Tài liệu: William Shakespeare (1564 - 1616) nhà thơ, nhà viết kịch Anh vĩ đại

Tài liệu
William Shakespeare (1564 - 1616) nhà thơ, nhà viết kịch Anh vĩ đại

Nội dung

WILLIAM SHAKESPEA (1564 - 1616)

NHÀ THƠ, NHÀ VIẾT KỊCH ANH VĨ ĐẠI

 

William Shakespeare (Sêchxpia) sinh ngày 23 tháng Tư 1564 tại thành phố Strandford on Âyvơn, là con thứ ba của thương gia John Shakerpeare, người từng làm Thị trưởng Strandford. Thuở nhỏ, được tiếp thu nền giáo dục mang tinh thần nhân văn chủ nghĩa và một vốn kiến thức phong phú về văn hóa Cổ đại. Năm 14 tuổi, vì gia cảnh sa sút, ông phải thôi học để kiểm sống. Năm 18 tuổi, lấy vợ là Anna Hathaway (Hathơuây), hơn ông tám tuổi sinh được hai con gái và một con trai nhưng mất sớm. Năm 21 tuổi rời quê hương tới London lập nghiệp. Lúc đầu, xin làm tại đoàn kịch của Hầu tước Xtơgiengiơ và trải qua nhiều công việc: giữ ngựa, nhắc vở, diễn viên. Ông học hỏi được nhiều tri thức về sân khấu, lại có tài năng bẩm sinh, nên ông bắt đầu viết kịch. Năm 30 tuổi, gặp Bá tước Southampton và gia nhập đoàn kịch của Bá tước, trở thành một nhà viết kịch nổi tiếng nhất nước Anh. Tham gia sáng lập nhà hát có mái che đầu tiên ở Anh, mang tên Địa cầu, năm 1599. Năm 48 tuổi, trước cảnh sân khấu càng ngày càng đi vào con đường cung đình hóa, cầu kỳ kiểu cách, ông rời bỏ London trở về quê hương. Bốn năm sau, ông mất tại biệt thự Strandford, đúng vào ngày sinh của mình (23 tháng Tư 1616), thọ 52 tuổi.

Shakespeare là nhà văn vĩ đại của phong trào nhân văn chủ nghĩa ở Anh thế kỷ XVII. Ông sáng tác trên 150 bài thơ xonnê, xuất bản năm 1609 miêu tả tâm trạng tác giả trong khoảng thời gian 15 năm, từ 30 đến 45 tuổi. Đây là thời kỳ huy hoàng nhất trong cuộc đời sáng tạo của ông. Lời thơ thanh thoát, sảng khoải, đầy tính lạc quan. Shakespeare chủ yếu sáng tác kịch, kịch của ông vừa là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, vừa là sự bộc bạch của tâm trạng nhà văn trước hiện thực lịch sử. Các nhà nghiên cứu thường chia cuộc đời sáng tác của ông ra làm ba giai đoạn, thể hiện ba trạng thái tâm hồn của tác giả:

Giai đoạn 1: Trước năm 1600. Kịch Shakespeare diễn tả tinh thần lạc quan, tươi sáng, đầy tính lãng mạn của một tâm hồn trẻ trung, yêu đời. Giai đoạn này, ông chủ yếu viết hài kịch: Hài kịch của những người hiểu lầm (1589), Uổng sức yêu đương (1591), Hai chàng quý tộc ở Vêrôma (1591), Giấc mộng đêm Hè (1594), Chàng thương gia thành Venise (1594), Những bà vợ vui nhộn ở Uynxo (1598), ầm ĩ mà chẳng có gì (1599), Đêm thứ 12 (1600)... Trong giai đoạn này, ngoài hài kịch, ông còn viết nhiều vở kịch lịch sử, phản ánh sự chiến thắng của các lực lượng tiến bộ chống lại tàn tích của thế lực phong kiến, như: Henri VI (1592), Risơt II (1593), Henri V (1599), Vua John (1597)… Còn các vở bi kịch Romeo Juliet (1594) là lời ngợi ca tình yêu chiến thắng lòng thù hận, Juyli Xêza (1599) là sự chuyển tiếp sang một tâm trạng khác.

Giai đoạn 2 (1600-1608): Đây là giai đoạn Shakespeare chủ yếu viết bi kịch. Các vở kịch phản ánh tâm trạng giằng xé, đau đớn của tác giả trước thực trạng lịch sử, khi chủ nghĩa tư bản đã thắng thế là bắt đầu mâu thuẫn với quần chúng, với con người. Bi kịch của Shakespeare thể hiện tinh thần phê phán và phủ nhận quyết liệt thực tế xã hội trong thời kỳ. tích lũy ban đầu của chủ nghĩa tư bản, thời kỳ sản sinh ra những con người tham lam, ích kỷ, vô đạo mâu thuẫn với lý tưởng mang tinh thần nhân văn của Shakespeare có một ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đó là các vở bi kịch kiệt xuất: Hămlét (1601), Vua Lia (1607), Taimơn ở Athènes (1608),  Côriôlan (1609)... đã trở thành bất tử trong kho tàng nghệ thuật thế giới.

Giai đoạn 3 (1609-1612): Kịch của Shakespeare phản ảnh sự ''hòa giải" giữa ông với thực tại xã hội, nhiều vở kịch mang tinh thần phê phán nhưng không căng thẳng, dữ dội như trước. Các nhân vật kịch rời khỏi không khí bạo liệt của đối kháng xã hội, đi vào khung cảnh của thần thoại, lên thơ như Câu chuyện mùa Đông (1611), đi tới những hòn đảo huyền ảo cách biệt với cõi đời như trong Cơn bão (1611)…

Kịch Shakespeare phản ánh sâu sắc những xung đột xã hội của thời kỳ Phục Hưng ở Anh thế kỷ XVI-XVII, cũng như những xung đột trong tâm hồn tác giả. Toàn bộ tác phẩm của ông là lời ngợi ca con người trong tinh thần nhân văn chủ nghĩa.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389417914097028/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận