ĐỖ PHỦ (712-770)
Là nhà thơ hiện thực yêu nước nổi tiếng đời nhà Đường (Trung Quốc), tự Tử Mỹ, hiệu Thiếu Lăng, quê gốc ở vùng Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc; sau tổ phụ rời đến huyện Củng, tỉnh Hà Nam. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại và có truyền thống văn học, thuở nhỏ mới bảy tuổi đã làm thơ. Con đường thi cử của ông không thành đạt, cả đời chỉ giữ chức quan nhỏ, nhiều khi phải sống trong cảnh túng thiếu vì loạn lạc. Đỗ Phủ từng kết thân với nhà thơ lãng mạn nổi tiếng Lý Bạch, có thời cùng nhau đi du ngoạn săn bắn. Khi có loạn An Lộc Sơn thời Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, ông chạy theo Vua nên được cử làm Gián quan, nhưng vì thẳng tính nên bị Vua ghét bỏ, treo chức, cho về nhà. Về cuối đời ông phải đưa gia đình trôi dạt từ Tứ Xuyên qua Hồ Bắc, Hồ Nam, cuối cùng chết ở Lỗi Dương vào mùa Đông năm 770.
Tác phẩm của Đỗ Phủ còn lại Đỗ lăng tập gồm 1453 bài thơ theo các thể ngũ ngôn, thất ngôn, cổ thể, cận thể đều xuất sắc.
Đỗ Phủ trước hết là nhà thơ hiện thực, được mệnh danh là thi sử (sử viết bằng thơ).
Sáng tác của ông thể hiện như một bức tranh toàn cảnh rộng lớn, bao gồm nội dung chiến tranh, đời sống binh lính, cuộc sống người dân thời buổi loạn ly, đặc biệt là số phận người phụ nữ khổ cực trăm bề. Nghiệm sinh sâu sắc trong cuộc sống loạn lạc, Đỗ Phủ chỉ ra mâu thuẫn và sự phi lý của xã hội: trong khi trăm dân điêu đứng thì nhà họ Dương Quý Phi vẫn sống xa hoa (Lệ nhân hành); trong khi ngoài đường trăm dàn đói rét thì nơi lầu son gác tía vẫn sống phè phỡn (Từ Kinh qua Phụng Tiên); và ngay cả khi hành binh rầm rộ vẫn thấy nhớ nhung, đau khổ và nước mắt chia ly (Binh xa hành). Thơ viết về chiến tranh của Đỗ Phủ càng trở nên sắc nét còn bởi những cảm nhận sâu sắc, tinh tế về từng khía cạnh của lòng người, những hồi tưởng ngậm ngùi của thời hậu chiến, khi người lính già trở về nơi cố hương xưa mà ngơ ngác như lạc loài giữa quê hương, xứ sở. Chính cái nhìn đó khiến thơ ông không rơi vào mô tả, kể lể nặng nề mà có chiều sâu tâm lý, tâm trạng, đời sống nội tâm và số phận con người.
Xét trên phương diện tư duy nghệ thuật, Đỗ Phủ ít làm thơ theo lối cổ thể, song hầu hết là những bài nổi tiếng. Còn lại phần lớn là làm theo các thể thất ngôn, ngũ ngôn, cận thể, để các đời sau lấy làm mẫu mực mà học tập. Thơ ông có những câu được người đời sử dụng như một thành ngữ: Nhân sinh thất thập cổ lai hy (Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm - Trên Sông Khúc). Đỗ Phủ là người lao động nghệ thuật nghiêm túc, có ý thức dụng câu chữ trong sáng tạo nghệ thuật, Ngữ bất kinh nhân tử bật hưu (chữ dùng chưa làm cho kinh người thì chết cũng chưa yên).