Tài liệu: Lucien De Samosate (Luyxiêng Đơ Xamosat, khoảng 125 đến khoảng 192) nhà văn Hy Lạp cổ đại

Tài liệu
Lucien De Samosate (Luyxiêng Đơ Xamosat, khoảng 125 đến khoảng 192) nhà văn Hy Lạp cổ đại

Nội dung

LUCIEN DE SAMOSATE (LUYXIÊNG ĐƠ XAMOSAT,

KHOẢNG 125 ĐẾN KHOẢNG 192) NHÀ VĂN HY LẠP LẠP CỔ ĐẠI

 

Lucien là nhà văn Hy Lạp Cổ đại, sinh tại Thành Xamôdat và mất tại Ai Cập, con một gia đình nghèo. Nhập môn nghiên cứu nghệ thuật hùng biện, sau đó học cả tu từ học, thơ ca và triết học, đi diễn thuyết và du lịch nhiều nơi. Có thời kỳ được chính quyền của đế quốc La Mã bổ nhiệm làm quan chức tư pháp Ai Cập. Khoảng 165-180, sống ở Athènes; viết tiếp tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, lúc đầu phần lớn là các luận văn hùng biện. Sau đó chế độ nô lệ của đế quốc La Mã lâm vào khủng hoảng kéo theo sự xuống dốc của hệ tư tưởng, chính trị, triết học, đạo đức thì nghệ thuật hùng biện mất tác dụng, ông chuyển sang viết các tác phẩm châm biếm. Trong đó xây dựng những hình tượng điển hình về các nhân vật: nhà tu từ học ba hoa, nhà triết học bất lương, nhà sử học cung đình giả dối, tu sĩ bịp bượm bậc thầy... Lucien đã phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần đang suy tàn của đế quốc La Mã. Thể loại văn học chính mà ông sử dụng trong giai đoạn này là đối thoại trào phúng, trong đó ông vận dụng sáng tạo các di sản văn hóa Cổ đại để kết hợp với những thành tựu của triết học và hài kịch cổ điển. Nhân vật chính trong tác phẩm trào lộng của Lucien còn là những người nghèo khổ, người lao động, những lãnh chúa nhỏ, nhà triết học yêu tự do. Những quan điểm tiến bộ đã dẫn ông đến với triết học duy vật của Democrite và Epicure (Đêmôcrít và Êpiquya). 84 tác phẩm còn lại của ông bao gồm nhiều thể loại: tiểu luận, thư từ, diễn văn tư pháp, hài hước, nhại bi kịch... Lucien là kẻ thù của tôn giáo - đa Thần giáo và cả Đạo Cơ đốc. Tinh thần phê phán thực tại, lòng mong muốn cải tạo thế giới trên cơ sở sự công bằng, thái độ hoài nghi, phê phán phủ nhận đối với tất cả các tôn giáo, tính xã hội sắc xảo của nghệ thuật trào phúng, cũng như tinh thần đả phá luật nguỵ biện đã khiến cho ông trở nên lừng danh. Tinh thần ấy được thể hiện trong các tác phẩm Đối thoại của những người chết, Ca ngợi con ruồi, Đối thoại của các vị thần, Prométhée hay Caucase, Đối thoại ở dưới biển, Về cái chết của Pêrêgrínuyx... Đó còn là những kho tư liệu vô giá về lịch sử phát triển và tôn giáo thời kỳ ông sống.

Sự nghiệp sáng tạo của Lucien cùng với tư tưởng duy vật, tinh thần chống tôn giáo và tiếng cười châm biếm cay độc, sâu sắc có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của văn học châu Âu, đến các đại biểu nổi tiếng nhất của thời đại Phục hưng và ánh sáng (Unrich Vôn Hultaine, Rabelais, Mori shakespeare, Voltaire, Diderot, Goethe...). A.I. Gherxen nhà dân chủ cách mạng Nga đánh giá rất cao Lucien, còn F.Engels gọi ông là “Voltaire của thời Cổ đại Cổ điển”.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389407899097028/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận