QUAN HÁN KHANH (1229 - 1307)
TÁC GIẢ KỊCH TRUNG QUỐC THỜI TRUNG ĐẠI
Không rõ tên thật của ông là gì, nguồn gốc xuất thân, gia cảnh và hành trang cuộc đời ra sao; còn tên Quan Hán Khanh có lẽ chỉ là bút danh của ông hoặc do người đời tặng cho ông. Sinh tại vùng Đại Đô (nay thuộc Bắc Kinh) vào khoảng cuối Vương triều Tống (966 -1314) và giai đoạn đầu dưới thời Tống Lý Tông (1225-1272). Thọ gần tới tám mươi tuổi; suốt thời tuổi trẻ và trung niên sung sức nhất của ông là ở vào thời thuộc Tống (1229-1284), đặc biệt là dưới hai triều đại là Tống Độ Tông (1273 - 1278), Tống Đế Bính (1279-1284) đã tới thời mạt vận, bộc lộ những mâu thuẫn và sự phân hóa xã hội sâu sắc và chắc hẳn có ảnh hưởng không nhỏ tới nhân sinh quan sáng tạo của Quan Hán Khanh. Trong khoảng hai mươi năm cuối đời, kể từ ngoài năm mươi tuổi đến khi qua đời (1285-1307), ông sống trọn vẹn dưới triều Nguyên Thế Tổ (1285 - 1314). Từ đây có thể hình dung được phần nào những đặc điểm nội dung và nghệ thuật kịch Quan Hán Khanh – với tất cả bức xúc xã hội đặt ra cuối đời Tống và cả những dự cảm về một đế chế Nguyên hùng mạnh, kể từ khi nó manh nha cho đến khi nắm tất cả thực quyền - trong định hướng nghệ thuật bình dân, hướng tới đề tài dân nghèo, đời sống thị thành và một thái độ yêu ghét rõ ràng.
Về sự nghiệp văn học, theo các nguồn thư tịch cổ trong tổng số 63 vở thì phần nhiều đã bị thất lạc, nay chỉ còn lại 15 vở. Trong số các vở kịch của Quan Hán Khanh nổi bật lên có Đậu Nga oan, Cửu phong trần, Bái Nguyệt đình, Đơn đao hội,…
Một trong những vở kịch xuất sắc còn lại của Quan Hán Khanh là Đậu Nga oan (Nỗi oan của Đậu Nga). Đây là một vở kịch nghiêng về đề tài thế sự, một bi kịch gia đình có nguồn gốc bởi cái ác và nguyên cớ xã hội. Nàng Đậu Nga là con ông đồ nghèo Đậu Thiên Chương, lên năm tuổi đã mồ côi mẹ, bảy tuổi đi làm dâu nuôi cho bà góa họ Thái để cha vào kinh đi thi. Sau nàng lấy con bà Thái nhưng chẳng may chồng chết sớm, nàng thủ tiết thờ chồng nuôi mẹ. Trong vùng có bố con nhà Trương Lư ép buộc mẹ con bà Thái phải lấy chúng. Bằng mọi thủ đoạn chúng hãm hại mẹ con bà Thái nhưng không thành, Trương Lư kiện lên quan huyện. Thương mẹ chồng đau yếu, Đậu Nga bị bức cung phải nhận tội đánh thuốc độc giết cha Trương Lư mà trong thực chất lại do chính Lư bày đặt. Quan huyện Đào Ngột hồ đồ đã cho lính đánh đập và cho xử chém Đậu Nga. Trước khi chết, nàng than oan và ước ba điều: khi chém máu nàng không rơi xuống mà phun lên tấm lụa trắng treo ở cột cờ; bầu trời sẽ sa tuyết phủ lên thi hài nàng, mặc dù đang là giữa mùa Hè; và đất Sở quê nàng sẽ chịu đại hạn ba năm. Trước những điều ứng nghiệm kỳ lạ này, triều đình cho người về thẩm tra. Người đó chính là Đậu Thiên Chương, bấy giờ đã đỗ đạt và giữ chức quan Đề Hình. Oan hồn Đậu Nga đã báo mộng cho cha, vụ án được soi tỏ, những kẻ ác đều bị trị tội, người tốt được minh oan và được đền bù… Đặt trong truyền thống văn học cổ điển, tạp kịch Quan Hán Khanh gần gũi với tư duy phương Đông: cốt kịch rõ ràng, gần với cuộc sống thực; quan niệm “thiện thắng ác” có ý nghĩa luận để trở thành niên tin phổ quát. Yếu tố ngẫu nhiên, linh dị, phương thuật được vận dụng như một lẽ hiển nhiên phù hợp với trình độ và tâm lý tiếp nhận của quần chúng, Lẽ phải, người ngay thẳng sẽ được đền đáp như chính lời nguyện ước: trời sẽ sa tuyết trắng dẫu đang giữa mùa Hè (do đó vở kịch còn có tên là Tuyết giữa mùa Hè) - biểu hiện của tư duy vật sự tương thông thiên - địa - nhân... Đánh giá di sản và những đóng góp chung của Quan Hán Khanh, vào năm 1957, Hội đồng hòa bình Thế giới đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm về ông như một danh nhân văn hóa thế giới.