THI NẠI AM[1]
Về Thi Nại Am chúng ta biết rất ít, sử sách không ghi chép gì về ông. Theo mộ chí và huyện chí (Hưng Hóa, huyện tục chí) thì áng chừng ông sinh vào năm 1296 mất vào năm 1370, tên thật là Nhĩ, tên chữ là Tử An, quê ở Cô Tô (nay thuộc Huyện Hưng Hóa tỉnh Giang Tô) 36 tuổi đỗ Tiến sĩ từng làm quan 2 năm ở huyện Tiền Đường, nhưng chẳng bao lâu bất mãn với thời cuộc, chán cảnh vào luồn, ra cúi; phủi áo về quê, đóng cửa viết văn. Ông viết nhiều bộ truyện như Tùy Đường chí truyện, Tam toại bình yêu truyện; Giang hồ hảo khách truyện (tức Thủy Hử trong đó Thủy Hử là tác phẩm nổi tiếng nhất. Tương truyền rằng mỗi lần viết xong một tác phẩm ông đều đưa cho môn sinh xem lại, và trong việc này La Quán Trung là người có đóng góp nhiều nhất.
Cũng tương truyền, ông có tham gia cuộc khởi nghĩa nông dân cuối Nguyên do Trương Sĩ Thành lãnh đạo và là người được Chu Nguyên Chương (lãnh tụ khởi nghĩa nông dân cuối Nguyên, sau này trở thành Minh Thái Tổ) hết sức quý trọng, từng nhiều lần vời ra làm quan nhưng ông từ chối.
Theo Lỗ Tấn[2] thì tổng cộng có đến 6 bản Thủy Hử chung quy thuộc hai loại: 70 hồi và trên 70 hồi.
Loại 70 hồi thường chỉ khác nhau chút ít ở hồi cuối cùng - hồi 71, do nhà bình luận hoặc người đứng ra khắc in thêm vào, nhưng đều ghi rõ tác giả là Thi Nại Am và đều đừng lại ở thắng lợi của nghĩa quân. Loại trên 70 hồi có nhiều bản, 100 hồi, 115 hồi, 120 hồi, 141 hồi; trong đó 70 hồi đầu giống nhưng hồi sau khác nhau về tình tiết câu chuyện nhưng chung quy đều nói đến quá trình thất bại của nghĩa quân. Có thể thấy, người đời sau đã xuất phát từ những động cơ khác nhau khi viết tiếp truyện Thủy Hử. Lỗ Tấn nói… “Nguyên bản Thủy Hử truyện nay không còn, bộ Thủy Hử lưu hành hiện có hai loại, một loại 70 hồi một loại trên 70 hồi. Loại trên 70 hồi cũng bắt đầu từ truyện Hồng thái uý lạc bước vào điện Ma vương, sau đó 108 người tụ về Lương Sơn Bạc, đánh người, cướp của cuối cùng nhận lệnh chiêu an, được phái đi đánh dẹp giặc Liêu, bình định Điên Hổ, Vương Khánh; bắt được Phương Lạp (lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa nông dân cùng thời) lập công lớn. Cuối cùng triều đình nghi kỵ, bắt Tống Giang uống thuốc độc mà chết, rồi hóa thành Thần. Còn truyện chiêu an là cách nghĩ của người cuối Tấn đầu Nguyên, bởi vì lúc này xã hội loạn lạc, quân lính bức chế nhân dân, những người dân lương thiện thì nhẫn nhục chịu đựng, những người không hòa bình thì ly khai làm giặc. Kẻ làm giặc một mặt chống cự với quân lính, quân lính không thắng nổi họ, một mặt cướp bóc nhân dân, tất nhiên nhân dân thường xuyên bị họ nhũng nhiễu. Nhưng một khi giặc ngoại xâm đến, quân lính không chống cự nổi, nhân dân vốn căm ghét ngoại tộc xâm lược, liền nghĩ đến chuyện dùng bọn giặc cướp đã chiến thắng quân lính để chống quân xâm lược, bởi vậy giặc cướp lúc này là trở thành kẻ hành đạo[3]. Còn như truyện Tống Giang uống thuốc độc tự sát thì lại do người đầu Minh thêm vào. Minh Thái Tổ, sau khi nhất thống thiên hạ đã sinh lòng nghi kỵ công thần, ra tay chém giết, những kẻ giữ được trọn vẹn không nhiều''.
L.D.T - H.A.M