OVIDUS NASO PUBLI (43 Tr.CN - 17 S.CN)
NHÀ THỜ LA MÃ CỔ ĐẠI
Ovidius (Ôvid, Chữ Pháp: Ovide) là nhà thơ lớn La Mã thời đế chế Ôguytxtơ.
Ông sinh ra trong một gia đình kỵ sĩ giàu có, được trang bị một nền học vấn chắc chắn, thuận theo niềm mong ước của người cha muốn con trai trở thành một nhà hùng biện để bước vào hoạt động chính trị. Thế nhưng ý định ấy không thành. Như một nhu cầu tự nhiên, hợp với sở thích và trái tim đa cảm, ông đã mê thơ văn, chủ động làm quen với một số nhà thơ danh tiếng La Mã đương thời. Điều này làm cho cha ông hết sức giận dữ. Năm 18 tuổi, Ovidius thực hiện một cuộc du lịch dài ngày để tìm hiểu đất nước Hy Lạp, vùng Tiểu Á và Đảo Sicile. Khi trở về La Mã ông nhận một chức vụ tầm thường trong bộ máy Nhà nước cốt để mưu sinh. Niềm đam mê lớn nhất lúc này của Ovidius là sáng tác. Ông chủ trương sáng tác độc lập, không muốn tham gia vào đội ngũ những văn nghệ sĩ được Nhà nước bảo trợ và sáng tác theo đường lối chính trị của đế chế. Ông viết thơ về tình yêu, viết bi kịch Mêđê, viết trường ca Biên hóa và Phaxtơ, những sáng tác của ông trong thời gian này nhanh chóng được giới tri thức và công chúng biết đến với niềm thán phục, hâm mộ. Thơ ông ca ngợi sự đam mê và nhục cảm cá nhân, những ước muốn lành mạnh, thầm kín của con người.
Ôguytxtơ cho rằng, thơ Ovidius đã làm ảnh hưởng đến phong hóa, đạo đức với những định kiến nghiêm khắc của Nhà nước đế chế đang chủ trương, nên ra lệnh trục xuất nhà thơ ra khỏi La Mã, đày ông sang tận Tômơ, một địa phương hẻo lánh thuộc Tây Bắc đế quốc La Mã. Trong thời gian bị lưu đày ở đây, Ovidius đã xin Ôguytxtơ cho chuyển đến một nơi khác khí hậu đỡ khắc nghiệt hơn, nhưng lời thỉnh cầu không được chấp nhận. Ông chết trong sự cô đơn nơi đất khách quê người.
Sáng tác của Ovidius được chia làm ba chặng: Chặng thứ nhất từ năm đầu đến năm 1 - 2 sau CN tập trung chủ đề tình yêu, gồm những tập thơ Tình ca, Hêrôit, Nghệ thuật yêu đương, Liều thuốc chữa bệnh yêu đương; và vở kịch Mêđê. Chặng thứ hai, từ năm thứ 2 đến năm thứ 8 S.CN, gồm hai trường ca với chủ đề thần thoại Biến hóa và Phaxtơ. Chặng cuối cùng từ năm thứ 8 đến năm 18, gồm tập thơ Sầu muộn; Thư gửi, Pôngxa, viết trong những năm tháng bị đi đày với nhiều tình cảm riêng tư, nỗi sầu xa xứ...
Thơ ca Ovidius biểu hiện một khuynh hướng mới của thời đại - khát vọng và ý thức cá nhân, được nảy nở nhiều mầm sống sâu khuất của con người đòi bộc lộ, bất chấp các kiêng kỵ những định kiến trói buộc. Chính vì thế đến thời kỳ Phục hưng ở Châu Âu, thơ Ovidius dường như được hồi sinh, truyền tụng và hâm mộ nhiệt liệt. Ông là người nghệ sĩ đã đi trước thời đại của mình với một tinh thần nhân văn cao cả, vì lương tri và vẻ đẹp nhân tính của con người.