Tài liệu: Kaliđasa (khoảng thế kỷ IV - V) nhà thơ vĩ đại nhất của Ấn Độ cổ đại

Tài liệu
Kaliđasa (khoảng thế kỷ IV - V) nhà thơ vĩ đại nhất của Ấn Độ cổ đại

Nội dung

KALIĐASA (KHOẢNG THẾ KỶ IV-V)

NHÀ THƠ VĨ ĐẠI NHẤT CỦA ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI

 

Kaliđasa là nhà thơ vĩ đại nhất chuyên viết bằng tiếng Phạn của Ấn Độ. Song người ta lại biết quá ít về cuộc đời con người vĩ đại này. Theo các truyền thuyết, ông vốn thuộc dòng dõi đẳng cấp Bàlamon. Ông mồ côi cha mẹ và được một người chăn cừu nuôi. Lớn lên, ông ít được học và có phần hơi đần, nhưng lại rất đẹp trai. Một nàng Công chúa mê Kaliđasa và xin Vua cho lấy làm chồng. Vì yêu chồng, nàng Công chúa cầu xin nữ Thần Kali truyền cho chàng trí tuệ. Và, thế là từ đó chàng trở nên thông minh và có tên là Kaliđasa (kẻ nô lệ của nữ Thần Kali).

Tuy những tài liệu còn lại quả ít ỏi, nhưng các nhà nghiên cứu biết chắc là Kaliđasa sống và sáng  tác vào giai đoạn trị vì của hai vị Vua Sanđra Gupta II và Kumaragupta I (676-450) - thời đại hoàng kim của văn hóa Ấn Độ Cổ đại. Kaliđasa được coi là chiếc Vương miện của làng thơ trong đội ngũ chín nhà văn hóa lớn hay thường gọi chín viên ngọc quý của Vua Sanđra Gupta. Thời đại đã buộc Kaliđasa phải gắn mình với những truyền thống văn học xưa của Ấn Độ. Song ông đã dễ dàng vượt lên khỏi truyền thống để đưa cảm xúc riêng vào những tác phẩm do mình sáng tác. Qua tác phẩm của ông, chúng ta thấy ông là con người rất thông cảm với nỗi đau của người khác, rất yêu quý phụ nữ, trẻ em, hoa lá, cỏ cây, chim muông và súc vật. Ngòi bút của ông đã viết ra nhiều tác phẩm kịch và thơ, trong đó ba vở kịch Malavika và Agnimitab, Phần thưởng của lòng dũng cảm Lại nhận ra được nàng Sakuntala (gọi tắt là Sakuntala); hai bài thơ dài: Sự ra đời của Thần Chiến tranh, Dòng dõi Ragu và hai bài thơ vừa Đám mây sứ giả, Thời gian của năm đã trở thành những tác phẩm bất hủ.

Đám mây sứ giả, một tác phẩm ngắn khoảng gần 100 câu thơ, đã trở thành một trong những đoản ca được yêu thích nhất ở Ấn Độ. Đám mây sứ giả là một bài thơ mang tính thống nhất và hài hòa về nội dung, gây một ấn tượng hoàn mỹ nhất cho người đọc. Nhân vật chính của đoản ca là Yaksha (thần Thần) sống trong thành phố Thiên thần Alaka ở Hymalaxya. Vì làm trái lời ông chủ của mình là Thần Kubera (Thần tài), nên Yaksha bị lưu đầy tới vùng Núi Ramagivu. Đối với nhân Thần bị lưu đày này, xa cách người vợ xinh đẹp là cả một cực hình đau đớn. Một hôm, vào đầu mùa mưa, Yaksha nhìn thấy một đám mây đang lững lờ trôi về phía Bắc. Đột nhiên, một nỗi buồn trào dâng, và vị Thần đã gửi theo đám mây nỗi nhớ nhung sầu muộn tới người vợ ở phương Bắc xa xôi. Sau mấy câu thơ mở đầu, toàn bộ bài thơ là những tâm tư và Yaksha giãi bầy với đám mây. Thoạt đầu vị Thần trẻ tuổi kể cho mây nghe về đoạn đường dài mà mây phải đi qua để tới vùng núi phía Bắc, nơi vợ Thần đang ngày đêm trông ngóng. Bằng những vần thơ bất hủ, Kaliđasa đã mô tả các vùng quê của đất nước Ấn Độ xinh đẹp từ miền cực Nam tới miền cực Bắc. Kaliđasa, bằng thiên tài của mình, đã nâng thể loại trường ca Ấn Độ Cổ đại lên một đỉnh cao chưa từng có.

Sự ra đời của Thần chiến tranh có thể gọi là tác phẩm thơ mang tính tôn giáo. Tuy tất cả những nhân vật thuộc về thế giới siêu nhiên, nhưng trong trường ca vẫn chủ yếu toát lên không khí của thiên nhiên và cuộc đời trần thế. Bản trường ca mở đầu bằng những câu thơ tuyệt vời mô tả Núi Hymalaya hùng vĩ, sau đó kể về tình yêu và hôn nhân của Thần Shiva với nàng Parvati kiều diễm. Trường ca cũng kể về sự ra đời của một vị Thần Chiến tranh Kumara - con trai của Shiva và Parvati. Những đoạn thơ trữ tình trong trường ca Sự ra đời của Thần Chiến tranh là áng thơ hay hiếm thấy trong nền văn học triết học - tôn giáo của Ấn Độ Cổ đại.

Trường ca Dòng dõi Ragu là một tập sử biên niên bằng thơ gồm 19 bài thơ nói về các triều đại theo truyền thuyết thuộc dòng dõi Mặt trời. Đó là tổ tiên xa xưa của Hoàng tử Ram, người anh hùng trong sử thi Ramayana. Tuy mang tính tự sự lịch sử nhưng bài trường ca này có nhiều đoạn mô tả sinh động về đời sống cung đình, về cuộc sống của các Hoàng tử và đạo sĩ, về các cuộc săn bắn, về phong tục cưới, hỏi... của đất nước Ấn Độ thời bấy giờ.

Ngoài tài làm thơ, Kaliđasa còn là nhà viết kịch vĩ đại. Các nhà nghiên cứu coi Kaliđasa là Shakespeare của Ấn Độ và xếp ông vào hàng ngũ các kịch gia vĩ đại nhất của nhân loại. Trong ba vở kịch mà Kaliđasa đã viết, thì Sakuntala là nổi tiếng hơn cả. Nó được đánh giá cao nhất không chỉ ở Ấn Độ mà ở cả phương Tây. Vở kịch mở đầu bằng cảnh đi săn của Vua Đusianta. Ngài đuổi theo con hươu và lạc đến am thất của ẩn sĩ Kanva. Lúc đó ẩn sĩ không có nhà vì thế đức Vua đã gặp và đem lòng yêu cô con gái nuôi có sắc đẹp mê hồn của ẩn sĩ là nàng Sakuntala, con gái của Thánh sứ Visvamitra và Tiên nữ Mênaka. Nhà Vua và Sakuntala đã tỏ tình với nhau và thuận lấy nhau theo kiểu ganđharva (kiểu kết hôn vì tình, không cần sự ưng thuận của cha mẹ). Sau ít ngày chung sống, trước khi về triều, nhà Vua tặng Sakuntala một chiếc nhẫn và hứa sẽ tìm lại nàng.

Vì vô ý phạm một thất thố với một vị đạo sĩ ghé qua nhà, nên Sakuntala đã bị ông ta trừng phạt bằng câu chú khiến nhà Vua quên hẳn nàng. Lúc đã mang thai, Sakuntala lên kinh đô tìm gặp nhà Vua. Trên đường, nàng sơ ý đánh rơi chiếc nhẫn xuống sông. Vì bị đã bị nguyền, nên khi gặp nhau nhà Vua không nhận ra nàng và từ chối nàng.  Thương con gái đau khổ, tiên nữ Mênaka đưa Sakuntala về trời. Tại thiên giới nàng sinh hạ được một con trai và đặt tên cho con là Bharata (vị thủy tổ của các anh hùng trong sử thi Mahabharata).

Một thời gian sau, một người đánh cá bắt được một chiếc nhẫn của Sakuntala trong bụng một con cá và nộp lên cho nhà Vua Đusianta. Nhìn thấy chiếc nhẫn, nhà Vua bỗng trở lại bình thường và nhớ lại tất cả. Lập tức ngài cho đi tìm Sakuntala, nhưng không thấy; thông cảm với vị Vua đau khổ, các Thần đưa ngài lên đỉnh núi Himalaya. Tại đây, nhà Vua đã gặp được con trai và lại được đoàn tụ cùng Sakuntala.

Vở kịch Sakuntala từ lâu đã chinh phục người đọc ở cả phương Đông và phương Tây trong suốt nhiều thế kỷ, ngay đại thi hào Goethe đã phải thốt lên: ''Hương thơm của Mùa xuân, quả chín của Mùa thu tất cả những gì làm lòng người náo nức mê say và nuôi dưỡng con người và tất cả trời đất bao la đều đã thu tóm lại trong một tiếng duy nhất: Sakuntala”.

Kaliđasa, một tài năng thi ca của đất nước Ấn Độ đã góp vào kho tàng của nhân loại những viên ngọc vô giá.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389409368784528/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận