Tứ Xuyên, đã làm quen với lối nhìn bao la, rộng rãi, tiếp xúc với cảnh với người.

Năm 25 tuổi ôm ấp trong mình một chí lớn, một lý tưởng cao đẹp. Trong bài Thượng yên châu Bùi trưởng sử thư ông nói: ''Phải nhận rằng cuộc đời kẻ sĩ là tang bồng hồ thỉ (cung dâu tên cỏ hồ) bắn khắp bốn phương, vốn biết kẻ trượng phu phải có chí bốn phương bèn chống kiếm rời quê từ biệt mẹ cha đi viễn du”.

Từ biệt cha mẹ, gia đình và phong cảnh Tứ Xuyên ra đi, không phải là vô mục đích. Hầu hết các Nho sĩ đương thời đều qua thi cử để bước lên võ đài chính trị, nhưng Lý Bạch thì không làm như thế. Lý Bạch không muốn nhốt mình vào lồng thi cử, nhưng lại muốn làm việc để giúp đời cứu người, ắt phải đòi hỏi tham gia chính trị. Đi viễn du để tiếp xúc với nhiều người; nhất là những người có vai vế, để làm cho mình lừng lẫy tiếng tăm, và sẽ có người tiến cử vào triều tham gia chính trị. Rời Tứ Xuyên với tâm hồn bay bổng và niềm lạc quan vô hạn, ông ra đi với tâm hồn rộng mở, thái độ hiên ngang ôm ấp mộng lớn: vào đời, thở hít mạch sống phi thường của thời đại và xã hội, hy vọng tự mình có thể ''phấn chấn trí lực năng lực để làm Tể tướng'' (Thượng yên châu Bùi Trưởng sử thư). Ông liên tưởng đến con chim đại bàng vùng vẫy đôi cánh giữa trời xanh, thẹn cho những phần tử tri thức nói chung đã đi theo con đường khoa cử, và tin ở tài năng của mình. Hăm hở đem tài ra “cứu đời”, ông nói: ''Ôm ấp tài kinh bang tế thế, giữ tiết Sào Phủ, Hứa Do; văn bút có thể làm biến đổi phong tục, tài học có thế cứu vớt mọi người trong thiên hạ'' (Vi tống trung thừa tự tiến biểu), lại nói: ''Tuy mình cao không đầy sáu thước (thước Trung Quốc thời cổ bằng 1/3 mét) mà lòng hùng mạnh bằng vạn sĩ phu”.

Rời Tứ Xuyên, ông đi qua Hà Bắc, Hồ Nam, Sơn Đông, Sơn Tây, Giang Tô, An Huy, Triết Giang (kể theo tỉnh ngày nay) tức là qua các khu vực trung và hạ lưu Trường Giang và Hoàng Hà. Những danh lam thắng cảnh nơi đây đều ghi dấu chân của thi sĩ phóng đãng đó. Ông đã làm thân được nhiều bạn hữu, các quan lại địa phương hoặc các nhân vật lạc phách anh hùng, đồng thời cũng phần nào thấy được đời sống của nhân dân. Từ Hồ Bắc đi tới Tương Dương, rồi ở lại Tương Dương trong thời gian ngắn ngủi, ông đã viết: Tương Dương khúcTương Dương ca. Khi đi về Kim Môn Võ Hán cùng với người bạn là Ngô Chí Nam, đến Động Đình thì bạn chết, ông đau đớn vô cùng. Sau khi đã tự mình chôn cất bạn ở bên hồ, một mình lại lặng lẽ ra đi. Thời gian sau trở lại Động Đình, ông còn bốc mộ Ngô Chí Nam đem về chôn ở Võ Xương, điều đó chứng tỏ tình bạn ở ông rất sâu đậm. Tính ông trọng nghĩa khinh tài, trong bài Tặng hữu nhân có nói: ''Đời người quý ở chỗ hiểu nhau, hà tất phải vàng với tiền''.

Từ Tứ Xuyên, ông tới Yên Lục (Hồ Bắc) được ba năm, thì kết hôn với cháu gái quan Tể tướng Hứa Vũ Sư. Năm ấy 27 tuổi, tạm thời lấy đất Yên Lục làm trung tâm để đi du lãm nhiều nơi khác, trở về lại nghỉ ngơi ở đấy. Vợ là một phụ nữ có tài, có học, đã có lần làm thơ tặng chồng, và ông cũng làm nhiều thơ tặng vợ. Từ năm 27 tuổi đến năm 35 tuổi đã đi qua nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều xã hội nên tầm mắt thêm mở rộng, đề tài sáng tác càng phong phú hơn. Trong cuộc hành trình dài rộng gần nửa đất nước Trung Quốc ấy, ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ, ca tụng núi sông hùng vĩ, lạ kỳ, nhiều bài thơ lấy đời sống xã hội làm đề tài cũng xuất hiện. Khi gặp một số quan lại địa phương tốt, có thể tin cậy được, ông có viết thư nói rõ chí nguyện của mình, yêu cầu họ dìu dắt nhưng đã thất vọng. Đối với những tên quan lại nhố nhăng, hủ bại mà ông đã gặp như Thái thú Võ Hán thì định tiến cử ông cũng không thèm. Thời gian ấy, tâm tình hào phóng lãng mạn đã phát triển lên cao, ông truy cầu tự do giải phóng cá tính. Phong cách thơ lãng mạn đã hình thành ở ông. Thời gian này đã cho ra một loạt các bài du Tiên học Đạo. Nhưng đó cũng chỉ biểu hiện một khía cạnh của tính truy cầu tự do, một loại yêu cầu giải phóng bản thân mà thôi. Cầu Tiên phỏng Đạo lúc này cũng là một hoạt động xã hội. Bởi vì đời Đường rất coi trọng Đạo giáo. Một số người muốn làm chính trị tất phải học cả thứ Đạo mà triều đình đang đề cao. Nhưng cái chính là Đạo giáo rất phù hợp với cách sống của Lý Bạch.

Thời gian ở Hồ Bắc đã gặp nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên. Mạnh Hạo Nhiên hơn ông 11 tuổi và lúc này đã về ở ẩn, uống rượu ngâm thơ. Trong bài thơ Tặng Mạnh Hao Nhiên, Lý Bạch viết: ''Ta yêu Mạnh Hạo Nhiên, phong lưu thiên hạ biết”. Những nhà thơ đời Đường làm bạn với Lý Bạch có Mạnh Hạo Nhiên, Vương Xương Linh, Đỗ Phủ, Giả Chí, Hạ Tri Chương. Tình bạn giữa ông và Mạnh cũng có thể hiện trong bài thơ: Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng[1].

Năm 35 tuổi Lý Bạch rời Yên Lăng đi về miền Bắc qua các tỉnh Sơn Tây, Thái Nguyên, và được Nguyên tham quân là con một ông quan biên phòng mới về nhà tiếp đãi rất hậu. Ở đây, ông gặp người lính phạm pháp Quách Tử Nghi và đã đứng ra xin cho anh ta được miễn tội. Hai mươi năm sau, Quách Tử Nghi trở thành một danh tướng của Đường Túc Tông.

Ở Thái Nguyên một thời gian, Lý Bạch lại lên đường đi về phía Tề, Lỗ. Ba năm sau tới Sơn Đông, ở đây ông đã cùng năm người bạn: Khổng Sào Phủ, Hàn Chuẩn, Bùi Chính, Trương Thúc Minh, Đào Miện cùng ẩn ở Tô Lai Sơn. Lý Bạch cùng họ kết bạn, ngày ngày uống rượu ngâm thơ. Người đương thời gọi họ là “sáu vị ẩn dật ở Trúc Khê”. Họ đã sống với nhau thân thiết như anh em, đã ''ba người cùng đi chung hai đôi giày”.

Rời Sơn Đông, Lý Bạch đi tới An Huy, Giang Tô, Triết Giang. Như vậy là từ khi lấy Yên Lục là trung tâm để đi viễn du, đến đây đã chẵn mười năm. Mười năm đó là mười năm ''uống rượu và ở ẩn chốn Yên Lục liên tiếp” nhưng đó lại là dịp đi sâu vào xã hội, tích lũy nguồn sáng tác. Giờ đây, thơ ông mở rộng phạm vi đề tài; từ thiên nhiên đến xã hội. Những bài như Đinh đô hộ ca cũng viết vào lúc này, chứng kiến cảnh quan phủ bắt người dân kéo thuyền chở đá ngược sông Vân Dương dưới trời nắng hạ chang chang.

Vào những năm nhà thơ 38, 39 tuổi là lúc Đường Huyền Tông muốn mở mang bờ cõi, đã thi hành chính sách khai biên tàn khốc. Biết bao người bị bắt đi phu dịch, binh lính. Lý Bạch đã chính mắt nhìn thấy cảnh ấy. Trong những bài Ô dạ đề Cổ phong ngũ thập cửu thủ, ông đã đề cập đến những vấn đề ấy với thái độ rõ ràng căm ghét bọn thống trị hủ bại, và trên mức độ nhất định đã đồng tình với nhân dân.

Sau này, Hạ Tri Chương đọc bài Ô dạ đề đã phải khen ''có thể làm cho quỷ khóc thần sầu”. Còn trong Cổ phong thứ 14 đã viết: ''Ba mươi sáu vạn người dòng dòng nước mắt tuôn rơi”.

Năm 42 tuổi (742), Lý Bạch qua Thái Sơn, gặp đạo sĩ Ngô Quân. Bấy giờ Ngô Quân được Vua triệu mời vào cung, bèn tiến cử Lý Bạch. Chính lúc đó chị em Dương Quý Phi cũng mộ tài nhà thơ nên muốn ông được vào cung, đã xúc tiến Vua triệu vời Lý Bạch.

Vào tới triều đình, chính Vua đã xuống xe nghênh tiếp và tự tay chan canh tiếp đãi ông. Vua còn nói: ''Người chính là hạng áo vải nhưng tiếng tăm lừng lẫy, vì thế Trẫm đã biết đến. Nếu Trẫm không phải là người trọng đạo nghĩa, thì ngươi đâu có được như vậy”. Vua đã hỏi về quốc sách, giao cho ông thảo nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có bức thư trả lời giặc Phiên và cho làm trong Hàn Lâm viện. Hàn lâm viện không phải là chức quan, đó là nơi tụ tập các phần tử trí thức giỏi trong nước lại được Vua nuôi, khi cần thiết đưa ít việc làm, còn bình thường nhàn rỗi. Lúc này, Đường Huyền Tông đã hủ bại hết sức. Vì phục tài Lý Bạch nên triệu vào cung, gọi Lý Bạch đến, sai làm những bài nhạc phủ mới để hát. Lý Bạch vốn là người có bản lĩnh, tưởng rằng Vua biết đến nhất định sẽ có ngày làm nên sự nghiệp. Nhưng khi thấy nguyện vọng của mình không tài nào thực hiện được, mà lại thành kẻ mua vui cho nhà Vua ông đã buồn là chán ghét cảnh đó. Có lần, Vua gọi tới làm thơ, ông bèn uống rượu say mềm, bước đi chếnh choáng. Và thực tế Lý Bạch đã sáng tác bài thơ trong dịp nhà Vua hành lạc ở cung điện hoặc thưởng thức hoa mẫu đơn với Dương Quý Phi. Kể ra lúc đó, ông cũng rất lấy làm hãnh diện, nhưng ít lâu sau ông đâm ra buồn bực vì thấy bao nhiêu hy vọng của mình đều trở thành ảo tưởng. Vào triều mà vẫn không có cơ hội thi thố tài năng và gây dựng sự nghiệp. Cuộc sống của Lý Bạch ở Trường An chỉ còn là đánh bạn với một số danh sĩ ''ẩm tửu hàm ca”, lập ra cái nhóm gọi là “tửu trung bát Tiên”. Ông bắt đầu chán ghét bọn cận thần, và bọn chúng cũng bắt đầu gièm pha ông. Cuối cùng, ông xin ra khỏi triều đình, tiếp tục cuộc đời giang hồ của mình. Những bài thơ sáng tác hồi này không còn lạc quan, phấn chấn như xưa nữa. Ông vẫn dùng những đề tài như uống rượu, múa kiếm, thưởng trăng, ngắm cảnh, du tiên; nhưng trước kia là tin tưởng ở tài mình, tin tưởng ở tương lai mà nay là buồn nản trước thực tế.

Đỗ Phủ làm bài thơ tả Lý Bạch say mềm trong quán rượu, có đoạn viết:

Lý Bạch một hũ thơ trăm bài,

Quán rượu Trường An, cứ nằm dài.

Vua gọi lên thuyền không thèm đáp,

Tự xưng khách rượu chốn Tiên đài.

(Ấm trung bát tiên ca)

Ba năm ở Trường An, nhà thơ đã chính mắt nhìn thấy cuộc sống của bọn thượng lưu quý tộc. Không những thấy sự sống hủ bại của giai cấp thống trị phong kiến, mà còn mục kích nhiều hành vi độc ác của bọn cường hào quý cận. Những cảnh hiện thực như Huyền Tông lập trường chơi chọi gà, nên có những người chỉ chuyên nuôi gà chọi, cũng phong tước đến Công khanh. Nhân dân lúc bấy giờ đã mỉa mai “ai ơi sinh con chẳng cần học chữ, chọi gà cưỡi ngựa hơn hẳn học hành”. Căm phẫn bọn này, và thấy lý tưởng của mình khó mà thực hiện nổi, nên ông xin Vua cho ra khỏi cung đình. Vua và triều đình vốn ghét thái độ kiêu ngạo của ông , nên cho ông ra và cấp cho một số tiền. Rời bỏ Trường An, và cuộc sống ngắn ngủi ba năm ở cung Vua đã kết thúc như thế đấy. Tuy vậy, Lý Bạch vẫn tự tin và lạc quan.Trong bài thơ Ly biệt Trường An ông viết:

Còn có thể trông cậy vào tài lực của mình,

Không xấu hổ là một kẻ anh hùng trên trần thế.

Khi ghét, ông dám nói thẳng rằng, triều đình đã ''lấy châu ngọc mà mua tiếng cười điệu hát và lấy tấm cám nuôi dưỡng hiền tài'' (Châu ngọc mãi ca tiếu, Tao khang dưỡng hiền tài). Và trong thời phong kiến, chỉ có Lý Bạch mới có gan đặt Đạo chích cạnh Nghiêu, Thuấn trong cùng một vần thơ:

Thế vô tẩy nhĩ ông,

Thùy tri Nghiêu dữ Chích.

(Đời mà thiếu Hứa Do,

Nghiêu, Chích nào ai rõ).

Ra khỏi Trường An, Lý Bạch đi về Lạc Dương, ở đây ông đã gặp Đỗ Phủ. Lúc này Đỗ Phủ mới 33 tuổi, kém Lý Bạch 11 tuổi. Lý Bạch đã nổi tiếng toàn quốc, còn Đỗ Phủ chưa thành danh. Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà thơ vĩ đại tuy không lâu nhưng đã có ý nghĩa lớn. Họ đã gặp nhau và trở nên đôi bạn thân. Chính Đỗ Phủ lúc này cũng đang sống đời phiêu lãng như tuổi trẻ Lý Bạch, nên vừa mới gặp nhau ông đã bị hấp dẫn bởi tài nghệ phi thường của Lý Bạch. Không bao lâu hai người lại đi tới Khai Phong, đến đây họ gặp một nhà thơ lưu lãng khác, đó là Cao Thích. Cả ba người đưa nhau sang Sơn Đông săn bắn. Sau khi chia tay Cao Thích, hai ông vẫn ở lại Sơn Đông ngao du sơn thủy. Như vậy là khi gặp Mạnh Hạo Nhiên, Vương Xương Linh, Hạ Tri Chương; đến đây lại cùng Đỗ Phủ và Cao Thích kết bạn. Đỗ Phủ chịu ảnh hưởng của Lý Bạch. Khi Hạ Tri Chương giới thiệu Lý với Đỗ cùng nói: “Đây là vị Tiên trên trời đày xuống trần gian''. Họ chỉ sống với nhau hai năm rồi chia tay. Từ đó về sau họ không gặp nhau nữa, mà chỉ gửi gắm tình bạn qua thơ văn. Đỗ Phủ đã làm nhiều bài thơ nhớ Lý Bạch, có thể nói Đỗ Phủ là người hiểu Lý Bạch nhất. Trong bài Bất biến (Không thấy), Đỗ Phủ viết:

 Người đời muốn giết anh,

Riêng ý tôi thương tài.

Vẫn tiếp thơ trăm bài,

Phiêu linh rượu một chén.

Sau khi cùng Đỗ Phủ chia tay, Lý Bạch lại tiếp tục viễn du trong mười năm nữa (144-155). Cuộc viễn du lần này khác những lần trước. Cuộc sống bản thân có khó khăn hơn, những tiếng tăm bản thân đã vang lừng bốn cõi, đi đến đâu cũng được tiếp đón, các quan địa phương giúp ông và tạo điều kiện để ông có thể tiếp tục viễn du về Sơn Đông, Hà Nam và hạ lưu Sông Trường Giang. Cuộc sống bây giờ không còn lắm bạc nhiều tiền như xưa, ông nói: "Trở về không của cải, việc đời dễ đổi thay”. Ông đã sống những ngày ăn uống không đầy đủ khi ở Khai Phong, cũng như Khổng Tử hồi ở Trần xưa kia. Bắt đầu nếm mùi vị của cuộc sống quẫn bách, ông đã nhận thức xã hội sâu sắc hơn, nên thơ cũng không còn sôi nổi như hồi còn trẻ nữa. Nền thống trị mục nát, nỗi khổ của nhân dân vì sự bóc lột quá tàn bạo của giai cấp thống trị, đã trở thành vấn đề ông quan tâm. . .

Năm 755, loạn An Lộc Sơn nổ ra. An Lộc Sơn mang 15 vạn quân từ Phạm Dương (gần Bắc Kinh) tiến về Lạc Dương và Trường An. Đường Huyền Tông không còn cách gì chống đỡ. Ngày 12-6-755, dắt cả bầu đoàn thê tử chạy vào đất Thục, và ra lệnh cho Lý Lân (con thứ 18) bảo vệ miền Trung. Lý Lân tổ chức quân đội chuẩn bị tiến về Trường An. Lúc bấy giờ con thứ 14 của Đường Huyền Tông đã lên ngôi ở Linh Vũ gọi là Đường Túc Tông, và từ Phượng Tường, Túc Tông cũng chuẩn bị lực lượng để chống An Lộc Sơn. Lúc này, Lý Lân âm mưu giết Túc Tông, cho nên Túc Tông đưa kéo quân đến giết Lý Lân trước. Lý Bạch tham gia quân đội của Lý Lân đã bị bắt và kết tội chém, may nhờ người ân nhân cũ Quách Tử Nghi xin cho khỏi tội chết, sau đó bị đày đi Dạ Lang. Thế là ở tuổi 58, ông phải đau đớn từ biệt vợ con đi đày xuống Giang Nam (tỉnh Quý Châu).

Hai năm sau, ông được ân xá, vì năm ấy hạn hán, Vua lại làm lễ phong Vương cho Thái tử, nên Túc Tông mới mở lòng ''từ bi'' tuyên bố đại xá. Lúc trở về Lý Bạch đã sáu mươi tuổi, tuy già nua sức yếu, nhưng tráng trí vẫn còn. Về sáng tác, ngòi bút của ông đã nhuần nhuyễn hơn, ông tự nhận mình phải có trách nhiệm ''cải biến văn phong”. Nghĩ đến sức mình già yếu, ông lo lắng nói: ''Đã từ lâu không ai sáng tác tiểu nhãn. Ta già yếu, lấy ai tiếp tục làm”. Năm 761, nhân lúc Sử Triều Nghĩa giết Sử Tư Minh, thế lực An Lộc Sơn đã yếu, Đường Thái úy nhân lúc thế giặc suy, liền đem mười vạn quân đánh Sử Triều Nghĩa, Lý Bạch còn đưa đơn tòng quân, nhưng đi được nửa đường thì ông bị bệnh, trở về và năm sau qua đời, thọ 62 tuổi.

Những nét chính rút ra từ cuộc đời Lý Bạch:

1 - Cuộc đời Lý Bạch, từ năm 20 tuổi đến khi mất, trừ ba năm ở triều đình, còn lại cuộc đời là viễn du, ông đã thực hiện đúng câu ca dao Trung Quốc: ''Độc phá vạn quyền thư, hành phá vạn lý lộ'' (Đọc nát vạn cuốn sách, đi hết vạn dặm đường). Từ nhỏ đến lớn ông đã học nhiều, học cả Nho và Lão, ông đã đi viễn du nhiều nơi, tiếp xúc nhiều với thực tế xã hội, từ cung đình cho đến nơi thôn dã hẻo lánh.

2 - Cuộc đời Lý Bạch thích hào phóng, nhiều khi muốn sống như một hiệp khách, bất chấp cả quyền quý thích cuộc đời ngang tàng bay bổng. Đã có lần đi cầu Tiên học Đạo, nhưng đó không phải là cứu cánh mà là phương tiện hoạt động chính trị.

3- Cuộc đời ông luôn luôn quan tâm đến chính trị. Không chịu gò mình vào thi cử nhưng vẫn muốn làm quan to để thực hiện ý tưởng của mình. Tuy vậy chưa bao giờ được làm quan. Ông là người lạc quan tin ở chính mình, tài mình, sức mình. Đã hai lần đầu quân, đó là một vinh dự lớn của ông.

4 - Ông sáng ở thời đại nhà Đường chuyển từ thịnh đến suy về chính trị, nhưng văn học vẫn ở trên đà phát triển. Cuộc đời ông đã trải qua nhiều lần bất đắc chí, lúc ở Trường An cũng như lúc bị đi đày.

Lý Bạch đã để lại cho đời hơn 1000 bài thơ[2], đó là những sáng tác đạt đến đỉnh cao của thơ ca đường luật, có giá trị trường tồn còn mãi đến ngày nay.

DIỆU HOÀNG và L.Đ.N




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389410310503278/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận