THIÊN CHÚA GIÁO VỚI VIỆC GIÁO DỤC GIA ĐÌNH
Gia đình là nền tảng của một xã hội, một Quốc gia. Để xây dựng một xã hội văn minh, phát triển và hùng mạnh, cần xây dựng tốt yếu tố cấu thành nên nó là gia đình. Vì vậy, từ cổ chí kim, việc tạo lập một gia đình tốt đẹp đã được đề cập đến nhiều trong pháp luật của các Quốc gia và cả trong tôn giáo chẳng hạn như Khổng giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo. Mặc dù còn nhiều hạn chế về thế giới quan, nhân sinh quan, nhưng các tôn giáo dù dựa trên các học thuyết duy tâm đều muốn con người tránh khỏi sự lầm lạc ở cuộc sống trần gian và thoát khỏi sự trừng phạt ở thế giới bên kia. Vì vậy, những quan điểm hướng thiện của Thiên Chúa giáo cũng như của nhiều tôn giáo khác có yếu tố tích cực, phù hợp với việc xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng và trong một chừng mực nào đó phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thiên Chúa giáo là hình thái ý thức xã hội ra đời và phát triển từ xa xưa. Thiên Chúa giáo ảnh hưởng khá sâu sắc và rộng lớn đến đời sống văn hoá, xã hội, đến tâm lý, đạo đức, lối sống, phong tục tập quán của nhiều dân tộc, Quốc gia trên thế giới. Thiên chúa giáo chứa đựng nội dung phong phú về lịch sử, tư tưởng, đạo đức, văn hoá.
Từ rất sớm, Đạo Thiên chúa đã quy định một hệ thống các luật, lễ nghi rất chi tiết và được thống nhất ở nhiều Quốc gia trên thế giới. Luật lệ lễ nghi Thiên Chúa giáo chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ phong kiến La Mã và hầu như ít có sự thay đổi theo thời gian.
Giáo lý Thiên chúa giáo đã quy định rõ mối quan hệ vợ chồng trong gia đình.
Thiên chúa giáo đã dùng quan hệ vợ chồng làm nguồn gốc nền tảng cho xã hội loài người. Vì vậy, vợ chồng mỗi người theo bổn phận của mình phải sống chứng nhân cho tình yêu. Qua việc làm phép hôn nhân trong nhà thờ, nhờ tính cách Bí tích của hôn nhân, người chồng đã hợp nhất với người vợ trong một giao ước tình yêu, phải thương yêu vợ ''như Chúa Kitô thương yêu Hội Thánh”, nhờ dấu Bi tích, họ thể hiện mối tương giao của Đức Kitô với Giáo Hội (Thông điệp về gia đình của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngày 1 tháng 1 năm 1995).
Luật Đạo Thiên chúa quy định mối quan hệ cư xử vợ chồng trong gia đình rành mạch, có lý có tình, mỗi bên có phận sự riêng. Người chồng phải là chứng nhân của một tình yêu không vị kỷ, quên mình hy sinh cho vợ như Chúa (Jésus Christ) chịu đóng đinh trên thánh giá cho giáo hội. Thể hiện một người chồng tốt, đó là: không ghen ghét chửi rủa những lời nặng nề xấu xa hoặc để cho cha mẹ mình làm khổ vợ. Nếu vợ có lỗi thì chồng được quở trách sửa đổi bằng lời lẽ mà thôi. Chịu khó làm lụng, không chơi bời du đãng, phung phá tiêu pha của cải trong nhà vô ích, để cho vợ con phải đói khát, rách rưới. Phải lo liệu cho vợ giữ lấy Đạo, đó là yêu các phép tắc, đọc Kinh, xem lễ, xưng tội, chịu lễ chính đáng. Trong gia đình có Đạo, khi đứa con chào đời, mọi thành viên rất mừng vì nhận được ơn lành của Thiên Chúa. Người chồng có nghĩa vụ giúp vợ nuôi dạy con cái.
Giáo lý Thiên Chúa giáo đã có một số nét phù hợp với Luật pháp của Nhà nước ta. Luật hôn nhân và gia đình chương III, điều 11 nói: ''Chồng có nghĩa vụ tạo điều kiện cho vợ thực hiện tốt chức năng của người mẹ”.
Người vợ phải dịu hiền, sống hợp nhất với chồng, trao dâng trọn vẹn và không vụ lợi. Người vợ tốt, đó là một người mẹ gương mẫu, cùng chồng nuôi nấng, giáo dục con trở thành nguồn mạch cho mọi tình cha con, mẹ con và sự gắn kết vợ chồng. Vợ phải biết kính nể, vâng lời, chịu lụy chồng trong lẽ phải. Đối với chồng không được khinh rẻ, chửi rủa, cứng cổ, bất trị. Phải coi sóc cửa nhà và làm các việc cho xứng bậc minh phu.
Xã hội Việt Nam từ Cách mạng tháng tám 1945 đã có nhiều bước tiến mới tốt đẹp. người phụ nữ Thiên Chúa giáo đã cùng phụ nữ cả nước góp phần vào sự tiến bộ chung của đất nước. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã đem lại quyền lợi, nghĩa vụ và vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Giáo hội Việt Nam ngày nay đã phần nào nhìn nhận người phụ nữ qua nhãn quan phát triển của xã hội loài người, qua sự phát triển của đất nước ta. Nếu như trước đây người ta cho rằng, phụ nữ chỉ gắn với con cái, gắn với nhà thờ và công việc bếp núc; thì ngày nay, phụ nữ công giáo đã vươn ra tham gia các hoạt động xã hội ở nhiều lĩnh vực và đồng thời, vẫn giữ vị trí quan trọng trong gia đình. Cũng như phụ nữ cả nước, phụ nữ Thiên chúa giáo cần giáo dục con mình từ lúc đầu thai bằng tình cảm, bằng cuộc sống thánh thiện, cho đến khi đứa trẻ sinh ra, lớn lên, bằng sự gương mẫu, hiền dịu và tình thương bao la của người mẹ. Vợ chồng thường gắng sống biết yêu thương, kính nể, giúp đỡ nhau theo gương “Đức bà Maria và Thánh Giuse”, gắng gạt bỏ triệt để quan điểm phong kiến trọng nam khinh nữ xưa kia, như Luật Hôn nhân và Gia đình của Nhà nước ta đã nêu: ''Vợ chồng có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ chung thuỷ với nhau, thương yêu, quý trọng, chăm sóc giúp đỡ nhau tiến bộ, cùng nhau thực hiện sinh đẻ có kế hoạch” (Chương III, điều 10-11).
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng “mong muốn gia đình luôn được phát huy trên cơ sở truyền thống từng dân tộc... phải nhìn nhận sự bình đẳng và khả năng đa dạng của người phụ nữ trong xã hội và giáo hội'' ( Thông điệp về gia đình, 1-1-1995).
Chế độ hôn nhân một vợ một chồng trong Thiên Chúa giáo phù hợp với Luật Hôn nhân và Gia đình của Nhà nước ta, là sự văn minh tiến bộ hơn so với chế độ phong kiến phương Đông xưa và giáo lý của Đạo Hồi là người đàn ông có quyền lấy bốn vợ.
Bên cạnh những quy định về mối quan hệ vợ chồng, giáo lý Thiên Chúa giáo còn quy định mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái trong gia đình. Con cái phải “thảo kính cha mẹ'', đây là điều răn thứ bốn, một trong mười điều răn dạy của Thiên chúa đã được khắc vào bia đá ban cho Maisen, tổ phụ của dân Do Thái. Thảo kính cha mẹ, từ trong ý nghĩ dẫn tới việc làm cụ thể, tức là phải thực hiện đủ bốn việc sau: "Tôn kính bề trong bề ngoài, yêu mến thật lòng, vâng lời chịu lụy, và giúp đỡ phần xác”. Đối với cha mẹ, con cái cần phải nhân đức thương yêu, nhân đức thảo hiếu, kính trọng, yêu mến, vâng lời, phụng dưỡng để đền ơn đáp lại công lao sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ. Thảo kính cha mẹ trong bất cứ hoàn cảnh nào đặc biệt khi cha mẹ lâm nạn, đau ốm.
Những quy định ấy trong giáo lý Thiên Chúa giáo về nghĩa vụ và tình cảm của con đối với cha mẹ đã có nhiều nét phù hợp với chủ trương của Nhà nước ta. Điều 2 và 21 trong Luật Hôn nhân và Gia đình do Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29-12-1986 cũng nêu rõ: ''Con cái có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo của cha mẹ”.
Giáo lý còn nêu rõ: nếu không thảo kính cha mẹ, chẳng những phạm tội nghịch cùng điều răn thứ bốn, mà có khi nghịch với các điều răn khác nữa. Con cái có thể mắc tội trọng (tội nặng), tội nhẹ, hoặc không có tội đối với cha mẹ tuỳ theo từng biểu hiện. Có cả quy định những trường hợp con cái có thể không vâng lời cha mẹ khi cha mẹ làm “sự dữ”.
Cha mẹ phải có nghĩa vụ với con cái, phải thương yêu, nuôi nấng, cho ăn mặc xứng bậc mình, coi sóc, dạy dỗ con biết các lẽ cần trong Đạo, dạy cách làm ăn, lo liệu cho con ở bậc nào cho vừa thánh ý Đức Chúa Trời.
Nếu căm ghét chửi rủa con, hoặc thương yêu chiều chuộng quá lẽ, chẳng sửa lỗi, hoặc làm khốn khổ con quá mức không theo lẽ phải, hoặc chơi bời cờ bạc, rượu chè, tiêu phí của cải, trễ biếng, chẳng dạy dỗ cho con học hành, xem lễ, hoặc những điều phải biết để giữ Đạo Thánh Đức Chúa Trời, chẳng bắt con làm lụng, học tập nghề nghiệp... đều mắc tội cả. Cha mẹ mắc tội trọng hay tội nhẹ là tuỳ từng trường hợp.
Luật Hôn nhân và Gia đình của Nhà nước ta cũng nêu rõ trong chương 1, điều 2: ''Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con thành những công dân có ích cho xã hội”. Chương IV, điều 19 nói: ''Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu nuôi dưỡng giáo dục con, chăm lo việc học tập và sự phát triển lành mạnh của con về thể chất, trí tuệ và đạo đức”, “cha mẹ phải làm gương tốt cho con về mọi mặt và phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục con”. Với tinh thần đó, thiên II Các giới răn phải giữ cũng nêu: ''Người già phải giúp đỡ người trẻ ăn ở cho khôn ngoan xứng đáng, tiện dịp dạy dỗ, khuyên bảo, làm gương sáng”.
Rộng hơn nữa, giáo lý Thiên Chúa giáo còn đề cập tới các mối quan hệ khác trong gia đình như với cha mẹ nuôi, anh chị em, ông bà, cháu chắt, chú bác, cô dì.
Luân lý Thiên Chúa giáo không có gì dị biệt với tiêu chí đạo đức luân lý gia đình cổ truyền Việt Nam về giáo dục gia đình. Những điều răn của Thiên chúa đã trở thành lời nhắc nhở hàng ngày, giúp giáo dân hướng tới sự trong sạch phần hồn, sống tốt đời, đẹp Đạo làm vinh danh cho Thiên Chúa.
Thiên Chúa giáo có nhiều nét phù hợp với Nho giáo về đạo lý làm người. Khổng Tử bậc thầy của Nho giáo cũng chủ trương dùng nhân đức để giáo hoá con người, cải biến xã hội từ loại thành trị. Đối với vấn đề giáo dục gia đình, Mạnh Tử cũng đã từng nói: "Tính thiện của con người được biểu hiện ở bốn đức lớn: nhân, nghĩa, lễ, trí. Nếu biết nuôi dưỡng khuyến khích thiện đoan thì như lửa bắt đầu cháy, suối bắt đầu chảy, mỗi ngày một lớn ra, mạnh thêm. Còn nếu không biết giữ gìn và khuếch sung thiện đoan ấy, để nó mai một đi, sẽ trở nên nhỏ nhen, ti tiện, không khác gì cầm thú, dầu việc thường như thờ cha mẹ cũng không làm được" (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu thượng, tiết 6).
Thật vậy, con người ta nếu không có được tình yêu thương đúng đắn với gia đình, thì cũng không hy vọng gì có được tình yêu đối với đất nước, đồng bào. Đạo đức luân lý Thiên Chúa giáo nhằm xây dựng Nước Trời ngay trên thế gian này. Phật giáo cũng cho rằng Niết bàn không chỉ ở "Thế giới hư vô'' sau khi chết, mà ở ngay thế gian này, nơi mà có những tu hành chân chính, biết “từ bi hỷ xả”, “vô ngã vị tha”, bình đẳng hoà hợp, khoan dung, yêu thương giúp đỡ nhau.
Chúng ta nhận thấy rằng, những mặt đạo đức nhân bản mà các tôn giáo gọi chung là ''điều thiện'' có những điểm tích cực phù hợp với những điều nước ta đang đề cao, giáo dục mọi người: chống ăn gian nói dối, chống ức hiếp bóc lột, chống lười biếng, phải lao động, phải kính trên nhường dưới, phải yêu thương con người, không tham nhũng, công bằng và bác ái, công tâm và ái quốc.
Giáo dục trong gia đình là sự thể hiện một khía cạnh của nền văn hoá một Quốc gia, Thiên Chúa giáo đã có một số đóng góp đáng ghi nhận vào lĩnh vực di sản truyền thống của nhân loại nói chung, trong đó có Việt Nam. Tinh hoa của nền giáo dục gia đình là hành trang tối cần thiết cho mỗi bước đi của bất cứ ai trong cuộc sống cộng đồng.
H.H.T.