DANTE ALIGHIERI (1265-1321)
Dante (Đantê) là đại thi hào nước Italia, sinh ra ở nước Cộng hòa Phlôrăngxơ trong một gia đình dòng dõi quý tộc. Theo gương cha, ông cũng tham gia Đảng Guenph - một Đảng chủ trương thống nhất nước Italia dưới ngọn cờ của Giáo hoàng, đối lập với Đảng Gibơlanh thân Đức. Đương thời, ông vừa học trong nhà trường vừa học thêm tiếng Pháp, tiếng Phlôrăngxơ La tinh. Năm 15 tuổi đã làm thơ trữ tình. Năm 18 tuổi ông gặp lại người quen cũ là Beatrice (Bêatrixơ) và đem lòng say mê cô gái yêu kiều đó. Sau, nàng lấy chồng rồi chết vào năm 1290 để lại vết thương lòng không thể nào hàn gắn đối với nhà thơ, và nàng đã trở thành nguồn thi ca trong suốt đời ông. Sau đó ông dốc sức vào nghiên cứu Thần học và thiên văn học. Vốn là người ham hoạt động chính trị, năm 1300 ông được bầu vào hội đồng thủ lĩnh thành phố gồm sáu vị. Đến năm 1302, ông bị vu cáo ăn hối lộ một khoản tiền lớn nên phải chịu án bị trục xuất khỏi Phlôrăngxơ hai năm, sau nâng án thành suốt đời. Đến ngày 10 tháng 3 năm 1302, ông lại bị xử tử hình vắng mặt trên giàn lửa vì không nộp khoản tiền phạt như tòa tuyên án. Từ đó, Dante phải sống lưu vong ở nhiều thành phố thuộc miền Bắc và Trung Italia. Đến năm 1316, chính quyền Phlốrăngxơ ra điều kiện nếu Dante thừa nhận tội lỗi thì được trở về quê, song ông kiên quyết từ chối. Trong suốt thời gian này ông vẫn tiếp tục sáng tác thơ ca và viết luận văn chính trị. Ông qua đời ngày 4 tháng 9 năm 1321 tại Raven, một thành phố thuộc Bắc Italia.
Các tác phẩm của Dante gồm có: Cuộc sống mới (1292-1293), Bàn về việc sử dụng ngôn ngữ thông tục (1305), Bữa tiệc (1307 - 1308), Căngđônie, Bàn về chế độ quân chủ (1813); và kiệt tác Thần khúc (1813-1818). Chỉ với một Thần khúc, Dante đã được Engels coi là con người khổng lồ, là nhà thơ cuối cùng của thời Trung cổ và nhà thơ đầu tiên của thời đại mới. Bản trường ca Thần khúc được viết bằng tiếng Italia, gồm ba phần, 100 ca khúc và 14.226 câu thơ với hình thức hoàn toàn hư cấu hoang đường. Ở đây tác giả đặt mình ở ngôi người dẫn chuyện, kể chuyện, thuật lại quá trình xuống địa ngục, qua tĩnh thổ tẩy oan và lên chín tầng thiên đường. Thông qua cuộc du ngoạn tượng trưng đó, Dante đã trình bày những quan niệm về niềm tin tôn giáo, triết học, niềm vui và nỗi khổ trần tục cuộc sống thực tại và ý niệm về cõi hư vô... có ý nghĩa tổng kết nhiều phương diện của văn hóa Trung cổ. Mặt khác, thi phẩm cũng hé mở những suy tưởng về cuộc sống trần thế, những khát vọng đời thường, những dấu hiệu của văn hóa - văn học thời đại Phục Hưng.