KINH KORAN
Kinh Koran là một bộ kinh tối thượng Hồi giáo, là căn cứ lập pháp cuối cùng của các Quốc gia Hồi giáo, là bộ “Hiến pháp vĩnh cửu”, đồng thời cũng là chuẩn mực tinh thần, đạo đức, luân lý của các tín đồ Hồi giáo. Bất kể về mặt giáo lý, giáo pháp hay giáo quy, Kinh Koran đều có uy quyền tuyệt đối. Cũng giống như số phận con người, Kinh Koran cũng có số phận của nó, cũng có những bước thăng trầm, ba chìm bảy nổi...
Trong lịch sử văn học Ả Rập, Kinh Koran còn được xem là tác phẩm đồ sộ ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống tinh thần các dân tộc Ả Rập. Đối với các tín đồ Hồi giáo, Kinh Koran được xem là bộ Kinh Thần, Thánh...
Lai lịch Kinh Koran
Từ Koran hay Ku’ran hoặc Qu’ran là dịch âm tiếng Ả Rập nghĩa là tụng niệm, là truyền giảng. Theo truyền thuyết Hồi giáo thì Kinh Koran chính là lời phán truyền của Thánh Allah lưu giữ trên bảy tầng mây, được Thiên thần Capeli truyền đạt cho vị sứ giả cao cả Muhammad do Thánh phái xuống trần gian.
Theo sự đánh giá của các học giả Hồi giáo, Kinh Koran không phải được khải thị trong chỉ có một đêm, mà là được khải thị trong suốt 23 năm truyền giáo của Muhammad, bắt đầu từ năm nhà tiên tri 39 tuổi (tức năm 609) cho tới lúc qua đời (tức 632), căn cứ vào nhu cầu truyền giáo cũng như sự kiện xảy ra lúc bấy giờ. Chương “Hòn máu”, từ tiết 1 đến tiết 5 được khải thị trước tiên: ''Các người hãy tụng niệm vì danh nghĩa Đấng sáng tạo của các người, Đấng sáng tạo đã lấy ''hòn máu'' để tạo ra con người. Các người hãy tụng niệm, Đấng sáng tạo của các người là uy nghi nhất. Chính ngài đã dạy con người viết chữ, dạy họ những điều họ chưa hề hay biết”. Cứ mỗi lần khải thị một tiết hoặc một số tiết có khi khải thị cả một chương. Có chương ngắn, chẳng hạn chương đầu gồm có 7 tiết, nhưng có chương rất dài, chẳng hạn chương 6, chương “Súc vật”, gồm 165 tiết. Cứ sau mỗi lần khải thị, Muhammad lại đem những lời Kinh truyền giảng cho các đệ tử, họ liền ghi chép những lời đó lại hoặc ghi nhớ lại trong lòng rồi đọc lại cho vị sứ giả đó nghe xem có đúng hay không. Kinh Koran lúc này được ghi chép linh tinh, lộn xộn trên da thú, xương bả vai cừu, trên lá cọ hoặc trên vải là những vật liệu mà người Ả Rập dùng để viết chữ lúc bấy giờ.
Sau khi Muhammad qua đời, dưới thời Khalifa, tức người kế nghiệp đầu tiên Abu Bekr, những tín đồ có khả năng đọc thuộc lòng bộ Kinh Koran phần lớn đã hy sinh trong chiến trận, nên có nhiều người lo ngại sợ Kinh sẽ thất truyền. Vì vậy, Abu Bekr đã lệnh cho một số đệ tử của Muhammad còn có khả năng đọc thuộc toàn bộ Kinh Koran thu thập và chỉnh lý lại rồi do đích thân Abu Bekr cất giữ bộ Kinh Koran sau khi đã được chỉnh lý hoàn chỉnh. Đến khi Abu Bekr qua đời, Khalifa thứ hai Omar tiếp tục công việc bảo quản Kinh. Sau khi Omar mất, cuốn Kinh ấy do vợ con ông cất giữ. Đến đời Khalia thứ ba Osman, để tránh tình trạng tam sao thất bản, ông ra lệnh chép lại bộ Kinh Koran do vợ con Osman cất giữ thành 7 bản, phân phát cho các Thành phố Mecca, Yemen, Damask... và huỷ bỏ tất cả những dị bản khác. Bộ Kinh Koran được sao chép theo lệnh của Osman được gọi là bản gốc hoặc bản Osman. Và những bộ Kinh Koran lưu hành trên thế giới hiện nay chính là bản Osman. Chúng ta ngày nay có thể xem Kinh Koran bản Osman là bộ lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa vĩ đại của các dân tộc Ả Rập được ghi chép dưới hình thức thần học.
Nội dung chủ yếu của Kinh Koran
Toàn bộ Kinh Koran gồm 30 quyển, 114 chương, 6236 tiết. Tên các chương trình cũng như thứ tự các tiết trong mỗi chương do đích thân Muhammad sắp xếp. Còn thứ tự các chương thì sắp đặt theo chương dài hay ngắn, chương dài xếp lên trước, chương ngắn để xuống sau. Tuy nhiên, chương mở đầu là trường hợp ngoại lệ, tuy ngắn nhưng lại được xếp lên đầu. Toàn bộ Kinh văn được chia làm hai phần lớn, căn cứ vào thời điềm năm 622, Muhammad từ Thành Mecca rời đến Medina. Phần thứ nhất gồm 81 chương, tổng cộng 4780 tiết, tức là xấp xỉ toàn bộ hai phần ba toàn bộ Kinh văn gọi là các ''chương Mecca'', còn 23 chương, tổng cộng 1456 tiết, ước chiếm một phần ba toàn bộ Kinh văn gọi là các ''chương Medina''.
Đi sâu hơn nữa ta thấy các ''chương tiết Mecca''' và các ''chương tiết Medina'' khác hẳn về nội dung và phong cách.
Các ''chương Mecca'' nói đến thời kỳ Muhammad gian khổ xây dựng tôn giáo mới. Ở đây, các chương tiết phần lớn đều ngắn gọn, sáng sủa, ngôn ngữ sắc sảo khảng khái đầy sức thuyết phục; nội dung chủ yếu đề cập đến các giáo lý Hồi giáo, tuyên bố Thánh Allah là Đấng sáng tạo toàn năng duy nhất, tạo nên Vũ trụ và vạn vật; những tín đồ Đạo Hồi, nếu làm đúng lời dạy của Thánh Allah rồi ra sẽ được báo đáp trên thiên đường, nếu làm ngược tại sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc nơi Địa ngục; mọi người cần gạt bỏ việc sùng bái đa thần giáo, thờ cúng các vật thiêng, cần dốc lòng tin theo Hồi giáo...
Các ''chương Medina'' được khải thị trong thời kỳ Đạo Hồi phát triển thuận lợi. Phần lớn các chương đều rất dài, lập luận ôn hoà, có đưa ra nhiều dẫn chứng. Trong các chương này chủ yếu trình bày các giáo pháp của Đạo Hồi, bên cạnh việc trình bày các nghi lễ thờ cúng, trai giới, triều bái, còn nói đến việc cấm rượu chè, cờ bạc, ăn thịt lợn, thịt các súc vật chết hoặc những đạo luật dân sự và hình sự về các tội giết người, ăn trộm, kết hôn, ly hôn, kế thừa tài sản, phóng thích nô lệ v.v...
Ở đây nhằm mục đích truyền giáo, trong Kinh Koran còn việc dẫn nhiều chuyện thần thoại, truyền thuyết, chuyện lịch sử, cách ngôn, ngạn ngữ của Đạo Do Thái, Đạo Cơ Đốc cũng như của người Ả Rập Cổ đại.
Nhiều Quốc gia Hồi giáo, cho mãi tới tận ngày nay, vẫn còn xem Kinh Koran như là bản Hiến pháp bất hủ của dân tộc mình. Trong đời sống thường ngày, khi tuyên thệ, nhiều người Ả Rập thường có thói quen lấy Kinh Koran ra và nói: ''Đây là Kinh Koran, tôi xin thề...'' hoặc ''Đây là Kinh Koran, tôi xin thề, nếu tôi... xin Thánh Allah hãy khoét mắt tôi!”
Các tín đồ Hồi giáo coi Kinh Koran như một vật linh thiêng, Thần Thánh. Họ xuất bản những cuốn Kinh bé xíu để trong hộp bịt vàng hay bạc hoặc đeo trước ngực để mong gặp những điều may mắn...
Tóm lại, Kinh Koran đã thâm nhập vào cuộc sống con người và trở thành một di sản quý giá của nền văn hoá loài người. Nội dung Kinh Koran vô cùng phong phú, đa dạng. Ngoài những giáo lý, giáo pháp ra còn đề cập đến những vấn đề về các mặt xã hội, chính trị, kình tế, quân sự, văn hoá, luân lý, đạo đức,v.v… Vì vậy Kinh Koran đồng thời cũng là văn kiện quan trọng để nghiên cứu tình hình Bán đảo Ả Rập Cổ đại.
Tác dụng và ảnh hưởng của Kinh Koran
Tác dụng của Kinh Koran, với tư cách là bộ Kinh tối thượng Hồi giáo, bề mặt thống nhất Bán đảo Ả Rập cũng như về mặt truyền báo Đạo Hồi v.v,... có lẽ chẳng cần bàn cãi. Ngoài ra, Kinh Koran còn ảnh hưởng sâu sắc đến ngôn ngữ, văn học và toàn bộ nền văn hoá Hồi giáo.
Về mặt ngôn ngữ, Kinh Koran đã làm cho ngôn ngữ Ả Rập thống nhất và được bảo tồn. Người Ả Rập do sống thành bộ lạc và cư trú ở những vùng khác nhau, vì thế tình hình phương ngôn, thổ ngữ vô cùng phức tạp. Muhammad vốn là người thị tộc Quraish, sau khi Kinh Koran ra đời, ngôn ngữ Ả Rập mà thị tộc Quraish Mecca sử dụng được thừa nhận là ngôn ngữ tiêu chuẩn thông dụng trong tôn giáo, chính trị, văn hoá và đời sống hằng ngày của cả dân tộc Ả Rập. Sau khi Đạo Hồi được xác lập, cùng với sự khuếch trương đối ngoại của các đời Khalifa, sự hình thành Đế quốc Ả Rập cũng như sự truyền bá tôn giáo, ngôn ngữ Ả Rập, ngôn ngữ kinh điển dùng trong Kinh Koran được quy định thành ngôn ngữ chính của các địa phương và các Quốc gia bị chinh phục. Có thể nói, Đạo Hồi truyền bá tới đâu, Kinh Koran và ngôn ngữ Ả Rập cũng được truyền bá tới đó. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu văn hoá giữa các Quốc gia. Đồng thời, Kinh Koran là bộ Kinh được tụng niệm rất rộng rãi, các tin đồ Hồi giáo, đặc biệt là các tín đồ Hồi giáo các Quốc gia Ả Rập, hàng ngày năm lần làm lễ đều phải đọc Kinh Koran. Và trên thực tế, họ xem Kinh Koran như bộ sách giáo khoa, là cuốn sách học tiếng Ả Rập, luôn luôn phải mang theo bên mình. Thành thử ngôn ngữ Ả Rập, thông qua bộ Kinh tối thượng đó, được bảo toàn tới tận ngày nay, trở thành một ngôn ngữ đầy sức sống, không bị phân biệt hoặc trở thành ngôn ngữ tôn giáo chết cứng như một số ngôn ngữ cổ khác.
Ngoài ra, để hiểu thấu triệt Kinh Koran, cần phải đi sâu nghiên cứu, giảng giải, chú thích,... vì thế mà các khoa kinh học Hồi giáo như Kinh chú học, giáo lý học, giáo pháp học, giáo pháp căn nguyên học ra đời từ đó đẩy mạnh việc nghiên cứu triết học và lịch sử Đạo Hồi và Ả Rập. Do đó, ta thấy sự ra đời của Kinh Koran thúc đẩy sự phát triển văn hoá Ả Rập - Hồi giáo.
Về mặt văn hoá, trước khi có Kinh Koran, thơ ca Ả Rập thường chỉ lưu hành dưới hình thức truyền miệng, rất ít khi được ghi chép thành văn. Sau khi Kinh Koran ra đời, các tín đồ Hồi giáo vì muốn hiểu rõ ý nghĩa, nội dung và hình thức diễn đạt của Kinh văn, tất phải đi sâu nghiên cứu ngữ nghĩa, ngữ pháp, tu từ của ngôn ngữ Ả Rập tiêu chuẩn. Ngoài ra, còn một số người ra công thu nhập những bài thơ, truyền thuyết, cách ngôn, ngạn ngữ, sấm ký, v.v… biên soạn thành sách, nhờ đó, cung cấp những cơ sở quý giá cho việc nghiên cứu văn học Ả Rập cổ đại. Ngoài ra, Kinh Koran còn được xem là điển hình về mặt tu từ văn học Ả Rập, cho nên các nhà thơ nhà văn, nhà diễn thuyết sau này đều vận dụng, dẫn chứng, mô phỏng phong cách hành văn của Kinh Koran, từ đó góp phần làm cho nghệ thuật văn xuôi Ả Rập phát triển.
Thêm nữa, nội dung Kinh Koran vô cùng phong phú, chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử, truyền thuyết Hồi giáo, phản ánh sinh động bộ mặt xã hội lúc bấy giờ. Tất thảy những nhân tố đó trở thành nguồn cảm hứng dạt dào cho biết bao thế hệ nhà thơ, nhà văn, họa sĩ...
Kinh Koran không đơn thuần chỉ là bộ kinh của hơn 20 Quốc gia Ả Rập cũng như trên 800 triệu tín đồ Hồi giáo, mà còn là tác phẩm văn hoá đồ sộ, kết tinh tài hoa, trí tuệ, ước mơ của các dân tộc Ả Rập cần cù.
Nói về Kinh Koran, đại thi hào W. Goethe viết: ''Kinh Koran là bộ sách đọc mãi không thấy chán. Cứ mỗi lần đọc lại cảm thấy nó như luôn luôn mới mẻ, cuốn hút con người, làm rung động lòng người, thúc giục con người... Do nội dung cũng như giáo lý đa dạng, lời văn nghiêm túc, lúc hoang đường, lúc trang trọng... bộ kinh này sẽ mãi mãi toát ra một sức mạnh vĩ đại!”.
NCC THẾ TRƯỜNG
(Nhà nghiên cứu - dịch thuật, chuyên gia thực hành về
Yoga của Việt Nam, tác giả của nhiều cuốn sách:
Con đường dẫn tới tài năng số phận – người là ai?)